Người dân thủ đô Seoul háo hức chào đón ĐTC |
Khoảng một triệu tín đồ sẽ tham dự thánh lễ phong chân phước cho 124 thánh tử đạo tổ chức ngoài trời ở quảng trường Gwanghwamun, thủ đô Seoul sẽ cao điểm của chuyến thăm viếng 7 ngày của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Hàn Quốc.
Đây là lần thứ ba, Hàn Quốc tiếp đón lãnh đạo Giáo Hội Hoàn Vũ sau chuyến tông du của Giáo Hoàng Gioan Phao lồ đệ nhị năm 1984 và 1989. So với Philippines và Việt Nam thì Giáo hội Hàn Quốc đứng hàng thứ ba. Hàn Quốc là nơi các tôn giáo khác nhau cùng sinh hoạt và phát triển hài hòa.
Tín đồ Thiên chúa giáo, gồm Công giáo và Tin lành lên đến 40% dân số tại một quốc gia có truyền thống Phật giáo và Nho giáo
Điểm đặc biệt, đạo Thiên Chúa du nhập vào bán đảo Triều Tiên từ năm 1784, nhờ các nhà trí thức, học giả thế tục ở miền bắc 50 năm trước khi các giáo sĩ người Pháp đầu tiên đặt chân đến.
Tại Hàn Quốc, ít nhất 20% dân biểu Quốc hội là tín đồ Công giáo. Trong 6 vị Tổng thống do dân bầu lên, ba người theo Công giáo là Kim Dae Jung, Roh Moo Hyun và đương kim Tổng thống Park Geun Hye (Phác Cận Huệ).
Cố chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành cũng được rửa tội vào thời niên thiếu nhưng khi nắm được quyền lực thì đổi khác quay lại đàn áp đạo của mình.
Theo hãng tin AFP, 15 năm sau chuyến viếng thăm cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị, Đức Giáo Hoàng Phanxico chọn Hàn Quốc trong chuyến đi châu Á đầu tiên trước khi sang Philippines và Sri Lanka vào đầu năm 2015. Tuy Tòa thánh Vatican không nói ra nhưng châu Á được xem là « không gian chiến lược » ưu tiên số một của Giáo Hội.
Vì sao Tòa Thánh kỳ vọng vào các Giáo Hội ở châu Á ?
Theo chuyên gia Don Baker, giám đốc nghiên cứu về Triều Tiên, đại học Colombia, Canada, đa số dân đô thị mới từ làng quê lên tỉnh cần một điểm tựa tinh thần và họ tìm thấy nhà thờ là nơi nương tựa đáng tin cậy nhất. Nhưng chính thái độ dấn thân của Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn trong giai đoạn tranh đấu chống chế độ độc tài quân sự trong hai thập niên 1970 và 1980 đã thu hút niềm tin của người dân Hàn Quốc.
Giáo Hội hoạt động như là Giáo Hội của Đại Hàn và hàng giáo phẩm lãnh đạo, linh mục chăm lo công việc thiết thực của người dân Đại Hàn.
Lớn lên tại Nam Mỹ, nơi còn nhiều bất công, Đức Giáo Hoàn Phanxicô đồng cảm với người châu Á, thông điệp của Ngài sẽ nói lên những gì thiết thực nhất : đây là nhận định của Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, giám đốc truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
Để tìm hiểu thêm ý nghĩa chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng và những kỳ vọng vào giới trẻ Á châu, RFI đặt câu hỏi với Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh. Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn :
" Thông điệp của Đức Giáo Hoàng gửi tuổi trẻ Á châu là phải trỗi dậy và tươi sáng. Ngài mời gọi các bạn trẻ phải đối diện với sự thật của quốc gia mình, với những khó khăn, đối diện với đau khổ và phải đối diện với việc tử đạo nếu có để mưu cầu hòa bình cho hai miền nam bắc Triều Tiên …
... đối với lời mời gọi này, các bạn trẻ Việt Nam cũng cần các lãnh đạo tôn giáo của họ truyền cho ngọn lửa hy vọng vì chính họ cũng muốn thoát ra tình trạng u ám … nhưng họ không thể tự mình có thể thoát ra được nếu không được những người lãnh đạo khuyến khích nâng đỡ …
Đức Giáo Hoàng cũng không muốn các bạn trẻ chỉ loay quay với đức tin của mình mà còn phải đem lại niềm hy vọng cho mọi người vì ngài xác tín rằng trong cái đau khổ các bạn đang gặp phải thì những người trẻ khác , người dân khác trong một nước, hay trong cùng châu lục cũng đang đối diện
… khi bạn có niềm vui giải thoát thì bạn phải công bố vì làm như vậy là bạn kiến tạo hòa bình…và bạn phải can đảm làm điều đó dù có bị bách hại …"
Không có nhận xét nào: