Người Xứ Bố Sơn - TNCG: Chúng tôi đi qua những tổ máy phát điện gió sừng sững chạy dọc sườn đồi ven đường Quốc lộ 1A với sự quan tâm đặc biệt sau thông tin tỉnh Ninh Thuận chính thức khai tử việc khai thác nguồn năng lượng từ tự nhiên này. Đặt chân xuống Ngã Năm Phan Rang giữa trưa hè nắng nóng, mặt rát với nắng gắt và gió khô. Cơm trưa ven đường chúng tôi ngồi ăn gần hai xe ông xe ôm thân thiện, sau một lát hỏi thăm về hai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thì hai ông xe ôm nói có biết và cứ chắc chắn với chúng tôi rằng có một nhà máy hạt nhân nằm ở Cà Ná. Nhưng sau khi tra cứu internet để được tỏ tường, chúng tôi mới biết nhà máy điện hai ông xe ôm nói tới đó là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân(Tuy Phong – Bình Thuận).
Thiết nghĩ một điều, dân xe ôm là dân thạo tin(bất cứ vùng miền nào) cũng không biết 2 nhà máy điện hạt nhân với tổng vốn 200.000 tỷ đồng được xây dựng ở đâu. Điều này chứng tỏ rằng, đa phần dân chúng ở Ninh Thuận chẳng biết việc đang làm của một nhà nước chuyên hô hào “dân làm chủ”.
Chúng tôi rời Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, lên đường đi tới khu được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II ở xã Vĩnh Hải – huyện Ninh Hải – tỉnh Ninh Thuận(cách thành phố Phan Rang 30km). Một điều phải công nhận là nhân viên xe bus ở Ninh Thuận khá nhiệt tình nên chúng tôi cũng đỡ khổ khi ở nơi lạ nước lạ đường.
Đôi nét về Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là tên gọi chung của chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân I và II đang trong dự án xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân I và II sẽ được khởi công vào tháng 12 năm 2014 và hoàn thành vào năm 2022, phát điện vào cuối năm 2020. Dự án được tiến hành theo kiến nghị của Thủ tướngNguyễn Tấn Dũng dựa trên ước tính thiếu thốn điện năng đến 2020, được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư xây dựng. Về nguồn kinh phí, Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cũng đồng ý cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân. Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.
Địa điểm hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận
Góc nhìn qua báo chí, truyền thông.
Theo báo Vietnamnet và một số báo đưa tin gần đây, Quyết định 906/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW.
Và đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân là khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên nữa trong những năm tiếp theo. Sau Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ là Ninh Thuận 2 với công nghệ từ nước Nga. Và sau công nghệ và đầu tư bởi nước Nga sẽ là từ Nhật Bản.
Hiện nay, dù đã có các văn bản này nọ nhưng dự án điện hạt nhân vẫn chưa thể triển khai được vì nhiều lý do.
Vấn đề tài chính vẫn đang được bàn thảo, chưa ngã ngũ giữa Việt Nam và các nước cho vay. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vay vốn của Nga và phía Nga đồng ý cho Việt Nam đối ứng 20% vốn của dự án, nghĩa là Việt Nam chỉ bỏ ra 20%, còn lại vay từ Nga. Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vay vốn của Nhật Bản và phía Nhật lại yêu cầu Việt Nam đối ứng 30% vốn.
Vấn đề nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân này còn nhiều vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết được.
Góc nhìn của người dân địa phương
Điều hiển nhiên mà ai cũng biết là để thực hiện bất cứ dự án, quy hoạch cơ sở hạ tầng nào cũng cần có đất. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuân II cũng không đi ngoài quy luật đó.
Đất đai thuộc Thôn Thái An được ấn định là nơi thực hiện giải toả đầu tiên của dự án này thuộc xã Vĩnh Hải – huyện Ninh Hải – tỉnh Ninh Thuận. Với gần 900 hộ dân đã có cơ sở vật chất và một nền kinh tế vững vàng từ nho, ớt, tỏi quy mô vừa và nhỏ.
Tổng thể thôn Thái An – Vĩnh Hải – Ninh Hải – Ninh Thuận
Cổng vào Thôn Thái An – xã Vĩnh Hải – huyện Ninh Hải – tỉnh Ninh Thuận
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều bài báo của nhiều báo khác nhau đã đề cập nhiều vấn đề xoay quanh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhưng chưa thấy báo nào đề cập tới việc mâu thuẫn về giá cả đền bù chưa thoả đáng trong dự án này.
Theo một người dân thôn Thái An cho biết: “Giá phía chính quyền tỉnh đưa ra là 120.000VNĐ/m2 thì chúng tôi làm sao chấp nhận được, anh có thể nhìn thấy cơ sở hạ tầng, ruộng nho, vườn ớt, vườn tỏi tươi tốt như thế. Thu nhập lâu nay của chúng tôi rất ổn định, giờ đùng một cái tới đền với giá rẻ mạt như thế thì chúng tôi không thể chịu được”.
Kinh tế hiện tại của người dân Thái An khá vững mạnh vì giá nho tươi Red Cardinal ở Ninh Thuận hiện được bán tại vườn khoảng 40.000- 42.000 đồng/kg (loại 1); 29.000-32.000 đồng/kg (loại thường). Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng hơn 2 lần so với giá bình quân của năm 2013.
Ngoài nho, người dân nơi đây cũng trồng thêm ớt. Sản lượng bình quân đạt 1-1,2 tấn/sào, tương đương từ 20-24 tấn/ha.
Với giá bán từ 23.000 đến 25.000 đồng/kg ớt tươi, nhiều hộ có thu nhập từ 460 đến trên 500 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ớt phơi khô được các thương lái đến tận nhà thu mua xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nên nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Như vậy đủ để kết luận người dân Thái An hiện tại đang có nền kinh tế ổn định và thu nhập cao.
Bà Hoa, chủ một quán ăn đầu thôn Thái An cho hay: “Các ông ở Tỉnh, huyện, xã đã tập trung dân toàn thôn họp 3 lần rồi, lần nào dân cũng bỏ về hết vì giá mà các cấp đưa ra hiện tại là quá thấp so với giá người dân chúng tôi mong muốn là 200.000đồng/m2. Người dân chúng tôi muốn gặp trực tiếp đại biểu từ trung ương xuống để giải quyết vấn đề, chứ dân chúng tôi bây giờ thống nhất không làm việc với xã, huyện, tỉnh nữa. Nếu không thoả thuận được giá cả thì nhất quyết chúng tôi không đi ”.
Người dân địa phương và vấn đề an toàn hạt nhân
Khi được hỏi về vấn đề an toàn hạt nhân, Bà Hoa cùng con gái cho biết thêm: “Dân Thái An chúng tôi là dân có truyền thống cách mạng, trước cha ông chúng tôi đã hy sinh để bảo vệ đất nước, nay chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì sự phát triển chung của đất nước”.
Đề cập tới vấn đề người dân nghĩ gì về nguy hiểm khi có trắc trở với nhà máy điện hạt nhân đi Ninh Thuận II lúc đã đi vào hoạt động như nhà máy Fukushima ở Nhật Bản trong đợt động đất, sóng thần vào tháng 03 năm 2011 gần đây, một người dân ở Thái An cho biết: “Dân Thái An chúng tôi ở đây có biết về việc nhà máy điện hạt nhân sẽ nguy hiểm thế nào nếu có trục trặc xảy ra, vì chúng tôi được quy hoạch tái định cư ở gần ngay cạnh nhà máy điện hạt nhân này. Nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh để chấp nhận rủi ro này vì đất nước Việt Nam”.
Quy hoạch chi tiết tái định cư Khu dân cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II
Nhiều người dân Thái An cho biết thêm rằng: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh làm lại cuộc sống từ đầu ở nơi tái định cư, chúng tôi sẵn sàng đón nhận sự nguy hiểm từ những nguy hiểm, trắc trở khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động. Sự hy sinh của chúng tôi như vậy là quá đủ rồi. Chúng tôi không thể hy sinh để chấp nhận một cái giá đền bù thấp như vậy được”.
Theo dự kiến tháng 12 năm nay, sẽ chính thức khởi công xây dựng nhà máy nhưng tới nay vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn chưa đâu vào đâu khi giá cả vẫn chưa được người dân chấp nhận.
Một vài hình ảnh thực địa tại chỗ khu đất quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II:
Người Xứ Bố Sơn - TNCG
Không có nhận xét nào: