Thấy Gì Từ Đề Xuất 3 Cải Cách Đối Với Đảng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 6, 2015

Thấy Gì Từ Đề Xuất 3 Cải Cách Đối Với Đảng

Nam Nguyên: Nhóm chuyên gia của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Saigon vừa có đề xuất khá đặc biệt gọi là “liên minh cải cách và phát triển cho Việt Nam gồm: Đảng, cơ quan dân cử, tư pháp, hành chính công vụ, kinh tế tư nhân.” Sự cải cách tập hợp này được xem như là điều kiện cần thiết để nền kinh tế Việt Nam có thể trở lại mức phát triển cao 7,5%-8% trong mười năm tới.

“Không chịu uống thuốc đủ liều”

Theo Thời báo Kinh tế Saigon Online, tại cuộc tọa đàm về “Cải cách thể chế: từ tầm nhìn tới thực tiễn” do Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tổ chức ở Saigon sáng 10/6/2015, PGSTS Phạm Duy Nghĩa một thành viên của Chương trình đã nhận định rằng, thể chế của Việt Nam hiện nay không theo kịp yêu cầu cuộc sống. Học giả này ví von nền kinh tế Việt Nam hiện nay như một người bệnh đã được định bệnh, kê toa cho thuốc nhưng lại không chịu uống đủ liều.


Vấn đề ở Việt Nam là cách làm và hình thức làm, bước đi…cho nên những phản biện thẳng thắn đặt tất cả vấn đề ra thì người ta cho rằng nên làm trong một phạm vi hẹp, vừa phải vì Việt Nam chưa quen việc có môi trường để thực hiện dân chủ rộng rãi như ở các nước khác. -LS Trần Quốc Thuận
Đặt ra liên minh cải cách để hình thành mô hình phát triển mới, nhóm nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đặt nặng tư duy cải cách cần thiết đối với Đảng Cộng sản. Vẫn theo SaigonTimes Online, một thành viên của nhóm, TS Huỳnh Thế Du đề xuất cải cách ba điểm mà Đảng trong vai trò lãnh đạo và dẫn đắt cần tập trung. Thứ nhất để định hướng chính sách quyết định đến sự phát triển của Việt Nam, để có chính sách tốt hợp lòng dân thì thảo luận chính sách phải công khai và để đạt mục đích này Đảng phải chấp nhận một xã hội cởi mở, chấp nhận vai trò phản biện của trí thức mạnh mẽ hơn.

Thứ hai là Đảng cần thúc đẩy cơ chế cạnh tranh, tìm ra nhân lực lãnh đạo có thực tài. Như vậy phải có một quá trình lựa chọn dân chủ, cởi mở, đựa trên nền tảng cạnh tranh.

Thứ ba là cần luật hóa vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Đảng cần gương mẫu là người đầu tiên tuân thủ chế độ pháp quyền, thượng tôn pháp luật.

Những đề xuất cải cách được cho là thẳng thắn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có tính khả thi hay không trong cơ chế một đảng độc quyền ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến chuyên gia theo từng điểm một. Đối với điểm thứ nhất, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từ Sài Gòn nhận xét:

“Câu chuyện kêu gọi khuyến khích phản biện và giám sát thì Bộ Chính trị đã có có hai Nghị quyết 217, 218 để mà đặt vấn đề và tôi cho những việc đó cũng phù hợp với Hiến pháp 2013 là phát huy dân chủ, phát huy nhân quyền, tôi cho rằng điều đó không có gì trái. Nhưng vấn đề ở Việt Nam là cách làm và hình thức làm, bước đi…cho nên những phản biện thẳng thắn đặt tất cả vấn đề ra thì người ta cho rằng nên làm trong một phạm vi hẹp, vừa phải vì Việt Nam chưa quen việc có môi trường để thực hiện dân chủ rộng rãi như ở các nước khác.”

Đi đường vòng về tự do ngôn luận?
Một bức tranh cổ động trên đường phố Sài Gòn,
ảnh minh họa chụp trước đây. AFP Photo.


Việc kêu gọi Đảng chấp nhận một xã hội cởi mở, chấp nhận vai trò phản biện của trí thức mạnh mẽ hơn có thể hiểu là một cách nói khác đi đường vòng về tự do ngôn luận, tự do lập hội. TS Phạm Chí Dũng, nhà phản biện độc lập từ TP.HCM đưa ra nhận định:

“Vấn đề là cần phải có đề xuất cụ thể hơn nữa, chứ bây giờ chỉ đưa ra vấn đề xã hội cởi mở thì Đảng trước giờ vẫn nói xã hội cởi mở, vẫn có chủ trương phản biện, dân chủ từ trên xuống từ dưới lên và mới đây thì ông Trọng lại đưa ra lời kêu gọi trí thức đóng góp phản biện và ông Nguyễn Tấn Dũng cũng có Quyết định 501 xây dựng diễn đàn trí thức phản biện chuyên nghiệp giao cho Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật thí điểm xây dựng. Như vậy nếu như nhóm Chương trình Fulbright hay tổ chức nào khác không có đề xuất cụ thể hơn mà chỉ nói chung chung như vậy thì sẽ khó có thể thuyết phục được ai, đặc biệt là khó thuyết phục được đối tượng đang đề cập là Đảng và Nhà nước.”

Điểm thứ hai trong đề xuất cải cách của Chương trình Fulbright liên quan tới việc gọi là cơ chế cạnh tranh tìm nhà lãnh đạo thực tài, thông qua quá trình lựa chọn dân chủ. Luật sư Trần Quốc Thuận nhận xét:

“Câu chuyện cạnh tranh thi để giữ các chức vụ thì hiện nay có Bộ Giao thông Vận tải thực hiện rất mạnh mẽ. Nhưng cũng chỉ là cấp dưới Bộ còn thực hiện cạnh tranh rộng rãi thì cũng có đặt ra cho bầu cử ở cấp cơ sở phường xã chứ chưa đặt ra ở cấp cao hơn. Cho nên việc đặt ra là có bầu cử tranh cử tự do hay không thì có lẽ Đại hội Đảng 12 này chưa đặt ra được,”

Cùng một câu hỏi được nêu ra về tính khả thi của đề xuất: Đảng thúc đẩy cơ chế cạnh tranh, bầu cử dân chủ để lựa chọn nhân sự lãnh đạo. Ghi nhận một vài thí điểm thi tuyển ở cấp Vụ Cục Bộ GTVT hoặc ở cấp địa phương như Đà Nẵng, TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
Vấn đề cạnh tranh vẫn là yếu huyệt rất lớn trong Đảng, trong nhà nước và chính phủ từ cấp trung ương tới cấp địa phương. Thành thử tôi nghĩ rằng vấn đề cạnh tranh đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là chỉ ở cấp nhỏ cấp địa phương. -TS Phạm Chí Dũng
“Vấn đề cạnh tranh vẫn là yếu huyệt rất lớn trong Đảng, trong nhà nước và chính phủ từ cấp trung ương tới cấp địa phương. Thành thử tôi nghĩ rằng vấn đề cạnh tranh đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là chỉ ở cấp nhỏ cấp địa phương. Bởi vì muốn cạnh tranh được phải có con người cạnh tranh, muốn xây dựng được con người cạnh tranh phải xây dựng được cơ chế tổ chức cạnh tranh. Như đã thấy ở trong Đảng, trong nhà nước, trong bộ máy chính quyền gần như chưa có yếu tố cạnh tranh vẫn chỉ chủ yếu là cán bộ con ông cháu cha, hay mua quan bán chức là nhiều. Chưa có yếu tố thực tài nhân tài, chưa trải thảm đỏ chưa thu hút người tài mà tất cả chỉ là lời nói miệng mị dân mà thôi.”

Điểm thứ ba trong đề xuất cải cách ba điểm đối với Đảng Cộng sản, nhóm nghiên cứu Chương trình Fulbright TP. HCM cho rằng cần luật hóa vai trò và hoạt động của Đảng. Vì hơn ai hết Đảng cần gương mẫu là người đầu tiên tuân thủ chế độ pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Đối với điểm này, LS Trần Quốc Thuận nhận xét:

“Câu đó người ta đã đặt ra và bàn nhiều trong khi làm Hiến pháp 2013 và Điều 4 vẫn tiếp tục ghi vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng trong đó cũng ghi là Đảng chịu trách nhiệm về quyết định của mình, chịu sự giám sát của nhân dân. Điều này là tốt, cho nên Luật Mặt trận Tổ quốc vừa qua có người cũng đặt vấn đề này. Tuy nhiên Luật Mặt trận Tổ quốc cũng chưa đi thẳng vào là có nên giám sát Đảng hay không. Trên nguyên tắc Đảng là toàn quyền lãnh đạo và có giám sát triệt để các cơ quan chấp hành của Đảng. Ở Việt Nam cũng được hiểu như thế là gián tiếp giám sát Đảng, nhưng trực tiếp giám sát cá nhân Đảng Cộng sản giao cho xã hội, cho đoàn thể khác thì vấn đề đó Việt Nam chưa đặt ra.”

Cùng về vấn đề luật hóa vai trò và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nội dung ba điểm cải cách của nhóm nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright TP.HCM. Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:

“Vấn đề này không mới, người ta thường nói là có một tổ chức hoạt động trái pháp luật từ trước tới giờ, ai cũng thấy nhưng không ai dám nói, đó là tổ chức Đảng vì không có một luật nào cho Đảng cả. Tôi nghĩ đây là đề nghị đáng chú nhất của nhóm Chương trình Fulbright mặc dù đã có nhiều người nêu rồi. Đảng cần được luật hóa và đưa vào trong Hiến pháp và xây dựng nguyên một bộ luật về những điều kiện hoạt động riêng cho đảng cầm quyền. Tôi muốn nói là luật đó không chỉ áp dụng cho đảng cầm quyền hiện nay mà còn áp dụng cho những đảng cầm quyền cho những thế hệ sau này trong những năm sắp tới trong điều kiện có nhiều đảng hơn một đảng hiện nay.”

Theo tường thuật của SaigonTimes Online, diễn giả TS Huỳnh Thế Du thuộc nhóm nghiên cứu Chương trình giảng dậy kinh tế Fulbright TPHCM còn làm rõ hơn những góp ý cải cách với Đảng. Theo đó song song với những vấn đề mà Đảng cần tập trung cải cách vì là người định hướng chính sách quyết định đến sự phát triển của Việt Nam, Đảng cần tập trung một cách chủ động vào năm vấn đề mà ông gọi là năm cấu phần quan trọng của việc hình thành một liên minh cải cách và phát triển đúng nghĩa.

Đó là chuyên nghiệp hóa hoạt động của cơ quan dân cử và dân biểu; tạo dựng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp đủ năng lực quản lý và điều hành quốc gia; tạo dựng hệ thống tư pháp đủ quyền lực để bảo vệ công lý; xem kinh tế tư nhân trong nước như một đối tác liên minh của chính quyền trong việc tạo ra một Việt Nam thịnh vượng; thừa nhận sự tồn tại và vai trò tất yếu của các tổ chức xã hội; chấp nhận quyền giám sát nhà nước và thị trường của các các tầng lớp trong xã hội và giới truyền thông.

Vẫn theo tường thuật của Saigon Times Online, các chuyên gia khách mời tham dự Tọa đàm do Chương trình giảng dậy kinh tế Fulbright tổ chức trong đó có TS Trần Đình Thiên thuộc Viện Kinh tế Việt nam, LS Trần Hữu Huỳnh thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đều có chung nhận định là bộ máy hành pháp của Việt Nam hiện nay quá mạnh, trong khi tiếng nói của lập pháp và tư pháp quá yếu ớt nên cần phải có cơ chế mới để cân bằng.

Người đọc báo cảm nhận là đề xuất ba cải cách dành cho Đảng, cũng như thực hiện liên minh cải cách với năm cấu phần, với mục đích tối thượng để Việt nam chuyển đổi sang mô hình phát triển mới sẽ khó có khả năng thực hiện toàn phần, hay nói cách khác đó là một đề xuất ước mơ của giới học thuật. Các chuyên gia mà chúng tôi trao đổi nói rằng, cải cách như thế chẳng khác nào đổi tên chế độ chính trị hiện tại của Việt Nam, thực hiện tam quyền phân lập, bầu cử tự do dân chủ và người dân có đầy đủ dân quyền cũng như nhân quyền.
Thấy Gì Từ Đề Xuất 3 Cải Cách Đối Với Đảng Reviewed by Unknown on 6/14/2015 Rating: 5 Nam Nguyên: Nhóm chuyên gia của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Saigon vừa có đề xuất khá đặc biệt gọi là “liên minh cải các...

Không có nhận xét nào: