"...Như vậy khi Nhật đã quyết định đóng một vai trò chủ động để duy trì hòa bình và công lý trong vùng, nhất là với hậu thuẫn tích cực của Mỹ và nhiều đồng minh khác, thì Trung Quốc không có chọn lựa nào khác hơn là một thái độ biết điều..."
Đối thoại Shangri-La 13 đã là dịp để thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định một lần nữa điều mà ông đã từng tuyên bố tháng 10 năm trước, rằng chính sách đối ngoại của Nhật đã thay đổi và thế giới, nhất là các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sẽ thấy một nước Nhật mới mạnh dạn và quả quyết hơn hẳn nước Nhật mà người ta vẫn biết từ sau Thế Chiến 2.
Nước Nhật đó, theo thủ tướng Abe, sẽ chủ động đóng góp cho hòa bình, tự do, dân chủ và luật pháp quốc tế, khác với chính sách đối ngoại khiêm tốn và dè dặt mà Nhật đã theo đuổi trong gần 70 năm qua. Để chuẩn bị cho vai trò mới này ông Abe nhắc lại rằng Nhật một mặt đã tăng cường liên minh tay ba Mỹ - Nhật – Úc và, mặt khác, đã tăng cường quan hệ hợp tác với Ấn Độ và các nước ASEAN. Năm trước thủ tướng Shinzo Abe đã từng nói, và khiến Trung Quốc phản ứng một cách giận dữ, rằng ông đã thăm viếng tất cả các nước ASEAN, nghĩa là kể cả Việt Nam, và tất cả các nước này đều yêu cầu Nhật đứng đầu một liên minh để bảo vệ các quyền lợi chính đáng trước chính sách bá quyền ngày càng lộ liễu của Bắc Kinh, và Nhật đã chấp nhận. Lần này ông nói thêm rằng ý chí đóng góp một cách chủ động và mạnh mẽ hơn cho hòa bình của Nhật đã được tất cả các nước ASEAN, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp và nhiều nước khác nồng nhiệt ủng hộ. Hòa bình đó, vẫn theo ông Abe, sẽ giúp các nước Châu Á hợp tác để phát triển mạnh mẽ tiềm năng rất lớn của mình. "Châu Á" sẽ đồng nghĩa với "tăng trưởng" và "thành đạt". Khuôn khổ hợp tác sẽ là Khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Nhưng bảo vệ hòa bình chống lại mối nguy nào? Theo cách mà ông Abe mô tả thì rõ ràng là Trung Quốc. Còn khối TPP từ lâu vẫn được hiểu là mở cửa cho tất cả các nước chung quanh Thái Bình Dương trừ Trung Quốc. Bộc trực hơn Shinzo Abe, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói thẳng Trung Quốc đang đe dọa hòa bình trong vùng và Hoa Kỳ sẽ không dung túng. Phát biểu của Nhật và Mỹ đã khiến Trung Quốc bực bội đến nỗi đại diện Trung Quốc, thượng tướng Vương Quán Trung, phải thêm vào bài diễn văn đã soạn sẵn một đoạn để trả lời Mỹ và Nhật. Tuy giận dữ nhưng Trung Quốc đã chỉ phản bác ý kiến cho rằng họ là một đe dọa cho hòa bình mà thôi. Trung Quốc dù đủ sức bắt nạt Việt Nam nhưng còn quá yếu so với liên minh mà ông Abe mô tả và không có lợi gì để gây thêm căng thẳng.
Nước Nhật ngày nay đã có thể khẳng định một vai trò lãnh đạo với khí thế tự tin bởi vì đã hoàn thành một trong những cuộc chuyển hóa lớn nhất trong lịch sử, từ một nước Nhật truyền thống thành một nước Nhật thực sự hiện đại, nghĩa là trong cả cách sống và làm việc. Cuộc cách mạng văn hóa này đã khiến kinh tế Nhật trì trệ trong gần ba mươi năm nhưng đã thành công, Nhật đã ra khỏi khó khăn và bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng lành mạnh mới. Trong khi đó Trung Quốc đang đứng trên bờ một cuộc khủng hoảng lớn và toàn diện. Hơn nữa Trung Quốc còn thua xa Nhật về mọi mặt.
Như vậy khi Nhật đã quyết định đóng một vai trò chủ động để duy trì hòa bình và công lý trong vùng, nhất là với hậu thuẫn tích cực của Mỹ và nhiều đồng minh khác, thì Trung Quốc không có chọn lựa nào khác hơn là một thái độ biết điều. Việt Nam không có lý do gì để sợ Trung Quốc. Chỉ có chế độ cộng sản cần dựa vào Trung Quốc để tồn tại và khiến chúng ta bị chèn ép vô lý.
Ban biên tập Tổ Quốc
Theo: THÔNG LUẬN
Không có nhận xét nào: