Sự Ngạo Mạn Nguy Hiểm Của Bắc Kinh Ở Biển Đông - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 5, 2014

Sự Ngạo Mạn Nguy Hiểm Của Bắc Kinh Ở Biển Đông

Chiến hạm và tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống giàn
khoan HD-981 - REUTERS /Nguyen Minh
Đức Tâm, RFI: Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng bởi những ý đồ bành trướng muốn độc chiếm vùng Biển Đông của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng. Sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu HD -981 một cách trái phép vào vùng thềm lục địa Việt Nam là một minh chứng mới cho thái độ ngạo mạn nước lớn của Trung Quốc với các nước láng giềng.

RFI xin giới thiệu bài viết mang tiêu đề “ Sự Ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông, của tác giả Philip Bowring, một cây viết đã cắm chân ở châu Á từ 39 năm nay chuyên viết về các vấn đề tài chính và chính trị của khu vực, đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 18/5/2014.

Philip Bowring nói rằng sự mặc cảm tự tôn và việc diễn giải có chọn lọc lịch sử Đông Nam Á là những yếu tố nguy hại gây căng thẳng tại Biển Đông.

Cách hành xử hiện nay của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông là hung hăng, ngạo mạn và sặc mùi tư tưởng Đại Hán và tự tôn dân tộc. Thay vì bày tỏ lòng tự hào dân tộc, cách hành xử này gây tiếng xấu cho lòng ái quốc. Những người Hồng Kông yêu nước cần phải nhận diện ra : Đó là một mưu kế nguy hiểm.

Không chỉ nhe răng bành trướng đe dọa Việt Nam và Philippines, mà giờ đây, Bắc Kinh còn đẩy Indonesia từ chỗ có lập trường hành động như trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các quốc gia ở Biển Đông chuyển sang thành kẻ thù. Trong những tháng qua, đã hai lần Indonesia tố cáo Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với một phần quần đảo Natuna. Thật là quá thể đối với cái gọi là « sự trỗi dậy hòa bình » khi người ta gây khó chịu cho các nước láng giềng có tới hơn 400 triệu dân mà người ta khẳng định là yếu kém.

Tất cả những đòi hỏi về biển đảo của Trung Quốc nằm bên trong đường 9 đoạn, rộng hơn 1000 hải lý kể từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam cho tới đảo Borneo của Malaysia, Indonesia và Brunei và bao gồm hầu như toàn bộ vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Đòi hỏi của Trung Quốc chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông, cho dù Trung Quốc (kể cả Đài Loan) chỉ có khoảng 20% bờ biển trong vùng.

Tất cả các đòi hỏi chỉ dựa trên các yếu tố lịch sử, rất thuận tiện cho việc không cần biết đến sự tồn tại của các dân tộc khác và lịch sử hàng hải và buôn bán của họ có từ 2000 năm nay, trước cả khi Trung Quốc đi xuống vùng biển phía nam và xa hơn nữa. Người Indonesia đã tới Châu Phi và thuộc địa Madagascar trước Trịnh Hòa (Zheng He) hơn 500 năm. Ngược lại, các dân tộc ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của Ấn Độ và thế giới Hồi giáo hơn là của Trung Quốc.

Trong trường hợp hiện nay với Việt Nam, về việc đưa giàn khoan vào vùng biển ở phía đông Đà Nẵng, có một vấn đề nhỏ đối với Trung Quốc : Chính quyền Bắc Kinh hiện làm chủ quần đảo Hoàng Sa, gần với nơi đặt giàn khoan hơn là Việt Nam. Tuy nhiên, quần đảo này từ lâu là nơi tranh chấp giữa hai nước, và vụ việc đã được giải quyết với việc Trung Quốc vô cớ đánh chiếm quần đảo này năm 1974.

Thế nhưng, do quần đảo này chưa bao giờ có được một giảp pháp vĩnh viễn, nên khi so sánh với Việt Nam, thì khó có thể nói quần đảo này là trường hợp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Lịch sử cho chúng ta thấy là bờ biển này vốn là trung tâm của một nhà nước Cham buôn bán, mà cách nay 1000 năm, họ đóng vai trò chủ chốt về thương mại trong khu vực.

Lẽ ra, đây phải là một trường hợp thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Malaysia và Thái Lan cũng từ dàn xếp với nhau để quản lý một hòn đảo trong vùng giàu khí đốt nằm giữa hai nước, ở vịnh Thái Lan. Các quốc gia khác – Indonesia, Singapore, Malasyia – đưa các vấn đề sở hữu đảo lên Tòa án Công lý Quốc tế và chấp nhận phán quyết của Tòa. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn không sẵn sàng cho một thỏa hiệp hoặc chấp nhận đưa ra Tòa. Trong khi đó, không thể có việc cùng khai thác, bởi vì Trung Quốc đưa ra điều kiện là các bên phải chấp nhận chủ quyền của họ ở đó.

Trong trường hợp các bãi đá ngoài khơi Philippines, đòi hỏi của Trung Quốc dựa trên một sự pha trộn giữa lịch sử được phóng tác và việc Trung Quốc là nước đầu tiên đưa ra đòi hỏi chủ quyền ; đây là một chứng cứ nghèo nàn, bởi vì Trung Quốc không liên tục hiện diện ở đó, trong khi Philippines đã kế thừa hiệp định được ký kết giữa các cường quốc thực dân phương Tây.

Bãi đá Scarborough nằm cách đảo Luzon khoảng 200 km và cách Trung Quốc khoảng 650 km. Đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền đối với bãi đá Vành Trăng Khuyết (Half Moon Shoal) còn lố bịch hơn. Tại bãi đá này mà Philippines đã bắt giữ các ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt rùa biển khổng lồ, một loài động vật được bảo vệ. Theo phản xạ, Bắc Kinh phản đối. Bãi đá này cách Palawan 110 km và cách Trung Quốc gần 1500 km.

Các đòi hỏi phi lý có từ thời Quốc Dân Đảng và vấn đề không phải là ở chỗ này hay chỗ khác. Không hề có chuyện là các trước đây, các nước đã thỉnh thoảng phải triều cống Bắc Kinh. Đối với các nước buôn bán này, triều cống là một thứ thuế, cái giá phải trả để kinh doanh với Trung Quốc, nhưng không bao hàm vấn đề chủ quyền. Và nếu Trung Quốc thỉnh thoảng hành động như một đế quốc trong vùng, thì điều này chắc chắn gây lo ngại, nhưng không phải là một cơ sở để khẳng định quyền làm chủ đối với một vùng rộng lớn trên biển Mã Lai. Nếu như vậy, thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể nói Ai Cập là của họ và toàn bộ vùng Trung Á là của Nga.

Một nước Trung Hoa phục hưng muốn giương oai sức mạnh của mình và chứng tỏ là ông trùm của khu vực – chính đây là điều mà họ tìm cách thể hiện khi đánh Việt Nam năm 1979 – và nhắc nhở Hoa Kỳ về sự yếu kém của Washington. Thế nhưng, ở đây, cũng có một sự lưỡng lực trong việc đối xử bình đẳng với các nước láng giềng không thuộc tộc Hán, các dân tộc này có lịch sử và văn hóa riêng của họ và ngoại trừ Việt Nam, chưa bao giờ các nước đó chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc.

Lịch sử về sự tự tôn của Trung Quốc, nhất là đối với các tộc có mầu da sẫm hơn, có từ lâu đời. Niềm tin về ưu thế sinh học và sự cần thiết phải bảo vệ và thúc đẩy các đặc trưng di truyền của tộc Hán đã thể hiện mạnh mẽ trong thời kỳ nền Cộng hòa và có được sự cộng hưởng trong công luận cũng như chính sách xã hội của cựu lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu.

Đã từ lâu, tư tưởng này bị bác bỏ ở phương Tây và bị lên án dưới thời Mao Trạch Đông. Như giờ đây, tư tưởng này đang phục hồi ở Trung Hoa lục địa, một vài nhà nghiên cứu cảm thấy khó mà chấp nhận được rằng người hiện đại xuất phát từ Châu Phi và do vậy, Trung Quốc không phải là cội nguồn duy nhất và riêng rẽ của loài người.
Sự Ngạo Mạn Nguy Hiểm Của Bắc Kinh Ở Biển Đông Reviewed by Unknown on 5/26/2014 Rating: 5 Chiến hạm và tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống giàn khoan HD-981 - REUTERS /Nguyen Minh Đức Tâm, RFI: Trong bối cảnh tình hình Biển Đô...

Không có nhận xét nào: