Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ra khơi |
Tờ Dân Trí dẫn tin từ Cục hải sự Trung Quốc cho hay phạm vi cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn của hải quân Bắc Kinh kéo dài từ phía đông nam đảo Hải Nam tới tận khu vực gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Cục hải sự Trung Quốc cũng nêu rõ tọa độ và thời gian cuộc tập trận diễn ra từ ngày 24 đến hết ngày 30/9, đồng thời cấm tàu bè qua lại khu vực trong thời gian này.
Báo PetroTimes của nhà nước trích thông báo từ Bộ Ngoại giao hôm qua (25/9) rằng các cơ quan chức năng Việt Nam đã xác minh thông tin này và triển khai các biện pháp cần thiết để tiếp tục bảo vệ ngư dân Việt hoạt động trên ngư trường truyền thống ở Biển Đông. Tuy nhiên, người phát ngôn Lê Hải Bình không nêu rõ các biện pháp bảo vệ đó ra sao và được triển khai như thế nào.
Thế nhưng, hai ngày sau khi Trung Quốc khởi sự cuộc tập trận bằng đạn thật, ngư dân ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa cho VOA Việt ngữ biết vẫn chưa nghe chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng thông báo hay khuyến cáo gì về việc này và càng không rõ giới hữu trách có các biện pháp bảo vệ gì đối với họ trong thời gian Bắc Kinh phô diễn đạn pháo tại đây.
Trong cuộc trao đổi tối ngày 26/9, ngư dân Nguyễn Đó ở Lý Sơn, người từng vài lần bị tàu Trung Quốc tấn công trên ngư trường Hoàng Sa, nói:
“Chưa nghe, chưa nghe thông báo.”
Ngư dân Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng cho biết:
“Mình đọc báo, mở mạng thì có thấy tin này mà răng chưa nghe tổ, quận, phường ở đây họ thông báo gì hết trơn. Tôi mới đi biển về 4 ngày nay ở nhà cũng không nghe tin tức gì để đi họp nghe thông báo gì hết trơn. Tôi nghĩ trường hợp này thì tổ, phường, quận phải kết hợp lại tổ chức thông báo cho ngư dân. Chồng đi biển thì còn vợ ở nhà. Họ nên mời chúng tôi lên họp để thông báo vị trí, tọa độ chính xác của cuộc tập trận của Trung Quốc để chúng tôi còn phòng tránh, không tới khu vực biển chỗ nớ. Chứ còn không có các thông tin như rứa, nhiều người họ đâu có biết đâu. Họ đâu đọc báo, đọc mạng đâu mà biết, rồi họ đi đến những địa điểm đó thì nguy hiểm cho ngư dân. Những chuyện này nhà nước phải báo trước cho ngư dân để ngư dân nắm tình hình chứ.”
Dù không được khuyến cáo chính thức về vụ tập trận của Trung Quốc, nhưng những ngư dân biết được tin này qua báo chí như anh Xuân họ dự định sẽ ứng phó thế nào? Anh Xuân nói:
“Cứ nghe gió êm thì cứ đi biển thôi chứ chúng tôi không quan tâm đến đoạn đó. Khi xuống tàu, mình mở máy nghe thời sự, nếu đài phát thanh nói rõ nó ở tọa độ nào thì ngư dân chúng tôi sẽ tránh. Nếu mình nghe được thì mình còn có thể tránh, chứ nếu không nghe được thì phòng tránh sao được.”
Tại cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh từ trước đến nay chính phủ Việt Nam luôn luôn có biện pháp cần thiết để bảo vệ ngư dân hoạt động trên Biển Đông.
Ngư dân hoạt động lâu năm ở Hoàng Sa nói các tuyên bố này đã trở nên quá quen tai đối với ngư dân Việt, nhưng họ mong được trông thấy các việc làm thực tế của giới hữu trách để có thể yên tâm bám biển và tiếp tục duy trì ‘là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền’ Tổ quốc, như lời mô tả của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ngư dân Xuân từ Đà Nẵng tiếp lời:
“Họ nói thì có nói, chúng tôi nghe thì có nghe, nhưng những biện pháp thì…Như chúng tôi đi biển gặp kiểm ngư Trung Quốc rất nhiều mà không thấy gặp tàu kiểm ngư của Việt Nam mình. Tôi thấy ngư dân Trung Quốc được bảo vệ từ 99 đến 100% luôn. Còn ngư dân mình ra biển có một mình, không thấy kiểm ngư của mình. May rủi bị tàu Trung Quốc tới bắn chìm mình cũng trở tay không kịp luôn.”
Người ngư dân bám biển giữ chủ quyền lãnh hải hy vọng các tuyên bố về bảo vệ ngư dân sẽ sớm được thực thi hóa bằng hành động, với các biện pháp cụ thể của lực lượng chấp pháp biển Việt Nam trước những mối đe dọa, rủi ro hằng ngày từ Trung Quốc trên Biển Đông:
“Yêu cầu nhà nước mình có các tàu hậu cần, tàu kiểm ngư tuần tra các khu vực trong vùng biển của mình để ngư dân đi làm có tí niềm tin. Chứ chúng tôi đi biển gặp toàn tàu và kiểm ngư của Trung Quốc không. Mình tàu gỗ còn họ tàu sắt. Mình chỉ tránh họ thôi chứ cũng không làm được gì hết. Cần tăng cường kiểm ngư của mình để giữ vùng biển của mình.”
Tối 26/9 VOA Việt ngữ gọi Cục Kiểm ngư và Hội nghề cá Việt Nam để ghi nhận bình luận, nhưng không được hồi đáp.
Đợt diễn tập tới cuối tháng 9 này là mới nhất trong loạt các cuộc tập trận dùng đạn thật của Trung Quốc ở các vùng biển có tranh chấp thời gian gần đây.
Việt Nam nói quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm từ năm 1974.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 90% diện tích Biển Đông với bản đồ đường lưỡi bò và các hành động lấn lướt gây tranh cãi công luận.
Không có nhận xét nào: