Nguyễn Công Khế: Tự Do Báo Chí, Không Còn Cách Nào Khác - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 11, 2014

Nguyễn Công Khế: Tự Do Báo Chí, Không Còn Cách Nào Khác

Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo
Thanh Niên. Courtesy of Thanh Nien online
Mặc Lâm, RFA - 19.11.2014: Báo International New York Times trong số ra ngày hôm nay 19/11 có đăng một bài viết của nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên viết về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam.

Bài báo này xuất hiện vào lúc Quốc hội Việt Nam chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng mở ra một góc tối của tự do báo chí tại Việt Nam cần phải được Quốc hội và người đứng đầu chính phủ có thái độ dứt khoát vì tính chất quan trọng khó chối cãi của nó.

Biên tập viên Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn tác giả bài báo, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, về bài viết này.

Sự cấm đoán trong làng báo VN

Mặc Lâm: Thưa ông, là một nhà truyền thông có bề dày và kinh nghiệm trong bối cảnh xã hội Việt Nam chưa quen thuôc với tự do báo chí, ông đã mang kinh nghiệm khó khăn ấy để viết lên bài báo với tựa đề “Một nền Tự do báo chí cho Việt Nam” nói về sự cấm đoán trong làng báo Việt Nam và đăng trên một tờ báo lớn có lịch sử trong ngành báo chí thế giới là tờ International New York Times. Xin ông cho biết đây có phải là thời điểm thích hợp cho bài báo này hay không?

Nguyễn Công Khế: Cách đây không lâu, khi trả lời chính thức trên báo Thanh Niên và báo Một Thế Giới, tôi đã nói rõ việc này. Chính vì sự cấm đoán và mở rộng các vụ nhạy cảm của các nhà lãnh đạo, nó đã để báo chí đi vào ngõ cụt. Những thông tin cần thiết nhất thì lại không được đến từ những tờ báo chính thống.

Bây giờ với thời đại thông tin này, người ta phải đọc trên mạng, hàng nghìn trang xuất hiện. Hồi trước chúng ta làm báo nhật trình, tức là báo ngày.

Bây giờ không phải là báo ngày nữa mà là báo phút. Do vậy, nếu chúng ta không để cho những tờ báo chính thống do chính phủ kiểm soát ở Việt Nam nói những điều cần thiết và những sự thật thì dứt khoát người ta sẽ đọc các trang mạng và tin đó là sự thật.

Bài viết của ông Nguyễn Công Khế trên báo
New York Times số đề ngày 19/11/2014.
Ví dụ như cuốn Đèn Cù của ông Trần Đĩnh chẳng hạn, rồi một số cuốn sách người ta in ra trên mạng ở nước ngoài thì anh đâu có kiểm soát được. Cả một bộ máy chính thống không hề nói lại một câu từ “cải cách ruộng đất” cho đến “bệnh tình của các nhà lãnh đạo” tức là làm cho cả một nền báo chí thụ động. Và từ đó làm cho mất niềm tin của nhân dân đối với chính sách thông tin này.

Nhà báo e ngại, lãnh đạo sợ mất ghế

Mặc Lâm: Với kinh nghiệm của Tổng biên tập một tờ báo lớn khi ông quyết định cho đăng các bài báo có tính đối diện với thời cuộc, đối diện với những vấn đề bị cho là nhạy cảm trong kinh tế xã hội hay chính trị…sau khi bài báo ấy xuất hiện ông có quan sát những hiệu quả mà nó mang tới hay không?

Nguyễn Công Khế: Thời của tụi tôi thì cách đây không lâu đâu –như tôi, Tô Hòa, Võ Như Lanh, Kim Hạnh.... một số Tổng biên tập trước đó. Khi đăng một bản tin chúng tôi nghĩ đến công chúng, đến đất nước mình nhiều hơn là nghĩ đến cá nhân của Tổng biên tập.

Bây giờ, từ các cán bộ nhà nước cho đến các cơ quan báo chí, người ta sợ bị “mất ghế” cho nên người ta không dám dũng cảm để nói lên sự thật mặc dù sự thật đó rất có lợi cho đất nước.

Nghị quyết của đảng, của chính phủ, quốc hội đang đặt vấn đề tham nhũng lên hàng đầu. Thế nhưng khi đặt bút viết chống tham nhũng của các vụ lớn thì các nhà báo rất e ngại, rất sợ, chùn tay. Điều đó làm cho tham nhũng hoành hành và dẫn đến nhiều hệ quả của đất nước.

Vấn đề nợ công, nợ xấu, những vấn đề mà cả đất nước và rất nhiều người dân quan tâm thì không làm được. Tôi nghĩ không phải là các nhà báo kém, thiếu chuyên nghiệp nhưng mà người ta ngại. Lãnh đạo các tờ báo thì sợ “mất ghế. Còn phóng viên thì ngại từ kiểm duyệt.

Tôi nghĩ nền báo chí như thế nó rất có hại, tai hại cho một đất nước đang phát triển. Sự công khai minh bạch của báo chí giúp cho sự phát triển của đất nước rất nhiều.

Sa đà vào những chuyện vặt vãnh

Mặc Lâm: Theo nhận xét chung của chúng tôi thì ngày nay nhiều tờ báo dám xâm nhập vùng cấm, vùng nhạy cảm hơn mặc dù chấp nhận sau đó bài báo có thể bị gỡ xuống và Tổng biên tập có thể bị mất chức. Tuy nhiên các hiện tượng đó không nhiều. Theo ông những hoạt động ngoài lề này phải chăng là chủ trương của nhà nước mở một chút cửa để không khí tràn vào xóa bớt sư ngộp thở của tự do báo chí nhưng vẫn chưa đủ không khí cho một lá phổi lành mạnh. Theo ông nếu nhà nước mở hẳn cánh cửa này thì sự lợi hại ra sao?

Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ nhà nước mở ra chỉ có lợi hơn chứ không có hại. Bây giờ như VTV đang bàn đến vấn đề Công Phượng, nói về lý lịch của Công Phượng. Đó chỉ là một việc rất nhỏ thôi. Công Phượng với các hồ sơ của Tư pháp ở xã, phường vùng nông thôn Việt Nam rất lơ mơ. Vấn đề tuổi Công Phượng 19 hay 21 thì có gì thiết yếu đâu mà người ta lại ầm ầm trên đài. Những vụ lớn, những vụ tham nhũng, những vấn đề nhức nhối của đất nước thì không.

Việt Nam chúng ta sống phụ thuộc vào cái gì? Lao động rẻ, công nhân rẻ, tài nguyên thô và chúng ta sử dụng vốn ODA rất không hiệu quả. Tất cả những vấn đề nhức nhối thì báo chí ít đề cập đến.

Còn không thì báo chí sẽ phân ra hai con đường: Một là các trang lá cải sẽ đăng cô đào này, bữa nay mặc cái áo này, bữa nay hở cái vòng một, vòng hai; Rồi người ta đi quá đà để khai thác, để câu view, tìm bạn đọc. Còn những vấn đề chính thì lại không đề cập. Đó là cái tai hại chứ.

Tôi nghĩ một chính quyền mạnh, một chính phủ mạnh thì cần một nền báo chí minh bạch, một nền thông tin minh bạch.

Mặc Lâm: Và ông nghĩ chính phủ hiện nay đã đủ mạnh chưa đề tiếp cận các nguồn thông tin minh bạch ấy?

Nguyễn Công Khế: Tôi thấy họ vẫn chưa dám để cho có thông tin nhiều chiều, có các phản biện thuyết phục. Một chính quyền mạnh, tôi nói trước đây-thời của chúng tôi cách đây không lâu như tôi đã nói ở trên- những phản ảnh của chúng tôi về tình hình thực trạng của kinh tế, chính trị, xã hội khi được đưa ra mà hơi gay gắt và nó gần với sự thật thì tôi nghĩ điều đó thúc đẩy cho xã hội lành mạnh. Nó chả có hại gì cả. Khi mà thông tin minh bạch thì người dân đặt lòng tin vào đất nước họ, vào xã hội nhiều hơn.

Thời của Minh bạch, Tự do sẽ đến

Mặc Lâm: Phải nói đây là một chủ đề rất gay gắt trong chính trường Việt Nam hiện nay. Ông là một đảng viên kỳ cựu, đã có những cống hiến nhất định cho đất nước, cho Đảng Cộng sản Việt Nam và hơn nữa cho ngành báo chí với tư cách một Tổng biên tập…khi ông đưa những nhận xét này trên một tờ báo lớn của thế giới ông có lo ngại sẽ có những động thái nào đó từ chính quyền gây khó khăn cho ông hay không?

Nguyễn Công Khế: Tôi trả lời báo trong nước còn mạnh hơn báo này nhiều. Anh phải đọc lại bài “Tôi đã bị trả giá nhiều lần” và “Dân thường không có quyền tham nhũng”. Trong các bài đó tôi nói mạnh hơn bài này rất nhiều. Tôi nói chủ yếu về chính sách thông tin của nhà nước hiện nay.

Mặc Lâm: Nhưng đó là những bài báo trong nước nhưng bây giờ thì ông công khai trên diễn đàn báo chí quốc tế và do đó nhà nước sẽ để ý hơn và có biện pháp khác hơn? Nó có thể phát sinh hai vấn đề, một là phản ứng tích cực có nghĩa là họ sẽ thay đổi theo đề nghị của ông hai là họ tiêu cực trong thái độ phủ nhận và chống đối. Giữa hai thái độ đó ông hy vọng nó diễn ra theo chiều hướng nào?

Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ nó sẽ diễn ra chiều hướng tích cực. Tôi đặt vấn đề trong nước rồi. Tôi có cảm giác là người ta đồng tình với tôi nhiều hơn. Tuy người ta chưa sửa được nhưng tôi nghĩ phần đồng tình nhiều, rất nhiều.

Tôi nghĩ con đường, chính sách minh bạch thông tin và tự do báo chí trước sau gì nó cũng đến và dứt khoát mình phải làm thôi. Không có cách nào khác, không có lựa chọn nào khác.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.


Nguyễn Công Khế: Tự Do Báo Chí, Không Còn Cách Nào Khác Reviewed by Unknown on 11/20/2014 Rating: 5 Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên. Courtesy of Thanh Nien online Mặc Lâm, RFA - 19.11.2014: Báo Internatio...

Không có nhận xét nào: