GNsP (14.10.2015) – Tình trạng công an xem thường pháp luật, muốn bắt ai thì bắt, muốn thả ai thì thả, muốn tra tấn ai thì tra tấn, muốn giết ai thì giết… bằng chính các công cụ pháp luật ngày càng tinh vi và phổ biến tại VN.
Điển hình là vụ của ông Nguyễn Xuân Toàn, Giáo dân sống tại khu tái định cư của giáo xứ Đông Yên, Hà Tĩnh bị nhà cầm quyền ‘bắt giam trái phép’ hơn 1 tháng, tại trại giam công an huyện Kỳ Anh. Sau đó, do sức ép của dư luận, ông đã được trả tự do vào chiều ngày 09.10.2015.
Tuy được trả tự do, nhưng ông Toàn vẫn phải chịu sự kiểm soát từ phía nhà cầm quyền,, giống như ‘thụ án quản chế’, tức là không được đi khỏi địa phương, không được gây rối trật tự trong lối xóm, khi cơ quan có thẩm quyền cần gặp thì ông phải trình diện… Điều này đã được ông Toàn ký vào một số biên bản trước khi được tại ngoại. Xin nhấn mạnh, ông Toàn không biết chữ, nên ông không biết nội dung đã cam kết giữa ông với nhà cầm quyền là gì, ngoài những gì được công an thông báo.
Theo bản tin của RFA thì công an thị xã Kỳ Anh đã trả lời với đài về vụ việc này: “Chúng tôi thả anh Toàn đó là việc tạm thời và chúng tôi sẽ sớm bắt lại anh khi chúng tôi tìm được đầy đủ bằng chứng.” . Và, có thể đưa anh Toàn ra tòa xét xử.
Trước khi đoàn tụ với gia đình, cán bộ trại giam yêu cầu ông Toàn về thuyết phục em trai là ông Nguyễn Xuân Thành hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc.
Sau khi ông Toàn được thả, người nhà của ông cho GNsP biết: “Sức khỏe anh Toàn không được tốt. Cứ 1-2 giờ sáng, cán bộ đưa anh Toàn đi lấy cung. Trước khi được thả, họ cho ăn uống nhiều hơn mọi bữa một chút”.
Ông Toàn bị ‘bắt giam trái pháp luật’ vì nguyên nhân nào?
Vụ việc ông Toàn bị ‘bắt giam trái pháp luật’ liên quan đến một vài mâu thuẫn nhỏ dân sự, người nhà ông Toàn kể lại cụ thể với GNsP:
Ban hành giáo [BHG] cũ của giáo xứ Đông Yên, Hà Tĩnh được nhà cầm quyền tin tưởng, ưu ái, hỗ trợ, cho quyền lợi… để thực hiện ‘cưỡng chế, di dời’ các hộ dân chuyên sống bám vào khai thác nguồn lợi thủy sản ven biển, đến tái định cư ở vùng núi. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 200 hộ giáo dân với gần 1000 nhân khẩu ở lại. Tại khu tái định cư xảy ra nhiều khuất tất, không minh bạch, không được rõ ràng trong việc xây dựng nhà thờ. Chính vì thế, khi cha Minh được thuyên chuyển về làm quản xứ, ngài đã quyết định thay đổi các chức việc trong BHG.
Trong thánh lễ công bố các chức việc trong BHG mới, có một số chức việc trong BHG cũ có những phát ngôn thô tục trong nhà thờ trước nhiều giáo dân. Một giáo dân tham dự thánh lễ phản hồi lại là ‘tại sao lại ăn nói như vậy trong nhà thờ’, thì bị một thanh niên –con trai của một trong số chức việc trong BHG cũ- lấy dao đâm một nhát sau lưng người giáo dân này. Ông Toàn thấy vậy, liền nói ‘không nên nói năng và hành động trong nhà thờ như thế’, nhưng người thanh niên này đã lôi ông Toàn ra ngoài sân, hai người đánh nhau và ông Toàn đánh người này chảy máu đầu.
Buổi tối cùng ngày, ông Toàn nhận được một cú điện thoại của người thanh niên trên đe dọa sẽ đưa giang hồ đến quậy gia đình ông. Ngay sau đó, có 1 người mặc sắc phục và ba người mặc thường phục vào nhà ông Toàn. Ngay lập tức, ông Thành –em ông Toàn- nghĩ rằng, đây có lẽ là bọn công an giả mạo do người thanh niên kia thuê để đánh ông Toàn, bởi vì công an vào nhà mà không xuất trình thẻ… Do đó, ông Thành đã cầm tuýp cây rượt đuổi 4 người này.
Hôm sau, công an mời ông Toàn, người thanh niên kể trên, người giáo dân bị đâm và một số người khác lên đồn công an làm việc. Thế nhưng, công an thả hết những người kia mà chỉ giữ lại một mình ông Toàn và ông bị ‘bắt giam trái phép’ hơn 1 tháng.
Trong thời gian ông Toàn bị ‘bắt giam trái phép’, cha Minh, quản xứ giáo xứ Đông Yên, luôn yêu cầu nhà cầm quyền ‘trả tự do cho ông Toàn’.
Đỉnh điểm của sự việc xảy ra vào ngày 05.10.2015, khi có 4 người mặc thường phục, đi xe biển số xanh, không có đại diện nhà cầm quyền địa phương, vào nhà ông Toàn, muốn bắt ông Thành -em ông Toàn, thì người dân kéo đến ồ ạt, vây 4 người này lại để bảo vệ ông Thành và gia đình, họ không cho 4 người này về nhưng đối đãi rất tử tế. Giáo dân không cho 4 người này ra về với lý do những người này tự xưng là ‘thi hành công vụ’ nhưng lại có những ‘hành vi trái pháp luật’, và nhân cơ hội này giáo dân yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho ông Toàn. Lúc này, nhà cầm quyền cậy nhờ Đức cha phụ tá Giáo phận Vinh Phêrô Nguyễn Văn Viên can thiệp nhưng ngài đã trả lời, nhà cầm quyền đã bắt người [ông Toàn] trái pháp luật.
Rồi đây, nhà cầm quyền sẽ tiếp tục ‘diễn tuồng’ với kịch bản cũ, một vụ án được cắt khúc cách hoàn hảo với giáo dân là các ‘diễn viên’ chính –là nạn nhân thực thi quyền giám sát, bảo vệ công lý và sự thật- đã ‘giữ người trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự…” Còn những người thực thi ‘công vụ’ trái pháp luật, chà đạp quyền lợi của người dân, nguyên nhân dẫn đến hậu quả ‘gây rối’ sẽ trở thành bị hại với các thiệt hại về tinh thần và vật chất do chính các cơ quan bảo vệ pháp luật vẽ ra.
Đời sống kinh tế tại khu tái định cư ngày càng bi đát và phát sinh nhiều tệ nạn xã hội
Sau khi giáo dân chuyển lên khu tái định cư nhiều người dân cảm thấy bị nhà cầm quyền ‘lừa’ và đời sống kinh tế của bà con càng ngày càng khó khăn thiếu thốn, tệ nạn xã hội gia tăng. Một người dân ở đây kể với GNsP:
“Dân chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề biển. Hồi chúng tôi ở giáo xứ Đông Yên cũ, dù bão có cấp 5-6 thì chúng tôi vẫn đi biển bình thường, chúng tôi chỉ có ở nhà khi bão cấp 7-8, tháng nào chúng tôi cũng đều đi biển hết. Nghề của chúng tôi không giàu có, nhưng đủ ăn đủ sống, công việc ổn định. Bây giờ chuyển lên khu tái định cư, có biển nhưng là bãi cạn mà chỉ cần bão cấp 5-6 là chúng tôi không thể đi biển được nữa rồi, ở trên đây chỉ đi biển có 6 tháng vào mùa hè do biển lặng mà thôi. Đây là một điều thiệt thòi.
Thứ hai, nhà cầm quyền không [xây dựng] chợ trong khu tái định cư, nên bắt buộc chúng tôi phải họp một cái chợ nằm dưới chân đèo và nằm trên trục đường quốc lộ 1A. Nhiều xe tải lớn di chuyển chỉ cần sơ suất một cái là lao vào chân đèo, tông thẳng vào chợ, khiến nhiều người dân bị thương nặng và dẫn đến tử vong. Giáo dân chúng tôi nhiều người bị rồi, nhiều người chết lắm rồi.
Chúng tôi khiếu nại rất nhiều lần, gửi đơn thư rất nhiều nhưng người ta cứ dập, bởi vì ở VN chỉ có một nhà cầm quyền chứ không có đa đảng.”
Hiện nay, nhiều người dân ở trong khu tái định cư thất nghiệp tràn lan, nhiều tệ nạn xã hội phát sinh.
Được biết, giáo xứ Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là một giáo xứ lâu đời, đa phần giáo dân sống bằng nghề biển, từ mấy năm qua là điểm nóng đúng nghĩa của cả giáo quyền lẫn nhà cầm quyền địa phương.
Như bao ‘dự án’ giải tỏa, di dời khác, người dân mất đất-nhà, mất đi nghề truyền thống, nhận khoản tiền bồi thường không tương xứng giá trị đất đai- nhà cửa bị thu hồi, di dời đến khu tái định cư thiếu thốn trăm bề, lại không được hướng nghiệp, chuyển đổi nghề phù hợp… dẫn đến người dân tiêu xài hết tiền bồi thường, thất nghiệp… Trong khi, theo qui định việc di dời, giải tỏa phải tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn so với cuộc sống cũ.
Không có nhận xét nào: