Vui Tết Chưa Hết Chuyện Dê - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 2, 2015

Vui Tết Chưa Hết Chuyện Dê

Đinh Văn Tiến Hùng: Những năm Tiểu học xưa kia, một tuần lễ chúng tôi vẫn còn phải học 2 giờ Hán văn. Thày DƯƠNG dạy chữ Hán (Nho) khăn đống áo dài, cắp ô bệ vệ bước vào lớp, nghiêm khắc nhìn, khiến bọn học trò đang ồn ào liền im hơi lắng tiếng ngay. Thày khoa tay viết lên bảng hàng chữ Nho về các con vật, có ghi tiếng Việt phía dưới và bắt chúng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần theo nhịp gõ của thày vào bảng đen: ngưu là trâu- mã ngựa- khuyển chó- dương dê- ngư cá- điểu chim… Cứ đến chữ Dương là Dê bọn chúng tôi lại gào to hơn. Thày hiểu ý cau mặt khó chịu, biết bọn học trò muốn trêu tức tên thày, nhưng cũng đành chịu.

Lại một chuyện khác, có anh học trò tên DƯƠNG, tính tình nghịch ngợm, ngu dốt lại lười biếng.

Thày dạy chữ Nho muốn học trò dễ hiểu dễ nhớ, khi dạy đến chữ ‘viên là tròn’, thày cho ví dụ tròn như trái banh hay hòn bi mà các trò thường chơi. Hôm ấy sau buổi học về nhà, trò Dương bèn ra ngay bờ áo lấy đất dẻo nặn thành hòn bi, lấy lá bọc lại bỏ vào túi. Ngày hôm sau đến lớp, thày gọi trò Dương trả bài:
-Trò Dương! Viên là gì ?

Dương nhanh nhẹn đưa tay vào túi quần thấy cục đất xẹp đáp ngay:
-Dạ thưa thày, viên là méo ạ !

Thày trừng mắt quát to:
-Tại sao lại thế ? Thật là ngu dốt !

Trò Dương rút trong túi quần giơ lên viên đất tròn mà đêm qua ngủ quên không lấy ra đã bị bóp méo. Cả lớp khua bàn ghế cười ồ lên- Đúng là ‘Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò’….

Hai câu truyện vui thày trò cùng tên Dương, khiến chúng ta nghĩ ngay đến chú Dương Dê xồm đang lù lù dẫn xác tới, bàn giao cùng chàng ngựa để điều hành công việc Hạ giới năm Ât Tỵ 2015.

Theo Tử vi Đông phương tuổi Mùi (Dê hay Dương ) lại ứng với tuổi Nam Dương (Capricorn) Tây phương cùng một họ Dê. Sách tướng nói nam nữ tuổi này tính tình hiền lành, cẩn thận và chịu khó, quí ông thì nhẫn nại cương quyết, quí bà thì dịu dàng quyến rũ. Đó là những ưu điểm dễ thành công trong chính trường nêu ra tranh cử và biết đâu một ngày kia nước Cờ Hoa có một nữ lưu tuổi Dê lên làm Tổng Thống, lúc đó Ngài Đệ nhất Phu Quân lại được diễm phúc núp bóng quần hồng- Nhưng về hôn nhân nên nhớ tuổi Mùi kỵ tuổi Tý, Ngưu, Tuất, và chỉ hợp với tuổi Mão, Mã, Hợi thôi.

Nói đến nguồn gốc loại Dê, theo các nhà sinh vật học, địa chất và khảo cổ, thì Dê xuất hiện trước con người 5 hoặc 6 ngàn năm, vì trên những vách đá hay lăng tẩm có vẽ khắc hình Dê.


Trên thế giới có hàng trăm giống Dê khác nhau, nhưng phân biệt 2 loại chính: Dê hoang hay Dê núi và Dê nhà. Tùy theo giống có loại lùn chừng nửa mét, có loại cao hơn 1 mét. Cân nặng từ 30 đến hơn 100 kg. Dê đực có sừng, Dê cái thì không, nhưng đặc biệt cả hai đều có râu trông thật lôi cuốn tình tứ. Lông Dê thường màu trắng hay đen, nhưng cũng có loại màu xám hay khoang.

Dê ăn tạp cả cỏ, lá cây hay bụi gai và nhai lại nên có người cho Dê họ hàng với trâu bò - Còn Cừu hay Trừu cùng loài tương cận với Dê, nhưng thân hình tròn, lực lưỡng hơn, lông rất dầy.

Dê thật đa dụng: ăn thịt, lấy sữa, lấy da, làm len. Thịt và huyết rất bổ, các ‘dê cụ’ rất ham, trong lúc quí bà quí cô lại ưa sữa Dê hơn sữa bò. Các nữ hoàng như Saba, Cleopatre, Võ tắc Thiên thích tắm bằng sữa Dê cho da dẻ hồng hào tươi mát… Nói tới Dê, làm tôi hoài cố hương, nhớ trước 75 gần ngã tư Phú Nhuận đối diện Thông Thiên học, đường lên Tổng Y Viện Cộng Hòa có quán thịt Dê với những món độc đáo như: rượu pha huyết dê, tiết canh dê, cà ri dê và tái dê chấm mắm gừng. Quán này thường thấy những nam tử hán ngồi ngất ngư bên ly nước mắt quê hương hòa huyết dê, nhưng rất tiếc không thấy bóng hồng xuất hiện. Nghe nói sau này thành phố mang tên giặc Hồ xuất hiện nhiều quán lẩu Dê, món đặc sản các cán ngố ưa thích.

Da Dê dùng làm áo khoác cho dân du mục tại những vùng băng giá như Bắc cực và được chế tạo thành nhiều đồ dùng đẹp mắt cho nữ giới. Nuôi cừu, dê trở thành đại kỹ nghệ tại Hoa Kỳ để chế biến áo khoác, túi xách, ví, bao tay, mũ…nhiều màu đẹp mắt và đắt giá (xin nhắc quí ông mua tặng người đẹp đừng lẫn lộn áo lông cừu và áo da dê nhé!)

Ta thường chê người Mỹ cá mè một lứa, chẳng cần phân biệt già trẻ, lớn bé, chức tước..cứ 1 tiếng You cho tiện. Nhưng không phải tất cả đều thế, Mỹ cũng có nhiều cái nhiêu khê lắm đấy như: Dê đực gọi là goat hay buck, Dê cái là doe, Dê con là kid giống như con nít chạy nhảy tung tăng-Nhưng còn bú gọi là chevon, dứt sữa lại là weaner. Dê không sừng là polled. Còn Cừu hay Trừu kêu là sheep, con Chiên là những chú cừu non là young sheep hay lamb món ăn khoái khẩu của người Mỹ.

Nhưng Dê có 2 điều mà nhiều người không ưa thích là mùi hôi nó tiết ra rất khó chịu, vì thế trước khi giết thịt người ta thường cho uống rượu và đánh cho Dê toát mồ hôi. Tiếng Dê kêu … be…be…làm ta bực mình. Thật khác với tiếng gầm oai phong của chúa sơn lâm. Tiếng ngựa hí vang gợi hình ảnh chinh đông dẹp bắc. Gà gáy sáng làm ta bừng tỉnh giấc Nam Kha. Chim hót líu lo đón chào ngày mới khiến tâm hồn sảng khoái.

Dê thường xuất hiện trong văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo đông tây kim cổ rất phong phú đa dạng. Xưa người La Mã, Hy Lạp, Ai Cập dùng Dê tế thần thay người. Hình ảnh được tìm thấy trong các đền thờ lăng tẩm, chứng tỏ Dê được nâng lên hàng linh vật như long, ly, qui, phượng.

Trong Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều đoạn nhắc đến những đàn Dê, cừu và chiên đông đúc của các tổ phụ và các Ngài thường dùng chiên, dê làm của lễ toàn thiêu dâng lên Đức Gia-vê, còn lông chiên cùng da dê làm vật dụng trong Đền Tạm. Hay việc ông Gia-cốp cùng mẹ là Rebeca lập mưu chiếm quyền trưởng nam của Esau bằng bữa thịt Dê và đã được Y-sac cha chàng chúc phúc. Cũng trong Cựu Ước đoạn thi nhạc Diễm Ca (còn gọi là Diệu Ca hay Nhã Ca) của vua Salomon, nhiều lần nhắc đến Dê, cừu và chiên. Linh mục Gerard Gagnon, khi truyền giáo tại Việt nam Ngài rất am tường phong tục và thông tháo tiếng Việt, đã chuyển dịch Chương 1 câu 8 Diễm Ca: “Hỡi người đẹp hơn hết trong các người nữ. Nếu ngươi chẳng biết, hãy ra theo dấu của bầy. Và chăn các Dê con của mình gần bên trại kẻ chăn chiên.” qua lời thơ tròn ý rất tài tình như sau: ‘Nếu cô không biết hỡi giai nhân,

Theo vết đàn chiên hãy dấn thân,
Hãy dắt dê con về gặm cỏ,
Kế lều mục tử sẽ tràn ân.’
Trong Tân Ước khi Chúa giáng trần, Thiên Thần mời gọi các mục đồng chăn dê, cừu, chiên là những người đầu tiên đến kính bái Hài Nhi. Qua dụ ngôn, Chúa ví mình như người chủ chăn chiên nhân lành, khi một con chiên đi lạc, chủ để lại 99 con, đi tìm con chiên lạc và khi tìm thấy xin mọi người cùng chia vui với mình. Chúng ta ai cũng khát vọng trở thành con chiên được Chúa chúc phúc như phúc âm Thánh Ma-thêu trình thuật: Khi ấy Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Khi con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi Thiên Thần hầu cận. Ngài sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp trước mặt Người và Người sẽ phân chía họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: Hãy đến! Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh phần gia nghiệp nước trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ…”Và chính Chúa Giêsu đã tỏ cho các môn đệ Ngài là Chủ Chiên lành và các môn đệ sẽ là những người kế vị Ngài dẫn dắt đoàn chiên sau này- Riêng các cụ nhà đạo miền Nam Cali chắc không xa lạ gì với vườn vĩnh cửu ‘Chúa Chiên Lành’ phải không ?

Về khoa học, cuối thế kỷ 20, người ta dùng phương pháp sinh sản vô tính (cloning) cho ra đời một chú Dê Dolly qua bản gốc từ một Dê mẹ 6 tuổi. Thừa thắng xông lên, khi bước vào thiên niên kỷ mới, ngày 26/12/02, công ty Conaid đã tạo ra con người đầu tiên theo phương pháp vô sinh. Em bé nặng 7 pound lấy từ buồng trứng của bà mẹ 31 tuổi. Quá lạc quan nên có hơn 2000 người đăng ký xin được áp dụng theo phương pháp này. Khoa học vỗ tay reo mừng vì nghĩ mình giành được quyền sinh sản trong tay Thượng Đế và một ngày gần đây họ sẽ sản xuất ra hàng loạt con người theo kỹ thuật này. Nhưng đừng quá vội mừng, vì mẫu người tạo nên từ vô tính sẽ lớn lên ra sao, phát triển thế nào, trưởng thành bình thường hay bất thường…còn phần hồn…? Chỉ biết rằng chú Dê con và Em bé sống trong tình trạng ‘tim đập nửa vời’, nên các nhà khoa học phải thường trực thay phiên nhau theo dõi xem sao!...

Trong văn chương, ngụ ngôn La Fontain tả các nàng Dê non chỉ ưa rong chơi ngắm phong cảnh đồi núi hữu tình- Les Lettres de mon Moulin (Những cánh thư viết từ cối xay gió) của văn hào Alphonse Daudet tả con Dê của ông Seguin thoát khỏi chuồng lên núi sống tung tăng theo ý thích, dù 6 con Dê trước nó thoát khỏi chuồng đã bị chó sói ăn thịt. Con Dê xinh đẹp, lông trắng nhuộm đầy máu đã can đảm chiến đấu cùng chó sói suốt đêm, nhưng cuối cùng nó bị chó sói ăn thịt chỉ vì thèm khát bầu trời tự do nơi núi đồi. Nhưng có lẽ phong phú nhất là văn chương, lịch sử và điện ảnh Trung Hoa, Dê được khai thác nhiều. Trong tích cổ đại, Lý Bá Hề một người nghèo khổ, giã từ vợ con, bôn ba khắp nơi mong lập công danh, cuộc đời lận đận, ngoài 70 tuổi, Sở vương Tần Mục Công mới nhận ra là kẻ hiền tài, đem 5 tấm da Dê để đổi lấy ông và phong cho làm thừa tướng. Người vợ nghèo sau 30 năm xa cách nhớ thương đi tìm chồng đã xin làm gia nhân, rồi cất tiếng ca Lý tề tướng mới nhân ra vợ mình:

-Năm bộ da dê, Bá Lý Hề năm bộ da dê. Từ chàng ra đi, mổ con gà mái, Nồi cơm gạo đỏ, Chừ thương thì thương. Ngày nay giàu sang, chàng quên chăng chàng ?


Hay Tô Vũ đời nhà Hán đi sứ sang nước Hồ cầu hòa, bị bắt lên miền giá lạnh chăn Dê. Sau nhờ vua Hán triều cống Chiêu Quân- một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa (gồm Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương quí Phi và Chiêu Quân), ông mới được tha về. Khi còn đi chăn Dê ông cảm khái thân phận làm mấy vần thơ:

-Giống nai sao lại tiếng be be,
Đứng lại mà coi vốn thật Dê,
Đực cái cũng râu không hổ thẹn,
Vợ chồng một mặt hết khen chê.
Sớm phơi bốn móng sân Tô Vũ,
Chiều gác đôi sừng cửa Lý Hề.
Bởi nó sợ trâu kia dớn dác,
Cam lòng chịu buộc cảnh vua Tề.

Quí vị nào mê truyện kiếm hiệp của Kim Dung, chắc còn nhớ trong Cô Gái Đồ Long: Trương vô Kỵ nhờ Tiểu Siêu chỉ dẫn đã phát giác được bí quyết võ công ‘Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp’ ẩn dấu trong miếng da dê.

Những ngày cuối năm vừa qua, để thắt chặt tình hữu nghi thắm thiết dài lâu giữa 2 đại quốc Nga- Tàu; ông Putin đã cho 2 chú hổ quí vượt biên sang Trung Quốc dự tiệc ‘thịt Dê’ khoái khẩu do Tập chủ tịch hậu đãi, đón chào Xuân Ất Mùi đang đến.

Với phong tục và nếp sống Việt Nam, Dê được tuyển chọn cùng 6 gia súc gần gũi thân thương nhất với người là trâu, bò, ngựa, gà, heo và Dê. Lục Súc Tranh Công mô tả Dê lại có phần cao quí linh thiêng hơn vì:

-Hễ có việc lấy Dê làm trước,
Dê dâng vào người mới lạy sau.

Danh tướng Trần hưng Đạo trong bài Hịch Tướng Sĩ, ví bọn sứ giả hống hách Mông Cổ chỉ bằng loài Dê chó:
-Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình,
Đem thân Dê chó mà ngạo mạn tướng sĩ.

Truyện Trinh Thử cũng nhắc tới Dê:
-Chớ quên bán chó mua Dê,
Vui cùng hạc nội ham chi gà lồng.

Cụ Đồ Chiểu trong Lục vân Tiên gọi Bùi Kiệm là tên Dê xồm, mặt mày nham nhở trơ trẽn:
-Con người Bùi Kiệm máu Dê,
Ngồi chai bẻ mặt như dề thịt trâu.

Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn gia Thiều có câu:
-Phải duyên hương lửa cùng nhau,
Xe Dê là rắc lá dâu tìm vào,
Ngấn phương liễu chòm rêu lỗ chỗ,
Dấu dương xa đám cỏ quanh co.


Do điển tích ‘Dương xa’ của vua Võ Vương bên Tàu. Ông vua hoang dâm này có hàng ngàn cung tần mỹ nữ, nên mỗi tối ngồi trên xe dát vàng do Dê kéo, hễ xe dừng lại trước cưa phòng nào thì đêm ấy vua sẽ ở lại với người đẹp phòng đó. Vì thế nảy sinh ra việc cung tần hối lộ thái giám đem lá dâu trải trước cửa phòng, Dê thích ăn lá dâu sẽ dừng lại.

Lịch sử nước ta kể rằng hàng năm nhà vua tế trời đất cho quốc thái dân an tại đàn Nam giao, dâng lễ Tam sinh gồm: trâu, heo và Dê. Còn máu Dê dùng làm lễ tế cờ trong buổi xuất chinh.

Khi còn nhỏ, tôi rất thích những tranh dân gian vẽ: đám cưới chuột, trạng lợn vinh qui, cá hóa long, tranh gà…nhưng bức tranh lý thú hơn cả là ‘bịt mắt bắt Dê’, vẽ cặp nam nữ ăn mặc theo lối nhà nghèo thời nay trông rất hấp dẫn, bị bịt mắt đang hào hứng đuổi theo chú Dê. Ngắm bức tranh này, một nhà thờ trào phúng hạ bút phê bình:

-Giả vờ bịt mắt bắt Dê,
Để cho cô cậu dễ bề…..bên nhau.

Ở nước ta nhiều người có tiếng tăm mang họ Dương như: Dương diên Nghệ, Dương Khuê, Dương bá Trạc, Dương thiệu Tước…và hình như nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh thuộc dòng dõi danh sĩ Dương Khuê thì phải ?

Nhiều người sinh năm Dê, cứ lấy tên Dương và Mùi cho dễ nhớ, nhưng không thấy cha mẹ nào đặt tên con là Dê cả.

Tội nghiệp cho Dê hiền lành dễ thương và hữu dụng như thế mà ca dao, tục ngữ đem hình ảnh Dê gán ghép cho kẻ phàm phu tục tử: Dê xồm, Dê cụ, máu Dê, Dê chúa, Dê 35…( xin mở ngoặc tại sao Dê lại mang con số 35 là vì trước kia tại sòng bài Đại Thế giới Kim chung Sàigòn-Chợ Lớn, người ta cho mỗi con vật một số và Dê mang số 35). Nhưng cũng chẳng oan tí nào khi dân Việt gọi lão Hồ tặc và những tên chóp bu đảng CSVN là những tên Dê chúa !…

Tục ngữ mô tả quan nhiều hơn dân giống như Công an Việt cộng ngày nay: 10 Dê 9 kẻ chăn- Chỉ hạng người dối trá lừa bịp: treo đầu Dê bán thịt chó- Đánh lừa người cho khiếp sợ phải nghe theo: Dê khoác áo cọp- Đưa người vào chỗ chết thay mình: nộp Dê cho sói hay Dê tế thần-

-Còn câu chuyện dài lê thê khó chấm dứt gọi là Cà kê Dê ngỗng, cũng như kẻ hèn này đang viết về con Dê vậy- Nhưng nếu gặp may mắn: Mất Dê được bò- cũng giống như truyện ‘Tái ông mất ngựa’.

Ca dao chấm biếm anh chàng có máu 35, thấy mía ngọt đánh cả cụm:
-Bươm bướm mà đậu cành bông,
Đã Dê con chị, lại bồng con em.

Nhưng coi chừng tham ăn có ngày mắc nghẹn:
-Dê xồm ăn lá khổ qua,
Ăn nhiều sâu rọm chết cha Dê xồm.

Và còn bị nguyền rủa:
-Phụng hoàng đậu nhánh sa kê,
Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi !
Trong bài ca dao ru em, tác giả bình dân đã khéo

ghép 2 chữ ‘dê-mùi’ thành những câu thơ dí dỏm:
-Ru em buồn ngủ buồn nghê,
Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi,
Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi,
Con dê chín mùi làm thịt mà ăn.

Người ta tin tuổi mùi số tốt sống sung túc hạnh phúc:
-Người ta tuổi ngọ, tuổi mùi,
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi thân.
-Năm ngọ mã đáo thành công,
Năm mùi dê béo, rượu nồng phủ phê.

Biết là dịp tốt để anh chàng thợ chạm trổ tài với con gái gia chủ:
-Bốn cửa anh chạm bốn dê,
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.

Nơi thôn quê, ta thường nghe bày trẻ chơi trò ‘ú tìm’ hát bài đồng dao:
-Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đến ngõ nhà trời, lạy ông lạy bà, cho cháu về quê, cho Dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp…ú… à… ập !...

Nữ sĩ Hồ xuân Hương văn tài lỗi lạc, mở thi quán thường đối họa với nhiều nhà thơ tên tuổi đương thời, nhưng đôi lúc có những kẻ non kém tài cũng lăm le bắn sẻ, bị nữ sĩ dùng thơ châm biếm:
-Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ,
Lại đây cho chị dạy làm thơ,
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.

Nhà thơ Bùi Giáng chán nản tình đời thay trắng đổi đen, về quê chăn Dê ông cảm khái làm mấy vần thơ:
-Thôi từ nay tha hồ em mặc sức,
Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe,
Vang vang lên đồi núi giọng be be,
Ngẩng đầu lên Dê ơi anh thong thả.

Chúng ta luôn nhắc đi nhắc lại câu sấm ký của cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm:
-Long vĩ xà đầu khởi chiến trinh,
Can qua tứ xứ khởi đao binh,
Mã đề dương cước anh hùng tận,
Thân dậu niên lai kiến thái bình.

Tiên đoán rằng cuối năm rồng đầu năm rắn sẽ khởi sự binh đao khói lửa, kéo dài cho tới năm ngựa và năm Dê, sẽ có nhiều người chết; mãi đến năm khỉ và năm gà mới được hưởng thái bình. Vậy hãy chờ xem !

Đến đây, xin kể hầu Quí vị câu truyện vui của thần đồng Trạng Quỳnh về ‘Dê đực có chửa’:

Ngày xưa, vua nghe đồn tại Thanh Hoa có thần đồng nổi tiếng thông minh. Muốn thử tài vua ra lệnh mỗi làng phải nộp gấp một con Dê đực có chửa, nếu không sẽ bị trị tội. Các hương chức và dân làng rất lo lắng vì cái lệnh quái gở này. Họ không biết giải quyết bằng cách nào, chỉ riêng chú bé Trạng Quỳnh vẫn thấy ung dung bình thản và bảo mọi người đừng lo sợ. Một ngày kia, vua ngự du qua làng xem dân tình ra sao. Trạng Quỳnh ra đứng giữa đàng khóc to thảm thiết.

Vua thấy lạ, sai ngừng kiệu và hỏi cậu bé đầu đuôi cớ sự. Cậu ta gào khóc to hơn và nói: “Mẹ thần đã qua đời mấy năm, nhưng cha thần vẫn không chịu đẻ em bé để tôi ẵm bồng cho bớt cô đơn, nên tôi tủi thân quá mà khóc.” Vua cười phán: “Mày điên hay sao ? Cha mày là đàn ông làm sao sinh đẻ được ? “ Trạng Quỳnh liền ngừng khóc và tâu: “Ấy thế mà nhà vua bắt làng tôi phải nộp 1 con Dê đực có chửa, nếu không sẽ bị phạt ! “ Vua nghe nói giật mình biết ngay là thần đồng Trạng Quỳnh, nên truyền lệnh tha cho dân làng và thưởng cho cậu bé.

Đó là chuyện ‘Dê đực có chửa’ khó tin những lại thực. Còn chuyện ‘Dê đi nhầm’ càng khó tin những càng thực hơn vì mới xảy ra đây-

Theo Bản tin Vietnam.net: ngày 22/1/15, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn yêu cầu huyện Thạch thành làm rõ nội vụ Dê giống ủy lạo người nghèo ‘đi nhầm’ vào trang trại bí thư Huyện ủy, sau khi dân ca thán và báo chí phản ảnh. Nguyên nhân sự việc là 6 hộ nghèo thuộc xã Thành yên được hỗ trợ 24 con Dê, nhưng chỉ có 3 hộ nhận được 12 con, còn lại 12 con được ‘hợp thức hóa đi lạc’ vào nông trại của bí thư Huyện ủy.

Thật là hành động đê tiện chỉ có trong chế độ CSVN như người dân châm biếm:

‘Con ơi nhớ lấy lời này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.’


Sau cùng, xin thông báo Quí Vị một tin vui: để chào mừng Năm Mới Ất Mùi 2015, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phát hành ‘Đồng Tiền May mắn’ hình chú Dê. Dê đứng hàng thứ 8 trong 12 con giáp, nên chỉ có 88.888 ‘Đồng Tiền May Mắn’ được phát hành mang hình chú Dê và lời chúc Tết theo phong tục Đông Phương. Việc phát hành tờ bạc đặc biệt này, xem ra chính phủ Hoa Kỳ cũng rất ưu ái với người Á Đông đang sinh sống trên đất Mỹ phải không Quí Vị ? Đồng tiền này rất đắt giá tại Trung Hoa và Việt Nam. Riêng tại Việt Nam đang được rao bán với giá 600.000 đồng VN 1 tờ- Qúi vị đã có đồng tiền đặc biệt này để giữ làm kỷ niệm chưa ?

Kết thúc bài ‘Cà kê chuyện Dê năm Mùi’, xin mượn ý một bài vè mà mỗi lần chợ Tết ở Quê nhà, thường nghe được nơi các cửa hàng chơi Lô tô. Một anh chàng trai trẻ, ăn mặc ngộ nghính, miệng dẻo kẹo hô to:

-Con gì mà lại có sừng,
Bộ lông láng mịn, cái lưng…cái lưng lắc hoài,
Hai bên má bố râu dài,
Mắt thì thao láo, nhìn ai…nhìn ai cười đùa,
Con gì mà để các vua,
Kéo xe ngự lãm một tua…một tua cung đình,
Con gì nghe nói thì khinh,
Nhưng ăn đại bổ, thấy mình…thấy mình khỏe re!
Ngừng một lúc để mọi người hồi hợp chờ đợi, anh chàng hô tiếp:
Ấy là… ấy là con số băm lăm…con số băm lăm ấy… chính là con Dê…
Bên này,… ông hai trúng một chai rượu …Huyết Dê,
Bên kia,…cô ba trúng một chiếc ví… Da Dê….
Mọi người cùng cười vui như Tết, quên hết cái xấu của Dê.
Năm Mới nơi đất khách quê người, chúc Quí Vị hưởng Tết Ất Mùi an mạnh và yêu đời.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú Hình từ trên xuống: Chúc Xuân- Con Dê – Phân biệt Chiên và Dê trong ngày Chung Thẩm- Tô Vũ chăn Dê- Bịt mắt bắt Dê- Đồng tiền may mắn Năm Con Dê.

Vui Tết Chưa Hết Chuyện Dê Reviewed by Unknown on 2/19/2015 Rating: 5 Đinh Văn Tiến Hùng: Những năm Tiểu học xưa kia, một tuần lễ chúng tôi vẫn còn phải học 2 giờ Hán văn. Thày DƯƠNG dạy chữ Hán (Nho) khăn ...

Không có nhận xét nào: