Thanh Phương: Trong phần tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin điểm lại một số bài trên báo chí quốc tế liên quan đến Việt Nam trong tuần qua. Trước hết là một bài viết của giáo sư Jonathan London, đại học City University of Hongkong, đăng ngày 21/01 trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ( CSIS ), Washington DC, Hoa Kỳ, đề cập đến tình hình chính trị nội bộ Việt Nam sau hội nghị toàn thể ban chấp hàng trung ương Đảng vừa qua.
Bài viết có tựa đề “ Vietnam: Open Secrets on the road to succesion” ( Việt Nam: Những bí mật bị hé lộ trên con đường chọn người kế nhiệm), đề cập đến vấn đề chọn người thay thế các lãnh đạo hiện nay và cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong bối cảnh vào năm tới sẽ diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nan lần thứ 12.
Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Hồng Kông, giáo sư Jonathan London cho rằng có hai điều đáng chú ý trong nội bộ chính giới Việt Nam hiện nay, đó là chuyện các ủy viên ban chấp hành trung ương bỏ phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị, mà kết quả không được công bố và sự xuất hiện của trang mạng “ Chân dung quyền lực”. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với giáo sư London:
Trong bài viết tựa đề « Vietnam’s careful dance with the superpowers » ( Bước nhảy thận trọng của Việt Nam với các siêu cường), bà Phương Nguyễn nhắc lại rằng quan hệ quân sự Mỹ-Việt đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Các quan chức quân sự và quốc phòng cao cấp của Mỹ nay viếng thăm Việt Nam rất thường xuyên. Năm 2011, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ về đẩy mạnh hợp tác quốc phòng. Đến tháng 10 năm 2014, chính quyền Obama loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Quyết định này sẽ thúc đẩy việc bán vũ khí của Mỹ cho Việt Nam trong những năm tới.
Thế nhưng, theo tác giả bài viết, có nhiều yếu tố vẫn còn cản trở mối quan hệ Mỹ-Việt. Chính sách ngoại giao của Việt Nam vẫn phải tính đến “yếu tố” Trung Quốc và Hà Nội luôn quan ngại về phản ứng của Bắc Kinh trước việc Hoa Kỳ, Việt Nam thắt chặt quan hệ quân sự.
Theo tác giả Phương Nguyễn, trong khi hoan nghênh những mối lợi từ việc Hoa Kỳ quan tâm trở lại khu vực Châu Á, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn biết rõ rằng Bắc Kinh xem chính sách “xoay trục” của Mỹ như là một nỗ lực nhằm “bao vây” Trung Quốc.
Tác giả bài viết nhận định rằng, Việt Nam vẫn cố tránh bị lâm vào thế kẹt giữa hai siêu cường và nhiều quan chức ở Hà Nội khi nói chuyện riêng đã cho rằng tình hình hiện nay của Ukraina chính là hậu quả của một chính sách ngoại giao “không cân bằng”. Mỗi lần có một bước theo hướng tăng cường quan hệ an ninh với Hoa Kỳ, Việt Nam lại phải cố trấn an Bắc Kinh.
Bà Phương Nguyễn viết:
“ Quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt còn rất nhiều tiềm năng và rất có thể sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm nay, với việc hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa bang giao. Nhưng có một số vấn đề mà hai bên cần phải tập trung giải quyết trong thời gian trước mắt, chẳng hạn như Hà Nội vẫn đòi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương và vẫn muốn mua thêm vũ khí của Mỹ. Về phía Washington thì tiếp tục kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước và tăng con số chiến hạm của Mỹ ghé thăm các hải cảng của Việt Nam mỗi năm. Nhưng vì thiếu một tầm nhìn xa, cho nên Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ có thể gia tăng hợp tác ở một cấp độ mang tính chiến thuật cho một tương lai gần”.
Một bài báo khác cũng liên quan đến Việt Nam đó là bài của hãng tin Bloomberg với tựa đề “What do the weak oil price mean for the South China Sea ?" ( Giá dầu giảm có ảnh hưởng gì đối với Biển Đông ? ), đăng ngày 21/01.
Theo hãng tin Bloomberg, giá dầu hỏa vào giữa tháng Giêng đã sụt xuống còn 46 đôla/thùng. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất của giá dầu hỏa kể từ khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Tình hình này buộc nhiều công ty phải ngưng các dự án bị xem là không thể có lãi với giá dầu thấp như hiện nay, cũng như khiến họ phải tính đến chuyện có nên duy trì các dự án thăm dò dầu khí biển sâu rất tốn kém.
Thế nhưng, theo Bloomberg, ở Biển Đông, nơi mà các tàu của Trung Quốc và Việt Nam đã đụng độ với nhau vào tháng 5 năm ngoái, sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan tại vùng biển tranh chấp, các yếu tố an ninh và chính trị sẽ khiến căng thẳng do tranh chấp chủ quyền vẫn ở mức cao và thúc đẩy các nước trong vùng gia tăng chi phí quân sự.
Hãng tin Bloomberg trích lời ông Bill Hayton, tác giả cuốn “ The South China Sea: The struggle for power in Asia” ( Biển Đông: Cuộc tranh giành năng lượng), xuất bản vào năm ngoái, cho rằng thật ra Trung Quốc dùng dầu hỏa như là một cái cớ để đòi chủ quyền quốc gia và biện minh cho đòi hỏi chủ quyền ấy, vì họ lập luận rằng Biển Đông có rất nhiều trữ lượng dầu khí cần cho Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ không giảm đáng kể các dự án thăm dò dầu khí ở Biển Đông, nhưng với giá dầu như hiện nay, Trung Quốc cũng sẽ không gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này. Về phần các công ty dầu khí lớn của thế giới thì vẫn trong tư thế chờ đợi, tức là chờ khi nào Trung Quốc và các nước có liên quan giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, thì họ mới đẩy mạnh đầu tư vào vùng này.
Nhưng theo hãng tin Bloomberg, Biển Đông cũng là nơi tập trung đến 10% nguồn cá đánh bắt được trên toàn cầu và đây cũng là một trong những yếu tố gây căng thẳng ở vùng này. Hãng tin này trích lời ông Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng ngoài trữ lượng dầu khí dồi dào, nhiều yếu tố khác cũng khiến tranh chấp chủ quyền Biển Đông ngày càng gay gắt. Ông nói: “ Chủ nghĩa dân tộc, nỗ lực của các bên nhằm xác quyết chủ quyền lịch sử và pháp lý, cũng như thế ganh đua địa chiến lược sẽ khiến vùng này sẽ vẫn là vấn đề hàng đầu về an ninh khu vực.”
Không có nhận xét nào: