Nhân Diện Về Chân Dung Thiên Chúa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 3, 2015

Nhân Diện Về Chân Dung Thiên Chúa

Mùa chay theo ngôn ngữ Công Giáo là mùa lent. Lent không giản dị là mùa chay tịnh. Lent, nguyên gốc tiếng Anglô Saxon, là khoảng thời gian đầu mùa Xuân, lúc vạn vật có mầm sống mới. Vì vậy lent mang ý niệm của sự tái sinh. Theo hướng suy niệm, lent là thời điểm vượt qua, con người vị kỷ cũ suy tàn theo mùa Đông để con người mới thức tỉnh đón nhận ý nghĩa thật của sự sống. Nhận thức tiên khởi của sự sống phải là ý thức về Thiên Chúa. Khái niệm về Thiên Chúa được biểu lộ qua các bài đọc trong thánh lễ Chủ Nhật mùa chay. Đó là những trích đoạn trong bộ Tôra, tức Ngũ Thư. Tôra tương truyền do Môse biên soạn gồm 5 cuốn: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, và Thứ Luật. Tuy nhiên trong Tôra, Thiên Chúa được nhận diện một cách rất đặc thù. Lối nhận diện này đã gây ra hoang mang cho một số Kitô hữu và những vị tân tòng.

Nhận diện về Thiên Chúa của người Do Thái thời Môse

Khoảng 1,300 trước công nguyên, người Do Thái được chọn làm dân Chúa. Lịch sử “dân Chúa” bắt đầu từ lúc họ là dân nô lệ sống trên đất Ai Cập. Tuy họ có yếu tố dân tộc nhưng lại thiếu yếu tố lãnh thổ để thành lập một quốc gia. Muốn lập quốc cho dân Chúa, Thiên Chúa trao cho Môse quyền lãnh đạo và hỗ trợ ông giải phóng họ khỏi ách nô lệ từ bạo chúa Pharaô. Sau đó Thiên Chúa hướng dẫn họ tới miền đất Người đã hứa ban cho để dựng nước. Có thể nói vào thời Môse Thiên Chúa được nhận diện rõ hơn cả, vì Giavê đối thoại trực tiếp để lập giao ước với dân của Người. Vì vậy từ thời đó, người Do Thái đã nhận ra Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất. Họ dùng ký hiệu YHWH để chỉ Thiên Chúa. Húy danh YHWH duy trì được lòng tôn kính về một huyền nhiệm siêu việt, vì người ta chỉ có thể chiêm niệm YHWH chứ không thể nói ra. Muốn xướng danh YHWH, người ta phải thêm vào những nguyên âm ê, ô, a để trở thành YêHôWah (Giêhôva) hay YahWêh (Giavê). Tuy nhiên, yếu tố siêu việt của Giavê được hiểu là uy thế của Đấng “Thiên Chúa các đạo binh” và quyền lực của vị quan tòa ưa trừng phạt. Họ tin rằng những bất hạnh là hậu quả nổi giận của Giavê.

Theo Tôra, lãnh tụ Môse là người duy nhất được tiếp xúc với Giavê mặt đối mặt. Vì vậy ông là người độc nhất nắm quyền chuyển mệnh lệnh từ Giavê đến cho dân. Đương nhiên ông trở thành người có thẩm quyền tối thượng giảng giải về lời Chúa, thành lập luật lệ, và xử luật. Uy thế này đã củng cố cho ông một địa vị lãnh tụ bao gồm mọi quyền bính về chính trị, tôn giáo và quân sự. Do Thái kể từ khi chống lại vua Pharaô, đến cuộc di dân dài 40 năm trong sa mạc, là dòng lịch sử chiến tranh sống còn của chủng tộc. Trong hành trình gian khổ lập quốc, Môse đã biến Do Thái giáo thành một chủ nghĩa ái quốc, một ý thức hệ quốc gia. Ông lồng mọi biến cố lịch sử vào ý của Thiên Chúa. Nhờ vậy ông khai sinh ra một ý chí kiêu hùng cho một chủng tộc gọi là “dân Chúa”. Ý chí này giúp dân Do Thái có sức mạnh sinh tồn. Môse và chủng tộc của ông đã nhận diện Thiên Chúa theo tinh thần ái quốc cực đoan này.

Với nhân sinh quan như vậy, Môse đã vẽ ra khắp nơi, bàng bạc trong Ngũ Thư, một hình ảnh Thiên Chúa thiên vị, độc đoán, và bạo hành. Chẳng hạn để áp lực Pharaô thả dân Do Thái ra đi, Thiên Chúa giáng xuống dân Ai Cập 10 thiên tai khủng khiếp khác nhau mà càng về sau cường độ của tai ương càng mạnh. Có một sự kiện khó hiểu là: không phải Pharaô không biết sợ, nhưng Thiên Chúa cố tình an bài như thế để ra oai. Giavê nói với Môse, “Hãy đến với Pharaô, vì Ta đã làm cho lòng nó và bầy tôi nó lì ra, ngõ hầu ta làm dấu lạ để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe Ta đã xử làm sao với Ai Cập, và các dấu lạ Ta đã thi thố ra nơi họ, khiến các ngươi biết Ta là Giavê” (XH 10:1-2). Trong chương 20 sách Xuất Hành, người ta nhận ra tai họa của Pharaô nằm trong công thức “Ta là Thiên Chúa ghen tuông, phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời, đối với những ai thù ghét ta” (XH 20:5). Điều này không khỏi khiến người học đạo hoang mang.

Trên đường tiến về miền đất hứa, để dẹp chướng ngại, Môse đã ra lệnh mở những cuộc chiến mang đầy tính chất tàn sát và hủy diệt. Mọi chiến lược chiến tranh, Môse đều nói là do Thiên Chúa truyền dậy nhằm bảo vệ “dân Chúa”. Thái độ ái quốc cực đoan của ông nổi bật nhất trong cuộc chiến ở Mađian. Trước khi khai chiến, Môse cho dân biết Giavê nói với ông rằng: “Hãy rửa mối thù của con cái Israel trên dân Mađian.” Rồi ông ra lệnh: “Một số trong các ngươi hãy lo trang bị đầu quân, để tiến đánh Mađian, mà trả thù cho Giavê.” Sau đó quân Do Thái vũ bão tiến đánh xứ Mađian như sứ mạng của một cuộc thánh chiến. Họ giết hết năm vua của Mađian là Evi, Rêqem, Xua, Hua, và Rêba. Họ cũng giết chết tất cả trai tráng Mađian, đàn bà con gái thì bị bắt làm tù binh. Họ phóng hỏa đốt hết dinh trại và thành trì, còn thú vật và của cải họ thu làm chiến lợi phẩm. Rồi họ mang chiến lợi phẩm ấy về cho Môse và cộng đồng Israel ở Moab, bên bờ Jorđan. Khi thấy đám tù nhân, Môse đã nổi cơn thịnh nộ, ông nạt đám quan quân: “Sao các ngươi lại để lũ con gái ấy sống… Hãy giết hết các trẻ con trai và mọi đàn bà đã biết nam nhân. Còn trẻ gái còn trinh chưa biết nam nhân thì dành cho các ngươi” (DS 31:1-18).

Cùng một phương thức, khi đặt ra luật lệ xã hội, Môse đặt Thiên Chúa vào kiến trúc của cơ chế hành pháp để củng cố sự hiệu lực. Chẳng hạn “Giavê phán cùng Môse rằng: ‘Ai mắc phong cùi thì phải ở riêng, mặc áo rách tả tơi, để đầu tóc rối, đi đâu phải la lên ô uế ô uế’.” (LV 13:1-2,44-46). Ngoài ra lại có những luật lệ cho phép chặt tay kẻ phạm lỗi (TL 25:11-12), đàn ông có quyền bỏ vợ nếu không ưng ý (TL 24:1-4), cho phép trả thù theo kiểu “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng” (XH 21:24), ném đá xử tử kẻ có tội (XH 21:29; TL 13:11), và còn nhiều nữa. Những luật lệ này thuần túy là bộ luật dân sự nhằm mục đích duy trì trật tự xã hội, nhưng Môse đã ban hành chúng trong vị thế là những giáo luật.

Theo Tôra, Thiên Chúa đã lập giao ước với Ađam, với Noê, với Abraham, và với Môse. Lòng kiêu hãnh chủng tộc khiến dân Israel cho những dân không nằm trong “giao ước” là “dân ngoại”. Môse và các vị hiền sĩ thời Cựu Ước tuy công nhận Thiên Chúa là Đấng siêu việt tối cao sinh ra muôn dân tộc, nhưng lại không chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa nới rộng cho dân ngoại. Điều trớ trêu này đã khiến người đời sau ngộ nhận về Thiên Chúa. Họ hoang mang về một tôn giáo lạ lùng trong đó con người nghịch với thiên nhiên, con người tàn ác với con người, con người khiếp sợ Thiên Chúa, Thiên Chúa ghét con người.

Nhận diện về Thiên Chúa qua thời gian

Ý thức về Thiên Chúa bắt nguồn từ kinh điển Tôra. Tuy nhiên trên hành trình tâm linh tiến đến với Thiên Chúa, người đời sau không nhất thiết phải chịu ảnh hưởng bởi nhận định của trường phái Môse. Chẳng hạn trình thuật về 10 tai họa xảy ra cho Pharaô, chúng ta thấy chính Pharaô cứng lòng chứ chẳng phải Thiên Chúa làm ra như vậy để ra oai. Từng chút một qua thời gian, càng ngày nhân loại càng có nhận thức rõ hơn về Thiên Chúa.

Chúng ta hãy bắt đầu nhận diện Thiên Chúa từ biến cố Người hiện ra với Môse dưới dạng bụi cây bốc lửa. Môse hỏi, “Nếu họ hỏi con tên của Người là gì thì con nói với họ làm sao?” Lời Thiên Chúa phán ra từ ngọn lửa (qua tiếng Hebrew): “Ehyeh asher ehyeh”. Tiếng Hy Lạp dịch câu này là “Ego eimi hoon” (Ta là Đấng hằng có); tiếng Anh dịch là “I am who I am” (Ta là Ta); tiếng Việt dịch là “Ta có sao Ta có vậy”. Theo học giả Martin Buber, chữ ehyeh nguyên ngữ Hebrew là một động từ và có nghĩa “có ở đây có ở đó”. Vậy cả câu “Ehyeh asher ehyeh” phải dịch là “Ta hiện diện như Ta đang hiện diện”. Vượt trên tất cả sự bất toàn của văn tự, ngôn ngữ chúng ta đều cố gắng nắm bắt cái ý niệm “đang có mặt”. Nhưng rõ ràng khóm chữ ấy nói về một trạng thái vĩnh hằng chứ đâu phải là tên của Thiên Chúa. Từ đây ý niệm về Thiên Chúa sáng tỏ. Thiên Chúa không thể nêu danh, không ngưng đọng trong thời gian và không gian. Nói một cách khác Thiên Chúa là Đấng tự hữu, hiện diện ở khắp mọi nơi và không thể hiểu được. Mọi sự trong toàn cõi trời và đất đều biểu lộ tràn đầy vinh quang Thiên Chúa (Isa 6:3; Edê 43:2).

Hành xử của Thiên Chúa không như “dân Chúa” tưởng nghĩ. Ngay từ thời Môse, tuy chi họ Lêvi được giữ phẩm tước tư tế, nhưng Thiên Chúa lại thường nói với dân người qua các vị tiên tri dân giả. Các tiên tri, hay ngôn sứ, nói về Thiên Chúa cũng khác hẳn với trường phái Môse. Chẳng hạn theo tiên tri Isaia, Thiên Chúa “ban sinh khí cho mọi cư dân trên mặt đất.” Cũng theo Isaia, Thiên Chúa chỉ muốn Do Thái giữ địa vị là “ánh sáng cho mọi dân tộc” mà thôi (Isa 42:5-6; 49:6). Ngôn sứ Giôna xóa bỏ hình ảnh Thiên Chúa muốn tiêu diệt “kẻ thù của Người” (nói theo ngôn ngữ trường phái Môse). Giôna kể rằng dân Ninivê có lối sống xa đoạ, nhưng Thiên Chúa vẫn thương họ. Thiên Chúa sai ông đến cảnh tỉnh dân Ninivê để cứu họ, mặc dù Giôna tìm đủ mọi cách để từ chối sứ mệnh (Giô 3:10, 4:1-11). Tiên tri Đanien ghi lại biến cố vua xứ Babylon là Nabukôđônôsô đánh chiếm thành Giêrusalem của dân Chúa. Sau đó vua cho đúc một tượng người khổng lồ bằng vàng và bắt dân chúng thờ phượng. Dù phạm thượng như vậy, Thiên Chúa đã không trừng phạt Nabukôđônôsô nhưng lại khai tâm cho ông hiểu biết về Thiên Chúa (Đan 3:1-30). Ngoài các vị tiên tri, nhiều hiền nhân khác cũng nhận ra Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm nổi giận, giàu tình thương, còn lỗi phạm của ta Thiên Chúa ném đi thật xa (Giô 4:2; Joe 2:13; TV 103:8-13).

Hơn 1,000 năm sau Đức Giêsu đã mang đến một tin mừng mới. Thiên Chúa thiết lập một Tân Ước với dân người. Đức Giêsu dậy dân gọi Thiên Chúa là Cha. Cha là nguồn tình thương, nguồn tha thứ, và nguồn ân sủng. Một người Cha hiền lành, nhân từ vô bờ bến, hằng ngày trông chờ đứa con hoang đàng trở về. Danh xưng “Cha” quả là một cuộc cách mạng tôn giáo chưa từng có. Girzone cho biết cho đến ngày nay, người Do Thái vẫn không chấp nhận nổi sự kiện gọi Thiên Chúa là Cha.1

Cha yêu thương loài người nên sai ngôi Con Đức Giêsu nhập thế để cứu độ cho muôn dân (gio 3:16). Đức Giêsu tự xưng mình là Đấng chăn lành, Người đã đi đó đây rao giảng một ý thức mới về Thiên Chúa. Chẳng phải Thiên Chúa thời Cựu Ước sai lầm nên phải có Tân Ước để sửa lại, bởi vì Thiên Chúa không bao giờ sai lầm chỉ có con người nhận diện sai lầm mà thôi. Đức Giêsu hoàn hảo hóa lối nhìn Thiên Chúa qua hình thức luật lệ của Môse. Người vô hiệu hóa luật khai trừ tín hữu cùi (Luc 5:12-13), chấm dứt cảnh ném đá xử tử (Gio 8:1-11), ngăn cản luật ruồng bỏ vợ (Mac 10:2-9), hủy bỏ luật trả thù (Luc 6:27-36). Cốt tủy của sự cải thiện này là phá vỡ hàng rào bưng bít chân lý của Đạo. Lối sống mới của con người là qui hướng về Thiên Chúa qua tình yêu chứ không phải ép lòng vì sợ hãi luật buộc. Một thí dụ điển hình là nhóm Pharisêu đưa một người tê liệt đến thách thức Đức Giêsu phạm luật kiêng việc ngày sabát. Nhóm Pharisêu tin trong ngày sabát Thiên Chúa nghỉ việc nên Người ra lệnh mọi người cùng nghỉ việc. Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa không bao giờ ngừng làm việc (Gio 5:17). Cốt tủy của ngày sabát là một giao ước để con người có cơ hội buông xả nỗi ưu tư để an trú trong an tịnh huyền nhiệm của Thiên Chúa. Sabát là thời điểm của tình yêu, của sự tự do, của sự bình đẳng giữa chủ và nô lệ. Luật lệ không giải thoát con người. Chính cái chiều sâu của nội tâm “mến Chúa yêu người” mới giải thoát con người. Nhóm Pharisêu không nhìn ra sự nối kết giữa con người và Thiên Chúa. Với họ luật lệ là chân lý. Đức Giêsu nói với lương tâm của họ, “Vậy trong các ông, ai có con cừu sa hố vào ngày kiêng việc mà không kéo nó lên?” (Mat 9:12-14). Cuối cùng Chúa Giêsu xóa bỏ hình ảnh “Thiên Chúa trả thù đến ba, bốn đời”. Chúa đến không phải để trả thù nhưng để nhận cái chết để cứu muôn dân đến muôn đời (Gio 3:17).

Minh xác về hai điểm căn bản thần học

1/ Bề mặt của những khuynh hướng mới thường gây nên ngộ nhận là “Cựu Ước” và “dân Chúa thời Cựu Ước” đã bị “Tân Ước” và “dân Chúa mới” thay thế. Thần học minh xác rằng dân Do Thái luôn luôn vẫn là dân đã được tuyển chọn để lãnh nhận mặc khải và giao ước. Cựu Ứớc là giao ước chưa thành. Tân Ước là giao ước hoàn thành. Cựu Ước đặt Thiên Chúa trong lịch sử Do Thái. Tân Ước thấy Thiên Chúa trong vũ trụ. Ngày nay, danh xưng “dân Chúa” được nới rộng cho muôn dân. Abraham trở thành tổ phụ nhiệm thể của muôn dân. Đức Giêsu không hủy bỏ Tôra, Người dựa vào Cựu Ước mà giáo huấn dân. Như vậy phải có Cựu Ước con người mới hiểu nổi Tân Ước. Thánh Âugútinô tóm tắt sự liên hệ ấy là: Tân Ước ẩn trong Cựu Ước, Cựu Ước lộ trong Tân Ước.

2/ Theo thời gian, luôn luôn có những tri giác mới về những mặc khải của Thiên Chúa theo trình độ tiến hóa tâm linh của thời đại. Dù sự lãnh hội có thế nào, con người vẫn chỉ có thể ý thức được một điều rõ rệt, đúng nhất, và bất biến: “Thiên Chúa là tình yêu”. Không thể có câu hỏi tại sao, bởi vì không hề có Thiên Chúa ác độc. Đọc kinh điển Cựu Ước, như bộ Tôra, chúng ta trở lại với thế giới rất cổ cách đây mấy ngàn năm. Qua đó chúng ta nhận ra rằng đời sống không phải là những chuỗi dữ kiện vô nghĩa và xảy ra do tình cờ như khuynh hướng vô thần chủ trương. Cuộc đời là một câu chuyện có ý nghĩa đặt trên nền tảng đạo lý để tạo thành lịch sử. Ý nghĩa sâu xa nằm trong lịch sử mà con người có thể nhận thức là sự hiện diện của Thiên Chúa.

Ngày nay chúng ta có cả một kho tàng thần học rất phong phú cố gắng luận giải vể những mặc khải của Thiên Chúa trong mọi lãnh vực. Ý niệm về Thiên Chúa nhờ vậy được sáng tỏ hơn. Tuy nhiên có nói cũng không cùng, vì ý niệm về Thiên Chúa không bao giờ ngưng đọng trong một tầng hiểu biết. Muốn cảm nhận rõ hơn về Thiên Chúa, học hỏi và tu đức là việc nên làm của mọi Kitô hữu.

Đỗ Trân Duy

Nhân Diện Về Chân Dung Thiên Chúa Reviewed by Unknown on 3/15/2015 Rating: 5 Mùa chay theo ngôn ngữ Công Giáo là mùa lent. Lent không giản dị là mùa chay tịnh. Lent, nguyên gốc tiếng Anglô Saxon, là khoảng thời gia...

Không có nhận xét nào: