Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 1&2 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 4, 2015

Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 1&2

Trần Quí Cao: Đặt vấn đề

Đảng Cộng Sản Việt Nam (viết tắt: đảng CSVN) thường nói đảng CSVN có vị thế chính đáng để lãnh đạo đất nước lâu dài. Chính nhân dân Việt Nam đã chọn đảng CSVN, chớ không chọn ai khác, làm lãnh đạo, vì trong bảy chục năm qua Đảng đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, và do đó Đảng có công lao trời biển đối với đất nước.

Các thành tích lớn Đảng CSVN thường nêu lên là:

1) Lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập từ tay phát xít Nhật.

2) Khi Pháp quay lại Đông Dương, Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Kháng chiến chín năm giành độc lập từ Pháp.

3) Khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ phải rút khỏi Đông Dương, nước Việt Nam bị chia thành hai miền Nam, Bắc theo các thể chế khác nhau, Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục công cuộc giành độc lập bằng cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

4) Sau khi thống nhất đất nước bằng bạo lực cách mạng “hai mười năm nội chiến từng ngày”, Đảng CSVN tiếp tục lãnh đạo toàn diện nhân dân xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa phát triển mọi mặt và có vị trí quốc tế quan trọng.

Về lý thì vậy, nhưng trên thực tế chưa bao giờ trong nước có một cuộc hội thảo khoa học đúng nghĩa về những chủ đề trên. Các thành tích mà Đảng CSVN tự hào đã mang lại những hậu quả gì cho dân tộc? Những hội thảo, hội nghị được gọi là “khoa học” nhưng lại mang tính phong trào, nghĩa là tổ chức nhân dịp những ngày đại lễ mừng chiến công của Đảng, và chỉ có mục đích chứng minh cho lập luận của Đảng CSVN. Ai cũng biết, các hội thảo, hội nghị như vậy không hề có tính khoa học , bởi vì chúng thiếu mất hai khâu quan trọng là khách quan và trung thực.

Loạt bài viết này có thể xem như một tổng hợp các quan điểm, cách nhìn khác với quan điểm chính thống, nhằm phân tích xem cuộc “Cách mạng Tháng Tám”, cuộc “Kháng chiến chín năm”, cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và sự lãnh đạo toàn diện đất nước dưới chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Đảng CSVN đã thực sự mang lại những gì cho dân tộc này.

Bài 1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thế chiến thứ 2 là cuộc chiến giữa phe Trục dẫn đầu bởi các nước Đức, Ý, Nhật và phe Đồng Minh dẫn đầu bởi các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga. Thế chiến 2 bắt đầu năm 1939 và kết thúc năm 1945 với sự đầu hàng của Nhật và Đức.

Những năm đầu Thế chiến, phe Trục thắng liên tiếp trên các mặt trận lớn. Pháp bị Đức đánh bại và đầu hàng. Nước Pháp suy yếu, khiến chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng yếu theo. Năm 1941 Nhật tấn công và phá hủy gần như toàn bộ Hạm đội Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng, căn cứ hải quân chính của Mỹ tại Thái Bình Dương. Từ đó Nhật hùng cứ Thái Bình Dương và sau đó chiếm đóng Bán đảo Đông Dương.

Vào thời điểm ấy, Việt Nam đúng là đang bị một cổ hai tròng. Tuy nhiên, hai tròng đó đang dần dần được cởi bỏ bởi:

a) Sự đấu tranh bền bỉ của dân tộc Việt Nam trong 80 năm dưới sự đô hộ của Thực dân Pháp, và

b) Mâu thuẫn của hai phe trong thế chiến thứ hai

Tại Đông Dương mâu thuẫn này được thể hiện bởi tranh chấp Pháp Nhật, để cuối cùng, Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945. Lúc này “tròng Pháp”, đã được cởi bỏ. Tròng còn lại, “tròng Nhật”, thực ra đang ngày càng yếu ớt vì Nhật đang rơi vào thế hạ phong. Nhiều nhà quan sát và hoạt động chính trị đã nắm rõ tình hình và thấy trước hướng biến thiên thời cuộc sắp tới. Dù đã lật đổ Pháp và đang nắm quyền cai trị Đông Dương, Nhật chắc chắn sẽ nhanh chóng bại trận trước phe Đồng Minh. Lúc đó Đông Dương sẽ có khoảng trống quyền lực trước khi Pháp kịp quay trở lại. Những phe phái chính trị tại Việt Nam đã vạch ra kế hoạch nắm thời cơ giành độc lập.

Thời kỳ này, Đảng Cộng sản đang hoạt động ngoài vòng pháp luật. Họ tích cực chuẩn bị cho thời cơ “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (tựa một bài báo của ông Trường Chinh).

Lúc đó, một nhóm các nhà hoạt động xã hội có tâm huyết gồm các ông Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh… bàn bạc rồi tìm cách thuyết phục vua Bảo Đại lập Chính phủ để chuẩn bị tuyên bố độc lập khi Nhật đầu hàng. Việc này cũng phù hợp với nhu cầu của Nhật là lập một Chính phủ người Việt cho danh chính ngôn thuận với phong trào Đông Á do Nhật khởi xướng từ những năm trước.

Đây là nguồn gốc của sự ra đời Chính phủ Trần Trọng Kim, được thành lập ngày 17/4/1945.

Dù được hình thành dưới thời Nhật chiếm Đông Dương, nội các Trần Trọng Kim thực chất là một Chính phủ lợi dụng thời cơ phát sinh từ mâu thuẫn giữa phe Đồng minh và phe Trục trong Thế chiến thứ 2 để mưu cầu độc lập cho Việt Nam. Chính phủ gồm các nhà hoạt động chính trị, xã hội đương thời, hầu hết là những trí thức có trình độ học vấn cao và tư cách đáng kính trọng.

Bốn tháng sau, ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng.

Trong thời gian ngắn ngủi đó, Chính phủ Trần Trọng Kim đã lầm được những việc quan trọng:

1) Thiết lập một Chính phủ Việt Nam thống nhất, tạo điều kiện và thúc đẩy quần chúng tham gia các sinh hoạt chính trị công khai, chuẩn bị tinh thần hướng giành độc lập dân tộc.

2) Thu hồi các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và, quan trọng hơn, sáp nhập được Nam Kỳ trở lại thành một phần của nước Việt Nam thống nhất.

3) Xác nhận nền độc lập của Việt Nam ngày 18/8/1945

4) Chuyển đổi thành công nền giáo dục từ hệ thống dùng tiếng Pháp sang hệ thống dùng tiếng Việt từ bậc tiểu học tới bậc đại học. Điều này rất quan trọng nhằm phổ biến kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật… cho dân chúng để nâng cao dân trí. Nó cũng nhắm vào mục tiêu nung đúc tinh thần tự chủ của dân tộc, chuẩn bị cơ sở mềm tiếp nhận độc lập khi Nhật đầu hàng.

Trong điều kiện khó khăn như vậy và trong một thời gian ngắn như vậy, các thành quả nói trên thực đáng kinh ngạc và khâm phục. Không phải là một Chính phủ có tâm huyết với nền độc lập dân tộc và tương lai phát triển đất nước, không thể làm được. Nếu so sánh những kỳ tích trong bốn tháng đó với những gì chính quyền của Đảng CSVN làm trong 40 năm sau khi nước nhà thống nhất, ta sẽ thấy sự khác biệt không chỉ ở thành quả, mà rõ rệt hơn, ở đẳng cấp của tri thức và ở tấm lòng của Chính phủ Trần Trọng Kim đối với vận mệnh đất nước và dân tộc Việt Nam.

Trên thực tế, Chính phủ Trần Trọng Kim đã thực sự điều hành đất nước một cách tự chủ, trong đó có việc sáp nhập các phần lãnh thổ trước đây bị chia cắt vào một quốc gia thống nhất, và, sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Nam đã thực sự độc lập. Chỉ cần tranh thủ sự công nhận của cộng đồng quốc tế là hoàn tất mọi thủ tục về pháp lý của một Nhà nước độ lập.

Ngày 17/8/1945, hai ngày sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức tập họp các công chức làm lễ mừng độc lập và thống nhất lãnh thổ. Tuy nhiên, trong ngày lễ đó, phe Việt Minh chiếm diễn đàn và tuyên bố giành chính quyền tại Hà Nội. Do không muốn tranh giành, có thể tổn đến hại sự đoàn kết dân tộc trong hoàn cảnh nền độc lập nước nhà đang trong thế rất chông chênh, Chính phủ Trần Trọng Kim đồng ý giao chính quyền cho Việt Minh và vua Bảo Đại thoái vị ngày 25/8/1945. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập tại một cuộc mít tinh ở vườn hoa Ba Đình, nơi sau này được đổi tên thành Quảng trường Ba Đình. Ngày 2/9 sau này được chọn là ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Như vậy, chúng ta có thể thấy:

Cách mạng Tháng Tám thực chất là một cuộc cướp quyền điều hành đất nước của Chính phủ Trần Trọng Kim do ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành.

Chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó thực chất là Chinh phủ của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, có chính quyền Trung ương tập quyền trên suốt lãnh thổ Việt Nam.

Chính phủ Trần Trọng Kim là Chính phủ gồm những người ưu tú của đất nước, sau bốn tháng thành lập, đã có những thành quả cực kỳ to lớn, nhưng đã bị Việt Minh vu cáo là tay sai Nhật. Chính phủ đó, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, đáng lẽ ra phải được ủng hộ để đối phó hữu hiệu với nguy cơ xâm lược ngoại bang, lại bị lật đổ.

Việt Minh lúc ấy, do Đảng Cộng sản thao túng, tranh cướp chính quyền, nên, Cách mạng Tháng Tám đã phá vỡ cơ hội đoàn kết và hợp tác giữa các thành phần và đảng phái dân tộc nhằm đấu tranh với Pháp đang tìm cách quay lại Đông Dương.

Ai cũng thấy chính sách đối với thuộc địa sau năm 1945 của Pháp là thiển cận và không hợp thời. Lúc đó, nếu phải đối diện với một nước Việt Nam đoàn kết vì mục đích độc lập, tự do thì chúng có hung hăng đến mấy cũng không dám nổ súng tái xâm lược nước ta. Cuộc chiến chống Pháp giành độc lập chẳng những đã cướp đi hàng triệu sinh mạng và tài sản mà còn đánh mất đi những cơ hội lịch sử quý hơn vàng để chấn hưng đất nước.

Cách mạng Tháng Tám là điểm khởi đầu cho một tâm lý chính trị rất xấu là giành quyền điều hành đất nước bằng bạo lực thay vì cạnh tranh lành mạnh, hợp tác xây dựng một nhà nước dân chủ đa nguyên để mọi thành phần dân tộc có thể góp sức phục vụ đất nước. Kể từ đó, lịch sử chính trị Việt Nam bị chi phối rất nặng nề bởi chế độ độc tài toàn trị, trong đó, quyền lợi dân tộc, vận mệnh đất nước được/bị xếp dưới quyền lợi của Đảng.

Vậy thì, Cách mạng Tháng Tám đem lại phúc hay họa cho dân tộc Việt Nam? Điều này thiết tưởng chẳng cần phải nói trắng ra, tôi nghĩ rằng, mỗi người dân bình thường trong chúng ta đều có sẵn câu trả lời cho chính mình.

Bài 2: Cuộc Kháng chiến chín năm giành độc lập từ Pháp.

Nếu không có cuộc Cách mạng Tháng Tám (CMT8) thì rất có thể các đảng phái khác nhau, các thành phần khác nhau của dân tộc VN đã đoàn kết trên một mặt trận đối phó với Pháp. Hoàn cảnh đó, thực lực đó, Việt Nam có thể giành được độc lập mà không phải trả giá bằng cuộc chiến 9 năm. Nhà sử học và nhà hoạt động văn hóa chính trị đáng kính của Việt Nam, người từng nghiêng về ủng hộ cuộc kháng chiến 9 năm, ông Hoàng Xuân Hãn, nhớ lại: “Chiến tranh sở dĩ xảy ra vì bên ngoài ta không thuyết phục được Pháp tôn trọng chúng ta hơn, bên trong ta không dẫn dắt được dân chúng đấu tranh hòa bình”.

Dù sao cuộc chiến cũng đã nổ ra. Truyền thống chống ngoại xâm được hun đúc ngàn năm đã biến Việt Nam thành một chiến trường toàn diện.

1) Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nơi nào cũng có thể trở thành chiến trường.

2) Các thành phần dân tộc đồng loạt xung phong lao ra trận. Cả đất nước xếp lại mọi sinh hoạt đời thường để cầm vũ khí xông vào bắn giết.

Cuộc chiến 9 năm là cuộc ra trận của cả một dân tộc. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, người thợ lam lũ cực nhọc trong nhà máy, cho tới ông Thầy giáo dạy chữ, vị Bác sĩ cứu người, các Đại điền chủ điền sản bạt ngàn, các ông Quận trưởng, Đô trưởng đầy đủ tri thức và tài năng quản trị, các nhà chuyên môn trong mọi mọi ngành nghề, tất cả bỏ hết quyền lợi riêng tư, đem cả gia đình vào kháng chiến. Họ không biết chủ nghĩa Cộng sản, chỉ theo tiếng gọi Độc lập cho Tổ Quốc, Hạnh Phúc cho Nhân dân: “Người sau kẻ trước lao vào giặc/Lưu lại ngàn thu một giống nòi” ( Hoàng Cầm)

Đối với rất nhiều người trong họ, cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến thiêng liêng, là lẽ sống cao nhất của cuộc đời.

Trong khi rất kính trọng nhân cách của đa số con người tham gia kháng chiến, trong khi nghiêng mình trước những hy sinh quá lớn lao mà họ tự nguyện chấp nhận vì công cuộc giành độc lập cho tổ quốc, Tôi vẫn thường tự hỏi:

1) Những ai chủ trương đưa dân tộc vào cuộc “Kháng chiến trường kỳ” làm hao tổn nguyên khí Quốc gia, mài mòn sinh lực và tài lực của đất nước?

2) Có phải không còn cách nào để đoàn kết toàn dân đấu tranh chính trị, ngoại giao với Pháp?

3) Tại sao trong khi nền độc lập non trẻ của nước nhà đang “ngàn cân treo sợi tóc” lại tiến hành loại bỏ không khoan nhượng những đảng phái khác cũng đang hoạt động cùng mục tiêu bảo vệ nền độc lập đó?

Tôi tin rằng nhiều người Việt Nam cũng thắc mắc với những câu hỏi như trên hay những câu tương tự. Đặt ra những câu hỏi đó không phải là bới móc lịch sử, mà là để hướng tới xây dựng tương lai. Không thể xây dựng tương lai với quyết tâm và tinh thần mạnh mẽ vượt mọi khó khăn, nếu không biết rõ quá khứ.

Những câu hỏi này bị cấm đoán hay chưa từng được nêu lên rộng rãi trong dân chúng, nhất là các nhân sĩ, trí thức, với mục đích phản biện trong tinh thần thực sự khoa học và cầu thị. Chúng phải được trả lời bởi những sử gia, chính trị gia công tâm. Không thể tìm câu trả lời trong tinh thần “minh họa”, “chứng minh” cho một đường lối, một chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam.

Trở lại cuộc chiến tranh với người Pháp , cuộc chiến mà Đảng Cộng sản Việt Nam tự hào là đã lãnh đạo toàn dân “kháng chiến thành công”. Cuộc chiến bắt đầu từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tháng 12 năm 1946 của ông Hồ Chí Minh và kết thúc bằng trận Điện Bên Phủ mà phần bại thuộc về đội quân viễn chinh Pháp. Ta hãy phân tích xem, sau “cuộc kháng chiến thần thánh” đó, những người Cộng sản Việt Nam đã đem lại những thành quả gì cho dân tộc xứng đáng với hàng núi xương sông máu họ đã tự nguyên hy sinh.

Hậu Quả của Cuộc Chiến:

1) Các số liệu thống kê cho thấy khoảng ba triệu người Việt Nam ưu tú đã nằm xuống. Hãy nhớ, trong ba triệu vong nhân đó, có không ít trí thức nổi tiếng với kỹ năng quản trị, có trình độ chuyên môn cao được đào tạo từ các nước văn minh có nền giáo dục tiên tiến. Đó là cái vốn nhân lực quý giá để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh trong tương lai. Một điều cần ghi nhận nữa là, hầu hết trong số ba triệu người ngã xuống đó đang trong lứa tuổi thanh niên. Những người trẻ tuổi đồng loạt hy sinh tất yếu là nguyên khí Quốc gia hao tổn, phải nhiều thế hệ sau mới bù đắp được.

2) Cả nước biến thành chiến trường trong suốt chín năm. Thời gian chiến tranh gần gấp đôi thời gian Thế chiến thứ 2. Cơ sở hạ tầng và nền kinh tế (chủ yếu là nông nghiệp) bị tàn phá nặng nề.

3) Nền tảng văn hóa truyền thống bị phá vỡ, đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng.

4) Hận thù được gieo rắc và nuôi dưỡng.

5) Nước Việt Nam chính thức bị chia đôi. Lịch sử phân tranh Trịnh-Nguyễn tái lập với cấp độ tàn khốc gấp rất nhiều lần.

Dọc theo 9 năm chiến tranh, trong khi máu đang chảy thành sông, xương đang chất thành núi, thì những người lãnh đạo kháng chiến lại phát động cuộc thảm sát man rợ trên quy mô lớn dưới chiêu bài Cải cách ruộng đất.

Tại sao gọi là thảm sát man rợ?

1) 172.008 * người vô tội bị đấu tố, sát hại dưới mọi hình thức trên diện tích khoảng 20 ngàn km vuông, chỉ với một dân số khoảng 5 triệu người (vùng giải phóng miền Bắc), trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

2) Việc giết người được quyết định bởi những mệnh lệnh sai lầm của những người Cộng sản cực tả (do các Cố vấn Tàu chỉ đạo), thiểu năng trí tuệ nhưng thừa lập trường “đấu tranh giai cấp” kiên định.

3) Việc giết người được thi hành trước đám đông cuồng nhiệt, mà lòng căm thù mang hội chứng bầy đàn bị kích động bởi những kẻ cuồng tín ngu dốt.

4) Việc giết người được tiến hành ngay lập tức bằng cách treo lên cao hay trói vào cột, rồi cho năm bảy dân quân xả súng bắn, thậm chí có nơi còn đào hố chôn đến cổ rồi cho trâu bừa lên.

5) Việc giết người được tiến hành trước sự chứng kiến của dân làng, trong đó có nhiều trẻ em.

(Hãy so sánh với cách thức xử tử con tin mà phiến quân IS tiến hành và quay phim tung lên mạng hiện nay, để cảm nhận mức độ man rợ của những người chủ trương Cải cách ruộng đất đối với đồng bào của mình 60 năm trước)

Qua 9 năm chiến tranh, mâu thuẫn xã hội bị đẩy lên cao. Dân tộc bị phân chia làm “ta” và “địch”. Không có thành phần đứng giữa hay đứng ngoài. Người nào không cầm súng chiến đấu trong phe “ta”, người đó là “địch”. Người Việt không được quyền sống hòa bình và yên ổn. Người Việt không được quyền làm thường dân, nếu sống trong vùng Pháp kiểm soát thì đương nhiên là theo Pháp. Người Việt không được quyền sống theo tôn giáo của mình, giáo dân có khuynh hướng được xếp vào hàng ngũ địch.

Để có ngân sách theo đuổi chiến tranh, càng về sau, mức độ lệ thuộc của Việt Nam vào nước Tàu Cộng sản càng sâu. Cố vấn Tàu có ảnh hưởng lớn đến đường lối cai trị của ban lãnh đạo Việt Nam. Những giọt nước mắt của ông Hồ chí Minh khi xin lỗi đồng bào về hậu quả Cải cách ruộng đất, cùng những lập luận Việt Nam tiến hành CCRĐ là do áp lực của Tàu, với mục đích chạy tội, càng chứng tỏ Việt Nam lệ thuộc Tàu tới chừng nào!

Cuối cuộc chiến, khi đất nước bị chia đôi, rất nhiều người Việt không chấp nhận sống dưới chế độ Cộng sản. Do chính quyền Cộng sản lúc đó chưa hoàn toàn kiểm soát được tình hình, và việc thi hành hiệp định Geneve được đặt dưới sự giám sát của Quốc tế, chính quyền phải chấp nhận việc đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Tuy nhiên, chính sách bắt ép dân ở lại vẫn được tiến hành không chính thức. Rất nhiều người không đi được , bị Chính quyền bạc đãi, phân biệt đối xử, bị tù đày, bị thủ tiêu… chính là nguyên nhân của lòng hận thù dân tộc không thể hóa giải được trong một sớm một chiều.

Sau cuộc chiến 9 năm, rất nhiều gia đình lại có con em bị đẩy vào cuộc chiến 20 năm được gọi bằng dánh xưng mỹ miều là “Chống Mỹ Cứu Nước”, để rồi sau năm 1975 mới ngộ ra mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chính trị. Tấm lòng yêu nước bằng truyền thống và tinh thần chống ngoại xâm của của những người tham gia cuộc chiến thực đáng kính trọng. Khi đối chiếu tấm lòng của họ, sự hy sinh của họ với thực tế thoái hóa trầm trọng trên hầu như tất cả các mặt của đất nước hôm nay, lòng tôi lại dâng niềm thương cảm và đau xót.

Hãy phóng tầm mắt sang các lân bang có cùng cảnh ngộ:

Phi Luật Tân độc lập năm 1945; Indonesia độc lập năm 1945; Ấn Độ độc lập năm 1947; Mã Lai độc lập năm 1957; Thái Lan không chịu hoàn cảnh thuộc địa.

Những nước này độc lập mà không phải trải qua một cuộc chiến khốc liệt nào, đất nước không phải chia cắt, dân tộc đoàn kết xây dựng cuộc sống hạnh phúc, không hận thù, trốn chạy và truy sát lẫn nhau. Nền dân chủ của họ ngày càng bền vững, người dân được hưởng các quyền tự do căn bản trong một thể chế tiến bộ, làm bệ khai phóng cho đất nước phát triển một cách hài hòa với mỗi cá nhân. Các nước này, hiện nay có mức phát triển kinh tế cao hơn hẳn Việt Nam, có GDP/đầu người cao hơn Việt Nam ba bốn lần.

Cuộc kháng chiến 9 năm đã nên hay đã không nên nổ ra?

Do đó, trong khi những câu hỏi ở đầu chương này chưa được công khai nêu lên với đông đảo đồng bào, tôi bắt buộc phải có những câu hỏi khác:

Khi quyết định đưa dân tộc vào một cuộc chiến tranh lớn và lâu dài tới như vậy, những người lãnh đạo cuộc chiến này:

1) Họ thực lòng yêu nước chống ngoại xâm hay lợi dụng lòng yêu nước chống ngoại xâm để chiếm độc quyền thống trị? Họ có yêu qúy đất nước không? Có trân trọng mạng sống của người dân không? Có trân trọng tài nguyên, nguyên khí của dân tộc để dành cho sự phát triển lâu dài?

2) Họ có kiến thức chính trị đủ rộng và đủ sâu để nắm bắt khuynh hướng chính trị của Thế giới, thời cơ Quốc tế, vận hội Quốc gia, thực lực và tiềm năng dân tộc mà vạch ra hướng đi có lợi nhất cho Tổ quốc hay không?

T.Q.C.

Ghi chú: *Số liệu đươc công bố chính thức của Đảng CSVN

Bài liên quan: Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 3&4
Đôi Điều Lạm Bàn Về Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam Từ Sau Tháng 8/1945 - Bài 1&2 Reviewed by Unknown on 4/20/2015 Rating: 5 Trần Quí Cao: Đặt vấn đề Đảng Cộng Sản Việt Nam (viết tắt: đảng CSVN) thường nói đảng CSVN có vị thế chính đáng để lãnh đạo đất nước lâu...

Không có nhận xét nào: