Mỹ Cổ Võ Quyền Của Người Khuyết Tật Tại Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 6, 2014

Mỹ Cổ Võ Quyền Của Người Khuyết Tật Tại Việt Nam

Judith Heumann (phải) trong cuộc phỏng vấn với đài
VOA về chuyến đi thăm Việt Nam để cổ võ cho quyền
của người khuyết tật
VOA - 6.6.2014: Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện luật về quyền của người khuyết tật và cho biết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đó cũng là trọng tâm chuyến đi cách đây hơn 1 tháng của cố vấn cao cấp Hoa Kỳ về quyền của người khuyết tật, bà Judith Heumann, sang Việt Nam để thảo luận với đại diện chính phủ và xã hội dân sự về những vấn đề Việt-Mỹ cùng quan tâm liên quan tới quyền lợi của người khuyết tật.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ, bà Heumann cho biết thêm chi tiết:

Bà Judith Heumann: Mục đích chuyến đi của chúng tôi nhằm gặp gỡ xã hội dân sự và giới chức chính phủ để tìm hiểu thực trạng của người khuyết tật tại Việt Nam để bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, giúp cải thiện quyền của người khuyết tật ở Việt Nam.

VOA: Bà ghi nhận ra sao về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam qua tiếp xúc với quan chức nhà nước, giới chuyên môn, và những gì quan sát được từ chuyến đi?

Bà Judith Heumann: Nói chuyện với người khuyết tật tại Việt Nam, tôi thấy rõ rằng xã hội dân sự của những người khuyết tật ở đây đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trước. Nhiều người khuyết tật và thân nhân của họ mong muốn nhà nước nỗ lực hơn nữa mang lại những thay đổi đáng kể thiết yếu để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ trong các lĩnh vực như giáo dục hay việc làm; gỡ bỏ thành kiến kỳ thị trong xã hội đối với người tàn tật; và tháo dỡ những rào cản giới hạn sự tiếp cận của người khuyết tật.

Tôi chia sẻ những quan tâm của người khuyết tật tại Việt Nam trong các vấn đề như nhà nước có đưa ra tiêu chuẩn đòi hỏi các công trình mới phải chú ý đến sự tiếp cận của người khuyết tật, nhưng các tiêu chuẩn ấy không được thực thi hiệu quả. Nhiều đường mới, nhiều cao ốc mới được xây dựng nhưng không tuân theo các tiêu chuẩn đó và người khuyết tật vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng chúng. Không nên để xảy ra chuyện này.

Nếu chính phủ thật sự đưa các tiêu chuẩn này vào thực thi trên toàn quốc thì những rào cản ấy sẽ dần được gỡ bỏ. Chẳng hạn như ở Mỹ trong 4-5 thập niên qua đã có nhiều luật ra đời, bao gồm luật yêu cầu xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn dành cho người tàn tật và điều này đã giúp người tàn tật hòa nhập với xã hội. Chúng tôi cũng đã thảo luận với giới chức Việt Nam về các tác động kinh tế của những rào cản ấy, chúng cản trở người khuyết tật đóng góp tài chính cho quốc gia vì họ có thể đóng thuế và đóng góp cho xã hội nếu họ có cơ hội học hành và làm việc.

VOA:
Theo bà, những thử thách lớn nhất mà người khuyết tật tại Việt Nam phải đương đầu là gì?

Bà Judith Heumann: Người khuyết tật ở thành thị và nông thôn có thể cùng nhau tạo ra những tổ chức xã hội dân sự là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, một trong những vấn đề tôi nêu lên là tầm quan trọng của việc cho phép lập thêm nhiều tổ chức như ở Mỹ gọi là tổ chức phi lợi nhuận. Điều này sẽ tạo cơ hội cho người khuyết tật và thân nhân họ cùng thảo luận các vấn đề, những trở ngại và sự kỳ thị họ gặp phải, đồng thời cũng tăng sức mạnh cho họ.

Người khuyết tật cần hiểu luật lệ dành cho họ thế nào và cần có tiếng nói để thay đổi cách vận hành của chính phủ và đất nước. Cho nên cần phải tổ chức và tạo điều kiện cho tiếng nói của họ được lắng nghe một cách tự do.

Người khuyết tật không muốn bị xem là những người đáng thương hại hay các vật thể y tế. Chúng tôi muốn được xem là những người có thể và rất mong muốn đóng góp cho xã hội nhưng chính những rào cản trong xã hội là những trở ngại.

VOA: Bà ghi nhận ra sao về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, nhà ở, việc làm, và y tế đối chiếu với chính sách và luật của nhà nước trong các lĩnh vực này?

Bà Judith Heumann: Tôi tin là có vài điều luật đã được ban hành nhưng cần phải được thực thi mạnh mẽ hơn. Quyền được quy định trong luật, nhưng có luật tốt mà không thực thi thì thực sự cũng giống như họ không có quyền gì. Chính phủ Việt Nam thừa nhận rằng còn nhiều trẻ khuyết tật chưa tới trường hoặc chưa nhận được nền giáo dục giống như những gì trẻ bình thường có được, ít người khuyến tật theo đến các bậc học cao và rốt cuộc người khuyết tật khó kiếm việc hơn. Một phần nữa khiến người tàn tật khó kiếm việc là thành kiến của những chủ doanh nghiệp ngại thuê mướn người khuyết tật sẽ làm ảnh hưởng tới lợi ích của họ. Cho nên rất cần phải chú tâm hơn trong nỗ lực dỡ bỏ tất cả những rào cản, đó là những việc nhà nước cần phải làm.

VOA: Hoa Kỳ có kế hoạch ra sao giúp cải thiện quyền của người khuyết tật tại Việt Nam và thúc đẩy luật của Việt Nam tuân thủ Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật?

Bà Judith Heumann: Chúng tôi dĩ nhiên đã ngỏ lời muốn chia sẻ thông tin, cùng làm việc với chính phủ và xã hội dân sự Việt Nam để giúp họ thực thi luật về quyền của người khuyết tật hiệu quả hơn cũng như phát triển luật mới nếu cần thiết. Có một số nguồn quỹ của Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAIDS, nhưng vấn đề ở đây không chỉ nằm ở lĩnh vực tài chính. Chúng tôi không tới Việt Nam để nói rằng đây là tất cả ngân quỹ chúng tôi giúp các bạn. Chúng tôi tới để nói rằng chúng tôi muốn tìm cách cùng làm việc với Việt Nam để giúp Việt Nam thăng tiến các công việc họ đang làm hiện nay.

VOA: Xin chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Mỹ Cổ Võ Quyền Của Người Khuyết Tật Tại Việt Nam Reviewed by Unknown on 6/07/2014 Rating: 5 Bà Judith Heumann (phải) trong cuộc phỏng vấn với đài VOA về chuyến đi thăm Việt Nam để cổ võ cho quyền của người khuyết tật VOA - 6...

Không có nhận xét nào: