Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả: Mời Gọi Sống Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 6, 2014

Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả: Mời Gọi Sống Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình

VRNs (24.06.2014) -Sài Gòn- Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả là ba nhân vật được Giáo Hội Công giáo mừng lễ sinh nhật của họ hàng năm, vì sự chào đời của các ngài được xem là một sự kiện quan trọng trong lịch sử cứu độ. Cách riêng, ơn gọi và sứ mạng của ngài cũng rất đặt biệt qua việc được Chúa chọn từ khi còn ở trong bụng mẹ, và giao cho ngài sứ mạng dọn đường cho Chúa Cứu Thế qua việc loan báo trước việc Chúa Giêsu nhập thể, làm phép rửa cho Người. Ngoài ra, Gioan Tẩy Giả còn là người trực tiếp giới thiệu Chúa Giêsu cho muôn dân. Gioan Tẩy Giả đã sống triệt để tinh thần ăn năn sám hối mà ngài đã từng kêu gọi. Sau cùng, Gioan Tẩy Giả đã lấy mạng sống của ngài như một lời chứng hùng hồn cho chân lý mà ngài đã rao giảng. Vì lẽ đó, cái chết của Gioan Tẩy Giả được xem là hình bóng báo trước cái chết của Chúa Giêsu. Trong ngày lễ vọng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta dừng lại ở việc khám phá biến cố chào đời Gioan Tẩy Giả như là một quà tặng đặc biệt cho gia đình và đối với Dân Chúa.

+ Gioan Tẩy Giả được xem là quà tặng của Thiên Chúa cho ông Da-ca-ri-a và bà Elisabét

Để thấy rằng, Gioan Tẩy Giả là một quà tặng đặc biệt cho gia đình của ông bà ông Da-ca-ri-a và bà Êlisabét. Trước hết, thiết nghĩ cần đề cặp đến bối cảnh văn hóa xứ Palestin thời Chúa Giêsu; thời đó, người ta xem con cái là hồng ân Chúa ban. Do đó, gia đình nào càng đông con, thì gia đình đó được xem là một gia đình có phúc. Sách Sáng Thế, có nói đến sau khi Thiên Chúa dựng loài người, Ngài đã chúc phúc cho loài người: “Hãy nảy nở sinh sôi thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất…” (St 1, 28). Trong Thánh Vịnh, Dân Chúa quan niệm rằng: “Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay.” (Tv 127, 3-4). Vì vậy, họ ước mong “được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128, 6).

Ngược lại, gia đình nào mà không có con, bị những người khác xem là gia đình vô phúc. Người đàn bà nào không có khả năng sinh con, bị những người khác nguyền rủa là người bị chúc dữ (x. St. 16, 4). Bản thân người đàn bà đó cảm thấy tủi nhục. Riêng trường hợp của ông Da-ca-ria và bà Elisabét, tưởng chừng như nỗi tủi nhục và đau đớn của bà Elisabét có thể tăng lên gấp bội vì Chúa chẳng đoái hoài đến người công chính: “Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. ”(Lc 1, 6). Tuy nhiên, dù sống trong cảnh tủi nhục nhưng hai ông bà vẫn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Quả là một vấn nạn cho những người sống công chính, nhưng vấn nạn ấy đã có lời giải đáp, khi Thiên Chúa sai sứ thần đến để báo tin trực tiếp cho ông Da-ca-ri-a về việc vợ ông sẽ mang thay trong lúc tuổi đã cao niên. Như vậy, điều đó cũng mang lại niềm an ủi cho những ai sống ngay thẳng trước mặt Chúa, đang phải đối mặt với nhiều gian nan, khốn khó, đau khổ trong cuộc đời, vì Thiên Chúa không hề bỏ rơi họ.

Vì lẽ đó, Gioan Tẩy Giả được xem là quà tặng của Thiên Chúa cho ông Da-ca-ri-a và bà Elisabét. Nhờ quà tặng này mà ông bà đã được cất đi nỗi tủi nhục của họ, và giúp họ thoát khỏi cái nhìn thiếu thiện cảm của người đời đối với hai ông bà.

Thánh sử Luca còn cho biết thêm, Thiên Chúa đã sai sứ thần của Ngài trực tiếp cho ông Da-ca-ri-a phải đặt tên con là Gioan. Đồng thời, Chúa còn mạc khải cho ông biết về ân sủng và sứ mạng mà Thiên Chúa ban cho người con của ông, đó là được tràn đầy Thánh Thần khi còn trong bụng mẹ (Lc 1, 16) và “được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa;” hầu giúp Gioan Tẩy Giả “đi trước mặt Chúa”, sống đẹp lòng Chúa và chu toàn sứ mạng Thiên Chúa đã giao phó.

Việc Chúa cho ông Da-ca-ri-a biết: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống.” (Lc 1, 15). Đây là chi tiết quan trọng có liên quan đến trách nhiệm giáo dục trong vai trò làm cha của ông Da-ca-ri-a, mà Chúa cho ông biết để ông có trách nhiệm đào tạo con của ông là Gioan Tẩy Giả theo cung cách của một ngôn sứ, không cho con trẻ tiếp cận ‘rượu nhạt rượu nồng’ nói riêng, và những gì có thể làm cho vị ngôn sứ bị say. Chi tiết này nhắc nhớ những bậc phụ huynh về trách nhiệm giáo dục con cái, trong việc gìn giữ chúng tránh xa những thói hư tật xấu, kể cả tránh những môi trường xấu làm ảnh hưởng đến lối sống của con cái; đồng thời phát hiện thánh ý Chúa trên con cái, cũng như các năng khiếu để đào tạo chúng có cơ hội phát triển tối đa những khả năng Chúa ban, hầu nên người hữu ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Như vậy, việc thiếu quan tâm trong việc giáo dục và rèn luyện con cái để chúng nên người là một hành vi thiếu trách nhiệm trước mặt Chúa.

Ngày nay, tệ nạn xã hội lan tràn, các môi trường xấu con em dễ tiếp cận, nếu phụ huynh lo chu cấp về mặt kinh tế không thì chưa đủ, cũng không thể phó thác cho việc giáo dục ở học đường, mà còn phải quan tâm đến việc uốn nắn con cái về cách lối sống ngay tại gia đình.

Bên cạnh đó, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông Da-ca-ri-a biết, chính Ngài sẽ giao phó cho Gioan sứ mạng rất đặc biệt, đó là, “Em sẽ đưa nhiều con cái Ítraen về với Ðức Chúa là Thiên Chúa của họ. (17) Ðược đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” (Lc 1, 16-17). Hầu để ông tôn trọng thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của Gioan con của ông. Đồng thời, Chúa muốn ông có trách nhiệm trong việc hướng dẫn con của ông đi theo đường lối Thiên Chúa; chứ ông không có quyền định đoạt thiên ý trên cuộc đời của con ông; và không có quyền bắt nó chọn nghề nghiệp mà sao lãng sứ mạng của Chúa. Điều này cho thấy, việc tôn trọng thánh ý Chúa trên cuộc đời của con cái, nhất là về ơn thiên triệu của chúng, cũng là điều Chúa mong muốn nơi các phụ huynh.

Có lẽ không ít quý vị phụ huynh đã băn khoăn về việc làm sao biết được thánh ý Chúa trên cuộc đời của con mình, trong khi đó có những phụ huynh lại tiếm quyền của Thiên Chúa để áp đặt con cái mình đi theo ý riêng của mình. Điều đó đã gây nên sự khủng hoảng trong lý tưởng sống nơi không ít những người trẻ.

Lý tưởng sống tác động trên nghề nghiệp. Do đó, các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện cho con cái mình ưu tiên trong việc cho lựa lý tưởng sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa dành cho mỗi người, và phải đặt việc chọn lựa lý tưởng sống lên trên việc chọn lựa nghề nghiệp. Ngược lại, nếu phụ huynh xem việc chon lựa nghề nghiệp cho con cái trên cả việc giúp chúng chọn một lý tưởng sống, thì nguy cơ khủng hoảng về lý tưởng sống rất cao.

Điều đáng tiếc là có những phụ huynh đã áp lực trên con cái trong việc chọn việc nào kiếm được nhiều tiền, làm cách nào để có được địa vị cao trong xã hội lên hàng đầu, còn lý tưởng sống của con cái thế nào thì không quan tâm đến. Điều này dễ dẫn đến việc sống không lý tưởng, hoặc điều này có thể dẫn đến người trẻ có cái nhìn sai lệch trong việc hành xử: hễ ai có địa vị trong xã hội, ai giàu, ai làm ra tiền, ai có nhà lầu, xe hơi, thì trọng vọng, nhưng lại khinh miệt những người nghèo khổ, nhưng người lao động chân tay.

Xưa, Chúa đã mạc khải thánh ý Chúa cho ông Da-ca-ria để ông tôn trọng ý định của Chúa trên Gioan Tẩy Giả đang lúc ông cầu nguyện. Điều đó cho thấy, việc cầu nguyện, gặp gỡ Chúa để nhận biết thánh ý Chúa trên con cái mình là điều rất quan trọng. Việc này không hề xưa.

+Gioan Tẩy Giả được xem là quà tặng của Thiên Chúa cho Dân Chúa

Qua việc Thiên Chúa mạc khải cho ông Da-ca-ri-a về Gioan: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời … Ðược đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch.” (Lc 1, 15-17), chúng ta nhận ra rằng, Gioan Tẩy Giả chỉ là quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa không chỉ cho hai ông bà Da-ca-ri-a, mà còn cho cả dân Chúa.

Gioan Tẩy Giả được Chúa sai đến với dân với tư cách là một vị ngôn sứ. các tác giả Tin Mừng thuật lại, dân chúng đã xem Gioan là vị ngôn sứ được Chúa gởi đến. Khi Gioan xuất hiện trước công chúng và bắt đầu sứ mạng rao giảng trước công chúng. Có rất nhiều người đủ mọi thành phần trong xã hội đã kéo đến để nghe Gioan rao giảng; họ đã được biến đổi và xin Gioan lãnh nhận nghi thức thánh tẩy để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối.

Trong số những người đến xin Gioan làm phép rửa, có cả Chúa Giêsu. Nhân cơ hội này, Gioan đã trực tiếp giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai cho dân chúng biết. Những lời giới thiệu rất có thế giá của Gioan về Chúa Giêsu đã được dân chúng khi ấy đón nhận, mà còn được nhiều người khắp nơi đón nhận và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Hơn nữa, sứ điệp mà Gioan Tẩy Giả kêu gọi người ta ‘ăn năn sám hối’luôn là sứ điệp mang tính thời sự cho con người mọi thời. Điều đó cho thấy, Gioan quả là quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa cho nhân loại.

Ngoài Gioan ra, trong suốt chiều dài lịch sử Chúa vẫn luôn gởi những sứ giả của Ngài để hướng dẫn, dạy dỗ, cảnh tỉnh dân. Và Chúa cũng ban cho những người khác với sứ mệnh lãnh đạo dân với tứ cách là những lãnh đạo của các quốc gia, các cộng đoàn, các bậc phụ huynh. Hơn nữa, Chúa cũng ban cho nhân loại những nhà khoa học để sáng chế, phát minh ra những máy móc phương tiện, kỹ thuật tiên tiến, kể cả những nông dân, những công nhân làm vệ sinh công cộng… Mỗi người đều có một vai trò quan trọng trọng xã hội. Họ cũng được xem là những quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.

Trong chiều hướng này, mỗi đứa bé chào đời là là quà tặng của Thiên Chúa cho gia đình, cho quốc gia và cho thế giới. Mọi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành những nhà lãnh đạo tài năng của thế giới, những nhà khoa học cống hiến những công trình vĩ đại cho nhân loại, hay dù là những nông dân chân lắm tay bùn, những công nhân lao động vất cả…cũng đều có những đóng góp nhất định cho cộng đồng. Do đó, chúng ta hãy trân trọng các thai nhi, vì đó là là tặng vô giá của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Hơn nữa, mọi đứa trẻ đều quyền được yêu, được tôn trọng, được giáo dục và có quyền sống xứng với phẩm giá con người. Đó là quyền bất khả xâm phạm.

Việc mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả rất có ý nghĩa trong bối cảnh tân phúc âm hóa trong đời sống gia đình. Vì việc tôn trọng sự sống, xem mầm sống mới là quà tặng của Thiên Chúa, quan tâm, yêu thương, chu toàn bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình, đó là những việc cụ thể và quan trọng của việc phúc âm hóa khởi đi từ đời sống gia đình. Hơn nữa, mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả cũng thật là ý nghĩa cho mọi người, trong bối cảnh nạn phá thai lan tràn, vì đó là một lời mời gọi mọi bậc phụ huynh xem con cái là hồng ân của Chúa ban cho gia đình và động đồng nhân loại, và cũng là lời kêu gọi tôn trọng quyền sống của các thai nhi, đó là quyền bất khả xâm phạm.

Thánh Gioan Tẩy Giả được Chúa ban đầy Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, để đi trước mặt Chúa và để dọn đường cho Chúa qua việc kêu gọi người ta ăn năn sám hối, và trực tiếp giới thiệu Chúa Giêsu cho muôn dân. Sau cùng, Gioan Tẩy Giả đã lấy mạng sống của mình làm chứng cho chân lý.

Là Kitô hữu, chúng ta cũng được lãnh nhận Thần Khí và sứ mạng ngôn sứ như Chúa đã từng ban cho Gioan. Vậy chúng ta hãy để cho Chúa chất vấn chúng ta về việc thi hành sứ mạng Chúa giao như thế nào? Chúng ta có sống như người đang đi trước mặt Thiên Chúa? Và chúng ta đã sống triệt để sứ mạng Chúa giao phó chưa?

Vominh
Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả: Mời Gọi Sống Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình Reviewed by Unknown on 6/24/2014 Rating: 5 VRNs (24.06.2014) -Sài Gòn- Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả là ba nhân vật được Giáo Hội Công giáo mừng lễ sinh nhật của họ...

Không có nhận xét nào: