VRNs (14;03.2015) – Sài Gòn – Hôm qua, ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tuyên bố bác bỏ kháng nghị Giám đốc thẩm đối với tử tù Hồ Duy Hải, trong phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 13.03.2015.
Trong phiên chất vấn, ông Chánh án khẳng định tử tù Hồ Duy Hải nhận tội, có đầy đủ chứng cứ chứng minh Hải là thủ phạm dựa trên ba căn cứ: Thứ nhất, trong giai đoạn điều tra “Hải cũng nhận tội, quá trình điều tra có luật sư dự cung”. Thứ hai, “Viện Kiểm sát truy tố, đưa ra tòa án xét xử, tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội…” nên tòa tuyên án tử hình, nhưng trong phiên tòa phúc thẩm “bị cáo có phần nói không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không chắc”. Thứ ba, “Cơ quan điều tra [CQĐT] đã xác minh chứng cứ gián tiếp chứng minh lời nhận tội của Hải”.
Lời tuyên bố của ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình không đúng vì các căn cứ ông đưa ra không có thật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Dựa trên hồ sơ vụ án của Hồ Duy Hải và bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn Đạt được đăng trên các trang mạng xã hội, VRNs xin có một số nhận định chứng minh những căn cứ của ông Chánh án TANDTC đưa ra là sai với sự thật khách quan của vụ án.
“Hải cũng nhận tội, quá trình điều tra có luật sư dự cung” !?
Căn cứ thứ nhất mà ông Chánh án TANDTC đưa ra để chứng minh Hải nhận tội là trong quá trình điều tra Hải đã nhận tội và có luật sư [LS] dự cung. Việc bị can, bị cáo nhận tội – nếu không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì không được coi là chứng cứ. Và lời nhận tội của bị can, bị cáo thì không được dùng làm chứng cứ duy nhất để kết tội. VRNs đã có bài nhận định và phân tích khía cạnh pháp lý của Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự này đối với trường hợp Hồ Duy Hải.
Khi xảy ra vụ án, gia đình Hồ Duy Hải đã yêu cầu LS Nguyễn Văn Khương có văn phòng tại Sài Gòn tham gia bào chữa cho Hải, nhưng CQĐT không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS Khương với lý do Hải không yêu cầu LS (tại bút lục 71). Tại bút lục này, Hải viết: “Tôi được điều tra viên thông báo có luật sư người nhà yêu cầu thuê bào chữa cho tôi. Tôi xét thấy quá trình bị giam giữ điều tra tại trại giam CQĐT cũng có đề nghị tôi yêu cầu luật sư không, nhưng tôi xác định phần tôi không yêu cầu luật sư bào chữa và đề nghị gia đình cũng không cần thuê luật sư cho tôi. Về phía CQĐT có thuê luật sư như giải thích là luật quy định thì cơ quan có thuê thì thuê tôi không phản đối”. Theo luật, với vụ án đặc biệt nghiêm trọng như của Hải có mức án cao nhất là tử hình thì bắt buộc phải có LS tham gia. Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 25.03.2008, gia đình Hồ Duy Hải mời LS Nguyễn Văn Khương bào chữa cho Hải. Cùng ngày 25.03.2008, LS Khương gửi Giấy giới thiệu và hồ sơ đề nghị tham gia tố tụng đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh. Cũng ngay trong ngày 25.03.2008 này, có văn bản của Hải từ chối LS do gia đình mời. Nhưng cũng chỉ mấy ngày sau, ngày 02.04.2008 Công an lại cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho LS Võ Thành Quyết, một cựu Công an, nguyên Trưởng phòng Điều tra xét hỏi Công An tỉnh Long An trước khi về làm Trưởng Công An huyện Thủ Thừa. Có lẽ vậy mà ngay cả Giấy giới thiệu của Văn phòng luật sư này gửi cơ quan Công an cũng không thèm đề ngày tháng năm.
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện LS Quyết tham gia ‘dự cung’ có hai tình tiết đáng chú ý. Một là, Luật sư này đã ký tên vào những biên bản, tài liệu có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Hai là có dấu hiệu cho thấy LS Quyết không tham gia ‘dự cung’ và đã hợp thức hóa các bản khai cung này. Ví dụ như, có những biên bản, chữ ký của LS Quyết được ký vào bất kỳ những khoảng trống nào của biên bản, vì có thể các chữ ký trước đã đầy chỗ. Có biên bản thì không ghi tên LS tham gia nhưng ở cuối lại có chữ ký. Và nhiều biên bản ghi ông Võ Thành Quyết tham gia với tư cách “người chứng kiến”! Cuối cùng là “luật sư dự cung” này có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi là luật sư chỉ định, nhưng lại ký hợp đồng dịch vụ bào chữa và thu phí của gia đình Hồ Duy Hải.
Vậy thì ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, trong quá trình điều tra vụ án có ‘luật sư dự cung’, chứng tỏ là khách quan- trong trường hợp của LS Võ Thành Quyết này -có đúng hay không? Điều này cần phải xem xét lại.
“Tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội”… Trong phiên tòa phúc thẩm có lúc Hải nhận tội, có lúc không ?
Căn cứ thứ hai mà ông Chánh án TANDTC trưng dẫn Hồ Duy Hải nhận tội là có căn cứ, đó là: “Viện Kiểm sát truy tố, đưa ra tòa án xét xử, tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội…” nên tòa tuyên án tử hình, nhưng trong phiên tòa phúc thẩm “bị cáo có phần nói không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không chắc”.
Căn cứ trên hoàn toàn sai, bởi vì bản án sơ thẩm của TA tỉnh Long An ở trang số 5 thừa nhận: “Tại tòa có lúc (bị cáo Hải) cho rằng không phạm tội sở dĩ khai nhận vì thời gian bất minh không chứng minh được, mô tả việc phạm tội do Nguyễn Văn Hải là Công an viên xã Nhị Thành kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân.” Như vậy, ngay từ phiên tòa sơ thẩm, bản án sơ thẩm đã xác định Hải không nhận tội. Thậm chí, ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, HĐXX chưa tuyên án thì báo Tuổi Trẻ đã có bài viết khẳng định ‘bị cáo Hồ Duy Hải phản cung‘. Bài báo này viết, “tuy nhiên, khi vị đại diện Viện kiểm sát (VKS) hỏi: “Như vậy cáo trạng của VKS truy tố bị cáo về tội giết người cướp tài sản có oan không?”, Hải trả lời: “Oan”. Hải nói “chỉ khai nhận tội giết người chứ không thực hiện hành vi giết người”; nhận tội theo lời kể lại của một công an viên ở địa phương, nơi bị cáo tạm trú. Vị đại diện VKS đưa ra văn bản xác nhận người công an kia không hề gặp Hải từ ngày xảy ra án mạng.” Cho nên căn cứ “tại tòa án sơ thẩm Hải nhận tội…” của ông Chánh án đã bị chính bản án sơ thẩm phản bác.
“Cơ quan điều tra đã xác minh chứng cứ gián tiếp chứng minh lời nhận tội của Hải”
Căn cứ cuối cùng mà ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đưa ra để chứng minh Hải nhận tội giết người là có cơ sở: “Cơ quan điều tra đã xác minh chứng cứ gián tiếp chứng minh lời nhận tội của Hải”. Thế nhưng, hồ sơ vụ án thể hiện các ‘chứng cứ gián tiếp’ này mâu thuẫn, không đúng sự thật, vi phạm pháp luật và không được thu thập theo trình tự thủ tục tố tụng.
Cụ thể, Kết luận điều tra và Cáo trạng cho rằng Hồ Duy Hải đã đưa cho Vân 1 tờ tiền polyme có mệnh giá 100 ngàn hay 50 ngàn không nhớ rõ, để cô Vân đi mua trái cây. Nhưng ‘chứng cứ gián tiếp’ là lời khai của người bán trái cây -Nguyễn Thị Bích Ngân- nói là “khi tính tiền là 41 ngàn đồng, cô gái kêu bớt 1.000 đồng. Cô gái chỉ trả 40 ngàn gồm 1 tờ tiền polyme mệnh giá 20 ngàn, 1 tờ tiền polyme mệnh giá 10 ngàn và 1 tờ tiền giấy mệnh giá 10 ngàn. Nhân chứng Nguyễn Thị Diệu Hiền khai rõ trước khi vụ án xẩy ra, Vân và Hồng không còn tiền. Khi khám nghiệm tử thi thì trong túi Vân không còn tiền. Như vậy “chứng cứ gián tiếp” tờ tiền polymer 100 ngàn hay 50 ngàn đã không được chứng minh?; Hoặc, các cơ quan tiến hành tố tụng đều khẳng định sau khi gây án khoảng một tuần, Hải đã đốt quần áo, dây nịt và sim card. Tàn tro này đã được CQĐT thu giữ, đem đi giám định và được kết luận là “phù hợp lời khai của Hải”. Thế nhưng kết luận giám định lại xác định “không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card”. Như vậy ‘chứng cứ gián tiếp’ này chứng minh cái gì?; Trong bản Cáo trạng còn thể hiện có nội dung không đúng sự thực, không phù hợp với tình tiết khách quan khác của vụ án. Cáo trạng cho rằng, nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hải xuất hiện tại hiện trường, gọi điện thoại cho Hải… Tuy nhiên, nhân chứng Thường lại khẳng định “tôi không thể nhận dạng chính xác được…” và không quen biết bị can Hải, không hề gọi điện thoại cho bị can Hải; Hoặc con dao và cái thớt không được thu giữ tại hiện trường, mà sau này cơ quan tiến hành tố tụng đã ra chợ mua về để làm vật chứng; Trong một lời khai khác, Hải nói là đã giết Hồng trước và giết Vân sau nhưng ‘chứng cứ gián tiếp’ là giấy chứng tử và Biên bản khám nghiệm tử thi không ghi giờ chết của nạn nhân, thì làm sao mà xác định được nạn nhân nào chết trước nạn nhân nào chết sau, có đúng như Hải nêu… Điều quan trọng nữa là, Hải khai nhận là thủ phạm, nhưng “chứng cứ gián tiếp” là dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án lại không trùng với 10 dấu vân tay của Hải. Như vậy, chính lời khai của Hải đã chứng minh bằng chứng cứ gián tiếp rằng Hải ngoại phạm… Còn các “chứng cứ gián tiếp” của chủ tiệm vàng, tiệm mua bán điện thoại di động đều không chứng minh được Hải là người bán vàng, bán điện thoại “cướp” được!
Xin được nhắc lại, vụ án hai cô nhân viên Bưu cục Cầu Voi bị giết hại vào khoảng chiều tối ngày 13.01.2008. Một ngày sau đó vào ngày 14.01, Phòng kỹ thuật hình sự tỉnh Long An khám nghiệm hiện trường. Sau đó, theo thông tin báo chí, có 23 đối tượng bị triệu tập, tạm giữ, nhưng không lưu lại hồ sơ. Hơn hai tháng sau, vào ngày 21.03, Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam. Vào ngày 07.04.2008, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Long An mới trưng cầu giám định. Đặc biệt, trong vụ án này Hải không bị bắt quả tang mà chỉ bị bắt sau hơn 2 tháng mà không có nguyên nhân liên quan, vụ án không có nhân chứng nào nhìn thấy.
Cùng trong buổi sáng nay 13.03.2015, tại nghị trường, đại biểu Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho biết đã thay mặt đoàn giám sát của Quốc hội vào trại làm việc với Hồ Duy Hải, nghe ý kiến luật sư tham gia bào chữa vụ án. Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã tiếp xúc với mẹ và dì của Hồ Duy Hải.
Bà Nga phát biểu “Tuy nhiên với tư cách cá nhân đại biểu Quốc hội, tôi thấy bản án kết tội Hồ Duy Hải chưa có đủ căn cứ vững chắc. Tôi đã có bản kiến nghị 10 trang chỉ ra hàng chục điểm sai sót trong bản án này. Tôi đã gửi bản kiến nghị đến Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao. Tôi mong các cơ quan xem xét thận trọng để trả lời gia đình bị cáo. Đảm bảo chúng ta trước khi thi hành tử hình một con người phải xem xét hết sức thận trọng”.
Trong phiên chất vấn, ông Chánh án khẳng định tử tù Hồ Duy Hải nhận tội, có đầy đủ chứng cứ chứng minh Hải là thủ phạm dựa trên ba căn cứ: Thứ nhất, trong giai đoạn điều tra “Hải cũng nhận tội, quá trình điều tra có luật sư dự cung”. Thứ hai, “Viện Kiểm sát truy tố, đưa ra tòa án xét xử, tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội…” nên tòa tuyên án tử hình, nhưng trong phiên tòa phúc thẩm “bị cáo có phần nói không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không chắc”. Thứ ba, “Cơ quan điều tra [CQĐT] đã xác minh chứng cứ gián tiếp chứng minh lời nhận tội của Hải”.
Lời tuyên bố của ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình không đúng vì các căn cứ ông đưa ra không có thật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Dựa trên hồ sơ vụ án của Hồ Duy Hải và bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn Đạt được đăng trên các trang mạng xã hội, VRNs xin có một số nhận định chứng minh những căn cứ của ông Chánh án TANDTC đưa ra là sai với sự thật khách quan của vụ án.
“Hải cũng nhận tội, quá trình điều tra có luật sư dự cung” !?
Căn cứ thứ nhất mà ông Chánh án TANDTC đưa ra để chứng minh Hải nhận tội là trong quá trình điều tra Hải đã nhận tội và có luật sư [LS] dự cung. Việc bị can, bị cáo nhận tội – nếu không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì không được coi là chứng cứ. Và lời nhận tội của bị can, bị cáo thì không được dùng làm chứng cứ duy nhất để kết tội. VRNs đã có bài nhận định và phân tích khía cạnh pháp lý của Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự này đối với trường hợp Hồ Duy Hải.
Khi xảy ra vụ án, gia đình Hồ Duy Hải đã yêu cầu LS Nguyễn Văn Khương có văn phòng tại Sài Gòn tham gia bào chữa cho Hải, nhưng CQĐT không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS Khương với lý do Hải không yêu cầu LS (tại bút lục 71). Tại bút lục này, Hải viết: “Tôi được điều tra viên thông báo có luật sư người nhà yêu cầu thuê bào chữa cho tôi. Tôi xét thấy quá trình bị giam giữ điều tra tại trại giam CQĐT cũng có đề nghị tôi yêu cầu luật sư không, nhưng tôi xác định phần tôi không yêu cầu luật sư bào chữa và đề nghị gia đình cũng không cần thuê luật sư cho tôi. Về phía CQĐT có thuê luật sư như giải thích là luật quy định thì cơ quan có thuê thì thuê tôi không phản đối”. Theo luật, với vụ án đặc biệt nghiêm trọng như của Hải có mức án cao nhất là tử hình thì bắt buộc phải có LS tham gia. Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 25.03.2008, gia đình Hồ Duy Hải mời LS Nguyễn Văn Khương bào chữa cho Hải. Cùng ngày 25.03.2008, LS Khương gửi Giấy giới thiệu và hồ sơ đề nghị tham gia tố tụng đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh. Cũng ngay trong ngày 25.03.2008 này, có văn bản của Hải từ chối LS do gia đình mời. Nhưng cũng chỉ mấy ngày sau, ngày 02.04.2008 Công an lại cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho LS Võ Thành Quyết, một cựu Công an, nguyên Trưởng phòng Điều tra xét hỏi Công An tỉnh Long An trước khi về làm Trưởng Công An huyện Thủ Thừa. Có lẽ vậy mà ngay cả Giấy giới thiệu của Văn phòng luật sư này gửi cơ quan Công an cũng không thèm đề ngày tháng năm.
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện LS Quyết tham gia ‘dự cung’ có hai tình tiết đáng chú ý. Một là, Luật sư này đã ký tên vào những biên bản, tài liệu có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Hai là có dấu hiệu cho thấy LS Quyết không tham gia ‘dự cung’ và đã hợp thức hóa các bản khai cung này. Ví dụ như, có những biên bản, chữ ký của LS Quyết được ký vào bất kỳ những khoảng trống nào của biên bản, vì có thể các chữ ký trước đã đầy chỗ. Có biên bản thì không ghi tên LS tham gia nhưng ở cuối lại có chữ ký. Và nhiều biên bản ghi ông Võ Thành Quyết tham gia với tư cách “người chứng kiến”! Cuối cùng là “luật sư dự cung” này có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi là luật sư chỉ định, nhưng lại ký hợp đồng dịch vụ bào chữa và thu phí của gia đình Hồ Duy Hải.
Vậy thì ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, trong quá trình điều tra vụ án có ‘luật sư dự cung’, chứng tỏ là khách quan- trong trường hợp của LS Võ Thành Quyết này -có đúng hay không? Điều này cần phải xem xét lại.
“Tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội”… Trong phiên tòa phúc thẩm có lúc Hải nhận tội, có lúc không ?
Căn cứ thứ hai mà ông Chánh án TANDTC trưng dẫn Hồ Duy Hải nhận tội là có căn cứ, đó là: “Viện Kiểm sát truy tố, đưa ra tòa án xét xử, tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội…” nên tòa tuyên án tử hình, nhưng trong phiên tòa phúc thẩm “bị cáo có phần nói không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không chắc”.
Căn cứ trên hoàn toàn sai, bởi vì bản án sơ thẩm của TA tỉnh Long An ở trang số 5 thừa nhận: “Tại tòa có lúc (bị cáo Hải) cho rằng không phạm tội sở dĩ khai nhận vì thời gian bất minh không chứng minh được, mô tả việc phạm tội do Nguyễn Văn Hải là Công an viên xã Nhị Thành kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân.” Như vậy, ngay từ phiên tòa sơ thẩm, bản án sơ thẩm đã xác định Hải không nhận tội. Thậm chí, ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, HĐXX chưa tuyên án thì báo Tuổi Trẻ đã có bài viết khẳng định ‘bị cáo Hồ Duy Hải phản cung‘. Bài báo này viết, “tuy nhiên, khi vị đại diện Viện kiểm sát (VKS) hỏi: “Như vậy cáo trạng của VKS truy tố bị cáo về tội giết người cướp tài sản có oan không?”, Hải trả lời: “Oan”. Hải nói “chỉ khai nhận tội giết người chứ không thực hiện hành vi giết người”; nhận tội theo lời kể lại của một công an viên ở địa phương, nơi bị cáo tạm trú. Vị đại diện VKS đưa ra văn bản xác nhận người công an kia không hề gặp Hải từ ngày xảy ra án mạng.” Cho nên căn cứ “tại tòa án sơ thẩm Hải nhận tội…” của ông Chánh án đã bị chính bản án sơ thẩm phản bác.
“Cơ quan điều tra đã xác minh chứng cứ gián tiếp chứng minh lời nhận tội của Hải”
Căn cứ cuối cùng mà ông Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đưa ra để chứng minh Hải nhận tội giết người là có cơ sở: “Cơ quan điều tra đã xác minh chứng cứ gián tiếp chứng minh lời nhận tội của Hải”. Thế nhưng, hồ sơ vụ án thể hiện các ‘chứng cứ gián tiếp’ này mâu thuẫn, không đúng sự thật, vi phạm pháp luật và không được thu thập theo trình tự thủ tục tố tụng.
Cụ thể, Kết luận điều tra và Cáo trạng cho rằng Hồ Duy Hải đã đưa cho Vân 1 tờ tiền polyme có mệnh giá 100 ngàn hay 50 ngàn không nhớ rõ, để cô Vân đi mua trái cây. Nhưng ‘chứng cứ gián tiếp’ là lời khai của người bán trái cây -Nguyễn Thị Bích Ngân- nói là “khi tính tiền là 41 ngàn đồng, cô gái kêu bớt 1.000 đồng. Cô gái chỉ trả 40 ngàn gồm 1 tờ tiền polyme mệnh giá 20 ngàn, 1 tờ tiền polyme mệnh giá 10 ngàn và 1 tờ tiền giấy mệnh giá 10 ngàn. Nhân chứng Nguyễn Thị Diệu Hiền khai rõ trước khi vụ án xẩy ra, Vân và Hồng không còn tiền. Khi khám nghiệm tử thi thì trong túi Vân không còn tiền. Như vậy “chứng cứ gián tiếp” tờ tiền polymer 100 ngàn hay 50 ngàn đã không được chứng minh?; Hoặc, các cơ quan tiến hành tố tụng đều khẳng định sau khi gây án khoảng một tuần, Hải đã đốt quần áo, dây nịt và sim card. Tàn tro này đã được CQĐT thu giữ, đem đi giám định và được kết luận là “phù hợp lời khai của Hải”. Thế nhưng kết luận giám định lại xác định “không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card”. Như vậy ‘chứng cứ gián tiếp’ này chứng minh cái gì?; Trong bản Cáo trạng còn thể hiện có nội dung không đúng sự thực, không phù hợp với tình tiết khách quan khác của vụ án. Cáo trạng cho rằng, nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hải xuất hiện tại hiện trường, gọi điện thoại cho Hải… Tuy nhiên, nhân chứng Thường lại khẳng định “tôi không thể nhận dạng chính xác được…” và không quen biết bị can Hải, không hề gọi điện thoại cho bị can Hải; Hoặc con dao và cái thớt không được thu giữ tại hiện trường, mà sau này cơ quan tiến hành tố tụng đã ra chợ mua về để làm vật chứng; Trong một lời khai khác, Hải nói là đã giết Hồng trước và giết Vân sau nhưng ‘chứng cứ gián tiếp’ là giấy chứng tử và Biên bản khám nghiệm tử thi không ghi giờ chết của nạn nhân, thì làm sao mà xác định được nạn nhân nào chết trước nạn nhân nào chết sau, có đúng như Hải nêu… Điều quan trọng nữa là, Hải khai nhận là thủ phạm, nhưng “chứng cứ gián tiếp” là dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án lại không trùng với 10 dấu vân tay của Hải. Như vậy, chính lời khai của Hải đã chứng minh bằng chứng cứ gián tiếp rằng Hải ngoại phạm… Còn các “chứng cứ gián tiếp” của chủ tiệm vàng, tiệm mua bán điện thoại di động đều không chứng minh được Hải là người bán vàng, bán điện thoại “cướp” được!
Xin được nhắc lại, vụ án hai cô nhân viên Bưu cục Cầu Voi bị giết hại vào khoảng chiều tối ngày 13.01.2008. Một ngày sau đó vào ngày 14.01, Phòng kỹ thuật hình sự tỉnh Long An khám nghiệm hiện trường. Sau đó, theo thông tin báo chí, có 23 đối tượng bị triệu tập, tạm giữ, nhưng không lưu lại hồ sơ. Hơn hai tháng sau, vào ngày 21.03, Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam. Vào ngày 07.04.2008, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Long An mới trưng cầu giám định. Đặc biệt, trong vụ án này Hải không bị bắt quả tang mà chỉ bị bắt sau hơn 2 tháng mà không có nguyên nhân liên quan, vụ án không có nhân chứng nào nhìn thấy.
Cùng trong buổi sáng nay 13.03.2015, tại nghị trường, đại biểu Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho biết đã thay mặt đoàn giám sát của Quốc hội vào trại làm việc với Hồ Duy Hải, nghe ý kiến luật sư tham gia bào chữa vụ án. Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã tiếp xúc với mẹ và dì của Hồ Duy Hải.
Bà Nga phát biểu “Tuy nhiên với tư cách cá nhân đại biểu Quốc hội, tôi thấy bản án kết tội Hồ Duy Hải chưa có đủ căn cứ vững chắc. Tôi đã có bản kiến nghị 10 trang chỉ ra hàng chục điểm sai sót trong bản án này. Tôi đã gửi bản kiến nghị đến Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao. Tôi mong các cơ quan xem xét thận trọng để trả lời gia đình bị cáo. Đảm bảo chúng ta trước khi thi hành tử hình một con người phải xem xét hết sức thận trọng”.
Pv.VRNs
Không có nhận xét nào: