Hầu Chuyện Anh Tư Sang - Sự Thật Những Suy Nghĩ Của Dân - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 7, 2015

Hầu Chuyện Anh Tư Sang - Sự Thật Những Suy Nghĩ Của Dân

Nguyễn Khắc Mai: Kính thưa anh Tư,
Tôi rất hứng thú theo dõi, đọc tin gặp mặt cử tri của Anh, mỗi lần chuẩn bị họp hay đã họp xong kỳ họp Quốc hội. Bao giờ tôi cũng bắt gặp môt ý kiến đáng phải suy nghĩ của Anh, điều mà những anh Trọng, anh Hùng không có được, trừ cái lần hy hữu khi anh Trọng khẳng định “trăm năm nữa cũng không có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” mà tôi bình luận rằng, như thế là chỉ có một thứ chủ nghĩa xã hội không “hoàn”, tức là vẫn méo mó, đầy lỗ hổng, lại không “thiện” tức là vẫn chỉ là ác mà thôi. Phần lớn những cuộc nói chuyện của họ là rất nhạt. Anh biết không, cái “nhạt” là một phạm trù rất đặc sắc trong văn chương, thi ca. Còn cái nhạt trong chính trị thì phải nói là vô bổ, tốn tiền, tốn thì giờ và nhất là tốn tín nhiệm, nghĩa là ném tín nhiệm đi một cách rất vô…(nghĩa, vô văn hóa, vô lương…)

Lần này, anh nêu vấn đề “Phải nói sự thật những suy nghĩ của Dân” (đáng tiếc là báo lề đảng họ quên không viết hoa chữ Dân). Anh tế nhị nêu ra một sự thật là các đại cử tri chỉ là những bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố (tôi biết rõ họ phần lớn là cán bộ đoàn thể của đảng). Với thành phần như thế họ nói ra chút ít sự thật và chỉ là nhũng sự thật không làm mất lòng người nghe trực tiếp và nhất là những người nghe không trực tiếp nhưng quan trọng đó là các A, các Tuyên…các thủ trưởng ở nhà. Làm sao họ có thể nói hết sự thật cho anh nghe được. Mà chỉ một mình anh nghe thì được cái gì, những người khác họ có muốn nghe như anh không. Nói được chút ít sự thật trên ngọn là họ đã dũng cảm lắm. Nhưng như thế để làm gì.

Chắc anh cũng bức xúc lắm mới than thở như vậy.

Anh có biết ở những nước văn minh, họ “ nghe” và “nói” “sự thật những suy nghĩ của Dân” như thế nào không? Họ không hời hợt và giả vờ như ở ta. Ở Hy lạp đấy, đầu tháng bảy này họ sẽ trưng cầu ý kiến của dân để quyết đi hay ở lại với Liên minh châu Âu. Ở nước ta vấn đề trưng cầu ý kiến nhân dân vẫn chưa có luật, nhiều nghị sĩ còn chê dân trí thấp… Chỉ mỗi cái quyền được bày tỏ ý kiến nguyện vọng “sự thật” của Dân mà Quốc Hội mười mấy khóa vẫn không hiểu, không có đủ “năng lực lập pháp” để phụng sự Dân, những cuộc hỏi ý kiến đại cử tri trở nên ngớ ngẫn như anh đang bức xúc. Mà chính cũng tại anh trong cương vị Chủ Tich Nhà Nước cũng đã không làm sao để có luật, có dân chủ để có thể nghe sự thật của Dân.

Ở những nước văn minh, họ có đủ luật lệ và phương thức để nghe và nói “sự thật những suy nghĩ của Dân”. Đó là tự do báo chí. Tư nhân, các nhóm tư nhân (thật ra là những nhóm công dân.Tôi nhấn lại Công dân chứ không phải tư nhân). Ở nước ta công dân chẳng có quyền gì, ngoài những quyền tuân phục và xin xỏ. Báo chí là của nhiều nhóm công dân. Ở nước ta chỉ là của một nhóm công dân. (Nhân đây tôi ví dụ tín đồ các Tôn giáo ở ta có đến 20-30 triệu. Họ đóng thuế, thế mà mấy Tôn giáo lớn họ có buổi phát thanh truyền hình dành riêng cho họ đâu.) Vì sao thế. Vì báo chí của ta chỉ là báo chí của riêng nhóm cộng sản. Khi người cộng sản chưa cầm quyền, họ chỉ là đảng. Khi họ đã cầm quyền họ phải là Dân tộc. Họ khư khư giữ đảng nên đã đánh mất tư cách là dân tộc. Nhân tiện nói rõ, họ đã không còn tính chính thống khi hành xử như vậy. Khi thật sự, (tôi xin lặp lại từ thật sự của Anh), chúng ta có báo chí tự do, các nhóm công dân có quyền ra báo, thì khi ấy anh chẳng cần đặt câu hỏi ấy nữa.

Thứ nữa là họ có chế đô chính trị đa đảng. Các đảng họ sẽ nói lên “những sự thật” mà họ dùng để tranh đua giành lấy tín nhiệm và phiếu bầu. Họ làm cho các sự thật khác nhau được phơi bày để xã hội và chính quyền có thể có được cái nhìn hệ thống, những sự thật được xem xét dưới nhũng góc nhìn toàn diện. Dẫu trong Tuyên ngôn cộng đồng chủ nghĩa, mà ta dịch là cộng sản, có nhiều điều lầm lẫn, nhưng Mác và Ăng ghen cũng đã nhìn thấy một sự thật là các dân tộc hiện đại rất cần đa nguyên đa đảng. Vì chúng ta theo thể chế xô viết và tư duy phản động mao ít, (anh em bảo với tôi là chúng ta không mao ít, mà trái lại là rất mao nhiều) nên đã làm ngược với Tuyên ngôn này. Trong ấy viết rõ: “Các đảng cộng sản phải biết phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc dân chủ trong mỗi dân tộc” Thế mà từ thời Hồ Chí Minh dẫu có hai đảng “cây cảnh” là Xã hội, và Dân chủ thì ông Nguyễn Văn Linh (ta đang ca ngợi hết lời) đã “phấn đấu” dẹp bỏ. Tôi cũng không hiểu nỗi tại sao các người lãnh đạo của đảng “ta” lại lạc hậu đến như vậy. Cho nên anh làm Chủ tịch nước trong một thể chế như thế này mà mong nghe được sự thật của Dân thì khó lắm. Nếu có đa đảng, anh chỉ cần nghe họ tranh luận là đủ biết ý kiến của các nhóm Dân, không còn phải thao thức như thế này nữa.

Trong tình hình hiện nay, khi còn phải chờ đợi, nếu muốn nghe “sự thật những suy nghĩ của Dân”, tôi xin đề nghị Anh hãy tổ chức một nhóm nhỏ lối hai mươi người, nhóm người của anh chọn độ mươi người, tôi cũng xin chọn mời lối mươi người, ta sẽ bắt chước Quốc Hội “họp kín” như để nghe tình hình Biển Đông mà không cho Tàu nó biết thêm rách việc. Anh sẽ nghe được những sự thật gốc rễ hơn và từ những sự thật ấy, chúng ta sẽ tìm ra lời giải cho những bài toán của dân nước một cách thật thà, trung chính và nhất là có đạo đức của trách nhiệm và hiệu quả. Như thế sẽ căn cơ hơn, khoa học hơn cũng văn minh hơn, thiết thực và hiệu quả, để chúng ta khỏi cứ mỗi lần họp “đại cử tri” lại cùng nhau bức xúc và than vãn.

Tôi ngồi trong phòng nóng, viết cho anh những lời nóng nảy. Xin Anh thứ lỗi.
Kính chúc Anh vạn an.

Tác gỉa gửi cho viet-studies ngày 30-6-15
Hầu Chuyện Anh Tư Sang - Sự Thật Những Suy Nghĩ Của Dân Reviewed by Unknown on 7/01/2015 Rating: 5 Nguyễn Khắc Mai: Kính thưa anh Tư, Tôi rất hứng thú theo dõi, đọc tin gặp mặt cử tri của Anh, mỗi lần chuẩn bị họp hay đã họp xong kỳ họ...

Không có nhận xét nào: