TS. Nguyễn Đình Cung: "Cho EVN Phá Sản Ngành Điện Mới Phát Triển Được" - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 2, 2015

TS. Nguyễn Đình Cung: "Cho EVN Phá Sản Ngành Điện Mới Phát Triển Được"

“Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố, mặc cả như không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Nếu theo thuyết phá sản sáng tạo thì EVN phá sản thậm chí ngành điện mới phát triển..."

TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, cách thức quản lý giá điện hiện nay đang có vấn đề, sai lệch.

Nói về cách thức điều hành giá điện hiện nay liên quan tới trật tự thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng, không phải là cách tăng giá điện bao nhiêu mà cách thức họ muốn tăng giá. Thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Bộ Công thương thông qua việc bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bắt người tiêu dùng phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.
TS. Nguyễn Đình Cung: "Cho EVN phá sản ngành điện mới phát triển được"

“Đáng lý, Bộ Công thương phải giám sát EVN độc quyền bằng cách rà soát, đánh giá chi phí sản xuất một cách độc lập, tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng và các bên liên quan xem đề xuất của EVN có hợp lý không chứ không phải bảo vệ đề xuất này”- ông Cung nói.

Người đứng đầu CIEM tỏ ra bất bình trước những phát ngôn của lãnh đạo Bộ Công thương khi biện minh và bênh vực cho chuyện “buộc phải tăng giá điện”.

“Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Nếu theo thuyết phá sản sáng tạo thì EVN phá sản thậm chí ngành điện mới phát triển được, chứ không phải kéo theo sự sụp đổ của ngành này” – ông Cung nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, về trung và dài hạn phải tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với truyền tải điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền phần truyền tải điện, lúc đó mới có nhiều nhà đầu tư tham gia vào sản xuất điện và mới có thị trường điện cạnh tranh.

Trước đó, 3 phương án đề xuất về tăng giá bán điện trong thời gian tới đã được EVN "trình" lên cơ quan quản lý, trong đó có đề xuất mức tăng giá thêm 9,5% so với hiện hành. Bộ Công thương cho biết, sau khi cân nhắc tính toán phương án đề xuất của EVN cơ quan này sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 và việc có tăng giá bán điện hay không sẽ do Thủ tướng quyết định.

Tuy nhiên, kết luận tại cuộc họp liên ngành 4 bộ về điều hành vĩ mô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu EVN phải nâng cao năng suất lao động, công khai minh bạch chi phí giá điện...

Không những điều hành giá điện đang có vấn đề, cơ quan quản lý “bênh vực” DN độc quyền, ngay cả giá cước vận tải cũng “đang có sự sai lệch trong cách thức quản lý”. Dù giá xăng giảm nhiều lần nhưng cước vận tải không giảm tương ứng. Trong khi 2 Bộ Tài chính, Giao thông vận tải thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra yêu cầu DN phải giảm giá, nhưng giá vẫn không giảm bao nhiêu.

“Liệu cách quản lý thị trường như vậy là phù hợp hay chỉ càng làm thị trường méo mó hơn, kém công bằng hơn?”- ông Cung đặt câu hỏi và cho rằng, chính do cách quản lý hành chính kiểu áp đặt, không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung dẫn tới thực trạng này.

“Người dân có nhu cầu đi lại rất cao, nhất là vào dịp Tết này, nên dù nhà xe có giảm giá hay không thì họ cũng đành “cắn răng” mà chịu chứ làm sao đi kiện DN được. Nếu thanh tra rồi phạt DN, dọa rút giấy phép… chỉ càng làm cho nguồn cung thiếu hụt. Cung thiếu trong khi cầu thừa, tội gì DN phải giảm giá cước, vì giá có cao họ vẫn có khách”- ông Cung nói.

Chính vì vậy, Viện trưởng CIEM cho rằng cần thay đổi tư duy và cách quản lý. Các cơ quan quản lý về giá nên kiểm soát cạnh tranh và độc quyền thông qua Cục Quản lý Cạnh tranh chứ không phải cách can thiệp kiểu mệnh lệnh hành chính.

"Muốn như vậy Cục Quản lý Cạnh tranh phải tách khỏi Bộ Công thương mới có thể đóng đúng vai của mình", ông nói.

Nguyễn Hoài
Nguồn: Info
-----------

Nên để Tập đoàn Điện lực Việt Nam phá sản

Friday, February 13, 2015 3:04:39 PM

HÀ NỘI (NV) .- Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị tăng giá điện để “cứu” tập đoàn này.
Nhìn cái cột điện chằng chịt dây điện và dây cáp viễn thông như mạng nhện, dễ hình dung ra cái tổ chức của nó luộm thuộn như thế nào. (Hình:HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Trước đó, Bộ Công Thương CSVN loan báo, dựa trên thực trạng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tháng tới, bộ này sẽ trình kế hoạch tăng giá điện cho Thủ tướng của chế độ quyết định.

Tại cuộc hội thảo về Báo cáo Kinh tế vĩ mô, ông Cung cho rằng, việc Bộ Công Thương soạn thảo và trình kế hoạch tăng giá điện thay cho EVN để “bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp” là một hành động chống lại lợi ích của người tiêu dùng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lẽ ra Bộ Công Thương Việt Nam phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ chi phí của ngành điện, tham khảo ý kiến các chuyên gia, thăm dò ý kiến của người tiêu dùng và các bên liên quan, kiểm soát giá điện để bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN, bắt mọi người phải gánh chịu những điểm phi lý chỉ vì EVN độc quyền cung cấp điện.

Do cả EVN và Bộ Công Thương cùng dọa “nếu không cho phép tăng giá điện, EVN sẽ phá sản và ngành điện Việt Nam sẽ sụp đổ”, tuy nhiên ông Cung cho rằng, nếu đúng như thế, nên để EVN phá sản và điều đó sẽ giúp ngành điện tại Việt Nam phát triển.

Dẫu ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, loan báo, mỗi năm, tập đoàn này lỗ tới 16,800 tỉ vì các loại chi phí đều tăng nhưng chưa được đưa vào giá bán điện hiện nay song các chuyên gia kinh tế và dân chúng Việt Nam “không thông cảm chút nào”.

Lý do là vì cuối năm ngoái, sau khi thanh tra EVN, Thanh tra Chính phủ CSVN cho biết, EVN có vô số sai phạm tài chính. Thay vì phải dùng vốn mà chính quyền Việt Nam cấp để phát triển ngành điện, EVN lại dùng 121,000 tỉ đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản,… và thua lỗ trầm trọng.

Chưa kể EVN còn dùng 600 tỉ được cấp nhằm phát triển ngành điện để xây biệt thự, mua các loại xe sang, sân tennis… và đưa tất cả những chi phí này vào giá bán điện.

Cũng cần nhắc lại là đầu năm ngoái, lúc hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) loan báo “lãi lớn” sau khi tổng kết hoạt động năm 2013, nhiều chuyên gia kinh tế và công chúng công khai bày tỏ sự buồn bực của họ.

Sau hàng loạt thông tin về tình trạng tồi tệ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN): thua lỗ trầm trọng, nợ nần khủng khiếp, hút kiệt ngân sách và là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế suy thoái. Số liệu thống kê về hoạt động của các DNNN trong năm 2013, chẳng làm ai phấn chấn.

Trả lời phỏng vấn của báo giới về chuyện nhiều DNNN “lãi lớn”, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải xem kỹ vì sao các DNNN lãi lớn. Những doanh nghiệp này nắm giữ độc quyền kinh doanh trong lĩnh vực nào đó (xăng dầu, viễn thông, điện) và lãi lớn chỉ vì liên tục tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ.

Thông thường, liên tục tăng giá sản phẩm, dịch vụ sẽ mất khách nhưng vì độc quyền, nên người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của các DNNN không có lựa chọn nào khác. Những chuyên gia này lưu ý thêm rằng, số liệu mà các DNNN công bố có nhiều điểm bất thường. Lúc thì than thua lỗ thê thảm, lúc lại khoe “lãi lớn”. Đó là bằng chứng của “thiếu minh bạch”.

Lúc đó, một số chuyên gia từng dẫn EVN làm ví dụ, khi xin chia thưởng cho cán bộ - nhân viên thì khoe lãi lớn. Khi cần tăng giá điện thì biện bạch rằng đang thua lỗ trầm trọng. Họ nhấn mạnh, EVN sử dụng hàng trăm ngàn tỷ từ nguồn lực quốc gia để đầu tư hạ tầng, lại không có ai cạnh tranh mà lãi vài trăm tỷ thì chẳng đáng gì.

Trên thực tế, giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu (như: xăng dầu, điện,…) do các DNNN độc quyền cung cấp liên tục gia tăng khiến vật giá tăng vọt, doanh nghiệp Việt Nam kiệt quệ vì giá thành cao, không còn khả năng cạnh trạnh cả trong lĩnh vực xuất cảng lẫn trên thị trường nội địa rồi phá sản hay tạm ngưng hoạt động, góp phần khiến suy thoái trở thành trầm trọng hơn.

Hồi tháng 11 năm 2013, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam từng nhận định, hoạt động kém hiệu quả của DNNN là một trong những nguyên nhân chính khiến suy thoái kinh tế kéo dài.

Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2013, ủy ban này cho biết, tuy nắm giữ nhiều nguồn lực nhất song hiệu quả sử dụng tài sản của DNNN kém xa các khu vực kinh tế khác. DNNN phải sử dụng tới 2.2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 1.2 đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần 1.5 đồng.

Hai nguyên nhân chính khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả là quy mô quá lớn, trong khi mô hình quản lý có quá nhiều đầu mối và kém minh bạch.

Đầu năm ngoái, trong cuộc trò chuyện với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, từng nhấn mạnh, phải thay đổi hoạt động của các DNNN “theo hướng thị trường hóa”. Có nghĩa là phải tuân theo quy luật thị trường, mọi thành phần kinh tế đều phải được tiếp cận nguồn lực quốc gia một cách công bằng, bình đẳng. Không thể phân bổ để rồi các DNNN chiếm hết. (G.Đ)
 
TS. Nguyễn Đình Cung: "Cho EVN Phá Sản Ngành Điện Mới Phát Triển Được" Reviewed by Unknown on 2/14/2015 Rating: 5 “Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố, mặc cả như không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Nếu theo thuyết phá sản ...

Không có nhận xét nào: