Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn - Tác Giả "Chuyện Kể Năm 2000" Qua Đời - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 12, 2014

Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn - Tác Giả "Chuyện Kể Năm 2000" Qua Đời

BBC:Tác giả 'Chuyện kể năm 2000', nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người được ví như Solzhenitsyn của Việt Nam, vừa qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 81.

Thân hữu xác nhận ông đã qua đời sáng thứ Năm 18/12 tại nhà con trai mình ở TP Hải Phòng sau một thời gian bệnh nặng.

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1954.

Ông từng làm báo trong vai trò phóng viên báo Tiền Phong và biên tập viên báo Hải Phòng Kiến Thiết.

Tuy nhiên ông được biết nhiều trong vai trò một nhà văn.

Năm 2012, ông được trao giải thưởng Henri Queffélec tại liên hoan 'Sách và Biển' ở Pháp cho tác phẩm "Biển và chim bói cá".

Tác phẩm này, do nhà xuất bản Hội nhà văn ở trong nước và công ty Nhã Nam ấn hành lần đầu năm 2009, tái bản năm 2010, viết dựa trên những gì ông trải nghiệm trong khi làm việc tại một xí nghiệp thủy sản.

Ông còn nhiều tác phẩm được biết đến như tập truyện Những người rách việc, Rừng xưa xanh lá, Mùa cưới, Đêm tháng 10, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Nguyên Hồng thời đã mất, Một thời để mất, Một ngày dài đằng đẵng...

Solzhenitsyn của Việt Nam

Tuy nhiên tác phẩm gây chấn động nhất của Bùi Ngọc Tấn là 'Chuyện kể năm 2000' viết về hệ thống lao tù XHCN ở trong nước. Các báo ở Việt Nam khi đưa tin về cái chết của ông đều không đề cập tới tác phẩm này.
Nhà văn bị tù từ 11/1968 đến 3/1973 với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án "Xét lại chống Ðảng, làm tay sai cho nước ngoài”. Cùng tội danh này có các thân hữu của ông như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà điện ảnh Huy Vân, nhà báo Vũ Huy Cương, nhà báo Kỳ Vân...

Sau khi ra tù, ông phải làm nhiều công việc để nuôi sống bản thân và gia đình.

'Chuyện kể năm 2000' được Bùi Ngọc Tấn khởi viết từ cuối năm 1990 và tiếp tục hoàn chỉnh gần 10 năm cho tới khi có cơ hội ấn hành vào đầu năm 2000 nhưng vừa in xong đã bị thu gom để hủy.

Cuốn sách một thời gian bị cấm đoán ở trong nước dù chỉ ghi lại thực tế chốn lao tù qua con mắt của một tù nhân.
 ------------------

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời ở tuổi 81

HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) - Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả “Chuyện Kể Năm 2000,” vừa qua đời tại nhà riêng ở Hải Phòng, lúc 6 giờ 15 phút sáng (giờ địa phương) Thứ Năm, 18 Tháng Mười Hai, ông Bùi Ngọc Hiến, con trai của ông cho nhật báo Người Việt biết.

Ông Hiến kể: “Cha tôi bị bệnh phổi lâu nay, có vào nhà thương nằm một thời gian, nhưng về nhà từ hôm 12 Tháng Mười. Cụ ra đi rất nhẹ nhàng.”

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. (Hình: Phạm Xuân Nguyên)

Theo tác giả Vũ Quốc Văn trong bài “Tân Sắc Bùi Ngọc Tấn, một nhà văn đặc sắc” đăng trên trang mạng báo Tiền Phong ngày 25 Tháng Mười Hai, 2005, nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ năm 1954, và có sáng tác in ở các nhà xuất bản Văn Học, Lao Ðộng, Thanh Niên, Phổ Thông,... khi mới ngoài 20 tuổi.

Theo Wikipedia, trước khi viết văn, ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội, viết với bút danh Tân Sắc. Sau đó, năm 1959, ông trở về quê và là biên tập viên báo Hải Phòng Kiến Thiết. Ðể có thể nuôi gia đình 6 người, ông tập trung vào viết báo.

Blogger Osin, tức nhà báo Huy Ðức, viết trên trang Facebook cá nhân như sau: “Nhà văn Bùi Ngọc Tấn bắt đầu viết văn từ năm 1954. Theo ông: 'Trong thời kỳ này (1954-1968), những sáng tác của tôi đều ca ngợi con người mới cuộc sống mới, ca ngợi đảng Cộng Sản Việt Nam, ca ngợi những người làm ra lịch sử. 14 năm đầu tiên, tôi viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, mô tả cuộc sống dưới sự lãnh đạo của đảng, đang phát triển, đang đi lên, một xã hội không có bi kịch như nhà thơ Tố Hữu, người lãnh đạo văn nghệ Việt Nam đã khẳng định.'”

“Một bi kịch cho ông, nhưng cay đắng thay lại là một may mắn cho văn học: Năm 1968, ông bị vô cớ bắt giam, bị cầm tù 5 năm,” nhà báo Huy Ðức viết.

Nhà báo này viết tiếp: “Phải đến năm 1995, sau 27 năm bị 'ngắt tiếng,' Bùi Ngọc Tấn mới được trở lại văn đàn. Ðây là thời kỳ ông bắt đầu 'viết về những người cam chịu lịch sử, về những thân phận bé nhỏ, về những người cố gắng tồn tại giữa những bánh xe của lịch sử, đặc biệt là những phận người rơi vào thảm cảnh tù đầy, những người chịu sự khinh bỉ của xã hội.' Ðỉnh cao các tác phẩm của ông là 'Chuyện Kể Năm 2000,' được nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2000, chưa kịp phát hành thì bị 'cấm, thu hồi và tiêu hủy.' Nhưng, 'Chuyện Kể Năm 2000' vẫn có sức sống mãnh liệt.”

“Phải đọc 'Chuyện Kể Năm 2000' mới có một cảm nhận đầy đủ về khái niệm 'nhà tù lớn, nhà tù nhỏ,' theo nhà báo Huy Ðức. “Bi kịch Bùi Ngọc Tấn kể về 5 năm ở tù tưởng đã là tận cùng; nhưng phải khi đọc những gì ông kể về những ngày ra tù, mới thấy cái chế độ miền Bắc thời ông sống không có chỗ cho con người làm con người.”

“Nhiều lần ông nói: 'Tôi sợ nhất là những người đã hơn 70 tuổi mà chưa một lần phạm sai lầm, họ cứ hành xử như là họ có quyền để ban phát chân lý,'” blogger Osin viết tiếp.

Ông cũng đã hoàn thành “Hậu Chuyện Kể Năm 2000,” và theo dự trù, tác phẩm này sẽ được tủ sách Tiếng Quê Hương ở Hoa Kỳ ra mắt vào cuối năm nay.

Theo nhà văn Trần Phong Vũ, “Hậu Chuyện Kể Năm 2000” ghi lại nhiều diễn biến quanh tác phẩm “Chuyện Kể Năm 2000” từ các đoạn đường hoàn thành tới khi tác phẩm chào đời và những ngày kế tiếp. Tựa đề đầu tiên của “Hậu Chuyện Kể Năm 2000” là “Thời Biến Ðổi Gien” được Hoàng Hưng diễn giải là “Một thời đại ghê gớm trên quê hương chúng ta mà cái 'gien' NGƯỜI đã bị biến đổi đến thảm hại!”

“Ðó là thời đại quét sạch mọi quyền sống căn bản của con người buộc toàn thể xã hội luôn cúi đầu quỳ gối tôn thờ những kẻ thủ đoạt quyền lực - thời đại mà hết thẩy người dân không được phép có một hành vi, một ý nghĩ nào khác ngoài việc tự biến thành công cụ phục vụ ý đồ của kẻ thủ đoạt quyền lực được coi là tín ngưỡng tối cao độc nhất vô nhị,” ông Vũ viết.

Ngoài hai tác phẩm trên, nhà văn Bùi Ngọc Tấn còn được biết đến qua một số tác phẩm như “Mùa Cưới,” “Ngày và Ðêm Trên Vịnh Bái Tử Long” (phóng sự), “Ðêm Tháng Mười,” “Người Gác Ðèn Cửa Nam Triệu” (truyện ký), và “Nhật Ký Xi Măng”...

Ông từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương trong nước, và giải Henri Queffenlec (Pháp) năm 2012 cho tác phẩm “Biển và Chim Bói Cá.”

Ông Bùi Ngọc Hiến cho biết đám tang nhà văn Bùi Ngọc Tấn sẽ được tổ chức vào Thứ Bảy, 20 Tháng Mười Hai. (Ð.D.)
Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn - Tác Giả "Chuyện Kể Năm 2000" Qua Đời Reviewed by Unknown on 12/18/2014 Rating: 5 BBC: Tác giả 'Chuyện kể năm 2000', nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người được ví như Solzhenitsyn của Việt Nam, vừa qua đời vì ung thư ph...

Không có nhận xét nào: