ĐTC: Đối Thoại Liên Tôn Sẽ Giúp Loại Bỏ Những Hình Thức Cuồng Tín - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 11, 2014

ĐTC: Đối Thoại Liên Tôn Sẽ Giúp Loại Bỏ Những Hình Thức Cuồng Tín

VRNs (29.11.2014) –Sài Gòn- theo news.va- Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi đối thoại liên tôn để giúp đem lại hòa bình và chấm dứt mọi hình thức của “cuồng tín, khủng bố và những nỗi sợ hãi vô lý.” Lời kêu gọi này của ĐTC trong bài diễn văn trước Tổng thống Erdogan và các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày đầu tiên của chuyến thăm mục vụ đến các thành phố Ankara và Istanbul. Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do tôn giáo, tôn trọng phẩm giá con người và nói rằng chúng ta bao giờ phải thoái lui trước những xung đột diễn ra ở Trung Đông. Ngài đã nói về mối quan tâm của mình đối với cuộc xung đột ở Iraq và Syria cùng với các “đàn áp nghiêm trọng” trên các dân tộc thiểu số ở đó và ca ngợi phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ là “hào phóng” khi tiếp nhận số lượng lớn những người tị nạn đến từ những khu vực khác nhau.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ĐTC trước tổng thống Erdogan và các nhà lãnh đạo khác:

Thưa ngài tổng thống,
Các quan chức,
Các quý ông quý bà,


Tôi vui mừng được viếng thăm đất nước của các bạn, một đất nước giàu truyền thống lịch sử, đầy những vết tích văn minh. Đất nước các bạn là cầu nối giữa hai đại lục Âu Á, và các nền văn hóa. Đây cũng là vùng đất quí giá đối với lịch sử Kitô giáo, là nơi sinh trưởng của Thánh Phao-lô Tông đồ, Đấng sáng lập các cộng đoàn Ki-tô hữu tại đây và là nơi diễn ra 7 Công đồng đầu tiên của Giáo Hội. Vùng đất kế cận cộng đoàn Ephêsô, nơi lưu giấu những truyền thống đáng kính của “Mái Nhà Maria”, nơi Mẹ của Chúa Giêsu đã sống trong vài năm. Bây giờ lại là một nơi quảng đại tiếp nhận vô số khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ các Kitô hữu, mà cả những người Hồi giáo.

Đó là những lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng không chỉ trong quá khứ với những di tích cổ xưa, nhưng còn trong hiện tại với lòng quảng đại của người dân.

Điều này mang lại cho bản thân tôi vui mừng vì cùng với quí vị tiếp tục một cuộc đối thoại thân hữu, quí chuộng và tôn trọng, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi, chân phước Phaolô VI, thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedic XVI. Cuộc đối thoại đã được chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi nhờ hoạt động của vị Khâm Sứ Tòa Thánh bấy giờ là ĐGM Angelo Giuseppe Roncalli, nay là thánh Gioan 23, và nhờ Công đồng chung Vatican II.

Hôm nay, chúng ta cần một cuộc đối thoại đào sâu sự hiểu biết và với sự phân định, đề cao giá trị của bao nhiêu điều chúng ta có chung với nhau. Nhưng đối thoại cho phép chúng ta trân trọng những khác biệt, ngẫn nghĩ đến tính hợp lý, để có thể rút ra những bài học từ đó.

Cần kiên nhẫn thi hành quyết tâm kiến tạo một nền hòa bình vững chắc, dựa trên sự tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản gắn liền với phẩm giá con người. Nhờ con đường này, chúng ta có thể vượt thắng những thành kiến và những sợ hãi sai trái, và thay vào đó dành chỗ cho sự quý chuộng, gặp gỡ, phát triển những nghị lực tốt đẹp nhất để mưu ích cho mọi người.

Để đạt mục tiêu ấy, điều cơ bản là các công dân Hồi giáo, Do thái và Kitô giáo, – trong các qui định của luật pháp cũng như trong thực thực thi các luật ấy – được hưởng cùng những quyền và tôn trọng cùng nghĩa vụ. Họ sẽ dễ dàng nhận ra mình là anh chị em và là những người đồng hành, ngày càng tránh được những hiểu lầm và tạo điều kiện cho sự cộng tác và cảm thông. Tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, nếu được bảo đảm thực sự cho tất cả mọi người, thì sẽ kích thích sự triển nở tình thân hữu, trở thành một dấu chỉ hùng hồn về hòa bình.

Trung Đông, Âu Châu và thế giới đang chờ đợi sự triển nở ấy. Đặc biệt Trung Đông, từ quá lâu rồi là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, dường như chiến tranh này sinh ra chiến tranh khác, như thể câu trả lời duy nhất cho chiến tranh và bạo lực luôn luôn phải là một cuộc chiến tranh mới và bạo lực mới.

Trung Đông còn phải chịu đau khổ đến bao giờ nữa vì thiếu hòa bình? Chúng ta không thể cam chịu sự tiếp tục các cuộc xung đột như thể không thể có một sự cải tiến nào cho tình thế! Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể và luôn luôn phải canh tân lòng can đảm hòa bình! Thái độ này dẫn đến việc chân thành, kiên nhẫn và quyết liệt sử dụng mọi phương thế thương thuyết, và nhờ đó đạt tới những mục tiêu cụ thể hòa bình và phát triển lâu dài.

Thưa Tổng Thống, để đạt tới mục tiêu cao cả và cấp thiết ấy, một đóng góp quan trọng có thể đến từ đối thoại liên tôn và liên văn hóa, để loại trừ mọi hình thức cuồng tín và khủng bố, nó gây thương tổn trầm trọng cho phẩm giá của mỗi người nam nữ và lạm dụng tôn giáo.

Cần chống lại trào lưu cuồng tín và cực đoan, những sự sợ hãi vô lý kích thích sự hiểu lầm và kỳ thị, bằng cách thực thi tình liên đới của tất cả những người có tín ngưỡng. Sự đoàn kết này dựa trên những cột trụ là: tôn trọng sự sống con người, tự do tôn giáo, là tự do phụng tự và tự do sống theo luân lý đạo đức tôn giáo, cố gắng bảo đảm cho tất cả mọi người những gì cần thiết để sống xứng đáng, và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Các dân tộc và quốc gia ở Trung Đông đang cấp thiết cần điều này để có thể “lật ngược xu thế”, và thi hành hữu hiệu một tiến trình hòa bình, nhờ sự loại bỏ chiến tranh và bạo lực, và theo đuổi đối thoại, luật pháp và công lý.

Cho đến nay, rất tiếc là chúng ta còn chứng kiến những cuộc xung đột trầm trọng. Đặc biệt tại Siria và Irak, bạo lực khủng bố không có dấu hiệu suy giảm. Có sự vi phạm các luật lệ cơ bản nhất về nhân đạo đối với các tù nhân và toàn bộ các nhóm chủng tộc. Chúng ta đã và còn thấy những cuộc bách hại nặng nề chống lại các nhóm thiểu số, đặc biệt là những người Kitô và Yazidi, và không phải chỉ có họ mà thôi. Hàng trăm ngàn người buộc lòng phải rời bỏ gia cư và quê hương để thoát thân và trung thành với tín ngưỡng của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ, khi quảng đại đón nhận một số lớn người tị nạn, đang trực tiếp chịu hậu quả của tình trạng bi thảm này ở vùng biên giới của mình, và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ luân lý phải trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc săn sóc những người tị nạn. Cùng với sự trợ giúp nhân đạo cần thiết, chúng ta không thể dửng dưng trước những gì gây nên những thảm trạng ấy. Trong khi tái khẳng định sự tôn trọng luật pháp quốc tế, nhằm ngăn chặn kẻ xâm lược bất chính, tôi cũng muốn nhắc nhớ rằng không thể ủy thác việc giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự mà thôi.

Cần có sự dấn thân chung mạnh mẽ, dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau, là cho hòa bình được lâu bền và sau cùng giúp dành những tài nguyên không phải cho việc võ trang, nhưng cho những cuộc chiến thực sự xứng đáng với con người: cuộc chiến chống nghèo đói và bệnh tật, để phát triển dài hạn và bảo tồn thiên nhiên, cứu giúp bao nhiêu hình thức nghèo đói và bị loại bỏ vẫn còn trong thế giới ngày nay.

Thổ Nhĩ Kỳ với lịch sử đạo đức của mình và do vị trí địa lý, cũng như vì tầm quan trọng trong miền này, phải có một trách nhiệm lớn: những chọn lựa mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nêu gương về giá trị đặc biệt và có thể là trợ lực lớn để tạo điều kiện cho một gặp gỡ giữa các nền văn minh và tìm ra những con đường hòa bình và tiến bộ có thể thực hiện được.
Xin Đấng Tối Cao chúc lành và bảo vệ Thổ Nhĩ kỳ và giúp đất nước này nên mạnh mẽ để kiến tạo nền hòa bình hữu hiệu! Xin cám ơn!

Hoàng Minh
ĐTC: Đối Thoại Liên Tôn Sẽ Giúp Loại Bỏ Những Hình Thức Cuồng Tín Reviewed by Unknown on 11/30/2014 Rating: 5 VRNs (29.11.2014) –Sài Gòn- theo news.va- Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi đối thoại liên tôn để giúp đem lại hòa bình và chấm dứt mọi ...

Không có nhận xét nào: