Thái Hà (20.9.2015) - Giáo Huấn Xã Hội (GHXH) của Giáo Hội Công Giáo là kim chỉ nam cho hành động, tư tưởng, lối sống của chúng con. Nhưng quả thật, con đã không biết cách tìm hiểu GHXH sao cho đúng đắn, dễ dàng hơn. Đã biết bao lần con quyết tâm sẽ nghiên cứu cuốn sách này thật kỹ, vì con biết trong đó có câu trả lời cho tất cả những băn khoăn, lo lắng, những bế tắc của con.
Nhìn vào xã hội mình đang sống cũng như đời sống xã hội chung trên toàn thế giới, có biết bao điều làm con phải tự hỏi lòng và muốn thay đổi: Một thế hệ trẻ Việt Nam chúng con ù lì, lười nghiên cứu, thiếu sáng tạo và đặc biệt là “nhát đảm”. Không chỉ chúng con mà các bậc phụ huynh ai ai cũng nhận thấy nền giáo dục của ta đang rất bất cập, nó không làm phát triển con người theo đúng nghĩa và đúng nhiệm vụ của “giáo dục”; nhưng ai cũng chỉ biết cúi đầu, lặng lẽ cất đi những phẫn lộ vì mình tuy là nạn nhân đấy nhưng mọi người đều thế mà. Để rồi, Vũ Thạch Tường Minh - một cậu bé học sinh lớp 8 trường chuyên Armsterdam - một cậu bé mới chỉ 14 tuổi, đã có những lời nói khiến cho -nhiều người lớn phải giật mình.
Nguyên văn lời phát biểu của Vũ Thạch Tường Minh:
“Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi.
Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được.
Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.
Ôi! Quý làm sao tiếng nói của trẻ thơ. Nó luôn trong sáng, phản ánh đúng sự thật và con thật khâm phục sự dũng cảm, can đảm của em ấy, đã dám lên tiếng nói không chỉ vì mình mà vì bao thế hệ đi trước, đi sau.
Còn nhiều lắm những điều ta cần trăn trở, để con biết mình cần học tập, trang bị những kiến thức cần thiết làm hành trang đi vào cuộc sống xã hội hôm nay. Và như cha Nguyễn Thể Hiện nói thì Giáo Hội cũng đang trăn trở, Giáo Hội cũng đang thao thức về những vấn nạn trong cuộc sống con người; sâu xa đằng sau mỗi câu chữ là một niềm trăn trở gì đó, là một câu hỏi nào đó đặt ra cho mỗi chúng ta; thiết tha mỗi người chúng ta sau khi đọc cũng nhìn ra trăn trở của Giáo Hội, lần tìm ra câu hỏi của chính mình. Đó không chỉ là cách giúp ta học dễ dàng hơn GHXH, mà còn là cách giúp ta dấn thân hơn vào công cuộc chung của Mẹ Giáo Hội, mưu cầu hạnh phúc cho mình và mọi người.
Hay một khía cạnh khác, GHXH cũng trình bày cho ta thấy vấn đề “bảo vệ môi trường”. GHXH đã nhắc cho ta nhớ lại trong Tin Mừng, thiên nhiên luôn tham dự vào cuộc sống của con người và có một tầm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người. Chính Chúa Giêsu đã diễn giải về thiên nhiên cách thấu đáo, nói về thiên nhiên trong các dụ ngôn và đặc biệt Ngài còn làm chủ thiên nhiên. Qua đó, cho các môn đệ học hiểu rằng “thay vì làm nô lệ cho các sự vật, người môn đệ Đức Giêsu phải biết cách sử dụng chúng để đem lại sự chia sẻ và tình huynh đệ.” Nhưng nhìn vào thực tế cuộc sống chúng ta, mẹ thiên nhiên đang bị khai thác và tàn phá cách khốc liệt: vì những lí do ích kỉ cá nhân, người ta hạ đổ hàng nghìn cây xanh làm dịu mát Hà Nội; người ta xây các đạp thủy điện tràn lan mà không có sự tìm hiểu kĩ, khiến biết bao con sông bị biến dạng; các nhà máy thải biết bao chất thải ra môi trường do thiếu một khung pháp lí chặt chẽ để bảo vệ môi trường. Hậu quả là chúng ta ngày càng có những mùa lũ kinh hoàng, mùa hè thì ngột ngạt, khó chịu; và bụi bẩn làm ô nhiễm không khí nặng nề… còn chính mỗi chúng ta, hãy tự hỏi bản thân mình đã xây dựng môi trường sống của mình như thế nào? Bản thân con từng chứng kiến, mỗi buổi trưa sau khi tan học, từng phòng học ngập tràn những rác, vỏ bao bánh mì, vỏ xôi, chai, lon… ở nhà vệ sinh công cộng người ta đi xong mà không xả bồn cầu; đi đường khạc nhổ ra đường, ăn xong vỏ chuối hay vỏ kẹo, gì…gì… họ cũng vứt thẳng ra đường. Ôi! Con tự hỏi, nếu thùng rác biết nói thì nó sẽ buồn và bức xúc biết bao nhiêu, nó ở khắp mọi nơi, để người ta có thể dễ dàng vứt rác nhất có thể. Mà sao ta ngại một hai bước chân làm mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh như thế. Đọc GHXH, con hiểu rằng môi trường là một tài sản vô giá Chúa trao cho chúng ta để chúng ta khai thác và quản lý nhưng dường như ta đang quên đi điều đó, tự cho mình quyền lạm dụng gây tổn thương môi trường. Quả là những người quản lý bất trung.
Còn rất nhiều những điều nữa đã khai mở cho suy nghĩ của con nhờ vào khóa học tìm hiểu GHXH của Giáo Hội Công Giáo do CLB Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận tổ chức có rất nhiều vấn đề xã hội khiến con thao thức: Hôn nhân đồng tính, bạo lực gia đình, nhân phẩm trẻ em bị chà đạp, nạo phá thai…Đặc biệt nhìn vào tấm gương các bác, các cô chú trong Sài Gòn đã hi sinh rất nhiều để ra ngoài Hà Nội đây chia sẻ cho chúng con, sự dấn thân phục vụ của các bác thực sự đã làm chúng con bị đánh động rất nhiều.
Con cũng hết lòng cảm tạ Cha Gioan chủ nhiệm CLB và Cha Giuse và tất cả các anh chị em trong CLB Nguyễn Văn Thuận đã thôi thúc khát vọng học hỏi và dấn thân cho chúng con. Con hi vọng CLB sẽ mở thêm nhiều khóa học, hội thảo trong thời gian tới cho chúng con có thêm cơ hội được học hỏi và tìm hiểu GHXHCG. Để chúng con có kiến thức và một tinh thần quảng đại hơn, dám dấn thân vào việc xây dựng một cuộc sống tự do, an bình, hạnh phúc hơn và cùng nắm tay nhau đi tới một tương lai tươi sáng.
FB Mãn Lương. Một số hình ảnh trên trang FB Nam Phong
Không có nhận xét nào: