‘Tự Do Báo Chí Không Làm Mất Chế Độ’ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 11, 2014

‘Tự Do Báo Chí Không Làm Mất Chế Độ’

Ông Nguyễn Công Khế cựu tổng biên tập báo Thanh Niên
gặp Nguyễn Tấn Dũng
Cựu Tổng Liên Tập Báo Thanh Niên Lên Báo Mỹ Kêu Gọi 'Tự Do Báo Chí' 

SÀI GÒN (NV) .- Cựu tổng biên tập của một trong những tờ báo nhiều độc giả nhất tại Việt Nam, ông Nguyễn Công Khế, viết trên báo Mỹ kêu gọi nhà cầm quyền CSVN cởi trói cho báo chí để lấy lại niềm tin quần chúng.

“Nhà cầm quyền Việt nam phải cho báo chí hoạt động tự do. Nó là điều cốt lõi để tiếp tục mở rộng tự do kinh tế và chính trị của đất nước, và để nỗ lực của đảng Cộng Sản lấy lại được sự hậu thuẫn của nhân dân mà họ cần cho chính sự tồn tại của đảng”.

Ông Nguyễn Công Khế, 60 tuổi, cựu tổng biên tập nhật báo Thanh Niên suốt 23 năm cho tới năm 2008, viết mở đầu như thế trong bài nhận định về sự kềm chế thông tin báo chí của nhà cầm quyền CSVN suốt từ bao nhiêu năm qua. Theo ông phân tích, sự giới hạn thông tin một chiều và ngăn chặn thông tin, chỉ có hại cho chế độ khi người dân tin vào những gì các nguồn thông tin không chính thống đưa ra.

Bài viết của ông Nguyễn Công Khế đăng tải trên mục bình luận của độc giả của nhật báo New York Times hôm Thứ Tư 19/11/2014. Bài viết của ông bằng tiếng Việt và được một người khác dịch sang tiếng Anh. Một số độc giả của tờ báo Mỹ bình luận là ông can đảm nói ra sự thật, cái mà họ muốn tránh né.
Ông Nguyễn Công Khế là người khai sinh ra chương trình ca nhạc thời trang nổi tiếng Duyên dáng Việt Nam khi còn làm tổng biên tập báo Thanh Niên. (Hình: MTG)

Những năm gần đây, nhiều người viết blog, viết bài đăng ở các trang nhà trên internet hay chỉ là trả lời các báo đài ngoại quốc, đã bị nhà cầm quyền CSVN xếp vào loại “phản động” hay “thế lực thù địch” để bỏ tù theo các điều 79 (hoạt động lật đổ), 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 245 (gây rối trật tự công cộng), 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ).

Bài viết của ông Nguyễn Công Khế lập lại ý chính mà ông đã đề cập khi trả lời hai cuộc phỏng vấn của báo Một Thế Giới (Cơ quan chủ quản: Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vào các ngày 29/9/2014 và 5/10/2014.

Trong bài viết trên tờ New York Times, ông Khế cho biết hệ thống hàng trăm báo đài tại Việt Nam đều là của nhà cầm quyền lập ra, kiểm soát bởi Bộ Thông Tin – Truyền Thông và các bộ phận cấp dưới ở các địa phương. Cho dù có một tư nhân nào muốn chen vào ngành truyền thông thì cũng phải núp dưới một cái ô dù “cơ quan chủ quản” nào đó trong guồng máy cầm quyền. Mà như thế, đương nhiên phải nghĩ đến sự kiểm duyệt.

“Vì nhà cầm quyền tiếp tục mở rộng các phạm vi họ coi là nhạy cảm – quan hệ với Trung Quốc, tranh chấp đất đai, tình trạng sức khỏe của các lãnh tụ chóp bu – nhiều cơ quan truyền thông chỉ còn cung cấp những thông tin ngày càng bị 'làm vệ sinh' sạch sẽ, hiểu theo nghĩa kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt trở thành tuyên truyền khô khan, nhạt nhẽo.

Vì phải theo “định hướng” tuyên truyền phục vụ chế độ, ông Khế nói hai tờ báo lớn nhất Việt Nam, Thanh Niên và Tuổi Trẻ, từ năm 2008 đến nay (tức từ thời ông mất ghế tổng biên tập tờ Thanh Niên) đi xuống. Cả số in cũng như tiền quảng cáo thu vào bị giảm mất hai phần ba. Các tờ báo khác thì chạy theo các thứ tin tức giật gân để níu kéo độc giả.

Hậu quả, “Độc giả, đặc biệt là giới trẻ, lũ lượt bỏ chạy, tìm các nguồn thông tin ít tuyên truyền”. Người ở Việt Nam bây giờ quay sang các nguồn thông tin ở nước ngoài, rất dễ tìm thấy trên internet. Facebook và các trang mạng xã hội cũng bùng phát.

“Một số trí thức và cựu đảng viên mở blog riêng, đả kích công khai chính quyền, lôi cuốn làng chục ngàn người đọc mỗi ngày.” Ông viết.

Tuy nhà cầm quyền thiết lập tường lửa ngăn chặn người dân truy cập các nguồn thông tin không chính thống, nhưng người ta cũng biết cách “trèo tường” nhờ các hướng dẫn đầy trên mạng.

Ông Khế kể một số thí dụ do hậu quả chính sách bưng bít và cấm đoán thông tin của nhà cầm quyền CSVN mà người dân ở Việt Nam tìm đọc trên Internet các chuyện mà họ coi là sự thật (khác hẳn với sách báo tuyên truyền chính thống) về trận Điện Biên Phủ, mưu toan thật của Trung Quốc đối với Việt Nam, đời sống riêng tư của ông Hồ.

“Quyển hồi ký mới xuất bản 'Đèn Cù' của ông Trần Đĩnh đặt nghi vấn về tinh thần quốc gia của ông Hồ. Ông ấy cũng viết là ông Hồ trực tiếp tham dự vào chương trình cải cách ruộng đất 1953-1956, từng giết chết 170,000 người, và có thể đã tham dự một số vụ xử địa chủ.” Ông Khế viết.

Ông cho rằng đảng và nhà cầm quyền có khuynh hướng không phản bác các cáo buộc đó. Trái lại, họ chỉ nhấn mạnh đến sự duy trì những hình thức kiểm soát lỗi thời. Ông cho nhà cầm quyền thiếu tự tin và vì thế làm sói mòn niềm tin vào đảng, gồm cả các lợi ích cốt lõi của quốc gia như chống tham nhũng và chống đỡ tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Dù đảng, nhà nước và cả quốc hội đã tuyên bố chống tham nhũng là ưu tiên số một “Nhưng sau nhiều năm kiểm soát thông tin, người dân trở nên quá cảnh giác với (tuyên truyền) của nhà cầm quyền để mà tin. Khi một số viên chức cấp cao hay tổng giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì tham nhũng, quần chúng coi đó là kết quả của các phe phái chơi nhau”.

Cũng vậy, khi xảy ra cuộc đối đầu với lực lượng trên biển của vụ giàn khoan HD 981, guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ đưa tin rất giới hạn và định hướng người dân trong lúc mọi người đang rất tức giận. Vì thế dư luận truyền nhau những thông tin và nghi vấn về các thỏa thuận bí mật giữa một số lãnh tụ đảng CSVN với Trung Quốc qua hội nghị Thành Đô năm 1990, biến Việt Nam thành một thứ chư hầu lệ thuộc Bắc Kinh cả về kinh tế, chính trị.

Theo ông Nguyễn Công Khế, muốn chống tham nhũng và tham vọng bành trướng của Trung Quốc, đảng và nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho báo chí để họ có quyền đưa tin kịp thời và vô tư.

“Hiến pháp đã cho quyền tự do báo chí đầy đủ, vậy phải thực thi nó. Mở rộng thông tin truyền thông chỉ giúp lãnh đạo lấy lại niềm tin của quần chúng, cái mà họ cần nếu họ muốn đạt được các mục tiêu chính yếu của đất nước Việt Nam.” Ông Khế viết kết luận. “Tự do báo chí tốt cho đất nước và cũng tốt cho chế độ.”

Trong cuộc phỏng vấn của đài RFA ngày 19/11/2014, ông Nguyễn Công Khế cho rằng các ông tổng biên tập báo chí bây giờ chỉ lo giữ ghế “cho nên người ta không dám dũng cảm để nói lên sự thật mặc dù sự thật đó rất có lợi cho đất nước... khi đặt bút viết chống tham nhũng của các vụ lớn thì các nhà báo rất e ngại, rất sợ, chùn tay. Điều đó làm cho tham nhũng hoành hành và dẫn đến nhiều hệ quả của đất nước.” (TN)
-------------------------------------

‘Tự do báo chí không làm mất chế độ’

Ông Nguyễn Công Khế (trái) từng làm Tổng biên tập tờ Thanh Niên

Việc cởi trói cho báo chí được tự do bày tỏ quan điểm của mình ‘chỉ có lợi’ cho chính quyền chứ ‘không làm mất chế độ’, ông Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, nói với BBC.

Ông Khế vừa có bài viết đăng trên mục Ý kiến của tờ New York Times hôm 19/11 kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện tự do báo chí.

Nền báo chí Việt Nam từ lâu nay vẫn đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản để đảm bảo không đi chệch khỏi tư tưởng và đường lối của hệ thống chính trị.

‘Rất có hại’

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt hôm 20/11, ông Khế cho biết trước khi ông đăng bài trên New York Times, ông đã đề đạt ý kiến ‘báo chí tự do’ với ‘nhiều cán bộ cao cấp của Việt Nam, kể cả những người trong Ban Tuyên giáo trung ương’.

“Cách nay ba bốn ngày tôi có trao đổi với hai lãnh đạo Tuyên giáo. Tôi nói rằng một nền báo chí mà chỉ cho những tờ báo lá cải câu view những chuyện bậy bạ đã vô hình chung phát triển theo hướng đó,” ông nói.

“Trong khi mỗi ngày những chuyện chính yếu như kinh tế, nợ công, nợ xấu, những vấn đề sống còn của đất nước thì không bàn,” ông nói thêm.

“Thậm chí người ta nói về anh. Họ phê phán việc này việc khác anh cũng không nói lại.”

“Cứ để tình hình như thế này thì rất có hại cho đất nước,” ông nói và cho biết các lãnh đạo ‘không phản ứng gay gắt trước ý kiến của ông’ và ‘không nói lại là tôi sai’.

Ông cho rằng khi nền báo chí tự do ‘nói những vấn đề, phản biện hàng ngày’ thì các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ‘có thể lắng nghe để sửa chữa hoàn thiện cho tốt’.

“Các nhà nước sử dụng tự do ngôn luận và dân chủ thì chỉ có lợi thôi,” ông nói, “Soi gương hàng ngày mới biết trên mặt mình có gì thì mới sửa chữa được và phát triển được.”

‘Phản biện thì sáng tỏ’
 
Ban Tuyên giáo Trung ương dưới quyền ông Đinh Thế Huynh kiểm soát toàn bộ truyền thông VN

Ông Khế cũng bác bỏ việc tự do báo chí ‘sẽ làm mất chế độ’.

“Sau Đại hội 6 của Đảng khi báo chí nói nhiều chuyện nhất và khi nền kinh tế phát triển tốt nhất thì người dân có niềm tin vào tương lai đất nước nhất,” ông phân tích.

“Phải cho nhân dân có tiếng nói. Khi phát huy dân chủ, phát huy tự do ngôn luận có phản biện nhiều chiều thì xã hội sáng tỏ thôi,” ông nói thêm.

Khi được hỏi liệu tự do báo chí có dẫn đến việc động chạm những vấn đề nhạy cảm của Đảng, của chính quyền mà lâu nay vẫn được che giấu, ông Khế cho rằng:

“Hãy minh bạch. Cái gì mình sai, mình lỡ có khiếm khuyết thì nói với dân là tôi khiếm khuyết. Người dân Việt Nam rất dễ khoan dung.”

Theo ông Khế thì trong nền báo chí một chiều bị kiểm soát chặt chẽ hiện nay ‘thiệt hại lớn nhất là của Nhà nước’.

“Khi đăng tin một chiều và không để cho người ta nói thì số lượng người đọc và lòng tin của người dân giảm,” ông nói.

“Người ta tìm vào chỗ khác. Có chỗ khác thay thế,” ông nói thêm, “Điều gì anh không nói sẽ có người khác nói thay. Đúng sai thì anh chịu.”

“Báo chí tự do là không tránh khỏi. Đối với các nước không lạ và đối với Việt Nam cũng sẽ không lạ,” ông nói thêm.
‘Tự Do Báo Chí Không Làm Mất Chế Độ’ Reviewed by Unknown on 11/21/2014 Rating: 5 Ông Nguyễn Công Khế cựu tổng biên tập báo Thanh Niên gặp Nguyễn Tấn Dũng Cựu Tổng Liên Tập Báo Thanh Niên Lên Báo Mỹ Kêu Gọi 'Tự D...

Không có nhận xét nào: