Vi Phạm Quyền Lao Động Quốc Tế, Việt Nam Khó Vào TPP - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 3, 2014

Vi Phạm Quyền Lao Động Quốc Tế, Việt Nam Khó Vào TPP

Khải Nguyễn: Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) do Hoa Kỳ lãnh đạo hiện đang có hơn một chục quốc gia tham gia đàm phán trong đó bao gồm cả Việt Nam. Hiệp định này yêu cầu các thành viên tham gia phải thông qua và duy trì các quy định về lao động, trong đó có tự do lập hội, trợ cấp đối với các trường hợp thương lượng tập thể và tuyệt đối không khoan nhượng đối với lao động trẻ em và lao động cưỡng bách. Nếu cuộc đàm phán giữ vững các yêu cầu này thì Việt Nam chắc chắn sẽ bị “cấm cửa” gia nhập hiệp định TPP.

Tính chính danh của chế độ độc đảng tại Việt Nam hiện nay có thể nói phần lớn dựa vào các chính sách xóa đói giảm nghèo và hiệu quả kinh tế cao. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ưu tiên rất cao đối với việc gia nhập hiệp định TPP. Vì Trung Quốc bị loại ra khỏi hiệp định này nên Việt Nam có khả năng trở thành quốc gia duy nhất để cung cấp lao động giá rẻ. HSBC ước tính nếu Việt Nam tham gia TPP thì tổng sản phẩm trong nước sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2020. Tuy nhiên, vòng đàm phán mới nhất được tổ chức tại Singapore hồi đầu đầu tháng Ba đã không mang lại nhiều thành công.



Những tập đoàn thương mại có nhiều quyền lực ở Hoa Kỳ, bao gồm cả American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations, Communications Workers of America, International Brotherhood of Teamsters vàInternational Brotherhood of Electrical Workers đã phản đối mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập hiệp định TPP. Các tổ chức của Hoa Kỳ tham gia cuộc đấu tranh chống lại việc này bao gồm Citizens Trade Campaign, United Here vàUnited Students Against Sweatshops.

Những khiếu nại của họ về tiêu chuẩn lao động hạn chế của Việt Nam hiển nhiên có căn cứ. Từ năm 2008 đến nay, chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa chấp nhận để Việt Nam gia nhập vào Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP), một hệ thống ưu đãi thuế quan, chủ yếu vì Hà Nội vi phạm các quyền lao động một cách có hệ thống. Hoa Kỳ cũng duy trì lệnh cấm vận Việt Nam mua bán vũ khí sát thương vì “thành tích” nhân quyền quá tồi hệ cộng thêm các vụ đàn áp bất đồng chính kiến.

Sự bảo vệ về mặt pháp lý của Việt Nam liên quan đến các quyền tự do dân sự hiển nhiên có rất sự mâu thuẫn. Điều 25 trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, ý kiến, báo chí và thông tin. Trên các văn bản pháp luật, các quyền hội họp, lập hội và biểu tình cũng được tôn trọng.

Tuy nhiên, trong rên thực tế thì công dân Việt Nam không có được sự tự do như vậy. Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1948 liên quan đến tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức, có hiệu lực vào ngày 4 tháng 7 năm 1950. Ở Việt Nam hiện nay mọi sự tụ tập từ năm người trở lên buộc phải xin phép chính quyền địa phương. Một nghị định được thông qua hồi năm 2005 cấm bất kỳ cuộc tụ tập nào trước các cơ quan nhà nước, địa điểm hội nghị quốc tế, và cả Quốc hội.

Việt Nam có nhiều tổ chức do chính phủ điều phối (GSOs) nhưng không có các tổ chức phi chính phủ độc lập. Tất cả các GSOs, bao gồm cả tổ chức tôn giáo, phải nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ hoặc được liên kết với nhà nước. Có một vài tổ chức liên tục bị cơ quan an ninh quấy rối chỉ vì họ không nằm trong nhóm các tổ chức do chỉnh phủ kiểm soát.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) là tổ chức công đoàn quốc gia duy nhất trong cả nước. Tất cả các tổ chức công đoàn tại Việt Nam buộc phải liên kết với VGCL, và đây là một trong những phong trào quần chúng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc nhà nước.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn ở cả cấp quốc gia và địa phương được đều phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Những người chỉ trích nói rằng các lãnh đạo này đang được trả lương cao để phục vụ các giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền thay vì bảo vệ người lao động. Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, một chuyên gia về lao động và là người sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động, đã viết trong một bài nghiên cứu hồi năm 2008 rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn.

Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có được sự chấp thuận của VGCL. Tuy nhiên, từ xưa đến nay thì VGCL chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức, hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam xưa nay mang tính tự phát và về mặt lý thuyết thì đều bất hợp pháp. Chính phủ Việt Nam vừa ban hành một nghị định mới đòi hỏi người lao động tham gia các cuộc đình công bất hợp pháp phải bồi thường cho các chủ sở hữu công ty nếu như việc đình công gây ra nhiều tổn thất.

Vượt qua các ranh giới pháp lý, một số tình trạng khắc nghiệt nhất đối với lực lượng lao động phổ biến ở Việt Nam bao gồm các trường hợp lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Những vụ việc này tiếp tục diễn ra bất chấp việc Việt Nam đã phê chuẩn hai công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động trẻ em và trả lương lao động tối thiểu hồi năm 2000 và 2003.

Các tù nhân thường xuyên bị buộc phải lao động vất vả với mức lương rất thấp hoặc thậm chí không có lương. Phần lớn các thực phẩm và hàng hóa mà họ sản xuất có thể được tìm thấy trong các thị trường địa phương. Việc chế biến hạt điều trong điều kiện nhà tù khắc nghiệt trở nên nổi tiếng cho thông lệ lạm dụng lao động.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) báo cáo rằng lao động cưỡng bức đã trở nên quen thuộc trong các trung tâm cai nghiện ma túy tại Việt Nam, nơi mà các tù nhân buộc phải bóc và tách vỏ hạt điều vỏ sáu đến bảy giờ mỗi ngày với mức lương rẻ mạt khoảng 3 USD/tháng. Các tù nhân trong nhiều trại giam khác, bao gồm cả tù nhân lương tâm, cũng bị ép vào công việc chế biến hạt điều. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều giúp nước này kiếm được khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm.

Hiệp hội Communication Workers of America (CWA) đã chỉ trích Việt Nam về việc sử dụng lao động trẻ em từ nhiều năm nay. Trong tài liệu liên quan đến TPP, CWA viết “buôn bán trẻ em từ các cộng đồng nông thôn đến các khu vực đô thị vẫn còn là một vấn đề quan trọng. Theo các thống kê truyền thông, chủ sở hữu nhà máy sản xuất hàng may mặc trả cha mẹ các em số tiền khoảng 50 – 100 USD để gửi con cái của họ lên thành phố làm việc. Chính phủ Hoa Kỳ đã chứng thực kết quả này khi ra phán quyết cuối cùng về việc Việt Nam sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức trong quá trình sản xuất may mặc”.

Pháp luật Việt Nam quy định độ tuổi lao động tối thiểu là 18 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến18 có thể làm việc nếu được phép của cha mẹ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tuy vậy, nguồn lực để thực thi luật của bộ này vẫn còn rất hạn chế, và từ đó mở đường cho việc lạm dụng lao động trẻ em ngày càng phổ biến. Trong khi giáo dục là điều bắt buộc và miễn phí xuyên suốt đến độ tuổi 14, các quan chức chính phủ cũng hiếm khi thực thi yêu cầu bắt buộc đó.

Tương tự như Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 cũng bảo đảm tất cả các quyền cơ bản cho công dân Việt Nam, trong đó bao gồm cả phát triển tiêu chuẩn quốc để bảo vệ người lao động. Nhưng trong thực tế thì hầu hết các công nhân Việt Nam bị lạm dụng và đối mặt với nhiều thiệt thòi từ mức tiền lương thấp, ngày làm việc dài, không trả tiền làm thêm giờ, điều kiện làm việc không lành mạnh, thiếu bảo hiểm và lương hưu. Đây là những lý do dẫn đến tình trạng bất ổn lao động ngày càng tăng cao tại Việt Nam.

Làn sóng đình công xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2005. Người lao động đã đình công 400 lần trong năm 2006, 600 lần trong năm 2007, và 762 lần vào năm 2008. Tần số và cường độ của các cuộc đình công dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng do lạm phát tăng cao bắt đầu từ năm 2009. Đến năm 2011, số vụ đình công đã tăng lên 978 vụ, buộc các công ty – bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may – phải trả lương cho công nhân cao hơn. Tuy nhiên, công nhân nhà máy Việt Nam trung bình phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần nhưng chỉ kiếm được trung bình khoảng 70 USD mỗi tháng.

Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt được nhiều lợi ích từ hiệp định TPP nhờ vào cấu trúc tiền lương thấp và lực lượng lao động trẻ cũng như được đào tạo tốt. Con số này hiện nay lên đến gần 53 triệu người, chiếm khoảng 60% tổng dân số. TPP sẽ mang nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và giúp nước này đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách di chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu và sản xuất sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp hơn.

Các biện pháp bảo hộ lao động khác nhau của TPP khiến hiệp định trở thành một mô hình kiểu mẫu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai trên toàn thế giới. Cho đến khi Việt Nam thực hiện những cải cách quan trọng về luật lao động và tự do dân sự thì nước này không nên được cấp đặc quyền để trở thành thành viên TPP.
Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Khải Nguyễn, Asia Times Online
__________


Khải Nguyễn là cựu chuyên gia nghiên cứu phân tích cao cấp của Ngân hàng Thế giới, cựu giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins và cựu tư vấn viên cho Đài Á Châu Tự do.

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
Vi Phạm Quyền Lao Động Quốc Tế, Việt Nam Khó Vào TPP Reviewed by Unknown on 3/27/2014 Rating: 5 Khải Nguyễn: Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) do Hoa Kỳ lãnh đạo hiện đang có hơn một c...

Không có nhận xét nào: