Hội thảo "Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông -Thách Thức Và Giải Pháp" do Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Và Kỹ Thuật Việt Nam phối hợp với Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam tổ chức chiều 12/5/2015 tại Hà Nội. Các nhà khoa học đã kiến nghị yêu cầu “Dừng và hủy bỏ dự án lấp sông Đồng Nai; yêu cầu chủ tịch tỉnh Đồng Nai phải trả lời chất vấn trước quốc hội”….
Được biết trong thời gian qua, mặc dù đã có kết quả báo cáo về những vấn đề tác động cần làm rõ trong “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa, và lẽ ra báo cáo đã được công bố từ đầu tháng 4, nhưng các chuyên gia, các nhà khoa học đã phải giữ tài liệu lại để chờ cuộc hội thảo tại Hà Nội.
Theo như Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh Thái Học Miền Nam đại diện các chuyên gia cho biết, dù Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tạm dừng dự án, nhưng đoạn xa nhất lấn ra sông đã làm được 97 m và nhiều đoạn còn ngổn ngang.
Về chất lượng nước, nhóm chuyên gia đã lấy 7 mẫu nước. Sau khi phân tích cho thấy, đây là hệ sinh thái nhạy cảm, tác động ô nhiễm nước rất kinh khủng. Đặc biệt, trong khi thông báo của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 24/3 cho rằng dự án không ảnh hưởng tới dòng chảy, nhưng theo nhóm nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường có nhiều sai sót, khu vực sinh thái nhạy cảm chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy.
Điều gây ngạc nhiên nhất đến từ bản báo cáo “Tác động môi trường” lần đầu tiên được công bố tại cuộc hội thảo. Tiến sĩ Long đã đưa ra những hình ảnh, bằng chứng về báo cáo dự án lấp sông Đồng Nai được một viện nghiên cứu tại Sài Gòn viết từ tháng 4/2014. Đây là căn cứ để ra quyết định khai triển dự án, nhưng báo cáo này lại được copy từ báo cáo dự án đầu tư công viên Vĩnh Hằng tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, (tỉnh Đồng Nai) quy mô 116,2 ha được làm năm 2011. Theo ông Long, phần kết luận của báo cáo 3 trang thì hơn 50% của kết luận này được copy từ báo cáo dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng. Ông rất ngạc nhiên tự hỏi vì sao nó lại giống nhau đến thế, từ kết luận, giải pháp, kiến nghị. Có những đoạn đánh dấu giống nhau từng câu, từng chữ một.
Chưa hết, người đứng đầu nhóm tác giả “Báo cáo tác động môi trường” dỏm này lại chính là tổng giám đốc của Tổng công ty Toàn Thịnh Phát, đứng thứ 2 là ông phó tổng giám đốc, thứ 3 là ông chánh văn phòng. Điều vô lý và không thể chấp nhận được là một giáo sư của Viện nghiên cứu làm báo cáo lại là người đứng thứ 4.
Các chuyên gia đánh giá đây là một báo cáo hình thức rất qua loa. Đây chính là nguyên nhân làm mất lòng tin của dân chúng, làm cho môi trường ngày càng bị hủy hoại. Ông Long cho rằng chính phủ cần xem xét lại đánh giá bản báo cáo này một cách có trách nhiệm. Các nhà khoa học cần phải có trách nhiệm với đồng bào về việc làm của mình.
Để có thể kịp thời cứu con sông Đồng Nai trước nguy cơ bị khai thác quá mức, nhóm chuyên gia và các nhà khoa học kiến nghị chính phủ: “Cần phải dừng hoặc hủy bỏ dự án lấp sông Đồng Nai. Đề nghị ủy ban Bảo vệ môi trường và lưu vực sông Đồng Nai, Qụốc hội, Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp ngăn chặn dự án lấp sông nguy hiểm này.”
Nhận định của các nhà khoa học cho rằng, dù Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có đưa ra bất cứ lý do gì cũng không thể bao biện, sự thật rõ ràng rằng tỉnh Đồng Nai và tác giả của công trình lấn sông đang xâm hại đến dòng sông nuôi sống 20 triệu người, và giết chết cội nguồn cảnh quan vùng miền Đông Nam bộ.
Cuối cùng ông Phạm Thế Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam đề nghị: “Qụốc hội nên mời Chủ tịch tỉnh Đồng Nai ra chất vấn trước Qụốc hội, chiếu lên tivi cho đồng bào cả nước xem. Một dự án liên quan đến nhiều tỉnh, ảnh hưởng tới số đông dân chúng chắc chắn chính phủ phải giải quyết chứ không để chủ tịch một tỉnh giải quyết được”.
Liệu rồi đây trận chiến bảo vệ sông Đồng Nai, bảo vệ môi trường sống của người dân và lợi ích của nhóm Tổng công ty Toàn Thịnh Phát, ai sẽ thắng ai?
Tú Thanh / SBTN
Không có nhận xét nào: