Giáo Phận Vinh: Thăm Viếng Gia Đình Các Nạn Nhân Bị Tai Nạn Tại Thái Lan - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 6, 2014

Giáo Phận Vinh: Thăm Viếng Gia Đình Các Nạn Nhân Bị Tai Nạn Tại Thái Lan

GPVO - Khi nghe tin vụ tai nạn kinh hoàng trên tỉnh lộ 201 Chaiyaphum - Phae, thuộc tỉnh Chaiyaphum ở Đông Bắc Thái Lan, khiến 13 người chết, hầu hết là con cái giáo phận Vinh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục giáo phận rất đau buồn. Hiệp thông, sẻ bằng lời cầu nguyện, sự thăm hỏi động viên người thân trong gia đình các nạn nhân đã được thực hiện ngay sau khi Đức cha Phaolô trở về Tòa giám mục, kết thúc chuyến thăm tại Hoa Kỳ.

Sáng ngày 5.6.2014, cha Bênađô Trần Xuân Thùy, Quản lý Tòa giám mục; cha Phêrô Nguyễn Đoài, Phó giám đốc Tiền chủng viện Xã Đoài; cha Antôn Lê Công Lượng, Phó ban Caritas và xơ Maria Nguyễn Thị Mùi, ban Caritas giáo phận, đã đến thắp hương cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân, đồng thời thăm hỏi động viên thân nhân của họ thuộc giáo xứ Phú Linh, Quan Lãng, Yên Lạc (Nghệ An) và Đông Cường (Hà Tĩnh).

Trước di ảnh của những người quá cố, quý cha đã thắp nén hương và dâng lời nguyện cầu: Nhờ lượng từ bi và nhân hậu của Chúa, xin đoái thương tha thứ mọi lỗi lầm mà anh chị em chúng con đã phạm vì sự yếu đuối của kiếp người, và xin Chúa thương dẫn đưa linh hồn anh chị em chúng con vào cõi trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho những người trông cậy Chúa.

Toàn giáo phận đang sống trong những ngày tang thương. Cảnh tử biệt sinh ly, cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ... thật thảm thiết đau buồn cho các gia đình nạn nhân và mọi người trong giáo phận Vinh.

Ai về vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh vào những ngày hè như năm nay, mới thấy hết cái nắng gay gắt như đổ lửa trên mảnh đất gió Lào và cát trắng này. Hết mùa nắng nóng nực lại sang mùa mưa bão, cứ thế thiên tai “đến hẹn lại về” trên dải đất miền Trung, vì thế "đây là vùng đất nhiều người ít của và chậm phát triển, thiếu hụt trầm trọng công ăn việc làm". Đã thế, mảnh đất này còn hứng chịu nhiều nhân tai, hậu quả của một cơ chế "nặng tính giáo điều và ít sáng tạo"... Vì thế "đại đa số giáo dân giáo phận Vinh sinh sống ở miền quê, thất học và ít cơ hội thăng tiến, vì vậy là thành phần nghèo và thiệt thòi nhất trong xã hội. Thêm vào đó, vì niềm tin Kitô giáo, vô hình trung họ phải gánh chịu thêm một số thiệt thòi và phân biệt đối xử khác". Người dân phải bỏ quê hương xứ sở ra đi để tìm kiếm công ăn việc làm là hệ quả tất yếu của những điều kiện hà khắc đó. Các nạn nhân là những người tuổi đời còn trẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì cuộc mưu sinh mà phải "tha phương cầu thực".

Chúng tôi đến giáo xứ Phú Linh, điểm thăm viếng đầu tiên trong chuyến mục vụ bác ái, thắp hương cầu nguyện cho linh hồn em Phêrô Trần Xuân Quyền. Sinh năm 1998, sau khi tốt nghiệp THCS vào năm 2013, Quyền không thi vào được trường cấp III như mình mong muốn. Học trường dân lập thì không đủ học phí, em đã quyết định nghỉ học để đi làm. Nói chuyện với chúng tôi trong nghẹn ngào nước mắt, mẹ của em Quyền cho biết: "Cũng vì thương bố mẹ nghèo, không đủ kinh phí cho ăn học, cháu quyết định đi Thái Lan với anh làm vài tháng, kiếm tiền về đi học tiếp... Nhưng không ngờ cháu đi rồi đi luôn".



Đúng 10 giờ trưa, chúng tôi đến giáo xứ Quan Lãng thăm gia đình chị Anna Trần Thị Ngọc, thấy một bé gái độ 4 tuổi đang ngồi thu mình bên bờ tường, lối dẫn vào nhà cha mẹ chồng, đó là cháu Trần Khánh Linh, con của chị. "Linh có nhớ mẹ không? Mẹ đi đâu con biết không?..." Linh không nói gì, cháu nhìn xa... không hiểu chuyện gì đang xẩy ra, bởi cái cảm giác thiếu vắng mẹ là chuyện bình thường với Linh, nhưng trong ánh mắt hồn nhiên thơ ngây ấy khiến người lớn chúng ta buồn thật nhiều: Sẽ không còn được gọi tiếng mẹ ơi, sẽ cô đơn, lạc lõng trong những bước đi chập chững vào đời. Can đảm lên con nhé! "Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa/thì hãy còn có Chúa đón nhận con" (Tv 27,10) - Tôi thầm động viên cháu. Sinh năm 1991, chị Anna Trần Thị Ngọc đã lấy chồng được 5 năm và có một cháu gái, hiện đang sống chung với bố mẹ chồng tại giáo họ Hội Phước, giáo xứ Quan Lãng. Ngôi nhà đang xây dở còn phải chờ vào những đồng tiền lao công của chị ở xứ người cùng anh Trần Minh Đông - chồng chị - chung tay góp sức để hoàn thiện.




Cùng có hoàn cảnh tương tự, chị Maria Bùi Thị Hồng Minh, sinh năm 1989, quê ở giáo xứ Kẻ Tùng lấy chồng và sinh sống tại giáo xứ Đông Cường. Gửi 2 con thơ dại cho ông bà nội chăm sóc, chị cùng chồng sang Thái Lan làm việc từ tháng 9 năm 2013. Tai nạn thương tâm đã cướp đi người mẹ của 2 cháu: đứa đầu 4 tuổi, đứa thứ hai 2 tuổi. Ngồi trong lòng tay bà ngoại, 2 đứa trẻ hầu như không biết chuyện gì. Ánh mắt trong sáng hồn nhiên của chúng lúc này phản ảnh một sự bình an như không hề có chuyện gì xẩy ra. Một mai, khi lớn lên, những đứa trẻ thiếu nguồn sữa tình thương của mẹ hẳn sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Mãi mãi không có những kỷ niệm về mẹ, vì "hầu như 2 cháu chỉ sống với ông bà, còn mẹ nó, vì cuộc sống khó khăn phải bươn chải khắp nơi để kiếm tiền nuôi sống gia đình nên ít khi ở nhà. Đứa thứ hai chỉ quen gọi bà mà thôi" - bà nội của 2 cháu nói chuyện với chúng tôi.



Nhìn những cánh đồng trơ trọi với những luống đất nứt nẻ phơi mình dưới cái nắng hè rực lửa như thiêu đốt, mới thấy hết cái thảm thương của người dân miền Trung. Cuộc sống cơ cực là thế nhưng họ vẫn không nỡ khoanh tay ngồi nhìn hay than vãn trước thời cuộc. Đi để hy vọng đổi đời, để tìm một lối thoát cho cảnh nghèo đói là ước vọng của bao người dân nơi đây. Ở một vùng quê như thế (giáo xứ Yên Lạc), mất cha từ năm 2003, Trung - người anh cả trong gia đình có 5 anh chị em - đã phải ra đi tìm kiếm việc làm có tiền giúp đỡ mẹ lo cho các em ăn học. Năm nay anh tròn 25 tuổi, 7 năm sống và làm việc ở Thái Lan, mỗi năm anh chỉ về nhà vào dịp Tết hay lễ quan thầy Antôn. Bỏ lại phía sau bao đau thương nuối tiếc của mẹ và đàn em, gửi lại bạn bè cùng trang lứa những kỷ niệm của tuổi trẻ, chào xứ sở và người thân, Trung đã vĩnh viễn ra đi, nằm sâu trong lòng đất lạnh. Xin Chúa thứ tha cho anh những lỗi lầm mà tuổi xuân trót dại đã sai phạm để anh được nghỉ giấc ngàn thu.



Cỏ cây và cảnh vật hình như cũng khoác lấy một màu ảm đạm, thê lương, tiêu điều, xơ xác, khiến chúng ta nhớ đến câu thơ của Cung oán: "Phong trần đến cả sơn khê/Tang thương đến cả cây kia cỏ này". Trong nỗi đau tử biệt sinh ly, sự chia sẻ của Đức cha Phaolô, của Ban Caritas giáo phận đã phần nào làm vơi đi nỗi buồn của người thân các nạn nhân. "Vui với người vui, khóc với người khóc", sống di ngôn của Thánh Phaolô tông đồ thật ý nghĩa trong hoàn cảnh đau thương này. Và đó cũng là cách sống theo lời dạy của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Gaudium et Spes: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ".

Địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có Cha Giuse Trần Đức Mai, Ban Cariatas giáo phận cùng nhóm tình nguyện viên Caritas hoạt động trong công việc bảo vệ sự sống, thuộc các nhóm Giêrado Hà Tĩnh, Mẹ hằng cứu giúp Nghĩa Yên, Faustina Vinh tới thắp hương cầu nguyện, thăm hỏi và chiabuồn với gia đình các nạn nhân. Mọi người cảm thông sâu sắc với các gia đình nạn nhân đang ngày đêm trông ngóng đợi chờ tin tức, nhất là gia đình có hai em còn may mắn sống sót. Đó là gia đình em Phêrô Nguyễn Văn Anh ở giáo xứ Lộc Thủy và gia đình em Thắng ở giáo xứ Trại Lê.



Sáng ngày 07.06.2014, sau khi dâng lễ tại Nhà nguyện Phòng khám đa khoa Tòa giám mục Xã Đoài, Đức cha Phaolô đã tới thăm anh Nguyễn Hữu Nghị 27 tuổi, thuộc giáo xứ Lưu Mỹ, nạn nhân sống sót trong chuyến xe định mệnh hôm 2/6 tại Thái Lan. Theo bác sĩ cho biết, anh Nghị bị thương nặng, nay chưa tự tiểu tiện được, đôi chân quấn chặt bằng băng chun vì cả hai chân gãy thành nhiều khúc, 2 răng cửa bị gãy và nhiều vết xây xước trên cơ thể. Đức cha cũng thăm hỏi về tình hình hiện nay đối với những anh chị em đã tử thương.


Qua thực tế chúng tôi được biết, hầu hết các nạn nhân và gia đình của họ có hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt như gia đình ông Đặng Văn Tuấn, bố của nạn nhân Maria Đặng Thị Hương (giáo xứ Phương Mỹ thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), là trường hợp đặc biệt khó khăn. Được biết, Hương là con thứ ba trong gia đình có 7 anh chị em nhưng có 3 người (chị cả và 2 em trai) bị dị tật từ nhỏ lại hay đau ốm liên miên. Thế nên mọi chi phí trong nhà, tiền thuốc thang, tiền học hành đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi mà Hương gửi về.

Trước tình cảnh đó chúng tôi thiết tha kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ của mọi người.

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

1. Tòa Giám mục Xã Đoài theo chương mục sau:

Vietcombank Vinh branch, 20 Quang Trung, Tp Vinh

Swift: BFTVVNVX 010

Số tài khoản:

- 0101001025009 (VNĐ)

- 0101371024985 (USD)

Chủ tài khoản: Nguyễn Thái Hợp

2. Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Ban Bác ái giáo phận Vinh, nhà thờ Cầu Rầm, khối 6 phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An. Phone: 0933181654. Số tài khoản520.10.00.000898.9, tên tài khoản: NGUYEN VAN VINH; Ngân hàng Đầu tư Phát triển, chi nhánh Hà Tĩnh.

3. Linh mục Phạm Quang Long, Giám đốc trụ sở giáo phận Vinh, 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đakao, quận 1, TPHCM. Số tài khoản: 037.1.000.414.219, tên tài khoản: PHAM QUANG LONG, Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Tân Định.


Giáo Phận Vinh: Thăm Viếng Gia Đình Các Nạn Nhân Bị Tai Nạn Tại Thái Lan Reviewed by Unknown on 6/08/2014 Rating: 5 GPVO - Khi nghe tin vụ tai nạn kinh hoàng trên tỉnh lộ 201 Chaiyaphum - Phae, thuộc tỉnh Chaiyaphum ở Đông Bắc Thái Lan , khiến 13 người...

Không có nhận xét nào: