TPP Sẽ Giúp Người Lao Động Ở Việt Nam Theo Đuổi Nhân Quyền - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 6, 2015

TPP Sẽ Giúp Người Lao Động Ở Việt Nam Theo Đuổi Nhân Quyền

Hình: Thứ trưởng BQP Nguyễn Chí Vịnh tiếp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Hà Nội hôm 23/5/2015. Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Hai tháng trước, công nhân tại một nhà máy giày ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, đã đình công để phản đối những thay đổi mà chính phủ của họ đã ban hành về luật an sinh xã hội. Cuộc đình công lan rộng ra các khu công nghiệp của thành phố, có đến khoảng 90.000 công nhân tham gia. Những gì xảy ra tiếp theo không phải là những gì mà quý vị mong đợi ở một quốc gia cộng sản thiếu tôn trọng quyền tự do lập hội và quyền của người lao động để thành lập tổ chức, đặc biệt là kể từ khi những người đình công tìm cách thay đổi chính sách quốc gia chứ không chỉ để cải thiện điều kiện làm việc tại một nhà máy địa phương. Cảnh sát đã làm ngơ với người đình công và chính phủ đã đồng ý sửa đổi luật lệ không đúng.

Nhiều thành viên Quốc hội [Hoa Kỳ] đang thắc mắc, có đúng không khi cho Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương, dựa trên hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Tôi hiểu sự thận trọng của họ. Nhưng qua một năm thúc giục Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm và cải tổ luật pháp, tôi tin rằng chúng ta có một cơ hội có một không hai để thúc đẩy các mục tiêu này. Triển vọng về sự tham gia của Việt Nam vào một TPP đầy đủ, mà việc thông qua chương trình Xúc tiến Thương mại sẽ đi trước, cung cấp hy vọng lớn nhất cho người dân Việt Nam – cho dù đó là những người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, các blogger độc lập tại Hà Nội hoặc các nhà hoạt động Thiên chúa giáo ở vùng cao nguyên phía Tây bắc – khoảng không gian để theo đuổi quyền lợi của họ.

Tôi tiếp cận câu hỏi này không phải là do ảo tưởng. Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng, luật pháp trừng phạt hình sự đối với những người bất đồng quan điểm chính trị. Tháng trước, tôi đã đến thăm một linh mục Công giáo Việt Nam, Linh mục Nguyễn Văn Lý, trong nhà tù nơi ông đang thi hành án về tội không có gì hơn là cổ động dân chủ. Ba ngày sau, cảnh sát đánh đập tàn nhẫn một nhà hoạt động, Anh Chí, tại Hà Nội. Tôi sẽ không tranh luận rằng thương mại với Việt Nam sẽ tự động thay đổi một trong những chuyện này; Quốc hội [Hoa Kỳ] đã nghe lập luận như vậy trước đây, chẳng hạn như với Trung Quốc, với thái độ hoài nghi dễ hiểu.

Cùng lúc, có cuộc tranh luận nổi cộm đang diễn ra tại Việt Nam về việc có nên và làm thế nào để xây dựng một xã hội dân chủ hơn dưới nhà nước pháp quyền. Cuộc tranh luận đang được thực hiện bởi xã hội dân sự, gồm hàng chục triệu người Việt trên Facebook, là những người nói chuyện một cách tự do trực tuyến về chủ đề chính trị mỗi ngày. Cuộc tranh luận cũng được sự tham gia của nhiều người trong guồng máy chính quyền, là những kẻ không muốn những thay đổi xã hội bỏ rơi họ.

Những người ủng hộ sự thay đổi trong chính phủ Việt Nam biết rằng đất nước của họ sẽ ổn định và thịnh vượng hơn nếu tiếp tục mở cửa. Nhưng những lập luận về nguyên tắc không phải luôn luôn thắng thế. Lập luận thực dụng mạnh nhất là cải cách cũng cần thiết để bảo đảm một cái gì đó mà mọi người ở Việt Nam, từ phe bảo thủ trong đảng Cộng sản tới các nhà hoạt động dân chủ, cho rằng đất nước đang cần và mong muốn – một đối tác kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Chính quyền Obama nói với Việt Nam rằng một đối tác như vậy, bao gồm TPP, phụ thuộc vào sự tiến bộ liên tục về nhân quyền. Chúng ta đã không đòi hỏi những điều không thể được, bởi vì lúc đó chúng ta sẽ kết thúc với chuyện chẳng có TPP mà cũng chẳng sự tôn trọng nhân quyền. Chúng ta đã yêu cầu sự cải thiện hợp lý, nhưng có ý nghĩa, phù hợp với nguyện vọng mà người dân Việt Nam đã bày tỏ. Bằng cách này, chúng ta tạo cơ hội cho những nhà cải cách hệ thống chính trị Việt Nam dấn bước tới trước.

Qua những điểm quan trọng của các cuộc đàm phám TPP, Việt Nam đã phóng thích các tù nhân lương tâm, nâng tổng số xuống còn khoảng 110 người từ hơn 160 người cách đây hai năm. Trong năm 2013, Việt Nam kết án 61 người do phát biểu chính trị ôn hòa; từ đó đến nay trong năm 2015, chỉ có duy nhất một trường hợp trong đó nhà hoạt động bị kết án theo luật hình sự do phát biểu ôn hòa. Gần đây nhất Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật, và hứa sẽ đưa pháp luật Việt Nam, bao gồm luật hình sự và tiến trình tố tụng – phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của họ. Đây sẽ là một quá trình lâu dài và khó khăn, mà một số người trong chính phủ Việt Nam sẽ chống lại. Nhưng chính phủ [Việt Nam] đã từng chia sẻ dự thảo luật mới với công chúng và với Hoa Kỳ, kêu mời sự góp ý của chúng ta, điều mà không thể tưởng tượng nổi một vài năm trước đây.

Hơn nữa, hiệp định TPP sẽ bao gồm đòi hỏi về việc Việt Nam phải bảo đảm quyền tự do lập hội, bằng cách cho phép người lao động như những người đã đình công tại thành phố Hồ Chí Minh để thành lập công đoàn độc lập thực sự. Lần đầu tiên cho phép công nhân trong hệ thống của họ, tổ chức công đoàn theo sự lựa chọn của họ sẽ là một bước đột phá lịch sử của một nhà nước độc đảng. TPP sẽ đòi hỏi tất cả các nước tham gia hiệp định này phải thay đổi luật pháp và tập quán theo những nguyên tắc và quyền lao động căn bản. Việt Nam sẽ phải thực hiện những cải cách cần thiết hoặc bị mất những lợi ích của hiệp định.

Những diễn tiến này không tự chúng bảo đảm sự tôn trọng đầy đủ quyền con người và quyền lao động ở Việt Nam nhưng là những bước cần thiết và quan trọng để đi đến hướng đó. Nếu không có cơ hội tham gia TPP, có khả năng Việt Nam sẽ không phải thực hiện bất kỳ điều gì cả. Sự thông qua của TPA [Quyền Đàm phán nhanh], cung cấp hướng dẫn của quốc hội [Hoa Kỳ] cho những nhà đàm phán về nhân quyền và quyền lao động, cho phép chúng ta có khả năng thương lượng để tiếp tục thúc đẩy Việt Nam tiến bộ hơn. Và nếu Việt Nam sau đó đáp ứng các điều kiện của chính TPP, chúng ta sẽ vẫn còn có đòn bẩy, gồm mong muốn của Việt Nam về việc tháo bỏ hoàn toàn các hạn chế về chuyển nhượng mua bán vũ khí sát thương, mà chúng ta cũng vẫn gắn kết với tiến bộ về nhân quyền.

Thật khó để thấy sự thất bại của TPA sẽ có thể dẫn đến bất kỳ một trong những mục tiêu này. Người Việt hiểu rõ tiến trình chính trị và chương trình làm việc của chúng ta. Họ biết rằng sự chuẩn thuận của một hiệp định thương mại ít có khả năng xảy ra ở Hoa Kỳ vào năm tới. Nếu Quốc hội đóng cửa với một hiệp định bây giờ, chính phủ Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm sang việc củng cố chính trị nội bộ – cuộc chạy đua vào ban lãnh đạo Đảng Cộng sản sắp tới trong năm 2016 – thay vì về những điều cần phải làm để cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ. Trong viễn cảnh này, cơ hội để thấy công đoàn độc lập được hợp pháp hóa ở Việt Nam là con số không, chưa nói tới việc cải cách luật pháp mà chúng ta đang theo đuổi, và một khả năng lớn hơn về đàn áp chính trị. Làm thế nào điều này sẽ để lại cho chúng ta vị trí tốt hơn để đạt được tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam trong những năm tới?

Các thành viên của Quốc hội [Hoa Kỳ] quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là đúng để duy trì một thái độ hoài nghi hợp lý về ý định của chính phủ [Hoa Kỳ]. Quốc hội nên tiếp tục đòi hỏi tiến bộ nhiều hơn. Nhưng các thành viên cũng nên nhận ra tầm quan trọng của TPA trong việc duy trì một tiến trình tạo điều kiện để bảo đảm tiến bộ hơn. TPP không phải là sự tin tưởng mù quáng; nó là một công cụ đòn bẩy. Nó đã từng khích lệ những người ở Việt Nam đi tìm một xã hội cởi mở hơn, và nó cũng cho phép chúng ta giúp đỡ họ.
Tác giả: TOM MALINOWSKI 
Theo:Politico Magazine
Người dịch: Trần Văn Minh

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2015/06/11/4069-tpp-se-giup-nguoi-lao-dong-o-viet-nam-theo-duoi-nhan-quyen/
____

Tom Malinowski là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động.
TPP Sẽ Giúp Người Lao Động Ở Việt Nam Theo Đuổi Nhân Quyền Reviewed by Unknown on 6/11/2015 Rating: 5 Hình: Thứ trưởng BQP Nguyễn Chí Vịnh tiếp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Hà Nội hôm 23/5/2015. Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images) ...

Không có nhận xét nào: