Cha Viết “Đơn Xin Tự Thiêu Để Đòi Công Lý Cho Con Bị Giết Oan - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 5, 2015

Cha Viết “Đơn Xin Tự Thiêu Để Đòi Công Lý Cho Con Bị Giết Oan

GNsP (28.5.2015) – Vụ việc xảy ra tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Ông Nguyễn Văn Trọng, cha ruột của Anh Nguyễn Văn Tràng, sinh năm 1988, chết ngày 24/12/2010. Theo Ông Trọng, con Ông chết là do “bị giết oan”. Nhưng các cán bộ cơ quan CSĐT huyện, VKS huyện, tỉnh … bao che cho hung thủ, cố tình làm sai lệch vụ án “giết người” thành vụ án “tai nạn giao thông đường thủy” và Thông báo không thụ lý vụ án…

…Chỉ một đoạn ngắn trong quyết định của Viện trưởng VKS tỉnh Long An đã cho thấy, một là Viện trưởng “mù luật”; hai là cố tình quanh co, xem thường pháp luật. Viện trưởng cho rằng “Kiểm sát viên Lê Văn Giúp có bà con thân thích với Lê Văn Vinh – là bên có liên quan va chạm với vỏ lãi của Tràng (con ông Trọng) là đúng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh thì việc lấy lời khai của ông Lê Văn Giúp đối với các nhân chứng mà ông đã cung cấp không ảnh hưởng đến nội dung vụ việc”. Vậy kiểm sát viên Lê Văn Giúp lấy lời khai nhân chứng để chơi thôi à? “Không ảnh hưởng đến nội dung vụ việc” thì lấy lời khai làm gì? Ông ta nhận lương (tiền thuế của dân) để đi lấy lời khai “không ảnh hưởng đến nội dung vụ việc”?.

Ông Nguyễn Văn Trọng bên mẹ ruột viết đơn xin tự thiêu để đòi công lý cho con. Ảnh báo lao động
Ông Nguyễn Văn Trọng bên mẹ ruột viết đơn xin tự thiêu để đòi công lý cho con. Ảnh báo lao động

Điều đáng nói là ông Viện trưởng VKS tỉnh Long An viết “các nhân chứng trên không trực tiếp chứng kiến việc va chạm giữa vỏ lãi của Nguyễn Văn Tràng và vỏ lãi của Lê Văn Quốc”; không “trực tiếp chứng kiến” tức “không biết” thì sao gọi là “nhân chứng”. Bởi Điều 55 BLTTHS quy định nhân chứng phải là “người nào biết được tình tiết liên quan đền vụ án”. Thậm chí Khoản 2 Điều 67 BLTTHS quy định “Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”.

Giết người hay tai nạn:

a) “Vụ án giết người” theo trình bày của Ông Trọng (cha nạn nhân Nguyễn Văn Tràng):

Khoảng 21 giờ ngày 24-12-2010, tại nhà Bà Phạm Thị The ở ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, có tổ chức tiệc rượu gồm:Trần Văn Quốc, Lê Văn Tú, Trần VănMinh Vương, Hồ Văn Kiệt, Lê Văn Vinh (thuộc nhóm thanh niên xã Thạnh Phú); Nguyễn Văn Tràng, Nguyễn Tấn Đạt, Lê Văn Mười, Nguyễn Phương Châm (thuộc nhóm thanh niên xã Thạnh Phước). Trong tiệc rượu hai nhóm thanh niên này xảy ra mâu thuẫn cự cãi nhau. Đến 23 giờ cả hai nhóm lần lượt ra về, nhóm thanh niên xã Thạnh Phú sử dụng hai chiếc vỏ lãi (một máy xăng, một máy dầu), nhóm thanh niên xã Thạnh Phước đi chung một vỏ lãi do Nguyễn Văn Tràng lái vỏ.

Trên đường về, nhóm thanh niên xã Thạnh Phước bị nhóm thanh niên xã Thạnh Phú chặn lại, sau một hồi cãi nhau qua lại nhóm thanh niên xã Thạnh Phú đã điều khiển vỏ lãi đâm thẳng vào vỏ lãi của nhóm thanh niên xã Thạnh Phước (làm vỏ lãi này bị thủng) đồng thời nhóm thanh niên xã Thạnh Phú dùng cây tấn công tới tấp nhóm thanh niên xã Thạnh Phước làm toàn bộ 4 người trên vỏ lãi phải nhảy xuống sông bỏ trốn. Trong khi đeo bám vào vỏ lãi Anh Nguyễn Văn Tràng (con ông Trọng) bị nhóm thanh niên xã Thạnh Phú dung cây đánh, xôm nhiều cái vào đầu chết ngay tại chỗ. Ba người còn lại thuộc nhóm thanh niên xã Thạnh Phước tiếp tục bị truy đổi, đánh nhưng bơi vào bờ trốn thoát và được người dân gần đó cứu giúp. Sau khi đánh chết Tràng, nhóm thanh niên xã Thạnh Phú tiếp tục đập phá vỏ lãi của Tràng làm vỏ lãi này và máy nổ bị chìm.

b) Vụ “tai nạn giao thông đường thủy”, theo Bản kết luận của Cơ quan điều tra Công An huyện Thạnh Hóa: 

Thời gian và thành phần trong Bản kết luận tương tự như trình bày của ông Trọng, tuy nhiên theo Bản kết luận thì nhóm thanh niên xã Thạnh Phước là nhóm gây hấn trước. Cụ thể, sau khi Tràng lái vỏ lãi chở nhóm thanh niên xã Thạnh Phước chạy theo đến cầu Cả Sáu thì dừng. Tại đây Tràng bàn chuyện chạy qua ngọn Thạnh Trung đón đánh nhóm thanh niên xẽ Thạnh Phú. Nghe vậy Mười đồng ý. Đạt không đồng ý kêu “Thôi đi về”. Thấy bà The dùng vỏ nhựa chở con gái đưa nhóm thanh niên xã Thạnh Phú còn lại ra ngọn Cả Sáu (nhóm này đi trên một Vỏ riêng). Tràng nổ máy chạy theo tới ngọn Cả Sáu thấy ba vỏ nhựa đậu tại đây nên Tràng điều khiển Vỏ nhựa chạy tới ngọn kênh Thạnh Trung tắt máy. Sau khi Bà The cùng con gái chạy vỏ nhựa về, Tràng đuổi theo một vỏ lãi chở một nhóm thanh niên xã Thạnh Phú nhưng đuổi không kịp nên quay vỏ nhựa lại chạy về hướng xã Thạnh Phước, chạy được khoảng 30 mét thì gặp vỏ máy xăng của nhóm thanh niên xã Thạnh Phú chạy xuống ngược chiều. Một thanh niên trên vỏ nhựa của Tràng đã dùng cây tràm đánh trúng một thanh niên trên vỏ nhựa của nhóm thanh niên xã Thạnh Phú làm người này té xuống sông. Đánh xong, nhóm Tràng chạy được khoảng 30m lại quay ngược lại vị trí đánh. Lúc này nhóm thanh niên xã Thạnh Phú sử dụng vỏ máy dầu theo chiều ngược lại thì bị vỏ nhựa của Tràng đâm chính diện. Mũi vỏ máy dầu hất mũi vỏ lãi của Tràng lên và trượt dài theo thành be bên trái- từ mũi xuống lái vỏ- trúng vào tay và mặt bên trái của Tràng. Khi bị mũi vỏ nhựa đâm trúng, Tràng choáng ngất rơi xuống sông chết, vỏ nhựa của Tràng bị chìm. Nhóm Thanh niên xã Thạnh Phú không có ai đánh Tràng.

Kết luận
: Nguyên nhân dẫn đến tử vong của Nguyễn Văn Tràng là do Tràng dùng vỏ nhựa rượt đuổi và đâm vào vỏ nhựa của Quốc. Khi đâm, vỏ nhựa của Quốc trúng vào vùng tai – góc hàm trái gây choáng, ngất dẫn đến Tràng chết ngạt.

Cho rằng vụ việc trên không có dấu hiệu tội phạm nên Cơ quan CSĐT – Công an huyện Thạnh Hóa ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 1 Điều 107 BLTTHS do “Không có sự việc phạm tội”.

Cha nạn nhân có Đơn khiếu nại:
– Kết luận của cơ quan điều tra không đúng theo nhân chứng dọc đường, nhân chứng tại hiện trường, nhân chứng đi chung với Tràng.

– Kết luận điều tra không đúng với dấu vết phương tiện thực tế.

– Sự việc xảy ra tại ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa nhưng mang về xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa làm việc.

– Cơ quan điều tra Thạnh Hóa bỏ qua nhiều tang vật (cây cối).

– Yêu cầu Cơ quan CSĐT huyện Thạnh Hóa cung cấp bản sao Biên Bản Khám Nghiệm tử thi Nguyễn Văn Tràng nhưng cơ quan không đồng ý.

– Kiểm sát Viên VKS được phân công là thân nhân của ba trong số năm thanh niên của nhóm đánh chết Tràng.

Các cơ quan CSĐT huyện Thạnh Hóa và VKS huyện Thạnh Hóa, Viện trưởng VKS tỉnh Long An đã bác bỏ các khiếu nại của ông Nguyên Văn Trọng dựa vào các lý do:
Cơ quan CSĐT huyện Thạnh Hóa đã thông báo nội dung kết quả Giám Định Pháp Y tử thi Nguyễn Văn Tràng cho ông Nguyễn Văn Trọng theo quy định tại khoản 1 Điều 158 BLTTHS, nên không cung cấp bản sao kết luận giám định pháp y.

Viện trưởng VKS tỉnh Long An cũng trả lời ông Trọng: Các dấu vết để lại trên thi thể của Nguyễn Văn Tràng không phải do bị đánh mà trong lúc hai vỏ lãi va chạm nhau thì mũi vỏ lãi của Quốc va chạm vào, phù hợp các lời khai nhân chứng Lê Văn Mười, Nguyễn Phương Châm và Nguyễn Văn Đạt đi trên vỏ vãi của Tràng. Do vậy, sự việc không có dấu hiệu tội phạm.

Còn việc VKS huyện Thạnh Hóa phân công Kiểm sát viên Lê Văn Giúp (có bà con thân thích với Lê Văn Vinh) là bên liên quan va chạm với vỏ lãi của Tràng là đúng. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác minh thì việc lấy lời khai của ông Lê Văn Giúp đối với các nhân chứng mà ông đã cung cấp không ảnh hưởng đến nội dung sự việc, các nhân chứng trên không trực tiếp chứng kiên việc va chạm vỏ lãi của Nguyễn Văn Tràng và vỏ lãi của Nguyễn Văn Quốc. Việc phân công KSV Lê Văn Giúp tiến hành giải quyết vụ việc có liên quan đến người thân thích trong gia đình, VKS tỉnh Long An đã chỉ đạo VKS huyện Thạnh Hóa rút kinh nghiệm.

Ý kiến của chúng tôi:
a) Bản kết luận của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa cho rằng kết luận của mình đúng với lời khai nhân chứng dọc đường, nhân chứng tại hiện trường, nhân chứng đi chung với Tràng. Điều này hoàn toàn trái với lời khai của các nhân chứng dọc đường, nhân chứng tại hiện trường, nhân chứng đi chung với Tràng. Theo kết luận thì nhóm Nguyễn Văn Tràng là bên gây hấn trước, sau đó nhóm thanh niên xã Thạnh Phú mới đáp trả và do lỗi của Tràng nên dẫn tới Tràng bị vỏ nhựa do Quốc điều khiển đụng trúng gây choáng ngất, Tràng rớt xuống sông và chết do ngạt nước.
Tuy nhiên, theo lời chứng của các nhân chứng – mà ông Tràng cung cấp- diễn biến vụ việc đánh nhau diễn ra giữa hai nhóm thanh niên trên 03 chiếc vỏ nhựa. Hai chiếc vỏ nhựa của nhóm thanh niên xã Thạnh Phú đã chặn đầu và có hành vi đánh nhóm thanh niên đi trên vỏ nhựa do Nguyễn Văn Tràng điều khiển, một thanh niên xã Thạnh Phú đã có hành vi đánh đạp nhiều lần làm Tràng chết ngay tại chỗ.

Rõ ràng, Kết luận của cơ quan CSĐT là không trung thực, không khách quan.

b) Quyết định số 31/QĐ-KSĐT của VKS tỉnh Long An căn cứ vào lời khai của Lê Văn Mười, Nguyễn Phương Châm, Nguyễn Tấn Đạt để khẳng định rằng “các dấu vết để lại trên thi thể Nguyễn Văn Tràng không phải do bị đánh mà do lúc hai võ lãi va chạm nhau thì mũi vỏ lãi của Quốc chạm vào”. Tuy nhiên, tại Tờ tường thực đề ngày 24/05/2011 của Lê Văn Mười thì Mười nói rằng “thấy và chứng kiến Tràng bị đánh chết chứ không phải vỏ lãi đụng chết”.
Như vậy, VKS tỉnh Long An đã sử dụng “chứng cứ” ngụy tạo, hoàn toàn trái ngược với lời khai của Ông Lê Văn Mười tại Tờ tường thực ngày 20/05/2011.

c) Về “dấu vết phương tiện thực tế”:
Theo như trình bày diễn biễn vụ việc “va chạm” của cơ quan CSĐT thì trên chiếc vỏ nhựa do Tràng điều khiển sẽ phải có dấu vết va chạm do vỏ nhựa Quốc điều khiển trượt trên thành eo vỏ nhựa của Tràng . Tuy nhiên, trên thực tế, thành chiếc vỏ nhựa do Tràng điều khiển không có dấu vết va chạm (bằng chứng là vết sơn nguyên thủy trên vỏ nhựa của Tràng – chỗ mà cơ quan CSĐT cho rằng vỏ nhựa của Quốc trượt lên – vẫn còn y nguyên, không bong tróc, trầy xước –). Điều này thể hiện rõ không có dấu hiệu “va chạm” như cơ quan CSĐT kết luận, thì lấy đâu ra “thương tích cho Tràng” bởi nguyên nhân “va chạm”?.

Ngoài ra, mũi vỏ nhựa do Tràng điều khiển có dấu hiệu bị mũi vỏ do Quốc điều chỉnh đâm thủng “từ phía dưới xuyên lên mặt trên”. Điều này cũng khẳng định thêm không có việc vỏ nhựa của Quốc trượt lên trên thành eo vỏ nhựa của Tràng. Vết thủng có hướng từ dưới lên trên, thể hiện vị trí mũi vỏ nhựa của Quốc thấp hơn mũi vỏ nhựa của Tràng, nên không thể có chuyện mũi vỏ nhựa của Quốc “trượt lên trên thành eo vỏ nhựa của Tràng”, đụng vào Tràng khiến Tràng choáng ngất, rơi xuống nước và chết.

Như vậy, kết luận của cơ quan CSĐT sai với phương tiện thực tế. Điều đáng nói là Ông Trọng khiếu nại cơ quan CSĐT nhưng các cơ quan CSĐT, VKS thay vì phải chứng minh bằng chứng cứ xác thực, lại chỉ dẫn lại nội dung kết luận và “kết luận” lại là: “Kết luận của cơ quan CSĐT là đúng pháp luật”?

d) Cơ quan CSĐT huyện Thạnh Hóa bỏ qua nhiều tang vật.
Theo tường thuật của ông Nguyễn Hồng Bảo, Nguyễn văn Tưởng thì tại hiện trường Công an có tịch thu: Một vỏ lãi máy dầu, 3 khúc cây tràm dài khoảng 70cm và một cây dầm bẻ gãy nhọn khoảng 80cm, một vỏ máy vonga 60, có một cây tràm dài khoảng 2m, một đầu bẻ gãy, một đầu vạt nhọn (cũ), vỏ máy đã bị rửa sạch…

Như vậy, sau khi tịch thu được những tang vật trên, Cơ quan CSĐT đã cố ý không xem xét, làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, không tiến hành khám nghiệm để xem xét với lời khai của các nhân chứng. Đặc biệt quan trọng là chiếc vỏ lãi của Tràng, Cơ quan CSĐT cũng không thu thập xem xét. Căn cứ vào lời khai của các nhân chứng thì đã có hành vi cố ý gây thương tích, nhưng Cơ quan CSĐT không thu thập mẫu máu dính trên cây để xác định có khớp với máu của nạn nhân hay nhân chứng?

e) Về yêu cầu Cơ quan CSĐT huyện Thạnh Hóa cung cấp bản sao Biên bản khám nghiệm tử thi Nguyễn Văn Tràng.
Các Cơ quan CSĐT và VKS đã sử dụng quy định tại khoản 1 điều 158 BLTTHS: “Sau khi đã tiến hành giám định, nếu bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ biết về nội dung kết luận giám định” để bác yêu cầu của người đòi cung cấp bản sao kết luận giám định. Thế nhưng, các Cơ quan CSĐT và VKS đã cố tình căn cứ sai Điều luật để từ chối yêu cầu chính đáng của ông Trọng. Trong trường hợp này, vụ án chưa được khởi tố, chưa có bị cáo và người tham gia tố tụng, sao lại căn cứ Điều 158 BLTTHS?

Trong trường hợp có khiếu nại, có dấu hiệu nghi ngờ Công an cố tình bao che, làm sai lệch hồ sơ vụ án…để chứng minh “đúng pháp luật”, cơ quan CSĐT cần cung cấp bản sao kết luận giám định cho gia đình ông Trọng. Tìm mọi cách tránh né, dựa vào căn cứ không đúng để từ chối cung cấp toàn văn bản sao Kết luận giám định phải chăng là “che đậy”, bảo vệ tội phạm.

f) Đối với khiếu nại Kiểm sát viên là thân nhân của ba trong số năm thanh niên đánh chết Tràng:
Việc phân công Kiểm sát viên Lê Văn Giúp là bà con thân thích với Lê Văn Vinh là bên có liên quan va chạm vỏ lãi của Tràng là không khách quan. VKS tỉnh Long An tại Quyết định số 31/QĐ-VKS ngày 09/05/2011 đã nêu rằng khiếu nại của ông Nguyễn Văn Trọng là đúng. Tuy nhiên, hình thức xử lý của VKS tỉnh Long An chỉ là “yêu cầu rút kinh nghiệm”.

Chỉ một đoạn ngắn trong Quyết định của Viện trưởng VKS tỉnh Long An đã cho thấy, một là Viện trưởng “mù luật”; hai là cố tình quanh co, xem thường pháp luật. Viện trưởng cho rằng “Kiểm sát viên Lê Văn Giúp có bà con thân thích với Lê Văn Vinh – là bên có liên quan va chạm với vỏ lãi của Tràng (con ông Trọng) là đúng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh thì việc lấy lời khai của ông Lê Văn Giúp đối với các nhân chứng mà ông đã cung cấp không ảnh hưởng đến nội dung vụ việc. Vậy kiểm sát viên Lê Văn Giúp lấy lời khai nhân chứng để chơi thôi à? “Không ảnh hưởng đến nội dung vụ việc” thì lấy lời khai làm gì? Ông ta nhận lương (tiền thuế của dân) để đi lấy lời khai “không ảnh hưởng đến nội dung vụ việc”?.

Điều đáng nói là ông Viện trưởng VKS tỉnh Long An viết “các nhân chứng trên không trực tiếp chứng kiến việc va chạm giữa vỏ lãi của Nguyễn Văn Tràng và vỏ lãi của Lê Văn Quốc” không “trực tiếp chứng kiến” tức “không biết” thì sao gọi là nhân chứng. Bởi Điều 55 BLTTHS quy định nhân chứng phải là “người nào biết được tình tiết liên quan đền vụ án”. Thậm chí Khoản 2 Điều 67 BLTTHS quy định “Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”. Như vậy, “không trực tiếp chứng kiến” thì không thể làm nhân chứng, không thể có lời khai. Lời khai của họ không thể được dùng làm chứng cứ. Như vậy kết luận “vỏ lãi cùa Nguyễn Văn Tràng va chạm với vỏ lãi của Lê Văn Quốc” là từ chứng cứ nào?

Kết luận:

Ông Nguyễn Văn Trọng không thể viết “Đơn xin tự thiêu…” để đòi công lý cho con bị giết oan”. Ông Trọng cần làm Đơn Tố cáo các cán bộ công an, VKS với hàng loạt tội danh theo qui định Bộ luật Hình sự: “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” (Đ 294 ); “làm sai lệch hồ sơ vụ án” (Đ 300); “cung cấp tài liệu sai sự thực” (Đ 307); “che giấu tội phạm” (Đ 313); “thiếu trách nhiệm…” (Đ 285)…
Đinh Hữu Thoại
Cha Viết “Đơn Xin Tự Thiêu Để Đòi Công Lý Cho Con Bị Giết Oan Reviewed by Unknown on 5/29/2015 Rating: 5 GNsP (28.5.2015) – Vụ việc xảy ra tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Ông Nguyễn Văn Trọng, cha ruột của Anh Nguyễn Văn Tràng, sinh năm 1...

Không có nhận xét nào: