Chính Quyền Hà Nội Có Thiện Chí Giải Quyết Khiếu Nại Hồ Ba Giang? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 11, 2014

Chính Quyền Hà Nội Có Thiện Chí Giải Quyết Khiếu Nại Hồ Ba Giang?

VRNs (06.11.2014) – Sài Gòn – Hôm thứ Bảy 1/11, giáo xứ Thái Hà đã nhận được một văn bản thông báo của UBND Tp. Hà Nội về việc giao cho các đơn vị liên quan ‘có ý kiến báo cáo, đề xuất UBND Thành phố trả lời’ cho khiếu nại của giáo xứ, trong khi đó công trình xây dựng ‘khu cây xanh, sân chơi và tiểu cảnh’ tại khu vực tranh chấp này đã hoàn thành với tên gọi ‘Vườn hoa Trần Quang Diệu’.

Động thái này đặt nhiều nghi vấn, liệu chính quyền Hà Nội có thiện chí giải quyết khiếu nại của giáo xứ Thái Hà cũng như DCCT Hà Nội, về chủ quyền khu đất Hồ Ba Giang rộng 18.230 m2 (hay 14.182 m2 theo số liệu của chính quyền)?

Chính quyền Hà Nội có thiện chí?

Khu đất hồ Ba Giang thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của Giáo xứ Thái Hà bị chính quyền Hà Nội biến thành vườn hoa Trần Quang Diệu

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh Văn phòng tỉnh DCCT Việt Nam cho biết: DCCT “đứng tên sở hữu hợp pháp có Bằng khoán Điền thổ số 42, ngày 16.08.1944” trên khu đất.

Hơn thế nữa, chính quyền Hà Nội đã khẳng định vào năm 1996, 1999, qua các Báo cáo của Sở Địa chính Hà Nội số 387/BC-SĐCNĐ, ngày 11/5/1999; hay Văn bản số 64/CV-UB-ĐĐ, ngày 30/01/1996 của UBND quận Đống Đa, … rằng: khu đất hồ Ba Giang thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của DCCT Thái Hà – Hà Nội.

Văn bản đề ngày 29/10, do ông Phó chủ tịch Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký, xác nhận đã nhận đơn ngày 16/10/2014 ‘của Giáo xứ Thái Hà thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội khiếu nại việc thi công xây dựng công trình tại khu vực hồ Ba Giang…’

Trong khi vấn đề tranh chấp chưa được giải quyết và đơn vị vẫn đang thi công trên đất Hồ Ba Giang, thì văn bản chỉ thông báo rằng, UBND đã “Giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, xem xét đơn, có ý kiến báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố trả lời Giáo xứ Thái Hà theo quy định của pháp luật.”

Phản ứng trước sự việc trên, cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong viết trên facebook cá nhân: “Trong khi UBND thành phố – đơn vị có thẩm quyền về đất đai, chưa trả lời đơn thư của giáo xứ Thái Hà, thì một lực lượng được Công an bảo kê đã tiến hành ráo riết ngày đêm, san lấp hồ Ba Giang của giáo xứ Thái Hà.”

”Chúng tôi phản đối hành vi cướp đoạt này của chính quyền Hà Nội. Yêu cầu điều tra làm rõ lực lượng nào đang chống lưng nhóm người ngang nhiên chiếm đoạt hồ Ba Giang của chúng tôi và trả lại hồ Ba giang, tài sản hợp pháp của chúng tôi cho giáo xứ Thái Hà.”

Dự án xây dựng tại khu vực đã khai trương hôm 5/11, sau 15 ngày thi công kể từ ngày 21/10 với mức đầu tư hơn 52.553 tỷ đồng.

Trước đó, trong đơn khiếu nại khẩn cấp ngày 16/10, các tu sĩ DCCT Hà Nội đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội buộc đơn vị san lấp hồ Ba Giang “ngừng ngay các việc làm vi phạm pháp luật, xâm hại quyền quản lý, sử dụng khu đất hồ Ba Giang của Giáo xứ Thái Hà.”

Tuy nhiên, công trình xây dựng không bị đình chỉ, mà vào ngày 27/10, trang mạng Hà Nội Mới (HNM) còn công bố dự án xây dựng khu cây xanh, sân chơi và tiểu cảnh tại khu vực hồ Ba Giang (phường Quang Trung) do UBND quận Đống Đa đã khởi công ngày 21/10, và cho rằng dự án ‘đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân’.

Ngày 23/10, bà con giáo dân giáo xứ Thái Hà cũng đã tập trung tại UBND Quận Đống Đa để nộp đơn thư khiếu nại, và giơ khẩu hiệu yêu cầu chính quyền Hà Nội dừng các hoạt động xâm phạm đất hồ Ba Giang của giáo xứ.

Nhưng UBND quận Đống Đa không mở cửa tiếp công dân, mà còn sai dân phòng ra giật xé hết những khẩu hiệu bằng giấy trên tay bà con.

Tiếp đó ngày 1/11, giáo xứ Thái Hà nhận được văn bản thông báo của UBND Tp. Hà Nội, nhưng công trình xây dựng vẫn không bị đình chỉ.

Trang mạng Hà Nội Mới, cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản VN thành phố Hà Nội – tiếng nói đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ Đô, xác định chính “UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND quận Đống Đa… xây dựng điểm sinh hoạt công cộng phục vụ dân cư” trên hồ Ba Giang.

Nếu chính UBND TP Hà Nội chỉ đạo vụ việc như HNM đề cập, vậy phải chăng chính quyền Hà Nội công nhận quyền sở hữu của giáo xứ Thái Hà trên đất hồ Ba Giang, sau đó lại xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức trên khu đất, rồi lại đề nghị các bên liên quan đề xuất việc ‘bào chữa’ cho hành động của mình?

Bên cạnh đó, trang mạng HNM cho biết thêm, có 5.129/5.158 tổ chức và cá nhân tại hai phường Quang Trung và Ô Chợ Dừa, đã đồng tình với chủ trương của thành phố trong việc xây dựng hồ Ba Giang thành khu vui chơi công cộng phục vụ dân cư trên địa bàn.

Việc lấy ý kiến do UBND quận Đống Đa phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện, tuy nhiên chính giáo xứ Thái Hà, đơn vị có quyền quản lý và sử dụng hợp pháp đất hồ Ba Giang, lại không được lấy ý kiến. (?!)

Trang HNM tiếp tục nhận định, đây là một dự án vì mục đích dân sinh, nhân văn, “đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân về không gian vui chơi giải trí” đang bức thiết.

Phải chăng vì lợi ích của một tập thể 5.000 người nào đó, chính quyền Hà Nội có thể bất chấp quyền sở hữu đất hợp pháp của một tổ chức tôn giáo để làm khu vui chơi?

Lực lượng công quyền

Theo ghi nhận của phóng viên Truyền Thông Chúa Cứu Thế (VRNs) tại Hà Nội, ngoài công nhân làm việc, mỗi ngày có hàng chục dân phòng, công an, an ninh mặc sắc phục cũng như thường phục có mặt xung quanh khu vực đất Hồ Ba Giang để “bảo vệ” tiến độ thi công.

Mỗi lối vào khu đất này đều có chốt chặn. Trong khu đất cũng có mặt dân phòng, công an, an ninh. Một thanh niên từ Sài Gòn ra Hà Nội làm việc, thấy lực lượng dân phòng, công an dày đặc, anh thốt lên: “Lần đầu tiên thấy cảnh làm công viên mà có dân phòng, công an dầy đặc bảo kê kiểu thế này”.

Lực lượng dân phòng, công an sắc phục cũng đã dựng barie ngăn chặn đoàn biểu tình gồm khoảng 50 bà con giáo dân Giáo xứ Thái Hà, tiến vào khu vực đất Hồ Ba Giang sáng thứ Bảy 25/10 vừa qua.

Sự hiện diện của lực lượng công quyền cũng khiến cha Gioan Nam Phong đặt nghi vấn: “Vậy, lực lượng [thi công hồ Ba Giang] này là lực lượng nào? Do ai chống lưng? Ai là kẻ đứng đằng sau vụ cướp đất tôn giáo?”

Phương tiện truyền thông nhà nước

Bên cạnh đó, phương tiện truyền thông nhà nước cũng góp phần loan tin về dự án.

Với hai bài viết, một phóng sự ảnh và một phóng sự truyền hình, trang mạng Hà Nội Mới đưa ra nhận định: dự án cải tạo hồ Ba Giang “đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, “được sự ủng hộ của người dân”, “hứa hẹn đem đến một không gian vui chơi, thư giãn rất cần thiết… và giải quyết tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường.”

Cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản VN thành phố Hà Nội này cũng khẳng định, một số linh mục ở nhà thờ Thái Hà “cho rằng đất hồ Ba Giang thuộc quyền sở hữu của nhà thờ”, “họ cố tình lờ đi về một sự thật là diện tích đất này đã được bàn giao cho chính quyền quản lý thống nhất từ năm 1961 đến nay.”

Trong khi như đã nói trên, chính Sở Địa Chính Hà Nội (năm 1999) và UBND Quận Đống Đa (năm 1996) qua hai công văn đã xác nhận, khu đất hồ Ba Giang thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của DCCT Thái Hà – Hà Nội.

Bài viết phủ nhận lời xác nhận của hai công văn trên và tiếp tục với cáo buộc: “một số đối tượng cố tình xuyên tạc, vu khống” dự án, linh mục của nhà thờ Thái Hà đã “đi ngược lại lợi ích của nhân dân” khi yêu cầu UBND TP Hà Nội dừng thi công dự án hồ Ba Giang. (?!)
Đức Thiện, VRNs
Chính Quyền Hà Nội Có Thiện Chí Giải Quyết Khiếu Nại Hồ Ba Giang? Reviewed by Unknown on 11/06/2014 Rating: 5 VRNs (06.11.2014) – Sài Gòn – Hôm thứ Bảy 1/11, giáo xứ Thái Hà đã nhận được một văn bản thông báo của UBND Tp. Hà Nội về việc giao cho ...

Không có nhận xét nào: