Nhân Chuyện Về Ngày Qua Đời Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
31 tháng 8, 2014

Nhân Chuyện Về Ngày Qua Đời Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Khoảnh khắc Hồ Chí Minh từ trần ( Ảnh lấy từ VnExpress)
Gs Nguyễn Văn Tuấn: Đọc bài “Vì sao 20 năm mới công bố ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1), phải đến câu cuối mới biết lí do, và lí do thì không đọc bài ai cũng biết! Ông Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969, nhưng Bộ Chính trị đảng CSVN thì công bố ngày 3/9/1969 vì họ nghĩ ngày 2/9 là ngày Quốc khánh, ngày vui, nên không công bố đúng ngày ông qua đời . Mãi đến năm 1989 Bộ Chính trị mới công bố lại ngày qua đời là 2/9/1969.

Thật ra, đại đa số người dân từ Bắc chí Nam ai cũng biết ông Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9, tức là ngày Quốc khánh. Trên thế giới có rất nhiều sự trùng hợp theo ngày tháng và sự kiện, và sự trùng hợp có thể giải thích bằng luật xác suất. Do đó, theo tôi nghĩ sự trùng hợp (ngày chết và ngày Quốc khánh) là chuyện rất bình thường, chứ chẳng có gì phải ngại theo kiểu mê tín dị đoan mà không công bố đúng ngày qua đời. Công bố sai ngày dưới sự bảo trợ của Nhà nước thể hiện sự thiếu tôn trọng lịch sử. Người ta sẽ hỏi đến ngày qua đời của lãnh tụ mà còn giấu diếm đến 20 năm thì còn gì khác còn đang bị giấu nhẹm?

Thật vậy, nói đến cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có quá nhiều huyền bí mà mãi đến nay vẫn là đề tài của tranh luận. Chẳng hạn như họ của ông là Hồ hay Nguyễn? Năm sinh của ông là năm nào? Chuyện gia đình ra sao? Vân vân. Tất cả những câu hỏi đó thật ra có thể suy đoán được từ những sách vở và thông tin “dân gian” như GS Trần Quốc Vượng đã từng viết.

Trong cuốn “Trong cõi”, xuất bản ở California hơn 10 năm trước đây, sử gia Trần Quốc Vượng cho biết cụ Hồ không phải họ Nguyễn mà là họ Hồ. Những thông tin từ cuốn Trong cõi, tôi có thể tóm tắt như sau:

• Chuyện bắt đầu từ ông cử Hồ Sĩ Tạo lấy bà Hà Thị Hy, nhưng vì cuộc hôn nhân không chính thức (do ông Tạo đã có vợ con rồi), nên gia đình họ Hà điều đình cho bà Hà Thị Hy trong lúc mang thai về làm vợ kế cho ông Nguyễn Sinh Nhậm (một nông dân cũng đã có vợ). Khi bà Hà Thị Hy hạ sinh con trai thì đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc.

• Ít lâu sau, bà Hà Thị Hy qua đời, Nguyễn Sinh Sắc về ở với gia đình ông Nguyễn Sinh Thuyết (là con ruột của ông Nguyễn Sinh Nhậm), nhưng phải sống rất khổ cực với gia đình này. Sau này, Nguyễn Sinh Sắc lập gia đình cùng bà Hoàng Thị Loan, và hai người có 3 người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, và Nguyễn Sinh Côn (hay Nguyễn Sinh Cung). Nguyễn Sinh Cung sau này chính là Hồ Chí Minh.

Cứ theo Sử gia Trần Quốc Vượng trình bày thì Nguyễn Sinh Côn là cháu ruột của ông Hồ Sĩ Tạo. Có lẽ chính vì thế mà sau này Nguyễn Tất Thành (hay Nguyễn Sinh Cung trước kia) lấy họ Hồ cho đến ngày ông qua đời. Câu chuyện là như thế, và tôi vẽ lại gia phả của ông cụ (xem hình bên).

Ấy thế mà sử sách hiện nay vẫn ghi ông là Nguyễn Sinh Cung, chứ không phải họ Hồ. Bây giờ đã công bố ngày ông qua đời, tôi nghĩ cũng nên trả lại sự thật là ông Nguyễn Sinh Cung thật ra là họ Hồ.
Ngày tháng năm sinh của ông cụ Hồ cũng là một bí mật. Sử chính thức thì chúng ta biết ông sinh ngày 19/5/1890. Thế nhưng trong đơn xin học trường Thuộc Địa bên Pháp ông tự tay viết là sinh năm 1892. Một đơn khác ông viết là sinh năm 1895. Chẳng hiểu sao sau này ai đó hay ông lấy năm 1890 là năm sinh. Còn ngày 19/5 cũng có nhiều giai thoại, chẳng biết cái nào là đúng.

Ngay cả gia đình ông cũng là một dấu hỏi. Sử chính thức thì nói ông sống độc thân cho đến ngày qua đời. Nhưng tháng 11/2001, một sử gia Tàu tên là Hoàng Tranh (Huang Zheng) công bố một nghiên cứu công phu trên tạp chí “Dọc Ngang Đông Nam Á), trong đó tác giả cho biết cụ Hồ từng làm đám cưới với bà Tăng Tuyết Minh (2), người theo đạo Công giáo. Bà Tăng Tuyết Minh lúc đó làm nghề y tá và có thể nói là xinh gái. Lấy nhau chẳng bao lâu thì ông Hồ Chí Minh phải xa bà vì bị ruồng bố dữ quá. Sau này hai người trao đổi hàng trăm lá thư, và những lá thư này đều bị Mật thám Đông Dương chận lại. Hiện nay, những lá thư vẫn còn trong viện bảo tàng bên Pháp. Thư tình ông viết cũng hay lắm, chẳng hạn như Thư gửi Tăng Tuyết Minh, ông viết:

“PHIÊN ÂM : Dữ muội tương biệt, chuyển thuấn niên dư, hoài niệm tình thâm, bất ngôn tự hiểu. Tư nhân hồng tiện, Dao ký thốn tiên, Tỷ muội an tâm, Thị ngã ngưỡng/sở vọng. Tinh thỉnh Nhạc mẫu vạn phúc. Chuyết huynh Thuỵ.

DỊCH : Cùng em xa cách / Đã hơn một năm / Thương nhớ tình thâm / Không nói cũng rõ. Cánh hồng thuận gió / Vắn tắt vài dòng / Để em an lòng / Ấy anh ngưỡng vọng. Và xin kính chúc Nhạc mẫu vạn phúc. Anh ngu vụng : Thuỵ (Bản dịch của N.H. Thành)”

Ngay cả hình ảnh của ông cũng có khi là … vẽ. Tấm hình được treo ở hầu hết nhà dân rất giống hình vẽ tay chứ không phải ảnh chụp thật. So sánh các bức hình sau đây sẽ thấy hình thật không đẹp và cân đối như hình vẽ. Chẳng hiểu sao đến bức hình chân dung phát cho người dân người ta không cho dùng hình thật mà phải dùng đến hình vẽ?

Nói chung, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh có quá nhiều bí mật. Những bí mật này nếu được khai thác sẽ là đề tài nghiên cứu có giá trị. Nếu đã công bố ngày qua đời thật của ông thì cũng nên công bố luôn những bí mật mà dân gian vẫn truyền trụng bấy lâu nay để cho thế hệ sau có thể nghiên cứu. Dù sao thì ông Hồ Chí Minh cũng là một nhân vật lịch sử, việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông rất cần thiết.

-----
Nhân Chuyện Về Ngày Qua Đời Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Reviewed by Unknown on 8/31/2014 Rating: 5 Khoảnh khắc Hồ Chí Minh từ trần ( Ảnh lấy từ VnExpress ) Gs Nguyễn Văn Tuấn: Đọc bài “Vì sao 20 năm mới công bố ngày mất Chủ tịch Hồ C...

Không có nhận xét nào: