Gia Minh: Việt Nam lâu nay nhập siêu từ Trung Quốc; mới hôm qua ngày 11 tháng 8, Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh cho phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% để giúp tăng xuất khẩu bị giảm sút của nước này.
Như thế thị trường Việt Nam sẽ chịu những tác động gì?
Biện pháp phá giá đồng Nhân dân tệ
Biện pháp cho phá giá gần 2% đồng nhân dân tệ mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra vào ngày 11 tháng 8 được hầu hết các cơ quan truyền thông quốc tế loan đi.
Theo hãng thông tấn Reuters thì sau khi có thông báo cho phá giá đồng nhân dân tệ của Bắc kinh, chứng khoán tại Châu Á và Châu Âu sụt giá vì giới đầu tư quan ngại về những hệ quả của biện pháp được đưa.
Đón nhận từ phía Việt Nam
Theo một số các chuyên gia kinh tế- tài chính tại Việt Nam thì biện pháp cho phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên vì giới này từng dự báo trước.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành từ Hà Nội có ý kiến: “ Thực sự tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm vì tình hình Trung Quốc trong mấy lúc sau này có giảm yếu đi. Trong mấy tháng vừa rồi xuất khẩu, ngoại thương của Trung Quốc cũng giảm khá nhiều 7-8% và nền kinh tế Trung Quốc cũng chạy chậm lại. Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá trong thởi điểm này và trong tình hình kinh tế Trung Quốc như thế thì cũng có lý do của nó thôi, chứ không có gì mà ngạc nhiên cho lắm.”
Và giáo sư Vũ Văn Hóa, trưởng Khoa Kinh tế- Tài chính, Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội, cũng có đánh giá tương tự như chuyên gia Bùi Kiến Thành: “Thực ra việc phá giá đồng nhân dân tệ cũng không ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế Việt Nam đâu. Bởi lẽ trong mấy tháng gần đây kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm xuống. Theo chúng tôi nghĩ thì biện pháp này cũng để làm thế nào tăng xuất khẩu của Trung Quốc lên. Cái đó theo số học và cơ học thì nếu đã phá giá tiền tệ thì chắc chắn xuất khẩu sẽ tăng.”
Thực ra việc phá giá đồng nhân dân tệ cũng không ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế Việt Nam đâu. Bởi lẽ trong mấy tháng gần đây kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm xuống. Theo chúng tôi nghĩ thì biện pháp này cũng để làm thế nào tăng xuất khẩu của Trung Quốc lên. GS Vũ Văn HóaTác động đối với Việt Nam
Theo hai chuyên gia kinh tế- tài chính vừa nêu thì biện pháp phá giá đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh là một cách làm mang tính toàn cầu, thế nhưng thị trường Việt Nam lâu nay lệ thuộc vào Trung Quốc nên biện pháp đó chắc chắn sẽ có tác động đến mậu dịch với nước láng giềng Việt Nam.
Ông Bùi Kiến Thành đưa ra nhận định: “Đối với Việt Nam khi hàng hóa của Trung Quốc lại còn rẻ hơn nữa vì nhân dân tệ rẻ hơn thì sẽ tạo tình hình cạnh tranh còn mãnh liệt hơn nữa đối với hàng Việt Nam. Như vậy Việt Nam phải tính vấn đề làm thế nào xây dựng nội lực của mình để có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Đó là việc mà từ nhiều năm nay mình cần phải lưu tâm nhưng mỉnh làm chưa tới nơi, tới chốn thôi.
Vấn đề ngoại thương ( giữa Việt Nam) với Trung Quốc không chỉ là chính ngạch không mà còn tiểu ngạch, ngoại ngạch. Nói cách khác là buôn lậu qua những cửa khẩu mà biên giới của Việt Nam không được kiểm tra chặt chẽ. Đó là vấn đề khác nữa.
Đối với Việt Nam, tất nhiên hàng Trung Quốc rẻ hơn một chút cũng là vấn đề nhưng không phải là vấn đề chính yếu đối với Việt Nam. Vấn đề đối với Việt Nam là làm sao phải kiểm soát được ngoại thương, không bị ảnh hưởng quá nhiều do buôn lậu, đem hàng Trung Quốc vào Việt Nam với giá rẻ mạt không phải giá thị trường. Đồng thời những ‘rac thải’ của Trung Quốc gửi qua Việt nam để Việt Nam gặp những vấn đề sức khỏe, an toàn của dân tộc Việt Nam; vì những thực phẩm đưa qua hoặc là hư thối hay còn có chất độc nữa.
Đối với Việt Nam không chỉ là vấn đề tiền tệ mà còn vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe của người dân.Tổng thể là Việt Nam chưa có biện pháp gì để thực sự có lực lượng đủ năng lực để đối phó với hàng của Trung Quốc tràn vào. Ông Bùi Kiến ThànhĐối với Việt Nam không chỉ là vấn đề tiền tệ mà còn vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe của người dân.
Tổng thể là Việt Nam chưa có biện pháp gì để thực sự có lực lượng đủ năng lực để đối phó với hàng của Trung Quốc tràn vào.”
Và trình bày về thực trạng của Việt Nam trong mối tương quan kinh tế với Trung Quốc của giáo sư Vũ Văn Hóa: “Thị trường Việt Nam tiếp xúc với biên giới Trung Quốc khá dài cho nên mậu dịch tiểu ngạch cũng như đại ngạch rất lớn. Đây là một bất lợi rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam bởi lẽ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam sẽ rẻ đi rất nhiều. Do đó nó lại tăng nhập siêu của Việt Nam lên. Năm ngoái Việt Nam đã nhập siêu của Trung Quốc 17-18 tỷ đô la rồi. Bây giờ theo đà này thì Việt Nam sẽ nhập siêu của Trung Quốc khoảng 33 tỷ đô la. Đó là điều rất nguy hại cho nền kinh tế Việt Nam.
Thế mạnh của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu vào Trung Quốc không nhiều; chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm và khoáng sản chưa chế biến nên rất rẽ. Thứ hai nữa lưu lượng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc không nhiều.”
Biện pháp của Hà Nội
Giáo sư Vũ Văn Hóa cho rằng chính phủ Việt Nam mà cụ thể là Bộ Công Thương Việt Nam cũng có những biện pháp đối phó với những diễn tiến từ phía Trung Quốc, cũng như điều mà theo lời của vị chuyên gia này là những ‘đòn bất ngờ’ từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên theo ông Bùi Kiến Thành thì dù lâu nay luôn có những cảnh báo về tình trạng nguy hiểm về kinh tế- thương mại từ phía Trung Quốc, thế nhưng dường như cơ quan chức năng Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước phản ứng rất thụ động. Ông Bùi Kiến Thành có ý kiến: “ Việt Nam bị thụ động rất nhiều, chỉ có phản ứng, phản ứng thôi! Chúng ta thấy ngoại thương của Việt Nam với Trung Quốc bị âm rất nhiều: xuất ít mà nhập vào quá nhiều! Như vậy cần phải có chính sách để cân đối lại nhưng chưa có. Nói chung xuất khẩu của Việt Nam rất yếu; trong hai năm 2013, 2014 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có đến 7o% do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cả mấy trăm ngàn doanh nghiệp xuất chưa được 30%. Trong số 30% đó còn có bao nhiêu phần trăm tạm nhập, tái xuất nguyên liệu. Nói chung năng lực xuất khẩu của Việt Nam quá kém. Chẳng những năng lực xuất khẩu mà năng lực sản xuất cũng quá kém nên hàng Trung Quốc vào lấn át thị trường trong nước, và Việt Nam cũng không có hàng gì đề xuất khẩu ra. Như vậy trong những năm tới sẽ rất nguy hiểm với Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hay Cộng đồng ASEAN mở rộng. Thuế quan một số bằng không thì hàng nước ngoài ùa vào Việt Nam như một làn sóng thần mà Việt Nam không có gì để bán ra ngoài thì vô cùng nguy hiểm cho nền kinh tế.
Đó là việc mà nhà cầm quyền cần nên cảnh giác, cố gắng làm sao xây dựng nội lực của Việt Nam để có gì xuất khẩu.”
Ý kiến của doanh nghiệp
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của chúng tôi cách đây chưa đầy một tháng, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày- Túi xách Việt Nam, cho rằng vẫn có cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giày mà ông tham gia lâu nay; tuy nhiên vấn đề là tận dụng các cơ hội đó như thế nào.
Không có nhận xét nào: