Kính gởi quý cơ quan truyền thông báo chí. Vào ngày 14/11/2015 vừa qua cơ sở Đảng Việt Tân tại Houston đã tổ chức một buổi sinh hoạt nhằm trao đổi về phim “Terror in Little Saigon” với đại diện các đoàn thể, cộng đồng, truyền thông và đồng hương. Xin gởi đến quý vị bài tường thuật và kính mong được tiếp tay phổ biến.
Trân trọng,
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân ---------------------
Trân trọng,
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân ---------------------
Đảng Việt Tân tiếp xúc đồng hương tại Houston
HOUSTON – Cơ sở đảng Việt Tân tại thành phố Houston đã tổ chức một buổi sinh hoạt nhằm trao đổi về phim “Terror in Little Saigon” với đại diện các đoàn thể, cộng đồng, truyền thông và đồng hương. Buổi sinh hoạt diễn ra vào lúc 1 giờ 30 chiều ngày 14 tháng 11, tại Trung Tâm Sinh Hoạt của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston vùng Tây Nam Houston.
Tham dự buổi hội thảo có đại diện Cộng đồng, các đảng phái, tổ chức quân đội, các vị nhân sĩ, đại diện các cơ quan truyền thông gồm Truyền hình BYN, Truyền hình VAN, TV Cộng đồng Online, Báo Trẻ, Thời Báo và đông đảo quý đồng hương. Toàn bộ buổi trao đổi được trực tiếp truyền thanh trên Truyền hình BYN và TV Cộng đồng Online.
Sau nghi thức khai mạc, cô Xuân Phương đại diện Cơ sở đảng Việt Tân tại Houston đã chào mừng quan khách và chia sẻ mục tiêu buổi hội thảo là nhằm trình bày quan điểm của đảng Việt Tân cũng như lắng nghe ý kiến của Cộng đồng, các tổ chức và đồng hương về cuốn phim “Terror in Little Saigon”, do nhóm phóng viên của Tổ chức ProPublica thực hiện chiếu trên hệ thống PBS vào tối mồng 3/11.
Kế đến, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân đến từ California đã lên chia sẻ về quan điểm của đảng Việt Tân. Ông Lý Thái Hùng cho biết tuy Mặt Trận và đảng Việt Tân là hai thực thể khác nhau, nhưng là hai tổ chức do cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh sáng lập vào đầu thập niên 80, và cả hai đều theo đuổi một mục tiêu tối hậu là chấm dứt chế độ độc tài cộng sản để canh tân Việt Nam.
Mặt Trận không chủ trương và cũng không liên quan gì đến việc sát hại các nhà báo Việt Nam mà nhóm phóng viên ProPublica đã ám chỉ trong phim, ông Lý Thái Hùng đã nhấn mạnh.
Dù Mặt Trận không còn hiện hữu từ nhiều năm qua, nhưng quá trình hoạt động trong hai thập niên 80 và 90 đã góp phần đáng kể vào việc nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh chống độc tài cộng sản sau năm 1975 và đã có hàng trăm đoàn viên Mặt Trận đã hy sinh mạng sống của chính mình cho đất nước, trong đó có Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, ông Lý Thái Hùng đã chia sẻ.
Sau cùng, ông Lý Thái Hùng cho rằng nhóm phóng viên đã không nắm vững bối cảnh sinh hoạt của người Việt vào những năm đầu định cư và bị hướng dẫn có dụng ý chính trị sai lạc của một người thân Hà Nội khiến cho cuộn phim không chỉ cáo buộc ác ý đối với lý tưởng đấu tranh của Mặt Trận mà còn xúc phạm đến chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn.
Dưới sự điều hợp của ông Đặng Quốc Việt, lần lượt quý vị đại diện cộng đồng, nhân sĩ đã lên phát biểu ý kiến.
Ông Trần Quốc Anh, chủ tịch Cộng đồng cho rằng cuộn phim đã không những không giúp truy tìm thủ phạm của các vụ án mà còn tạo một hình ảnh xấu cho Cộng đồng người Việt nói chung trong dư luận Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Văn Nam, Tổng bí thư Dân xã đảng cũng là cựu Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Houston trong đầu thập niên 80, cho rằng rất khó xác định ai là thủ phạm trong việc sát hại ông Nguyễn Đạm Phong vì tình hình người Việt lúc đó rất phức tạp, không chỉ có người tỵ nạn mà cả tình báo Cộng sản trà trộn. Hơn nữa ông Nam còn cho biết, chính ông đã có kinh nghiệm đấu tranh chống lại khuynh hướng thân cộng của PBS khi cho chiếu bộ phim nhiều tập về lịch sử cuộc chiến Việt Nam theo nhãn quan của CSVN vào đầu thập niên 80.
Lương y Lê Thị Thu Cúc đã bày tỏ sự bất bình về nội dung cuộn phim và cho rằng những người đoàn viên Mặt Trận là những người yêu nước, đã đóng góp tích cực trong các sinh hoạt trong cộng đồng.
Anh Xuân Tín, một đồng hương tại Houston nhưng vào giữa thập niên 80 đã cư ngụ tại Orange County, do quen biết với ông Phạm Văn Tập chủ báo Mai, anh biết rất rõ là ông Tập không bị sát hại vì lý do chính trị bởi báo Mai là báo văn nghệ; và đa số dư luận lúc đó cho rằng ông Tập bị giết là do cạnh trạnh nghề nghiệp.
Cựu Dân biểu Nguyễn Thế Linh cho biết ông là cựu chủ tịch Phong trào quốc gia yểm trợ kháng chiến tại Houston từ năm 1981 đến năm 1984; ông đã xác định rằng đóng góp của đồng bào cho Mặt Trận không là bao vì người tỵ nạn lúc đó còn quá nghèo. Mỗi năm phong trào mà ông làm Chủ tịch quyên góp tối đa là từ 3 đến 5 ngàn Mỹ Kim thì làm sao mà Mặt Trận có đến 20 triệu Mỹ Kim như ký giả A.C Thompson cáo buộc.
Giáo sư Nguyễn Chính Kết (Khối 8406), ông Lê Văn Sanh (Hội pháo binh) và một số đồng hương khác đã lên phát biểu, cho rằng cuộn phim không mang lại thông tin gì mới lạ nhằm soi sáng các vụ án mà còn gây nên sự xáo trộn trong cộng đồng. Có một số vị đã đề nghị Mặt Trận nên xúc tiến vấn đề pháp lý để chống lại các cáo buộc đầy ác ý của nhóm làm phim.
Một số người tham dự đã ký tên vào Petition online nhằm phản đối phim “Terror in Little Saigon”. Buổi trao đổi kết thúc vào lúc 4 giờ chiều.
Sau đó vào buổi tối cùng ngày, ông Lý Thái Hùng đã có một buổi trao đổi khác với các anh chị em trẻ tham gia trong các sinh hoạt của Cộng đồng, sinh viên và thương mại tại Houston.
Mai Thư tường thuật
Cô Xuân Phương đại diện đảng Việt Tân tại Houston.
Ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân đang nói chuyện với cử tọa.
Ông Trần Quốc Anh, chủ tịch Cộng đồng Houston phát biểu ý kiến.
Lương Y Lê Thị Thu Cúc phát biểu ý kiến.
-----------------Kính gởi quý cơ quan truyền thông báo chí. Nhằm mục đích làm rõ vấn đề cũng như giải thích những thắc mắc và lắng nghe ý kiến của đồng bào, Cơ sở đảng Việt Tân tại Nam California đã tổ chức một buổi gặp gỡ với cộng đồng tại hội trường Rose Center, thành phố Westminster, California, chiều ngày 14/11/2015.
Đảng Việt Tân gặp gỡ Cộng đồng tại Nam California
LITTLE SAI GON: Hơn 10 ngày qua sau khi đoạn phim “Terror in Little Saigon” được trình chiếu trên đài truyền hình PBS toàn quốc Hoa Kỳ tối 3/11, dư luận Cộng Đồng Việt Nam tại đây không ngớt bàn tán xôn xao. Nội dung phim không chỉ xuyên tạc chính nghĩa của cộng đồng mà còn cáo buộc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (viết tắt là Mặt Trận) đứng sau cái chết của một số ký giả người Mỹ gốc Việt cách đây nhiều chục năm.
Nhằm mục đích làm rõ vấn đề cùng như giải thích những thắc mắc và lắng nghe ý kiến của đồng bào, Cơ sở đảng Việt Tân - hậu thân của Mặt Trận - tại Nam California đã tổ chức một buổi gặp gỡ với cộng đồng tại hội trường Rose Center, thành phố Westminster, California, chiều ngày 14/11/2015. Với sự tham dự đông đảo của gần 200 đồng hương, buổi nói chuyện đã khai mạc vào lúc 1 giờ 30 chiều trong không khí trang trọng và thân mật.
Sau nghi thức khai mạc, các quan khách tham dự được giới thiệu gồm có: Bà Diana Carey, Nghị viên thành phố Westminster; ông Lou Correa, cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang; ông Bùi Phát, Chủ tịch Cộng đồng Quốc gia Nam Cali, Nghị viên thành phố Garden Grove; ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam San Diego; ông Nguyễn Long, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Los Angeles; ông Đoàn Thế Cường, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam; ông Nguyễn Văn Ức, Tập Thể Chiến sĩ VNCH Hải ngoại; ông Phan Tấn Ngưu, Tổng hội Cảnh sát Quốc gia; ông Nguyễn Nam Hà, Hội Cựu Quân nhân Quân đoàn IV; ông Nguyễn Kim Lang, Hội Văn Bút VN Hải ngoại; Trung tá Phạm Minh Đức, cựu Sĩ quan huấn luyện trường VBQG Đà Lạt; ông Nguyễn Văn Dũng, Hội Chuyên Gia VN; bà Trần Thị Hường, Hội Bảo vệ sự sống (từ Hà Nội, trong nhóm LS Lê Quốc Quân); ông Phan Đông, Hội Ái hữu Tây Sơn Bình Định…
Rất nhiều phóng viên và các cơ quan truyền thông địa phương đã có mặt gồm: Nhà báo Vi Anh, Cựu Dân Biểu VNCH; Phóng viên Thanh Phong, báo Viễn Đông; ông Viết Hưng, Việt Phố TV 57.10; ông Lê Huỳnh, Free VNnet và VSTAR; ông Khoa Bùi Phố BolsaTV; ông Lê Vũ, báo Việt Weekly; ông Trọng Nghĩa, TNT Radio San Diego; ông Trương Bảo Trọng, Đài Little Saigon TV; ông Phạm Khắc Đàm, Saigon TV; ông Vũ Trần, SBTN; ông Đoàn Trọng, Little Saigon TV; Phan Đại Nam, đài SBTN&SET; Ông Linh Nguyễn, báo Người Việt; ông Trần Nhật Phong đài BBC.
Mở đầu, ông Trần Trung Dũng đã thay mặt đảng bộ Việt Tân Nam Cali ngỏ lời chào mừng các quan khách hiện diện. Kế đến Bài trình bày của ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân, về các cáo buộc vô căn cứ mà cuốn phim “Terror In Little Saigon” đã quy chụp cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng như cho tổ chức Mặt Trận và Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh.
Trước hết, ông Đỗ Hoàng Điềm đã nói lên sự chia sẻ của Mặt Trận/Việt Tân về những đau đớn và mất mát mà thân nhân của những người bị sát hại đã phải gánh chịu trong bao năm qua. Đồng thời, ông cũng khẳng định rằng tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam không hề chủ trương và cũng không liên quan đến việc sát hại các ký giả người Việt như A.C. Thompson và Richard Rowley đã nêu lên trong phim.
Ông Đỗ Hoàng Điềm đã nêu ra một tiết lộ được coi là bất ngờ trong phim là vụ án thuế khóa xảy ra năm 1991 đối với một số đoàn viên Mặt Trận tại Tổng vụ hải ngoại hoàn toàn là một thủ thuật của nhóm cảnh sát điều tra tại San Jose. Mục tiêu là dùng vụ thuế khóa làm lý cớ để tìm hiểu Mặt Trận có liên quan gì hay không đến các vụ án mạng. Tuy nhiên, vào năm 1995 các công tố viên không có đủ chứng cớ để lập án trạng, và chính quan tòa đã quyết định bãi bỏ toàn bộ nội vụ trước khi xét xử.
Và sau cùng là lý do tại sao các ông Hoàng Cơ Định và ông Nguyễn Kim đã từ chối không trả lời phỏng vấn của A.C. Thompson. Theo ông Đỗ Hoàng Điềm, qua những thăm dò về cá nhân cũng như cung cách làm việc của AC Thompson và Richard Rowley, Việt Tân đánh giá những người này đã có sẵn chủ đích trong đầu. Họ không thật lòng muốn tìm hiểu sự thật mà chỉ muốn tìm kiếm, ráp nối những gì phù hợp với kết luận đã có sẵn. Bên cạnh đó, bộ phim có sự cộng tác của nhân vật Tony Nguyễn, một người có những hoạt động thân thiện với chế độ Hà Nội.
Sau phần nói chuyện của ông Đỗ Hoàng Điềm, qua sự điều hợp của Bác sĩ Đông Xuyến, Ủy viên Trung ương đảng Việt Tân, một số quan khách đã được mời lên phát biểu. Ông Bùi Phát, Chủ tịch Cộng Đồng Quốc Gia Nam Cali nhận định Tổ chức ProPublica đã bóp méo sự thật, làm thiệt hại chính nghĩa của người Việt Nam. Ông cho biết một Ủy ban đặc nhiệm sẽ nghiên cứu để đưa ra biện pháp đối phó.
Ông Nguyễn Văn Ức, đại diện Tập Thể Chiến sĩ VNCH Hải ngoại cũng đề nghị cộng đồng Việt Nam phải lên tiếng ngay với PBS. Hai quan khách khác cũng có phần phát biểu của mình là nữ Nghị viên thành phố Westminster và cựu Thượng nghị sĩ Lou Correa.
Kế đó là phần trao đổi giữa đại diện đảng Việt Tân với quý vị đại diện các cơ quan truyền thông và đồng thương.
Nhà báo Vi Anh, cựu Dân biểu VNCH phát biểu đầu tiên và đặt câu hỏi trong tư cách một công dân. Ông bày tỏ sự đồng tình với đảng Việt Tân về việc mở ra buổi tiếp xúc hôm nay và cho rằng A.C. Thompson đã thiếu đạo đức, bịa đặt và xúc phạm cộng đồng. Ông hỏi: Đảng Việt Tân có đặt vấn đề pháp lý với A.C. Thompson không? Ông Đỗ Hoàng Điềm nói trong thời gian qua đảng Việt Tân cũng đã nhận được nhiều ý kiến của mọi giới đồng bào nhằm ủng hộ, an ủi, cũng như bày tỏ sự ủng hộ Việt Tân. Ông xin ghi nhận ý kiến của nhà báo Vi Anh và việc này cần nghiên cứu trước. Trong tư cách Chủ tịch Cộng đồng, ông Bùi Phát cũng trả lời thêm, cộng đồng cũng sẽ nghiên cứu biện pháp pháp lý này.
Nhà báo Trần Nhật Phong nêu 2 câu hỏi: Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng có giấy phép hoạt động như các hội đoàn khác ở Hoa Kỳ không? Và trong quá khứ, Việt Tân có bao giờ lên án hay an ủi gia đình nạn nhân hay chỉ làm mới đây thôi? Ông Điềm chia sẻ là ở Hoa Kỳ mọi công dân có quyền làm những điều hợp pháp luật. Đấu tranh cho tự do, dân chủ là hoạt động mà Hoa Kỳ cổ xúy và hỗ trợ. Ông nói rằng chẳng những bây giờ mà đã từ lâu, Việt Tân đã an ủi thăm hỏi gia đình nạn nhân.
Ký giả Đoàn Trọng hỏi về những gì ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã nói trong một cuộc phỏng vấn, và được trả lời rằng ông Nghĩa đã ra khỏi mặt trận năm 1991, đề nghị nên hỏi thẳng những gì có liên quan tới chính ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Về câu hỏi tại sao 2 ông Hoàng Cơ Định và Nguyễn Kim từ chối gặp A.C. Thompson, ông Đỗ Hoàng Điềm trả lời: may mà 2 ông ấy không trả lời phỏng vấn của một người vốn đã có kết luận ngay từ đầu.
Tiếp theo ông Lê Vũ (báo Việt Weekly) nêu câu hỏi về cuộc đấu tranh của Mặt Trận từ 1982 và được ông Đỗ Hoàng Điềm giải thích: Mặt Trận không tiến hành chiến tranh bằng vũ khí mà đường lối của Mặt Trận là “vận dụng toàn dân, đấu tranh toàn diện, huy động sức mạnh toàn dân, dựa vào sức mình là chính để chấm dứt chế độ độc tài”.
Nhân sĩ Nguyễn Tấn Lạc nói đây là cơ hội tốt cho Việt Tân xóa tan mọi dư luận không hay bằng cách yêu cầu FBI làm sáng tỏ nội vụ. Ông Đỗ Hoàng Điềm cám ơn nhân sĩ Nguyễn Tấn Lạc và cho rằng theo quan điểm pháp luật dân chủ, mọi công dân đựợc xem là vô tội trước khi bị kết án. Việt Tân cũng không cần phải loay hoay trả lời A.C. Thompson về vấn đề này, nhất là Hà Nội luôn tạo ra dư luận để đánh phá Việt Tân.
Trả lời ông Trọng Nghĩa (Radio TNT San Diego) về một đề nghị với giới truyền thông, ông Đỗ Hoàng Điềm mong tất cả khi loan tải tin tức phải công tâm và đa chiều. Ông Nhan Hữu Mai trưng ra một bức ảnh một người chết nằm đắp một lá cờ VNCH của báo OC Weekly như một sự sỉ nhục và kêu gọi mọi người phải có thái độ với PBS.
Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, ông Đỗ Hoàng Điềm đã kêu gọi mọi người hãy đóng góp chứng cớ để đem lại công lý cho các nạn nhân. Ông cũng xác định rằng Đảng Việt Tân đấu tranh trước hết vì tấm lòng yêu nước mà không vì một lợi ích riêng tư nào. Đảng Việt Tân không chấp nhận chế độ Cộng sản độc tài đàn áp. Trên đường hoạt động, đảng Việt Tân luôn lắng nghe mọi ý kiến của đồng bào để cải sửa những bất cập trong tinh thần cầu tiến.
Cuối cùng trước khi chấm dứt chương trình, ông Trần Trung Dũng đại diện Đảng bộ Việt Tân Nam California đã ngỏ lời cám ơn quý vị dân cử, các Cộng Đồng, các Hội đoàn, các nhân sĩ và đồng bào địa phương đã bỏ thì giờ đến lắng nghe, chia sẻ và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, xây dựng.
Nhật Bình tường thuật
Ông Đỗ Hoàng Điềm trình bày cùng cử tọa.
Ông Lou Correa, cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang, phát biểu ý kiến.
Bà Diana Carey, Nghị viên thành phố Westminster, phát biểu ý kiến.
Quang cảnh buổi gặp gỡ cộng động ngày 14/11/2015.
Ông Lou Correa, cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang, phát biểu ý kiến.
Bà Diana Carey, Nghị viên thành phố Westminster, phát biểu ý kiến.
Quang cảnh buổi gặp gỡ cộng động ngày 14/11/2015.
Không có nhận xét nào: