Kiểm Duyệt Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 7, 2014

Kiểm Duyệt Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam

Saadia Gardezi - IDG Connect
Tháng 7, 2014

Lịch sử cho thấy là vũ khí tốt nhất để đấu tranh cho tự do là thông tin. Những phương tiện truyền thông cổ điển được sử dụng để thách thức nhà nước, nhưng đã bị tước đoạt một cách dễ dàng. Bây giờ, truyền thông xã hội cũng đang phải đối diện với những tấn công tương tự tại những nước như Trung Quốc, Việt Nam, Cambodia và Thái Lan, tất cả đều cố gắng giám sát và kiểm duyệt những trang mạng như Facebook và Twitter.

Thực vậy, ngày nay thay vì đoàn kết trong hòa bình, hợp tác quân sự và kinh tế, viễn ảnh của một cộng đồng ASEAN, thì các nước lại đoàn kết trong việc giám sát ngành truyền thông bằng những quy luật nặng nề. Đặc biệt là ở Việt Nam, nhiều trang mạng đã bị ngăn chặn, bao gồm những trang mạng của các đảng phái chính trị tại hải ngoại, những tổ chức quốc tế về nhân quyền, những tài liệu chính trị hay tôn giáo có thể phương hại tới Đảng Cộng Sản.

Những quy định này thường được gọi là "bức tường lửa tre". Nhưng những tiến bộ về kỹ thuật đã thường xuyên làm giảm thiểu sự hữu hiệu của kiểm duyệt. Tại Việt Nam, trách nhiệm quản lý truyền thông thuộc hai bộ, tùy thuộc bản chất của vấn đề. Bộ Văn Hóa và Thông Tin chuyên về những nội dung có tính chất khiêu dâm, mê tín dị đoan, hoặc bạo lực. Bộ Công An giám sát những nội dung có tính cách chính trị.

Những bài viết mới đây đã gọi sự kiểm duyệt truyền thông bằng từ ngữ "độc tài mềm". Tại Việt Nam, có những chứng cớ cho thấy rằng chính sách, hơn là cá nhân và phe nhóm, điều hướng chính trị thượng tầng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì vậy những cải tổ thường không được mạch lạc và rõ ràng. Đó là bởi vì những người lãnh đạo của Đảng không có được sự đồng lòng của tập thể những người có quyền lực chính trị và kinh doanh và sử dụng báo chí để kiềm chế những tiếng nói ngày một gia tăng trong hệ thống chính trị.

Sự kiềm chế này trở nên khó giữ vững với những vụ bê bối chính trị và tham nhũng ngày một gia tăng. Với tình trạng bán dân chủ trong truyền thông ở Việt Nam, việc kiểm duyệt là một sự giằng co giữa thế lực bảo thủ, nghị trình của phe cải cách, và sự tự do của xã hội dân sự.

Việc kiểm duyệt internet tại Đông Nam Á là một dấu hiệu đáng buồn của sự thụt lùi của dân chủ, với việc những người cầm quyền hăm dọa truy tố trước pháp luật những người lên tiếng phê phán.

Truyền thông dòng chính ở Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ và những mạng xã hội thường xuyên bị ngăn chặn. Các bloggers thường bị truy tố và lãnh án tù.

Biện pháp kiểm duyệt gây nhiều tranh cãi nhất là Nghị Định 72 về việc "Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng", được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15 tháng 7 năm 2013. Nghị định cấm chia sẻ các bản tin giữa các trang mạng xã hội. Nghị định cũng có một số điều khoản mơ hồ. Điều 20.4 quy định những trang mạng thông tin cá nhân không được phép cung cấp những thông tin tổng hợp mà không định nghĩa "tin tổng hợp là gì".

Căn bản là công chúng không thể loan truyền và chia sẻ những quan điểm chính trị vì đó là hành vi phạm tội. Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Lê Nam Thắng tuyên bố: "Những trang mạng cá nhân chỉ được quyền cung cấp những thông tin cá nhân, và cấm không được lấy tin tức từ những cơ quan truyền thông và sử dụng như là tin của mình."

Chính phủ Việt Nam đã bị các tổ chức nhân quyền như tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, chỉ trích nặng nề. Lý do là những luật lệ trên cho phép chính quyền tùy tiện truy tố những người mà chính quyền thấy có vấn đề. Chính phủ Việt Nam đã bác bỏ những chỉ trích. Họ nói rằng mục đích chính của nghị định la để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền của những cơ quan báo chí bằng cách ngăn chặn chia sẻ tin tức.

Có sự mờ ám về phương hướng của chính quyền. Sự mờ ám này không chỉ ở trong ngôn từ của chính nghị định mà còn ở trong một số ví dụ điển hình mới đây. Cho tới gần đây, báo chí Việt Nam chỉ đăng nguyên văn những thông tin chính thức của Trung Quốc. Nhưng với sự tranh chấp chưa lối thoát giữa Việt Nam và Trung Quốc về giàn khoan dầu, nhà nước đã thay đổi thái độ nhũn nhặn trước đây với Trung Quốc. Thực tế là chính phủ lên tiếng phản đối những đòi hỏi của Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Vào ngày 4 tháng 6 nhân dịp kỷ niệm biến cố Thiên An Môn, những người theo dõi internet đã truy cập được dữ kiện về các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, những bài viết này bị lấy ngay ra khỏi các trang web truyền thông của chính quyền mặc dầu nhà nước phủ nhận có nhúng tay vào vụ này. Lại lần nữa chính quyền dường như đang lưỡng lự: dằn xé giữa ước muốn tiến bộ và tự lập, và tư tưởng bảo thủ của sự trung thành và nhà nước kiểm soát thông tin.

Chính phủ Việt Nam đang chơi trò đu dây. Họ phải cân bằng tinh thần chống Trung Quốc trong truyền thông và trong dân chúng mà không để xảy ra một cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Những cuộc bạo động mới dây tại các tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh và sự di tản của hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã bị Trung Quốc lên án. Đối với nhà cầm quyền Việt Nam, tình hình rất phức tạp. Rõ ràng là chỉ 5 năm trước đây, ngày kỷ niệm biến cố Thiên An Môn không phải là cái gì mà truyền thông Việt Nam đăng tải. Tình hình bây giờ đang thay đổi.

Việc bắt giữ các bloggers mới đây chỉ làm mọi người tức giận thêm, và có thể tạo thêm những tiếng nói chống đối mới trên mạng. Tuy nhiên nhiều tiếng nói chống đối vẫn còn lạc quan về internet. Khi một blogger bị bỏ tù, tiếng nói đối kháng không yên lặng. Nhờ có internet, mọi người biết được việc gì đang xảy ra và tại sao. Thêm nữa, như nhà báo Ngô Nhật Đăng nói: "Bạn biết là khi bạn bị bắt, có cả một mạng lưới nhân sự lo toan cho gia đình bạn, thăm nuôi bạn trong tù, và khiến cho người ta cảm nhận được sự yêu thương, bớt sợ hãi."

Internet chỉ mới được thiết lập tại Việt Nam từ thập niên 1990 vì trước đó chính phủ Việt Nam không cho phép. Ngăn chặn và sàng lọc nội dung từ lâu đã là một phần của việc quản lý internet tại Việt Nam. Nhưng sự bộc phát của truyền thông xã hội và được người dân dùng nó như một công cụ để nối kết và tổ chức là điều không ai ngờ đến. Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do hội họp. Tuy nhiên, luật lệ về an ninh quốc gia và những quy định khác đã giảm thiểu hoặc triệt tiêu những bảo đảm trên đối với người dân.
Kiểm Duyệt Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam Reviewed by Unknown on 7/25/2014 Rating: 5 Saadia Gardezi - IDG Connect Tháng 7, 2014 Lịch sử cho thấy là vũ khí tốt nhất để đấu tranh cho tự do là thông tin. Những phương tiện...

Không có nhận xét nào: