Võ Long Triều: Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang căng thẳng, các nước trong tổ chức ASEAN bàn thảo gay cấn tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Á Châu lần thứ 25 ngày 13/11/2014 tại thủ đô Miến Điện. Thủ tướng Ấn Độ lên tiếng yêu cầu tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và hối thúc hình thành Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC. Thủ tướng Việt Nam cho rằng việc bồi đắp các bãi đá ngầm là vi phạm DOC. Tổng thống Philippines kêu gọi nên thương lượng với Bắc Kinh.
Trước những sự phê phán dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hàm ý lo ngại về những hành động hung hăng, lấn áp của Bắc Kinh đối với các láng giềng trong khu vực, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đổi vọng, xoa dịu vấn đề bằng cách xác định: “… Chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác đầu tiên ký với ASEAN một hiệp ước hữu nghị và hợp tác, đồng thời cũng sẵn sàng ký thêm các văn kiện mang tính chất pháp lý và tinh thần hữu nghị láng giềng tốt với nhiều quốc gia trong khu vực”.
Đề nghị của Lý Khắc Cường được xem như một nỗ lực xóa mờ hành động ngang ngược và đe dọa của Bắc Kinh. Thái độ hòa hoãn của Trung Quốc còn được chứng tỏ qua sự tự kiểm duyệt của Thủ Tướng Lý Khắc Cường trong bài diễn văn của ông nhằm xóa bỏ những từ ngữ có khả năng làm phật ý các đối tác đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Theo ghi nhận của đặc phái viên ban Hoa ngữ đài RFI thì những từ ngữ được ghi trong bản thông cáo phân phối cho các nhà báo được ông Cường lược bỏ hẳn trong bài diễn văn ông đọc trước Hội Nghị. Theo đặc phái viên RFI và các nhà quan sát, sở dĩ ông Cường đến họp trễ một tiếng rưỡi đồng hồ là vì ông cần đàm thảo với ASEAN để xóa bỏ đoạn văn viết sẵn trong thông cáo chung: “Trung Quốc cam kết bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông” và thêm vào chủ trương gợi lên “tình hữu nghị và láng giềng tốt”.
Thái độ xuống nước của Bắc Kinh khởi đầu từ lúc Ủy Viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì sang Việt Nam ngày 27/10/2014, ông tuyên bố: “Trung-Việt là hai nước láng giềng quan trọng. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng, và luôn luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với Việt Nam”. Trước đó bốn tháng họ Dương hùng hổ yêu cầu Hà Nội không được khuấy nhiễu giàn khoan HD-981 và báo chí Trung Quốc đưa tin ông Dương Khiết Trì đi Việt Nam để “kêu gọi đứa con hoang đàng trở về”. Có lẽ HD-981 đã làm dấy lên sự phản đối khắp nơi, đặc biệt là quyết nghị của Thượng Viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan HD-981. Đồng thời để tránh những phản ứng bất lợi của các nước láng giềng và dư luận quốc tế trong các kỳ họp thượng đỉnh sắp đến, Bắc Kinh thay đổi chính sách hành động nhưng không thay đổi ý đồ. Bằng cớ là Lý khắc Cường vẫn khẳng định chủ trương: “Trung Quốc cam kết bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông” nhưng lại cắt bỏ trong bài diễn văn trước ASEAN vào giờ chót vì không muốn khơi động thêm sự chống đối của ASEAN và thế giới.
Sách lược chiêu dụ các nước láng giềng nhắm vào ASEAN và Việt Nam được Chủ Tịch Tập Cận Bình công khai lập lại trước Quốc Hội Úc ngày 17/11/2014, nói rằng nước ông sẽ không bao giờ dùng sức mạnh để đạt mục đích và “Bắc Kinh luôn luôn mong muốn giải quyết hòa bình với các tranh chấp trên Biển Đông”. Sự thay đổi chính sách ngoại giao trên đây được giới phân tích chính trị quốc tế xem như kế hoạch cố hữu của Bắc Kinh là “mềm nắn rắn buông”.
Tiến sĩ Alexander Vuving thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhận xét Bắc Kinh chưa sử dụng lực lượng lớn, và cung cách đối đầu cứng rắn để gây khó khăn cho các bên nào muốn đối phó với họ, bởi vì Trung Quốc không khi nào muốn gây chiến tranh, ông cho rằng bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy nước nầy đang áp dụng chiến lược đánh cờ vây, có nghĩa là lần hồi chiếm đoạt và củng cố các vị trí chiến lược đã thu được, kết cuộc buộc đối phương phải thua hàng vì Trung Quốc đã từng bước chiếm trọn vùng biển nằm trên chữ U còn gọi là cái lưỡi bò. Thực tế mà xét, mỗi lần chiếm đoạt và củng cố vị trí mới thu được, Trung Quốc chấp nhận sự phản đối của các nạn nhân và sự ủng hộ của thế giới, nhưng chắc chắn không một cường quốc nào sẵn lòng gây chiến với Trung Quốc để bảo vệ một đệ tam quốc gia dù là đồng minh, một khi lợi ích quốc gia của cường quốc đó không bị tổn hại.
Trung Quốc tóm thâu Hoàng Sa, đảo Gạc Ma, bồi đắp bãi đá Chữ Thập, v.v. Tất cả sẽ là những vị trí chiến lược có thể kiểm soát cả một khu vực hàng hải rộng lớn với các cơ sở quân sự vững mạnh, sân bay, hải cảng, giúp cho Trung Quốc trở thành thế lực hùng mạnh ở Biển Đông. Các đảo lớn nhỏ có sân bay hải cảng là những hàng không mẫu hạm của Trung Quốc không thể bị bắn chìm. Dù là hùng mạnh ở Biển Đông nhưng tự do hàng hải vẫn phải được tôn trọng bởi vì Bắc Kinh chưa thể làm bá chủ toàn cầu. Vả lại Chủ Tịch Tập Cận Bình đã từng khẳng định với Tổng Thống Barack Obama tại California là sẽ tôn trọng tự do hàng hải.
Cựu Chuẩn Đô Đốc Nhật Bản, ông Akimoto Kazumine nghi ngại rằng sau khi hoàn tất việc mở rộng bồi đắp các bãi đá Trung Quốc sẽ tiến một bước khác xa hơn. Chuyên gia Robert Kaplan cho rằng Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh để hành động lấn chiếm Biển Đông vì Hoa Kỳ bị cầm chân ở Trung Đông trong thời gian dài nên bỏ quên Châu Á. Bây giờ chuyển hướng về Á Châu thì đã quá muộn, phải chịu mất ít nhất hai mươi năm. Theo ông Kaplan tình hình Biển Đông căng thẳng từ những năm 2008-2009, do các sự kiện: Bắc Kinh cản trở hợp đồng khai thác của BP với Việt Nam năm 2007, cản trở hợp đồng Exxon Mobil năm 2008, tàu Trung Quốc bắn ngư dân Việt Nam năm 2007 và vụ căng thẳng giữa tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ với một số tàu Trung Quốc năm 2009. Học giả Hilly Morrow chuyên gia về địa chính trị thuộc đại học Harvard cũng cho rằng tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng bắt đầu từ năm 2008 là do những yếu tố suy yếu của nước Mỹ.
Nhìn lại quá khứ, khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 là đã mưu đồ bành trướng trên Biển Đông rồi. Bắc Kinh thực hiện ý đồ đó thông qua nhiều giai đoạn. Đặng Tiểu Bình cho Việt Nam một bài học năm 1978 có mục đích răn đe, gieo khiếp sợ, để chiếm luôn đảo Gạc Ma. Dựa vào những tài liệu cũ kỹ không có giá trị thực tế đối với các nước láng giềng và đối với luật pháp quốc tế, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên đường 9 điểm hình chữ U còn gọi là cái lưỡi bò. Kể từ đó Trung Quốc từng bước thực hiện chủ trương độc chiếm 80% diện tích Biển Đông. Vấn đề quan trọng trước mắt của Bắc Kinh là thu tóm lãnh hải của quốc gia Việt Nam, đồng chí vệ tinh trung thành, hãnh diện có sông liền sông núi liền núi với Trung Quốc. Thủ đoạn bắt ngư phủ, “tàu lạ” đánh chìm ngư thuyền Việt Nam, cấm đánh bắt cá, thành lập huyện Tam Sa, bồi đắp bãi đá ngầm, lập cơ sở hành chánh quân sự, xây dựng sân bay là những hoạt động của Trung Quốc tiến dần đến mục tiêu làm chủ vùng biển chữ U.
Chiến thuật khi cứng khi mềm để chiêu dụ từng nước láng giềng hay để nhún nhường đối với phản ứng của các cường quốc chỉ là chiến thuật “tằm ăn lên”. Đối với Trung Quốc thời gian không có giá trị, mục tiêu cần chiếm đoạt mới là chính yếu. Sau một bước tiến lấn chiếm, sẽ chờ thời gian các phản ứng trôi qua, rồi lại thêm một bước thứ hai. Cũng như sau việc bồi đắp bãi đá Chữ Thập và xây dựng cơ sở quân sự rồi sẽ tới điều gì nữa? Cựu Chuẩn Đô Đốc Nhật Bản ông Akimoto Kazumine đã đặt câu hỏi nầy.
Nếu các quốc gia ASEAN mất đoàn kết, nếu các nước láng giềng không hợp tác phản ứng mạnh bằng mọi cách, nếu sách lược chiêu dụ từng quốc gia của Trung Quốc bằng viện trợ, đầu tư kinh tế, cùng nhau khai thác đôi bên đều có lợi đạt thành, như đối với Campuchia, thì Trung Quốc có thể từng bước trở thành bá chủ ở vùng Châu Á, và hy vọng thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” vào những năm 2030 hay xa hơn.
Không có nhận xét nào: