H.Đ: Đó là nhận định của luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội, Trưởng VPLS Vì Dân với phóng viên. Luật sư Triển vừa về nước sau chuyến đi Singapore thu thập thêm chứng cứ liên quan đến vụ án.
Luật sư Trần Đình Triển cho biết, ngay sáng ngày mai (21-4) ông sẽ đến làm việc với Tòa phúc thẩm TAND tối cao để cung cấp thêm một số chứng cứ liên quan mà ông đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có lời khai của ông Goh Hoon Seow (Giám đốc điều hành của Cty Addpower Pte Ltd (Cty AP) – doanh nghiệp bán chiếc ụ nổi tai tiếng 83M cho Vinalines).
Theo luật sư Triển, ông đã gặp ông Goh và đề nghị ông Goh khai về một số vấn đề có liên quan trực tiếp đến giao dịch ụ nổi và việc chuyển khoản tiền “lót tay” 1,666 triệu USD và ông Goh đã lập “Bản khai tuyên thệ trước pháp luật” ký ngày 16/4/2014. Bản khai này được công chứng viên Singapore và Viện pháp luật Singapore xác nhận. Sau đó, được Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Singapore đóng dấu chứng nhận.
Theo bản khai này, ông Goh khẳng định việc thương thảo mua ụ nổi được tiến hành giữa ông Goh và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Trần Hải Sơn (nguyên Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, một bị cáo trong vụ án) là người đứng đầu. “Ông Goh khai số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo Tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổ 83M. Ông Goh cũng khẳng định, chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng (nguyên Chủ tịch Vinalines) và ông Phúc (nguyên Tổng GĐ Vinalines) về khoản tiền 1,666 triệu USD”, luật sư Triển cho biết.
Theo nhận định của luật sư Trần Đình Triển, việc khoản tiền “lót tay” 1,666 triệu USD về Việt Nam sự thật, nhiều bằng chứng thể hiện khoản tiền đó vào tay của Trần Hải Sơn. Theo luật sư, đường đi của khoản tiền đó như thế nào thì cần tiếp tục làm rõ và những vấn đề liên quan sẽ được luật sư trình bày tại phiên tòa phúc thẩm.
Luật sư Triển cũng hé lộ rằng, ông còn một số chứng cứ mới khác, khi công bố tại phiên phúc thẩm sắp tới sẽ có nhiều khả năng tạo diễn biến bất ngờ cho vụ án.
Như PL&XH đã đưa tin, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên hai án tử hình dành cho bị cáo Dương Chí Dũng và bị cáo Mai Văn Phúc. Đồng thời, tuyên buộc mỗi bị cáo này chịu trách nhiệm bồi thường 110 tỷ đồng.
Theo thông tin mới nhất từ Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội thì phía gia đình bị cáo Dũng đã chủ động nộp 4,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, còn gia đình bị cáo Phúc đã nộp 3,5 tỷ đồng. Theo nội dung Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì việc chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả có ý nghĩa đối với việc HĐXX cân nhắc mức án.
Theo một số ý kiến thì nếu bị cáo Dũng và Phúc vẫn không thừa nhận tội “tham ô” như nội dung đơn kháng cáo thì việc khắc phục hậu quả như trên chưa chắc đã có giá trị trong việc cân nhắc giảm án từ tử hình xuống chung thân như theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/HĐTP. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa có tiền lệ nên những người quan tâm đến vụ án chờ đợi diễn biến của phiên xử phúc thẩm sắp tới.
Theo PL& ĐS
Không có nhận xét nào: