Trong một bài báo cách nay hơn 2 tháng, với tựa đề “Khi Anh Cao Bồi Nga Bắt Đầu Thấm Mệt”, người viết bài này đã nhắc đến chuyện ông Putin, trong một bài diễn văn quan trọng đọc trước Quốc hội Nga vào lúc đó, vẫn còn giữ những giọng điệu rất cứng rắn dù rằng Nga đang phải đối phó với những diễn biến rất bất lợi đã dồn dập đổ xuống trong thời gian gần đây. Điển hình là những biện pháp trừng phạt và cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ và Âu Châu bắt đầu có hiệu quả, cộng với việc giá dầu thô tụt dốc không phanh, đồng rúp (ruble) của Nga bị mất giá thê thảm và nền kinh tế của Nga đã co cụm mạnh. Vì thế nên sự lo âu đã thể hiện trên nét mặt của tất cả những người tham dự kể cả thủ tướng Medvedev.Ông Putin đã kêu gọi tinh thần dân tộc của người Nga và ông hứa là trong 4 năm nữa thì nền kinh tế Nga sẽ vượt lên trên tất cả các nền kinh tế khác.Nhưng nhiều phân tích gia thời sự thì bi quan hơn khi kết luận rằng TT Vladimir Putin chưa chắc có thể ngồi trụ vững vàng thêm 4 năm nữa để có thể gây khó khăn cho các lãnh tụ của Hoa Kỳ và khối Tự Do.
Trước đó, Putin đã trở thành một thứ “bad guy” trên trường quốc tế mà Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương gần như phải chấp nhận dù rất bực mình nhưng cũng không có biện pháp hữu hiệu để đối phó. Putin đã trở nên tự cao tự đại, nhất là khi những hình ảnh trong giới truyền thông tại Nga đều đánh bóng ông như là một lãnh tụ tài ba, đảm lược, thuộc loại “ngầu”, với những chi tiết như là ông từng là võ sĩ đai đen của Nhu Đạo, thích cưỡi ngựa săn bắn. Có vẻ như ông thích “chơi nổi” kiểu xem thường các lãnh tụ khác, đặc biệt là TT Obama, khi ông cho chụp tấm hình mình với một con báo, ngụ ý đưa ra một hình ảnh tương phản để so sánh với ông Obama chỉ biết quấn quít với một chú chó con hiền lành.
Nhưng mấy ai ngờ rằng những biện pháp trừng phạt tài chính lúc ban đầu sau khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, cộng với việc giá dầu thô đột nhiên tụt dốc thê thảm trong một thời gian ngắn, và những cố gắng vụng về của phía Nga để chống đỡ, đã nhanh chóng gộp sức lại như những cú đấm tới tấp khiến cho “người hùng” Putin phải xiểng niểng và có cơ nguy ngã gục chớ không còn ngạo mạn như lúc trước.
Chẳng vì thế mà tạp chí Foreign Affairs, trong một bài viết của Alexander Motyl mới đây với tựa đề là “Goodbye, Putin”, đã tiên đoán rằng cuộc chiến mà Nga đang chủ động và giật dây tại Ukraine càng kéo dài chừng nào thì rủi ro cho chế độ Putin sẽ càng dâng cao chừng đó để có thể dễ trở thành tiêu vong.
Tác giả bài báo cho rằng ông Putin biết mình đang ở thế cưỡi lưng cọp. Ông là người đã gây ra máu lửa chiến tranh tại Ukraine, thì ông ta cũng là người phải tìm cách kết thúc nó một cách tốt đẹp dù rằng mọi người đều nhìn thấy là ông không hề có một chiến lược nào rõ rệt xuyên qua những hành động bất nhất hoặc bộp chộp của ông. Ông ta không thể nào xua quân đè bẹp lân bang Ukraine mà không tránh khỏi gây ra một cuộc xung đột toàn cầu. Ông ta cũng không thể nào làm suy giảm nền kinh tế của Ukraine mà không gây tai hại nặng nề lây lan sang nền kinh tế của Nga, vốn đang bị rất khốn đốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thế nhưng, trước khi có thể bị sa cơ hoặc lâm vào vòng nguy khốn thì lãnh tụ Putin cũng còn đủ khả năng để khuấy động và gây khốn đốn cho nhiều người chứ không dễ gì chịu khuất phục hay rút lui một cách êm thắm, do bởi bản tính cao bồi đầy ngạo mạn và ngang tàng. Thí dụ điển hình là vai trò và ảnh hưởng của ông ta trong vụ căng thẳng tại Ukraine trong những ngày vừa qua, khi mà hiệp định ngưng bắn mới nhất giữa chính quyền Ukraine và phe phiến loạn đã bị vi phạm tức thời bởi các nhóm phiến quân đã tiếp tục tấn công nhờ vào súng ống và đạn dược được tiếp tế bởi chính quyền ở Mạc Tư Khoa (Moscow).
Chẳng vì thế mà trong một bài báo tổng hợp được đăng trên tờ New York Times mới đây, nhà báo Andrew Higgins đã kết luận rằng Putin vẫn là tay chơi quyết định trong ván bài Ukraine (In Ukraine, It’s Putin’s Game). Tác giả công nhận những sự kiện đầy bất lợi không thể phủ nhận được mà Nga đang phải đối phó: giá dầu thô tụt giá mạnh khiến cho nguồn thu nhập do xuất cảng cũng tụt dốc theo cùng với trị giá của đồng rúp; nền kinh tế của Nga bắt đầu bị co cụm lại và bước vào suy thoái, và ngay cả nhiều quốc gia đồng minh hay chư hầu của Nga cũng bắt đầu hoài nghi về hướng đi mà ông Putin đang lôi kéo họ theo. Thế nhưng khi phải đối đầu với các lãnh tụ của Đức, Pháp và Ukraine trong bàn hội nghị tại thủ đô Minsk ở Belarus để tìm một giải pháp hoà bình tại Ukraine, ông Putin vẫn là người “trên cơ” hơn tất cả những đối thủ khác.
Còn tạp chí The Economist, trong số ra ngày 14 tháng 2 vừa qua, đã có nhiều bài viết phân tích về những toan tính của lãnh tụ Putin nhằm khống chế các nước chư hầu cũ nhỏ bé trong vùng, đồng thời cũng muốn gây khốn đốn cho hai khối mạnh hơn, đó là Liên minh NATO và Liên Hiệp Âu Châu. Trong bài viết có tựa đề “Putin’s war on the West”, tạm dịch là Cuộc chiến của Putin đối đầu với phương Tây, bài báo đưa ra một hình ảnh rất tiêu biểu về những đòn phù phép hiện nay của nhà lãnh tụ của Nga không khác gì một ảo thuật gia, hay đúng hơn là một tay phù thuỷ đang chú tâm giựt dây điều khiển các con cờ và hình nộm của mình.Lý do là vì từ nhiều tháng qua, những lãnh tụ tại các nước Âu Châu đã cố gắng đoàn kết để cùng đưa ra một lập trường chung, đó là loại bỏ giải pháp quân sự trong lúc kêu gọi mọi phía cần phải cố gắng hơn nữa để giải quyết cuộc xung đột bằng những chính sách ngoại giao. Thế nhưng tại bàn hội nghị ở Minsk, họ đã phải đối diện trước một thực tế đắng cay là ông Putin vẫn đang ở thế thượng phong chỉ vì ông ta sẵn sàng dùng đến biện pháp quân sự để đạt được những gì mong muốn trong lãnh vực ngoại giao.
Điều trớ trêu là mọi người đều đã nhìn thấy rõ bản tính thô bạo, ý đồ thâm độc và lòng dạ bất lương của ông Putin từ nhiều tháng trước, khi Nga quyết định yểm trợ cho các phiến quân đòi ly khai tại Ukraine quấy rối để phá huỷ hiệp ước tại Minsk được ký kết giữa các bên hồi tháng 9 năm 2014. Chính sự yểm trợ vũ khí mạnh mẽ của Nga đã khiến cho lực lượng phiến quân ngày càng mạnh mẽ thêm hơn để giành được những chiến thắng quân sự tại vùng phía đông Ukraine, và cũng khiến cho nhiều tiếng nói diều hâu tại Washington cho rằng Hoa Kỳ cần phải viện trợ quân sự cho chính quyền của Ukraine tại Kiev.
Một trong những chuyên gia nhận định tình hình rất sắc bén là bà Fiona Hill đã cho rằng ông Putin đã quay những lãnh tụ khác (gồm có Angela Merkel của Đức, Francois Hollande của Pháp và Petro Poroshenko của Ukraine) như “quay dế” khi bước vào bàn hội nghị ở Minsk. Bà Hill trước đây từng là chuyên viên đặc trách tình báo cao cấp nhất của Hoa Kỳ trên hồ sơ nước Nga trong thời gian từ 2006 đến 2009, và nay đang là giám đốc trung tâm nghiên cứu về liên hệ giữa Hoa Kỳ và Âu Châu thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution.
Trước khi hội nghị tại Minsk lần thứ hai bắt đầu, bà Hill đã tiên đoán rằng bất cứ thoả thuận ngưng bắn nào cũng chỉ là tạm thời giống như cái thoả hiệp trước đó, bởi vì ông Putin sẽ luôn luôn thay đổi các biện pháp quân sự và ngoại giao tuỳ theo thời điểm và miễn sao nó đem lại lợi thế nhiều nhất cho Nga. Ngược lại, phía Tây Phương lại còn giúp đỡ cho Nga khi đã tự nói cho mọi người biết mục đích mong muốn của mình trong khi lãnh tụ Putin thì lại dấu kín ý đồ khiến cho mọi người phải võ đoán. Bà Hill kết luận rằng “Anh có thể thắng (trên bàn cờ) với lá bài yếu nếu như đối thủ của anh bao giờ cũng để lộ ra lá bài của họ.”
Thật ra thì không phải các lãnh tụ Âu Châu quá ngây thơ để không nhận rõ cái thế yếu của mình cũng như hy vọng mong manh rằng phía Nga có thực tâm muốn tránh gây thêm biến loạn tại vùng này. Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel là ông Steffen Seibert đã nói trước đó rằng Đức chịu bước vào bàn hội nghị để mưu cầu hoà bình dù chỉ với “một ít tia hy vọng” (glimmer of hope).
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp là ông Laurent Fabius nói rằng mục đích của cuộc hội nghị lần này là để củng cố thêm, chứ không phải là để viết lại, bản Thoả Thuận Minsk đã được các bên ký kết hồi tháng 9 năm ngoái. Nhưng rồi liền sau đó ông Fabius lại phải nhìn nhận rằng việc thực hiện các điều kiện trong bản thoả ước này đã không còn khả thi nữa do bởi điều mà ông gọi là “một số những diễn biến trên mặt trận”, một cách nói khéo để che đậy một thực tế phũ phàng là chuyện phe phiến quân đã tiến chiếm thêm nhiều phần đất từ chính quyền Ukraine sau khi thoả ước ngưng bắn được ký kết.
Một chuyên gia khác về hồ sơ của Nga tại một viện nghiên cứu ở Brussels là European Policy Center là bà Amanda Paul đã nhận định rằng các lãnh tụ của Tây Phương và ông Putin dường như “đang chơi những trò chơi hoàn toàn khác nhau”. Một mặt, các vị như bà Merkel và ông Fabius cứ luôn miệng kêu gọi là các bên hãy cố gắng hơn nữa để mưu cầu một giải pháp ngoại giao thoả đáng trong khi tình hình chiến sự tiếp tục leo thang hơn nữa, và rất bất lợi cho chính quyền Ukraine thân Tây Phương. Mặt khác, ông Putin cũng vẫn thản nhiên tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn hội nghị để thương thảo hoà bình, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục kín đáo tiếp vận vũ khí và kể cả binh lính cho lực lượng phiến quân.
Chính vì thế mà mới đây Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ đã phải dùng đến những lời lẽ không ngoại giao chút nào khi lên tiếng chỉ trích các hành động của Nga. Trả lời các vị dân cử của Hoa Kỳ trong ngày thứ Ba 24/2 tuần này, ông Kerry đã phát biểu: “Họ (các viên chức của Nga) cứ ngoan cố dùng những lời lẽ bóp méo sự kiện, những lời nói láo -- ừ thì bất cứ từ ngữ nào quí vị gọi cũng được -- về những việc làm của họ. Họ cứ tiếp tục nói như vậy trước mặt tôi, trước mặt nhiều người khác, và nói trong nhiều dịp khác nhau.”
Và bà Amanda Paul đã phải kết luận: “Ông Putin có thể xoay trở để qua mặt người khác bởi vì ông biết rõ những giới hạn của chúng ta. Ông ta biết rõ là chúng ta sẽ không đưa quân đến chiến trường. Ông biết rằng ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ có quyết định viện trợ súng ống thì quân đội của Nga vẫn còn quá mạnh tại đây để đè bẹp phe Ukraine.” Và bà nói thêm rằng: “Nhưng chúng ta thì không biết rõ những giới hạn của ông ta đến mức nào. Ông ta không hề để lộ lá bài tẩy của mình.Nhưng mà phía Tây Phương thì đã để lộ rõ. Có thể chúng ta không dùng được một giải pháp quân sự, nhưng ít ra chúng ta cũng phải làm cách nào đó để cho phía Nga cũng phải ngập ngừng khi tiên đoán về những bước đi của đối phương.”
CUỘC CHIẾN TẠI VÙNG DONBASS
Tưởng cũng nên nhắc lại là cuộc chiến tại Ukraine, cũng thường được gọi là cuộc chiến tại vùng phía đông Ukraine, hay là cuộc chiến tại vùng Donbass, đã nổ ra từ sau những biến động dồn dập xảy ra tại lân bang Ukraine của Nga hồi năm ngoái.
Đầu tiên là cuộc cách mạng của người dân Ukraine hồi tháng 2/2014 đã khiến cho lãnh tụ độc tài thân Nga là ông Viktor Yakunovych phải bỏ trốn, gây ra sự căng thẳng trong nước giữa hai khối dân thân Nga và thân Tây Phương. Liền sau đó, những nhóm người thân Nga (nằm nhiều ở phía đông Ukraine sát biên giới với Nga) đã xuống đường biểu tình tại vùng Donbass để đòi ly khai. Đây là vùng đất nằm về phía đông của Ukraine và phía nam của Nga, với diện tích khoảng 9% của Ukraine, bao gồm hai tỉnh lớn là Donetsk và Luhansk. Cùng lúc đó, Nga cũng cho tiến hành việc quấy động tại bán đảo Crimea để sau đó sáp nhập vùng này vào tháng 3/2014.
Liền sau đó, những cuộc xuống đường trở nên bạo động hơn để trở thành những cuộc giao chiến của các nhóm phiến quân ly khai đối đầu với chính quyền trung ương của Ukraine. Tình hình trở nên căng thẳng và khốc liệt do bởi phe phiến quân được viện trợ đắc lực với vũ khí, và kể cả binh lính của Nga, dù rằng chính quyền ở Mạc Tư Khoa đã luôn miệng chối bai bải, tựa như quân đội Bắc Việt năm xưa cũng luôn miệng chối biến rằng không bao giờ có ý đồ xâm nhập vào miền Nam Việt Nam.
Tuy phe phiến quân chỉ chiếm có khoảng phân nửa đất đai của vùng Donbass, nhưng họ cũng giành được hai thành phố lớn nhất tại đây là 2 tỉnh lỵ Donetsk và Luhansk, và củng cố thêm nhiều vùng đất rời rạc khác để từ đó lập nên những nước tự trị gọi là Cộng Hoà Donetsk và Cộng Hoà Luhansk (mà chỉ có Nga và các nước chư hầu công nhận). Sau đó, lực lượng quân đội của chính quyền Ukraine ở Kiev đã đưa quân đến giành lại một thành phố nằm ở giữa hai tỉnh lỵ này, đó là Debaltseve, vốn là một trục giao thông bằng đường hoả xa quan trọng về mặt chiến lược. Vì thế nên các cuộc đụng trận giữa hai phe đã leo thang mạnh từ nhiều tháng qua.
Liền sau khi hiệp ước hưu chiến mới nhất được các bên ký kết vào giữa tháng Hai mới đây, thì phe phiến quân đã nhanh chóng vi phạm bằng cách tấn công dữ dội hơn nữa, khiến cho TT Pedroshenko của Ukraine phải ra lệnh cho quân đội triệt thoái khỏi vùng này. Từ đó, nhiều người lo ngại rằng phe phiến quân giờ đây có thể thừa thắng xông lên để tiến chiếm luôn thành phố cảng ở phía nam là Mariupol, một thành phố đông dân và là cửa ngõ để thông sang bán đảo Crimea. Nếu điều này xảy ra, coi như thoả ước ngưng chiến Minsk vỡ tan và Nga có thể ngang nhiên chiếm nguyên một giải đất rộng lớn và liền lạc ở phía đông của Ukraine.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ?
Tuy nhiên, theo một bài báo phân tích của Eric Randolph của hãng thông tấn AFP, nhiều phân tích gia cho rằng việc thất thủ của Debaltseve mới đây có thể được coi như là cái giá phải trả cho cuộc xung đột tại đây, với kết quả có phần tạm ổn định hơn trong lâu dài. Theo họ thì cuộc tranh giành tại thành phố này là điều không thể tránh khỏi, do bởi phe phiến quân rõ ràng là muốn chiếm đóng thêm nhiều phần đất và tài nguyên để mong tạo nên một vùng đất khá vững mạnh hầu có thể làm nền móng cho quốc gia tân lập của mình.
Hơn thế nữa, việc giành được thành phố Debaltseve cũng có một giá trị biểu tượng rất lớn, bởi vì nơi đây vốn là cứ điểm chiến lược quan trọng trong nhiều cuộc xung đột nổ ra trong hai thế kỷ vừa qua. Với việc chiếm được thị trấn Debaltseve nằm giữa hai thành phố Donetsk và Luhansk, coi như phe phiến quân do Nga giật dây đã kiểm soát được một phần đất liền lạc. Cộng với việc chiếm giữ luôn phi trường Donetsk, giờ đây coi như họ cũng tạm đủ một vùng đất và cơ sở an toàn để có thể tạm gọi là một quốc gia.
Theo nhận định của ông Jorg Forbrig là một phân tích gia của viện nghiên cứu German Marshall Fund thì có lẽ hai cường quốc của khối Liên Hiệp Âu Châu là Đức và Pháp cũng đành phải chịu chấp nhận sự thất thủ này, coi như là cái giá phải trả, tương đối chấp nhận được, để mưu cầu một sự yên ổn lâu dài và vững bền hơn.
Lý do là vì giờ đây coi như lãnh tụ Putin đã đạt được mục đích mà ông mong muốn. Nếu như để phe phiến quân tiến chiếm luôn thành phố cảng Mariupol, coi như mọi người trên thế giới bắt buộc phải nhìn nhận rằng tham vọng của ông Putin quá lớn và nguy hiểm, khiến cho mọi người phải cùng đoàn kết lại và hiệp sức để ngăn chặn bước tiến của Nga. Do đó, ông Putin có thể sẽ ra lệnh cho phe này tạm ngừng các cuộc tiến công (chỉ cần Nga không tiếp tục viện trợ súng ống thì họ cũng không thể quấy phá tiếp, cũng tương tự như Bắc Việt năm xưa nếu không có viện trợ dồi dào từ Nga và Trung Cộng thì đố họ có thể làm nên trò trống gì khi huênh hoang đòi tấn công miền Nam VN), và từ đó các áp lực của thế giới phủ xuống phía Nga và lãnh tụ Putin cũng sẽ bắt đầu bớt dần. Nhưng rõ ràng là ông đã đạt được mục đích mong muốn trong khi đối phương vẫn còn đang lúng túng chưa biết xử trí ra sao cho ổn thoả.
Với việc sáp nhập bán đảo Crimea, và giờ đây vùng Donbass phía đông Ukraine đã vượt khỏi quyền kiểm soát của chính quyền Ukraine, coi như ông Putin đã tạo nên được những vụ gọi là “xung đột đông cứng” (frozen conflicts). Mục đích chính của ông có thể là không cần phải chiếm lại nhiều nước chư hầu cũ như dưới thời Liên Bang Sô Viết mà chỉ cần khiến những nước này không thể bị ve vãn hoặc sát nhập vào khối NATO để tạo cảm giác bất an cho mình. Ông Putin đã tạo được những vụ “xung đột đông cứng” khác tại những quốc gia như Moldova, Georgia, để từ đó những phong trào đòi tự trị nổi lên tại các nơi này và tiếp tục quấy phá, khiến cho các tiểu quốc này luôn sống trong cảnh bất ổn, và không còn trở thành những nước dễ bị chiêu dụ gia nhập vào khối NATO hoặc Liên Hiệp Âu Châu.
Tạp chí The Economist cho rằng với việc thiết lập gần như một thực thể mới là vùng đất tự trị tại Donbass vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền ở Kiev, ông Putin coi như cũng đã thành công trong ý đồ ngăn chặn đà phát triển của Ukraine theo chiều hướng tự do dân chủ để mong gia nhập vào khối Liên Hiệp Âu Châu hoặc Liên minh NATO sau này. Vì thế nên cuộc chiến tại vùng Donbass này có lẽ không là một điều ngạc nhiên đối với các nhà chiến lược hoặc các phân tích gia am tường thời cuộc, vì nó cũng chỉ là một trong những hành động của lãnh tụ Putin muốn áp đặt các nước chư hầu cũ phải chịu tuân phục mình, cho dù có bằng nhiều phương thức khác nhau như bắt chẹt về chính sách cung cấp năng lượng, cấm vận mậu dịch hoặc là sử dụng súng ống để ngang nhiên quấy phá hoặc lấn chiếm nhiều phần đất của các lân bang.
Điều nhiều lo ngại là liệu ông Putin có chịu tạm dừng lại với những tham vọng của mình hay không, hay là sẽ hăng máu để tiếp tục nhắm tới các quốc gia chư hầu cũ thuộc vùng Baltic – như Latvia, Estonia, Lithuania – vốn là những nước thành viên mới gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu và Liên minh NATO gần đây.
Đây có lẽ là một sự khác biệt về ý thức hệ cũng như sự nhận định của các chính quyền ở phương Tây với những chính quyền độc tài như Putin tại Nga. Khối các nước tự do dân chủ thì theo đuổi một hệ thống tôn trọng công pháp quốc tế, trong khi phía Nga thì chỉ biết chấp nhận một thứ gần như là luật rừng, miễn sao là nó vẫn có lợi cho mình: đó là nguyên tắc các cường quốc cần phải bảo vệ những vùng đất thuộc ảnh hưởng của mình bằng bất cứ giá nào. Đó là lý do vì sao mà ông Putin nhìn những hành động hay quyết định của các chính quyền tại các nước chư hầu cũ muốn gia nhập vào thế giới các nước tự do dân chủ như là một âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ nhằm cô lập mình, và do đó ông phải quyết tâm ngăn cản và chống đối cho đến cùng.
Và đó cũng là thử thách lớn cho Hoa Kỳ và các quốc gia trong khối Liên Hiệp Âu Châu, vốn sẵn có những cái nhìn khác nhau trong việc lựa chọn những giải pháp để đối phó với những lãnh tụ hung hãn và côn đồ như Putin, và do đó thường khó tìm được một sự đồng thuận vững mạnh để giải quyết nan đề này. Trớ trêu thay, những khuôn mặt như Putin lại vẫn thường hay xuất hiện trên bàn cờ thế giới để tiếp tục gây máu lửa và khó khăn cho mọi người, tương tự như những lãnh tụ Khomeini, Osama bin Laden v.v.
MAI LOAN
Theo: Diễn Đàn Thế Kỷ - 9/3/2015
Không có nhận xét nào: