Phạm Nhật Bình: Một tuần lễ trước ngày chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đặt chân đến Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố trước các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh, quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Cộng. Nam Sa đây chính là quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây không phải là một sự vô tình mà Bắc Kinh đã chọn đúng thời điểm thích hợp để lặp lại chủ quyền ngụy xưng trên lãnh thổ của một nước khác, khi vấn đề tranh chấp Biển Đông là một trong ba đề tài gai góc phải giải quyết giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng lần này. Hai vấn đề còn lại là kinh tế và sự xâm nhập tấn công ngày càng ráo riết của các hackers Trung Cộng.
Về kinh tế, Trung Cộng thực chất không phải là nước có nền kinh tế mạnh và mẫu mực như những quốc gia phát triển khác theo kinh tế thị trường. Sự chuyển đổi từ kinh tế chỉ huy sang môi trường tư bản khiến trong hai thập kỷ qua Trung Cộng đạt được những thành quả ban đầu mà nhiều người gọi là phép lạ. Nhưng phép lạ ấy vẫn có những biến chứng không lường mà con người chưa biết được hết.
Trong những tuần lễ vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Cộng đột ngột bị tuột dốc qua hai ngày liên tiếp khiến Trung Cộng phải nhiều lần hạ thấp tỉ giá đồng nhân dân tệ gây ra một cú sốc trên toàn thế giới. Vì dù sao Trung Cộng cũng là một nền kinh tế lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, là hậu cần gần như không thể thiếu cho nhiều quốc gia khác. Chính vì muốn thúc đẩy xuất khẩu trong thời kỳ kinh tế chao đảo nhưng việc phá giá đồng yuan đã gây ra nhiều lo lắng cho các nước về một sự sụp đổ dây chuyền.
Ngày 23/9 - ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ, ông Tập đã gặp gỡ giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington để giải bày và trấn an mọi người. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tại Trung Quốc là hai vấn đề mà ông Tập đề cập đến trong cuộc gặp gỡ này. Cho dù luôn tự hào là sắp vượt Mỹ để bước lên hàng cường quốc số 1 thay thế Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới, nhưng thị trường tiêu dùng lớn lao của Trung Cộng không thể thiếu bóng dáng đồng đô-la đầu tư của các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.
Nhưng để tiến tới việc thỏa thuận thắt chặt giao thương giữa hai nước, xem ra Trung Cộng còn phải làm nhiều hơn nữa ngoài những lời hứa hẹn suông. Kinh tế cũng là chính trị. Liệu cuộc gặp gỡ giữa TT Obama và Chủ tịch Tập đạt được kết quả gì khi thái độ của Trung Cộng vẫn tỏ ra còn nhiều thách thức đối với Hoa Kỳ.
Thứ hai, vấn đề hacker Trung Cộng trong một thời gian dài đã liên tục mở những cuộc tấn công mạng nhằm vào Hoa Kỳ. Được biết trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị những biện pháp chế tài kinh tế các công ty và cá nhân Trung Cộng hưởng lợi từ việc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ, thì hôm 24/9 tin tặc lại tấn công kho dữ liệu cá nhân của hàng triệu công chức liên bang Mỹ và đánh cấp được số lượng hàng triệu dấu vân tay lưu trữ.
Từ trước đến nay, thủ phạm của những vụ tấn công mạng này thường bị cho là có liên quan tới Bắc Kinh. Nhưng lãnh đạo Trung Cộng luôn khẳng định “Chính phủ Trung Cộng không hề tham gia, khuyến khích hay hỗ trợ bất cứ ai để thực hiện những vụ đánh cắp bí mật thương mại.”
Ông Tập Cận Bình cũng chỉ lặp lại những tuyên bố trước đây nói Trung Quốc là “nạn nhân”, chứ không phải thủ phạm của những vụ tấn công này. Đây chỉ là những lời nói lấp liếm vì ai cũng biết công nghệ sản xuất của họ nhiều phần là bản sao của nước ngoài, nhất là của Mỹ do muốn vượt qua công đoạn nghiên cứu tốn nhiều thời gian và công sức.
Hiện nay mối lo âu lớn nhất của các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ là những vụ tin tặc khiến họ chịu thiệt hại hàng tỷ đô-la hàng năm, trong khi kẻ hưởng lợi chính là các doanh thương Trung Cộng. Để trấn an người Mỹ, trong cuộc gặp gỡ ở Seattle hôm 23/9, ông Tập hứa hẹn sẵn sàng thiết lập “một cơ chế đối thoại cấp cao với Hoa Kỳ về việc phòng chống tội phạm mạng”. Tin tặc từ Trung Cộng vì thế là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ.
Vấn đề gai góc cuối cùng cần giải quyết giữa Bắc Kinh và Washington là tình trạng tranh chấp Biển Đông đang ngấm ngầm bước vào giai đoạn có phần quyết liệt. Trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình, vào ngày 15/9 hai chiến đấu cơ Trung Cộng đã hành động liều lĩnh khi bay áp sát và cắt ngang đầu một phi cơ trinh sát RC 135 của không lực Hoa Kỳ trong không phận quốc tế vùng biển Hoàng Hải. Hành động được Thượng nghị sĩ Jonh McCain mô tả là “gây hấn” này cho thấy Trung Cộng một lần nữa có ý cảnh cáo Mỹ cũng như các nước có liên quan đừng quên Vùng nhận dạng phòng không Biển Hoa Đông mà họ đã tuyên bố chủ quyền.
Sự kiện này củng cố thêm mối nghi ngờ về một vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở Biển Đông mà Trung Cộng từng tuyên bố họ có quyền thành lập bất cứ khi nào cần. Những ngày gần đây, tuy không ồn ào nhưng tin tức cho biết Trung Cộng đang xây dựng một đường băng thứ ba ở Trường Sa. Trong lúc hải quân Hoa Kỳ tiếp tục lảng vảng bên ngoài 12 hải lý, phải chăng Trung Cộng đang ráo riết hoàn thành, tăng cường hỏa lực cho các căn cứ trên biển mà từ đó có thể phóng ra các cuộc tấn công quân sự. Đó sẽ là món quà khó nuốt trôi cho phía Mỹ mà ông Tập Cận Bình mang đặt lên bàn hội nghị. Trong bối cảnh ấy, vừa qua Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Đạo Luật An Ninh nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Tự Vệ Đội Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài. Lần đầu tiên từ sau Thế chiến 2, Nhật Bản cho phép các đơn vị Hải, Lục, Không Quân tham chiến ở nước ngoài, ngay cả trong trướng hợp nước Nhật không bị tấn công trực tiếp. Điều này đã gián tiếp khích lệ sự chiến đấu của Phi Luật Tân trên Biển Đông và nhất là tăng thêm sức mạnh cho Hoa Kỳ trong cuộc nói chuyện tay đôi với Bắc Kinh.
Nhiều nhận định cho rằng vấn đề Biển Đông sẽ không được giải quyết một cách dứt khoát, bởi lẽ Trung Cộng không bao giờ từ bỏ 80% chủ quyền mà họ chiếm đoạt một cách dễ dàng nhờ vào thái độ lơ là đến mức thần phục của Việt Nam.
Nhiều phần do kiên trì tiến tới, Trung Cộng thành công ở mức độ gần trọn vẹn ở Biển Đông, giờ đây có thể là lúc Bắc Kinh xuống thang. Theo tường thuật của thông tín viên William Gallo của VOA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra muốn quan hệ giữa hai quốc gia Trung-Mỹ cần được cải thiện theo khuynh hướng hòa bình để ngăn ngừa một cuộc xung đột quân sự mà ngòi nổ chính là Biển Đông. Một cuộc chiến tranh cục bộ mà ông Tập gọi đó là một “đại họa” cho hai quốc gia và cả thế giới.
Nhưng nếu nhìn tương quan lực lượng hiện nay, trong thâm tâm ông Tập chắc cũng hiểu trước hết đó là đại họa cho chính Bắc Kinh.
Phạm Nhật Bình
Không có nhận xét nào: