Đàng Sau Cuộc Nổi Dậy Ở Hồng Kông - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 10, 2014

Đàng Sau Cuộc Nổi Dậy Ở Hồng Kông

Việc tường thuật cuộc biểu tình tại Hồng Kông của các cơ quan truyền thông Việt ngữ trong tuần qua cho thấy mặc dầu đã sống hơn 39 năm ở trên đất Mỹ, một nước có nền truyền thông tiến bộ nhất thế giới, đa số các cơ quan truyền thông này vẫn chưa phân biệt giữa THÔNG TIN (information) và TUYÊN TRUYỀN (propaganda)!

Trong bài “Trách nhiệm đầu tiên của ký giả: Học sự khác biệt giữa Thông Tin và Tuyên Truyền”(The Journalist’s First Obligation: Learning the Difference between Information and Propaganda) bình luận gia Chris Trotter, chủ bút tạp chí Political Review, đã nhấn mạnh: “Người cung cấp thông tin muốn mọi người suy nghĩ – phán đoán. Người tuyên truyền muốn mọi người cảm xúc – hành động.” Ông nhắc lại một câu nói bất hủ trong binh pháp của Tôn Tử: “Biết địch biết ta, trăm trận không bại, biết ta mà không biết địch trận thắng trận bại, không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại.”

Người Việt trong nước xem ra nắm vững vấn đề Hồng Kông hơn người Việt hải ngoại, vì các cơ quan truyền thông trong nước, ngoài những bài viết theo quan điểm của chính quyền, để tránh trách nhiệm, họ thường tìm dịch các bài khảo cứu của các chuyên viên ngoại quốc nên có thể giúp nhìn thấy các vấn đề đang xảy ra một cách chính xác hơn.

Thông tin thế giới ngày nay đã mở rộng, rất khó dùng cảm tính để kích động. Ông Lương Chấn Anh, Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông, đã nói với hãng thông tấn CNN:“Chúng tôi vẫn chưa thảo luận về các khía cạnh quan trọng và chi tiết của quá trình bầu cử đặc khu trưởng. Cảm xúc thuần túy sẽ không đi đến đâu.”

ĐẶC KHU HÀNH CHÁNH HỒNG KÔNG

Hồng Kông nằm trên bờ biển Đông Nam của Trung Quốc, cạnh tỉnh Quảng Đông, gồm 262 hòn đảo, có diện tích 1.104 km2, trở thành lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sau cuộc chiến 1840 -1842, lúc đó Hồng Kông chỉ có khoảng 7.450 cư dân. Dân số Hồng Kông hiện nay khoảng 7.070.000 người, người Hoa chiềm 93,6%. Ngôn ngữ chính là tiếng Trung Hoa (Quảng Đông) và tiếng Anh. Bốn đảo chính là Hồng Kông(81 – km2), Cửu Long (Kowloon – 47 km2), Tân Giới (New Territories – 748 km2) vàĐại Nhĩ Sơn (Lantau – 228 km2).

Người Anh thuê Hồng Kông của Trung Quốc trong 99 năm, đến năm 1997 là mãn hạn. Sau nhiều cuộc thương lượng, ngày 19.12.1984 tại Bắc Kinh bà Margaret Thatcher, Thủ Tướng của Vương quốc Anh, và Triệu Tử Dương, Thủ tướng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã ký bản Tuyên bố chung về việc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc từ 1.7.1997.

Tuyên bố gồm 12 điều khoản chính, thiết lập “một quốc gia, hai chế độ“, theo đó hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc sẽ không được thực hành ở Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông (ĐKHCHK), và hệ thống tư bản chủ nghĩa trước đây của Hồng Kông và lối sống (way of life) sẽ không thay đổi trong thời gian 50 năm, tức cho đến năm 2047.

Chính phủ của ĐKHCHK chịu trách nhiệm cho việc duy trì trật tự công cộng. Lực lượng quân đội được Chính phủ nhân dân Trung ương gởi đến, đóng quân tại ĐKHCHK, cho các mục đích quốc phòng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ trong ĐKHCHK.

Ngày 4.4.1990, Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã ban hành “Luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hương Cảng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” như một thứ Hiến pháp “mini” của Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông. Luật này có hiệu lực từ ngày 1.7.1997. Theo luật này, cơ quan lập pháp của Hồng Kông không được ban hành các văn bản luật trái với Luật cơ bản. Các đạo luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không được áp dụng ở Hồng Kông, ngoại trừ các đạo luật về quốc phòng và đối ngoại.

Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông do một Đặc Khu Trưởng cai trị, tiếng anh gọi là “Chief Executive of Hong Kong”. Điều 43 của Luật Cơ Bản quy định: “Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông là người đứng đầu Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông và đại diện Khu.”
Đặc Khu Trưởng do một Ủy Ban Bầu Cử gồm 1200 người bầu ra, nhiệm kỳ là 5 năm. Từ 1997 đến nay, Hồng Kông đã có 3 người đắc cử chức Đặc Khu Trưởng: Năm 2003 là ông Đổng Kiến Hoa. Đến năm 2005, ông Đổng Kiến Hoa từ chức, ông Tăng Âm Quyền thay. Năm 2012, ông Lương Chấn Anh kế nhiệm.

NGUYÊN NHÂN ĐƯA TỚI SỰ CHỐNG ĐỐI


Ngày 31.8.2014, Uỷ Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, đã thông qua quyết định quan trọng liên quan việc bầu cử Hội Đồng Lập Pháp và Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông. Theo quyết định mới này, từ năm 2017, việc bầu Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông sẽ tiến hành theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Nhưng các ứng cử viên sẽ được Ủy Ban Đề Cử chọn từ 2 đến 3 người. Người được chọn phải đạt được 50% số phiếu của Ủy Ban Đề Cử. Ứng cử viên trúng cử vào chức vụ Đặc Khu Trưởng phải do Chính phủ trung ương Trung Quốc bổ nhiệm.

Giới trí thức và sinh viên cho rằng đây là lối bầu cử theo kiểu “Đảng cử dân bầu” giống như trong nội địa Trung Quốc, đó không phải là một cuộc bầu cử dân chủ. Ngoài ra, họ còn đòi ông Lương Chấn Anh, Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông hiện nay phải từ chức vì coi ông ta là tay chân của Trung Quốc.

Ông Lương Chấn Anh sinh ngày12.8.1954 trong một gia đình cảnh sát bình thường ở Hồng Kông. Quê gốc của ông ở thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông đã kết hôn năm 1981 với bà Đường Thanh Nghĩa, một nữ luật sư khá tên tuổi ở Hồng Kông và họ hiện có 3 con, 1 trai, 2 gái.

Tốt nghiệp trường Kỹ thuật Hồng Kông rồi ông qua Anh học về kiểm định chất lượng công trình xây dựng tại Đại học West of England. Trở về trong một thời gian ngắn, ông đã trở thành một người có tên tuổi ở thương trường cũng như chính trường Hồng Kông. Mới 30 tuổi, ông làm chủ tịch một công ty bất động sản ở Hồng Kông với thu nhập cá nhân hơn 1 triệu USD/năm. Sau đó được cử giữ chức Trưởng tiểu ban Hội đồng điều hành của Hồng Kông cho đến tháng 9-2011. Trong vụ tranh cử Đặc Khu Trưởng Hồng Kông nhiệm kỳ 4 từ ngày 1.7.2012 đến ngày 30.6.2017, ông đã đương đầu với hai ứng cử viên khác là Đường Anh Niên và Hà Tuấn Nhân. Kết quả ông được 689 phiếu, ông Niên 285 phiếu và ông Nhân 76 phiếu. Ông đắc cử.

Trong hồi ký, ông Lương Mộ Nhàn, một cựu đảng viên của Đảng CSTQ, nói ông Anh là người của Cộng Sản. Ông bị nghi ngờ là người của Trung Quốc gài vào chính quyền Hồng Kông. Về kinh doanh, báo chí nói ông từng bị điều tra xung quanh vụ tranh chấp có liên quan tới một dự án xây dựng khi ông làm dưới quyền của Tăng Âm Quyền. Những chuyện như thế này chúng ta thường nghe người Việt tố nhau mỗi khi chống nhau.

TỔ CHỨC VÀ CHIẾN THUẬT ĐẤU TRANH

Từ ngày 22.9.2014, học sinh và sinh viên Hồng Kông bắt đầu bãi khóa và biểu tình, được phong trào “bất tuân dân sự” của các trí thức và các nhà dân chủ tiếp nối. Các cơ quan truyền thông Việt ngữ thường đưa cao hình ảnh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) năm nay 17 tuổi, như là lãnh tụ cuộc nổi dậy ở Hồng Kông để kích động giới trẻ trong nước đứng lên, nhưng các cơ quan truyền thông Mỹ nói những người biểu tình không thuộc một tổ chức duy nhất mà thuộc ít nhất ba tổ chức, trong đó có hai nhóm nổi bật nhất:

Nhóm thứ nhất được gọi là nhóm “Chiếm lĩnh Trung Tâm với Tình Yêu và Hòa Bình”(Occupy Central with Love and Peace) do ba nhân vật tạo dựng nên, đó là Linh mục Châu Diệu Minh, một nhà hoạt động nhân quyền; ông Đới Diệu Đình, giáo sư phụ khảo về luật, và ông Trần Kiện Dân, cựu giáo sư xã hội học. Nhóm này chiếm khu trung tâm kinh tế và tài chính của Hồng Kông từ ngày 27.9.2014.

Nhóm thứ hai là hai phong trào “Học Dân Tư Triều” của học sinh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và “Liên Đoàn Sinh Viên Hồng Kông” của sinh viên Chu Vĩnh Khang (Alex Chow).

Ban đầu người biểu tình sử dụng chiếc dù để che mưa nắng, nhưng khi cảnh sát dùng lựu đạn cay và xịt hơi cay, họ dùng dù để bảo vệ bản thân. Từ đó cuộc đấu tranh này được gọi là “Cuộc Cách Mạng Cây Dù” (Umbrella Revolution). Trên người biểu tình được gắnbăng vàng biểu tượng cho “hy vọng, chiến thắng và tình yêu” được mô tả trong bài thơ người quả phụ mong đợi chồng từ phương xa của người Anh.

Phần lớn học sinh và sinh viên tham gia biểu tình đều mặc áo thun đen, một loại áo thường được người dân Hồng Kông mặc để tưởng nhớ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Họ hát bài “Do you hear the people sing” (Bạn có nghe mọi người hát) trong vở nhạc kịch “Les Miserables” (Những kẻ khốn cùng) nói về cuộc cách mạng Pháp.

Tờ The New York Times mô tả cuộc biểu tình ở Hồng Kông như sau: sự giận dữ điềm tĩnh, có trách nhiệm và văn hóa của người biểu tình cho thấy một Hồng Kông trưởng thành, và bất cứ sự đàn áp bạo lực nào với tinh thần biểu tình như thế cũng sẽ có tác dụng ngược, nhất là dưới con mắt quan sát của quốc tế. Tạp chí Slate ở Washington DC cho rằng đây là “những người biểu tình lịch sự nhất thế giới”…Họ là những người hoạt động chính trị hiểu biết và hiểu được cách tranh đấu bất bạo động mang đến thắng lợi.

Nhưng tờ Telegraphe của Anh ngày 29.9.2014 cho biết các sinh viên đã nói với họ rằng họ rất sợ các nhóm cảnh sát chìm xâm nhập vào đoàn biểu tình và gây bạo động để lấy cớ đàn áp nên họ đã bảo nhau phải duy trì sự điềm tĩnh (calm) và đừng khiêu khích để tránh tạo cơ hội cho sự đổ vỡ. Một cẩm nang hướng dẫn đã được phổ biến cho những người biểu tình tuân theo.

Những sự kiện này cho thấy người Hồng Kông đấu tranh có trình độ, có văn hóa, có nghiên cứu, có kinh nghiệm và có phương pháp hơn người Việt đấu tranh rất nhiều.

RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Các chuyên gia nói rằng từ khi tiếp thu Hồng Kông, Trung Quốc đã nghĩ ngay đến việc biến dần Hồng Kông thành một tỉnh của Trung Quốc sau 50 năm, mà không để xảy ra những sự phản kháng mạnh. Các biện pháp mà Trung Quốc đưa ra áp dụng thường trầm lặng và trải dài theo thời gian lịch sử. Quyết định của Quốc Hội Trung Quốc ngày 31.8.2014 về phương thức “đảng cử dân bầu” cũng chỉ là một bước tiến trong kế hoạch đó.

Trên tạp chí Asia Times ở Hồng Kông, ông Henry C K Liu, chủ tịch của “The New York-based Liu Investment Group” cho rằng Hồng Kông bị khủng hoảng không phải vì pháp luật ràng buộc người dân làm mất bất kỳ quyền tự do dân sự nào, nhưng vì các thế lực bên ngoài đang cố gắng phủ nhận chủ quyền căn bản của Trung Quốc đối với Hồng Kông. Những thế lực này muốn tiếp tục sử dụng Hồng Kông như là một căn cứ chống Trung Quốc nhân danh tự do và khai thác sự không hài lòng về hiệu quả quản lý của chính quyền Hồng Kông.

Trong khi đó, trên tờ The Wall Street Journal số ra ngày 7.10.2014, ba nhà phân tích Enda Curran, Charles Hutzler và Kathy Chu nói các chuyên gia tin rằng các viên chức ở Trung Quốc “hiểu rằng giết chết Hồng Kông sẽ làm tổn thương doanh nghiệp của riêng mình“ và các cuộc biểu tình cuối cùng có thể buộc Bắc Kinh và Hồng Kông phải giải quyết ít nhất một số bất bình của người biểu tình.

Từ nay cho đến năm 2047, năm Hồng Kông mất quyền tự trị, còn nhiều biến chuyển khác sẽ xảy đến.

Ngày 9.10.2014
Lữ Giang
Đàng Sau Cuộc Nổi Dậy Ở Hồng Kông Reviewed by Unknown on 10/12/2014 Rating: 5 Việc tường thuật cuộc biểu tình tại Hồng Kông của các cơ quan truyền thông Việt ngữ trong tuần qua cho thấy mặc dầu đã sống hơn 39 năm ở ...

Không có nhận xét nào: