Những Rắc Rối Trong Quan Hệ Vatican-Trung Quốc - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 2, 2015

Những Rắc Rối Trong Quan Hệ Vatican-Trung Quốc

Ảnh bên: Cuốn Kinh thánh được tìm thấy sau nghi lễ của Giáo hội bí mật tại một căn hộ ở Bắc Kinh hồi tháng 12 (Ảnh: AFP/Greg Baker).

Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực gần đây song vẫn còn rào cản cần vượt qua

Mặc dù một giám mục Trung Quốc bị cầm tù lâu ngày qua đời gần đây, song có những dấu hiệu khác nhau cho thấy Trung Quốc có định cải thiện quan hệ với Tòa Thánh.

Dấu hiệu đầu tiên là phản ứng của bộ ngoại giao Trung Quốc về bức điện tín của Đức Thánh cha Phanxicô gửi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến bay từ Philippines về Rôma, đi ngang qua không phận của Trung Quốc.

Và một vài ngày sau, hôm 21-1, Hua Chunying, người phát ngôn cho bộ ngoại giao Trung Quốc nói chính phủ Trung Quốc “sẵn sàng đối thoại xây dựng với Vatican dựa trên các nguyên tắc thích hợp”.

Hua còn nói thêm “Trung Quốc luôn chân thành muốn cải thiện quan hệ với Vatican, và đã có nhiều nỗ lực cho mục đích này”.

Lời của Hua một lần nữa chứng tỏ chính sách tôn giáo mới được ông Tập, người được bầu làm chủ tịch nước Trung Quốc hồi tháng 3-2013, được thi hành.

Một viên chức Vatican tham gia các cuộc đàm phán với Trung Quốc nói hôm thứ Tư rằng “khi Trung Quốc muốn thay đổi chính sách, họ thường tiến hành đưa ra các lời tuyên bố từ cấp trung, để xem phản ứng của người dân như thế nào”.

Đây là lý do viên chức này xem lời của Hua “là một kiểu thăm dò ý kiến, để làm cho người dân Trung Quốc tin tưởng lập trường mới của Trung Quốc về quan hệ với Tòa Thánh”.

Mặc dù vậy, thời gian để Trung Quốc và Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao vẫn còn xa.

Bước đi cụ thể đầu tiên hướng đến cải thiện quan hệ có thể là một loại thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về các vấn đề như tự do tôn giáo và tự do thờ tự.

Một trong những nguyên tắc chỉ đạo của các nhà ngoại giao Vatican là tìm kiếm một “sự tự do hợp lý”.

Giáo hội Trung Quốc thường được miêu tả là bị chia rẽ, giữa Giáo hội ‘chính thức’, Hội Yêu nước, có quan hệ với chính quyền; và Giáo hội ‘bí mật’, bị ngược đãi và có các vụ bổ nhiệm giám mục thường không được chính quyền Trung Quốc công nhận.

Hội Yêu nước đã bổ nhiệm giám mục bất hợp thức không được Rôma chấp thuận trong nhiều năm qua.

Mặt khác, có các giám mục được Vatican bổ nhiệm lại không được chính quyền Trung Quốc công nhận.

Chính quyền Trung Quốc còn độc đoán hủy bỏ một số giáo phận Trung Quốc, và tự phân chia lại địa hạt giáo phận của các giám mục khác với trong Niên giám Tòa Thánh.

Tất cả những vấn đề này cần được nêu lên trong “thỏa thuận cuối cùng giữa Vatican và Trung Quốc”.

Một vấn đề cấp bách nữa là sự đối xử với các linh mục và giám mục trung thành với Rôma.

Theo tin hôm 31-1, Đức Giám mục Cosmas Shi Enxiang của Yixian qua đời sau 14 năm bị giam cầm trong một nơi bí mật, nhưng không bị kết tội. Gia đình ngài được thông báo về cái chết của ngài vào ngày hôm trước đó, nhưng không được cung cấp thêm thông tin gì khác. Đức cha Shi 94 tuổi, lần đầu tiên bị bắt vào năm 1954.

Vì hiện nay Đức cha Shi đã chết, Đức Giám mục James Su Zhimin của Baoding là giám mục thuộc Giáo hội bí mật duy nhất còn đang bị giam cầm bí mật. Ngài bị chính quyền Trung Quốc bắt giam từ năm 1997.

Những vụ bắt giam và chết như thế “không được các phương tiện truyền thông lớn đưa tin, có lẽ lo ngại không muốn làm tổn hại quan hệ với nhà nước Trung Quốc mạnh về mặt kinh tế”, viên chức Vatican bình luận. “Nhưng nói thật tình trạng này cần phải được giải quyết”.

Tòa Thánh đã cam kết với người Công giáo Trung Quốc, có ý muốn bảo vệ và giúp các Kitô hữu bị ngược đãi trong quốc gia này, và quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc thay đổi bất thường.

Sau khi Đức Bênêđictô XVI gửi tông thư cho người Công giáo Trung Quốc, quan hệ giữa hai bên dường như được cải thiện, các vụ bổ nhiệm giám mục được cả Vatican lẫn chính phủ Trung Quốc chấp thuận.

Mặc dù vậy, và ông Tập đã nhậm chức chủ tịch nước, vụ tấn phong giám mục cho linh mục Taddeo Ma Daqin tại Thượng Hải cho thấy quan hệ giữa hai bên có thể đóng băng trở lại. Đức cha Ma từng tham gia Hội Yêu nước, nhưng sau lễ tấn phong giám mục ngài tuyên bố sẽ rời khỏi hội này, và đã bị chính quyền giam hãm.

“Các vụ tấn phong giám mục bất hợp thức đi kèm theo một lý do khó hiểu”, viên chức Vatican phát biểu. “Các vụ này còn có thể được quyết định ở cấp địa phương, vì thế tôi không loại trừ khả năng các vụ tấn phong giám mục bất hợp thức là việc nội bộ hưởng ứng ước muốn cải thiện quan hệ của ông Tập. Khi tình hình đã ổn định, rất khó để hướng người ta tới một tình trạng mới”.

Về phía Vatican, có phần cởi mở muốn tiến xa hơn nữa để đi đến quan hệ ngoại giao đầy đủ, song việc Tòa Thánh vẫn còn đặt vị đại diện Đức Thánh cha tại Cộng hòa Trung Quốc, Đài Loan, sẽ là rào cản đối với Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, các bước tiến cần được thực hiện cách thận trọng, và dường như hiện nay Tòa Thánh và Trung Quốc đã gần hơn một chút.

Andrea Gagliarducci cho CAN/Aid to the Church in Need 
Bản dịch: UCAN  - February 13, 2015
Những Rắc Rối Trong Quan Hệ Vatican-Trung Quốc Reviewed by Unknown on 2/13/2015 Rating: 5 Ảnh bên : Cuốn Kinh thánh được tìm thấy sau nghi lễ của Giáo hội bí mật tại một căn hộ ở Bắc Kinh hồi tháng 12 (Ảnh: AFP/Greg Baker). ...

Không có nhận xét nào: