Nhà nước đang gấp rút thi công tại khu đất Hồ Ba Giang |
VRNs (29.10.2014) – Sài Gòn – Bản thân nhà cầm quyền Việt Nam cùng với các nhóm bên trong nó sẽ phải tự cân nhắc và đưa ra quyết định hợp lý.
Trong lúc đang tăng cường đối thoại tìm kiếm sự liên kết với Mỹ, việc khơi lại và làm phức tạp hóa vấn đề Thái Hà xem chừng không phục vụ cho mục tiêu đầy tham vọng đó của nhà cầm quyền Việt Nam. Từng là một quốc gia nằm trong danh sách đen “cần quan tâm đặc biệt” (CPC) của chính phủ Mỹ liên tục từ năm 2004 đến năm 2006. Việt Nam luôn được biết đến là một quốc gia ngăn cản, xâm phạm quyền tự do tôn giáo mặc dù hiến pháp và pháp luật đều công nhận và quy định bảo vệ nhóm quyền con người cơ bản này. Dẫu vậy, trong từng hoàn cảnh chính trị nội bộ của quốc gia đứng đầu thế giới cùng với chiến lược đối ngoại của nó, sự vi phạm đó của Việt Nam được đánh giá theo những cách khác nhau. Điều đó cho thấy, Việt Nam vẫn luôn nằm trong nguy cơ quay lại CPC – một cản trở cho quá trình xích lại gần Mỹ mà nhà cầm quyền hay nói chính xác là một nhóm đang nỗ lực tiến hành.
Luôn xâm phạm tự do tôn giáo
Suốt từ năm 2004 tới nay, theo đánh giá của chính phủ Mỹ, Việt Nam luôn là một quốc gia xâm phạm tự do tôn giáo. Tuy nhiên, cách trình bày sự đánh giá này thay đổi theo từng thời kỳ. Điều này có thể được nhìn thấy trong câu đầu tiên của phần nói về Việt Nam trong bản Báo cáo về quyền tự do tôn giáo thế giới được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hàng năm.
Trong giai đoạn trước năm 2006, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam được nói từ đầu rằng: “Cả Hiến pháp và các sắc lệnh chính phủ tuyên bố quyền tự do thờ phượng, tuy nhiên, chính phủ tiếp tục cản trở một cách đáng kể những hoạt động được tổ chức công khai của các nhóm tôn giáo không được công nhận bởi chính phủ hoặc không đúng chính sách và pháp luật của nhà nước (được hiểu là không chấp nhận sự áp đặt của nhà cầm quyền)”. Từ năm 2007, câu nói mở đầu này được thay đổi không nhiều, trở thành: “Hiến pháp công nhận quyền tự do thờ phượng, tuy nhiên, sự cản trở của chính phủ vẫn tiếp tục duy trì đối với những hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo”. Sự thay đổi nhẹ nhàng về mặt câu chữ nhưng cho thấy cách nhìn của chính phủ Mỹ về vấn đề Việt Nam đã chuyển hướng từ chú trọng vào sự kềm kẹp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các tổ chức tôn giáo sang những vấn đề hiện trạng – tức là kết quả của sự kềm kẹp đó còn sót lại trong sinh hoạt tôn giáo, vào thời điểm nằm 2007 trở đi.
Hơn thế nữa, từ năm 2011, phần đánh giá này được đổi thành: “Hiến pháp và các luật khác và các chính sách công nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, có trường hợp chính phủ thực hiện, có trường hợp lại cản trở quyền tự do tôn giáo”. Câu nói này xem ra làm dịu sự căng thẳng gây ra cho nhà cầm quyền Việt Nam hơn, khi công nhận sự tự do tôn giáo trong một số lĩnh vực đã được thực hiện.
Mặc cho những nỗ lực kêu gọi đưa Việt Nam trở lại CPC do thực trạng tồi tệ trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo tại đây, chính phủ Mỹ vẫn nhất quyết không thực hiện điều này. Nó gây ra “sự thất vọng” cho các nhà hoạt động. Tuy nhiên, có một sự nhất quán trong quan điểm của chính phủ Mỹ rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn xâm phạm quyền tự do tôn giáo mặc dù công nhận quyền này. Điều này vừa phản ánh sự “khéo léo ứng xử” trong ngoại giao với Việt Nam để thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ, vừa cho thấy rằng Mỹ vẫn chưa đặt sự tin tưởng hoàn toàn vào một quốc gia bất nhất giữa lời nói và việc làm.
Tiêu cực nhiều hơn tích cực
Rõ ràng hơn, khi quan sát các bản báo cáo thường niên, nói về Việt Nam, các liệt kê và đánh giá của chính phủ Mỹ luôn bao gồm phần tiêu cực và tích cực, mà tỷ lệ nội dung tiêu cực luôn luôn nhiều hơn phần tích cực. Tích cực có nghĩa là những “cải thiện và phát triển tích cực” trong khi tiêu cực có nghĩa là những “cản trở”, “xâm phạm”, “ép buộc cải đạo”, theo ngôn từ bản báo cáo sử dụng.
Nhìn vào biểu đồ dưới đây, có thể thấy rõ trong giai đoạn Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC, hầu như không có sự tiến triển tích cực nào, trái lại, phân nửa lượng từ được sử dụng trong bản báo cáo là để điểm lại những vi phạm của nhà cầm quyền Việt Nam. Sau đó, tương quan này đã thay đổi, khi có những cải thiện tăng lên. Dẫu vậy, những sự kiện và đánh giá tiêu cực lại có xu hướng tăng dần từ khi Việt Nam được đưa ra khỏi CPC.
Cải thiện một thì vi phạm mấy lần, thực tế này cho thấy rằng thực sự nhà cầm quyền Việt Nam không có ý định thực thi quyền tự do tôn giáo một cách đầy đủ. Tôn giáo là một con bài chính trị đem ra mặc cả với những quốc gia quan tâm tới quyền này của con người bên cạnh những mục tiêu phát triển kinh tế của mình. Một mặt, cải thiện tình hình tự do tôn giáo trong nước để thúc đẩy đàm phán với nước ngoài, một mặt, gia tăng vi phạm quyền tự do tôn giáo để đây luôn luôn là vấn đề nhức nhối. Dù đạt được mục đích đàm phán hay không, nhà cầm quyền sẽ luôn luôn giữ độ nóng của con bài đầy uy lực này của mình để khi cần sẵn sàng đem ra tấn công hoặc đổi chác.
Có một điểm đáng lưu ý là những dấu hiệu tích cực trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam từ năm 2012 đã sụt giảm rất nhiều, theo cách đánh giá của chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó, nếu để ý vào cách sử dụng từ ngữ trong bản báo cáo từ năm 2011, phần trình bày về các điểm tiêu cực được cho vào mục “Hành động Thực tế của Chính phủ” (Government Practices). Chính phủ Mỹ cũng nhận ra sự sụt giảm những dấu hiệu tích cực và gia tăng vi phạm này và đang dần thay đổi thái độ trong cách đánh giá về vấn đề tại Việt Nam.
Bản Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế được công bố bởi Ủy ban Tự do tôn giáo Mỹ tháng 7/2014 – bản báo cáo với những khuyến nghị cho chính phủ Mỹ, cụ thể là Bộ Ngoại Giao để đưa ra bản báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế hàng năm, đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia được khuyến nghị để Bộ Ngoại Giao đưa vào danh sách CPC, thậm chí cùng với Iraq là nơi đang xảy ra thảm kịch diệt chủng tôn giáo bởi nhóm tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo”. Tiếp theo đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Ed Royce thuộc đảng Cộng Hòa cũng lên tiếng kêu gọi tương tự, đồng thời đưa ra nhận xét “Khi tới thăm Việt Nam để thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ, tôi thấy rằng chính phủ Cộng sản Việt Nam sẽ trừng phạt những bất đồng quan điểm một cách ôn hòa về tôn giáo”.
Không có lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy, nếu để bùng phát lên một sự kiện đàn áp tôn giáo, Việt Nam sẽ thực sự bị đánh giá tồi tệ bởi chính phủ Mỹ, và dù muốn thúc đẩy đối thoại, xích lại gần nhau, Mỹ cũng sẽ chùn bước với câu hỏi về lòng tin chính trị trong mối quan hệ với Việt Nam. Mỹ đang đứng trước một thể chế chính trị tuyên bố công nhận và bảo vệ quyền tự do tôn giáo nhưng không thực thi. Đó cũng là một nhà cầm quyền không giữ uy tín khi một mặt vận động để ra khỏi danh sách CPC bằng những cải thiện tích cực – cho thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng thực thi quyền tự do tôn giáo, nhưng một mặt, thẳng tay đàn áp tôn giáo hoặc bằng những nhóm tôn giáo do nhà nước lập nên hoặc bằng sự kềm kẹp, đàn áp, bóp nghẹt tự do tôn giáo. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ năm 1995, quan hệ đôi bên đã có những cải thiện tích cực, nhưng không vì thế mà đạt được sự tin tưởng hoàn toàn. Nếu một lần nữa Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC hoặc dù không đến mức độ như thế nhưng một lần nữa Việt Nam đánh mất chữ tín của mình thì nỗ lực thắt chặt mối quan hệ với Mỹ mà một nhóm trong hệ thống chính trị đang thực hiện sẽ đổ bể.
Quay trở lại vấn đề tại Thái Hà, liên quan tới khi đất hồ Ba Giang của giáo xứ, quyết tâm xâm chiếm và cướp đoạt trắng trợn, trái pháp luật của chính quyền đã thể hiện rõ ràng qua việc vội vã bao kín khu vực bằng các tấm tôn và liên tục cho xe san lấp mặt bằng. Cùng với đó, lực lượng công an cũng được đưa tới để ngăn cản những người chủ thực sự – như được pháp luật công nhận, tới phản đối quá trình thi công vô lý này. Bên cạnh đó, quyết tâm đòi lại khu đất thuộc quyền sở hữu chính đáng của mình trong các linh mục, tu sỹ và giáo dân Thái Hà cũng được thể hiện rõ ràng qua các cuộc biểu tình cũng như các phát biểu, trả lời phỏng vấn trong những ngày qua. Hai bên sẽ giải quyết sự xung đột này ra sao không chỉ liên quan tới riêng khu đất, mà còn liên quan tới những mức độ cao và rộng hơn.
Vấn đề Thái Hà năm 2008 được nhắc đến trong Báo cáo năm 2009.
Quyền sở hữu của giáo xứ Thái Hà tại đất hồ Ba Giang là hoàn toàn rõ ràng và không thể chối cãi, dẫu là người ngoài cũng có thể tìm đầy đủ bằng chứng quá mạng internet. Do đó, người ta không thể lấy bất kì lí do nào để xâm chiếm tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo như đang diễn ra những ngày qua. Đây rõ ràng là một sự vô lý và cố tình được thực hiện nhằm một mục đích khác bên cạnh giá trị vật chất của khu đất.
Người ta cho rằng những cán bộ tham nhũng đã phân lô khu đất này và bán đi lấy tiền nhưng khi định xây dựng thì đã vấp phải sự phản đối đầy đủ lý lẽ từ giáo xứ Thái Hà nên phải ngừng lại. Người ta nghi ngờ rằng lần thi công mờ ám lần này là một bước đệm để dập tắt sự phản đối và sau này sẽ âm thầm chia chác với nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lí do này mà họ dám và có đủ quyền để làm bùng nổ một tranh chấp tôn giáo giữa lòng thủ đô thì xem ra không hợp lý.
Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa biết rõ ai hay nhóm nào là người hậu thuẫn cho động thái lần này của nhà cầm quyền. Dù giữa giáo xứ Thái Hà và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có trao đổi văn thư (đơn khiếu nại của giáo xứ Thái Hà và trả lời của UBND Hà Nội) qua lại thì vẫn có cơ sở để nhận định rằng người ký thư trả lời không chắc chắn có đủ quyền ký và thực hiện như vậy mà không có sự dẫn dắt của cấp cao hơn. Dù là ai và với toan tính gì, đây rõ ràng là một sự cản trở trên con đường hội nhập với thế giới, tìm vị thế cân bằng chiến lược với một quốc gia láng giềng Trung Quốc hiếu chiến đang trỗi dậy một cách không hòa bình. Nếu để cho sự việc tại khu đất hồ Ba Giang bùng nổ thành một cuộc đàn áp tôn giáo, đơn giản chỉ với một cuộc tấn công vũ lực của nhà cầm quyền đối với giáo dân, hay một bước đi quyết liệt cướp đoạt bằng được cơ sở tôn giáo, thì con đường nói trên sẽ thu hẹp lại. Bản thân nhà cầm quyền Việt Nam cùng với các nhóm bên trong nó sẽ phải tự cân nhắc và đưa ra quyết định hợp lý.
Nickname Fides Spes Caritas
Không có nhận xét nào: