Kết Luận Điều Tra Đề Nghị Truy Tố Ông Kim Quốc Hoa Điều 258 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 11, 2015

Kết Luận Điều Tra Đề Nghị Truy Tố Ông Kim Quốc Hoa Điều 258

Lời dẫn của Ba Sàm: Chúng tôi nhận được bản kết luận điều tra từ ông Nguyễn Quốc Dũng, con trai ông Kim Quốc Hoa, TBT báo Người Cao Tuổi. Cơ quan an ninh điều tra đã gửi kết luận điều tra này tới VKS NDTC (Vụ 1), đề nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa theo điều 258: “Chuyển bản kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ án gồm 08 tập, tổng cộng… tờ đến Viện Kiểm sát NDTC (Vụ 1), đề nghị truy tố bị can Kim Quốc Hoa về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’, quy định tại điều 258 – Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam”. Mời quý độc giả đọc thêm:


_____

Bình Luận Án

Băn khoăn việc Tổng biên tập báo Người Cao tuổi
về truy cứu hình sự do hành vi “duyệt cho đăng” bài báo

LS Trần Hồng Phong


1-11-2015

Báo chí hôm nay 1-11-2015 đưa tin Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa có Kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa – nguyên Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Bộ luật hình sự. Có lẽ đây là lần đầu tiên tổng biên tập một tờ báo – được pháp luật quy định là “cơ quan ngôn luận” bị truy tố về một tội danh liên quan đến quyền ngôn luận!

Theo báo Tuổi Trẻ, Cơ quan an ninh điều tra nhận định vụ sai phạm của ông Kim Quốc Hoa “là nghiêm trọng, liên quan đến lĩnh vực hoạt động báo chí”. Với vai trò là tổng biên tập, ông Kim Quốc Hoa bị cáo buộc đã “duyệt cho đăng 23 bài báo có những tiêu đề và nội dung sai sự thật, không có căn cứ, suy diễn chủ quan, đưa thông tin phiến diện, một chiều”.

(Bài gốc trên báo Tuổi Trẻ: Đề nghị truy tố nguyên tổng biên tập báo Người Cao Tuổi)

Trong đó, ông Hoa trực tiếp viết và duyệt đăng bài “Sự thật về “công tử” Hà thành ra Trường Sa” có nội dung sai sự thật như: “có tin cho rằng những năm gần đây, ở quần đảo Trường Sa vẫn tồn tại hiện tượng một số quân nhân nghiện ma túy nhưng vì gia đình có quan hệ nên vẫn được ra Trường Sa, lợi dụng danh nghĩa công tác để cai nghiện, rèn luyện”.

Ông Hoa cũng bị cáo buộc đưa thêm vào bài báo “Bàn về thị trường sao và vạch” nội dung sai sự thật như “trưởng công an các phường ở TP lớn hầu hết là đại tá…”.

Theo kết luận điều tra, còn có 11 cá nhân liên quan trong vụ án khi tham gia viết, biên tập các bài báo “có nội dung sai phạm” nhưng Cơ quan an ninh điều tra thấy chưa cần thiết phải xem xét xử lý hình sự.

___

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:
Qua thông tin, thì thấy ông Kim Quốc Hoa bị cáo buộc đã “duyệt cho đăng 23 bài báo có những tiêu đề và nội dung sai sự thật, không có căn cứ, suy diễn chủ quan, đưa thông tin phiến diện, một chiều”. Như vậy, nói tóm gọn là ông Hoa đã bị đề nghị truy tố, kết tội từ chính hành vi trong hoạt động nghề nghiệp – hợp pháp – của mình. Vì rõ ràng với vai trò là Tổng biên tập một tờ báo, ông Hoa không những có trách nhiệm mà còn có quyền duyệt đăng các bài báo lên tờ Người Cao Tuổi. Đó là công việc tất yếu, hàng ngày của ông Hoa Và ông Hoa được nhận tiền lương về công việc này.

Ông Kim Quốc Hoa

Thông thường, một bài báo được viết bởi phóng viên và trước khi đăng sẽ phải qua nhiều khâu như thẩm tra, biên tập và cuối cùng là Tổng biên tập duyệt đăng. Một bài đăng trên báo là sản phẩm của tập thể, nhân danh tên tờ báo đó.

Lẽ tất nhiên, không ai có thể chắc chắc được là những thông tin đăng trên báo là luôn luôn chính xác 100%.

Lẽ tất nhiên, một bài báo được đăng, là theo chủ ý hay kế hoạch định trước của con người.

Lẽ tất nhiên, trong bài báo sẽ luôn chứa đựng quan điểm, nhận định, kiến thức của phóng viên, biên tập viên và không loại trừ là cả quan điểm và sự dũng cảm của Tổng biên tập. Mà thậm chí không loại trừ cả những ý định “xấu xa” phía sau bài báo.

Với những đặc điểm đó, tất yếu là một bài báo luôn tiềm ẩn khả năng sẽ có thể phát sinh sự đụng chạm, không hài lòng hay thậm chí có thể xúc phạm, bôi xấu cá nhân hay tổ chức nào đó.

Thế nên, pháp luật đã quy định rất rõ (trong Luật báo chí, Bộ luật dân sự …vv) là nếu báo chí đăng tin bài không đúng sự thật, có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức … thì báo phải đăng lời cải chính, xin lỗi.

Bản thân “nạn nhân” (người, tổ chức bị báo nói xấu, xúc phạm …) có quyền khởi kiện, yêu cầu báo đính chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại – cả về vật chất lẫn tinh thần.

Việc khi báo sai, đương sự kiện báo là điều rất bình thường, pháp luật quy định hướng giải quyết rõ ràng.

Ở nước ngoài cũng vậy. Hẳn mọi người không quên việc ông Nicolas Sarkozy, khi đang là tổng thống Pháp, đã nhiều lần kiện báo chí, vì cho rằng báo viết sai, xúc phạm uy tín của mình.

Chính bản thân tôi, qua thực tiễn hoạt động nghề nghiệp luật sư của mình, đã từng trực tiếp trải qua nhiều lần, nhiều vai (tức là có khi làm luật sư cho bên đi kiện báo, có khi làm luật sư cho báo bị kiện). Tôi xin kể ra một vài vụ việc để mọi người dễ hình dung.

– Tôi đã tham gia một vụ kiện báo Lao Động, do đăng một bài báo nói xấu một doanh nhân. Tòa án Quận 1 (TP. HCM) đã tuyên buộc báo Lao Động phải cải chính, xin lỗi.

– Tôi đã tham gia là luật sư cho báo Pháp luật TP.HCM, bị một Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển rác kiện vì cho rằng đăng bài không đúng, xúc phạm. Tòa án quận 10 đã tuyên báo phải đính chính, hai bên đạt thỏa thuận dân sự.

– Tôi đã tham gia là luật sư kiện báo Người Lao Động trong một vụ kiện do báo này đăng hình một doanh nhân chụp chung với Giáo Hoàng với lời bình xấu. Tòa thánh Vatican đã yêu cầu doanh nhân phải làm rõ, vì Giáo Hoàng không liên quan. Tòa án Quận 3 TP. HCM đã tuyên báo Người Lao Động phải đính chính, xin lỗi.

– Tôi đã tham gia với tư cách là luật sư trong vụ một nhạc sỹ kiện báo Thanh Niên, vì báo đăng bài có hàm ý nói xấu, xúc phạm nhạc sỹ. Tòa án quận 1 TP. HCM đã tuyên báo Thanh Niên phải đính chính, xin lỗi.

– Và nhiều vụ khác nữa (hàng chục vụ) – mà tôi trực tiếp tham gia.

Từ trước tới nay, trong hoạt động báo chí, nếu báo đăng bài sai, có nội dung nói xấu, xúc phạm … thì phải xử lý và cách xử lý là như trên. Hầu như chưa từng có phóng viên hay tờ báo nào bị khởi tố hình sự do bài viết đăng trên báo của mình. Lưu ý là điều này phân biệt với việc phóng viên nhận tiền hối lộ, cố ý viết bài có nội dung theo ý mình – thì bị xử lý về tội nhận hối lộ.

Tôi đã có lần viết đơn đề nghị khởi tố một phóng viên về hành vi vu khống – qua việc viết một bài viết đăng trên báo. Nhưng Tòa án đã trả đơn, nói rằng đây là hoạt động báo chí, chứ không phải là chuyện cá nhân – cá nhân, chuyện hình sự, nên không thể khởi tố hình sự. Và tôi cũng đồng ý như vậy. (Việc viết đơn thực ra chỉ là “động tác”, nhằm thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án).

Chính vì vậy, việc một Tổng biên tập bị khởi tố vì hoạt động và nghiệp vụ báo chí của mình, quả là điều rất hiếm. Thậm chí hình như chưa từng có tiền lệ.

Tôi sẽ không bất ngờ nếu ông Kim Quốc Hoa bị truy tố về các tội “bên ngoài hoạt động báo chí” như (giả sử thôi): nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái…v.v.

Việc Tổng biên tập một tờ báo, mà bị truy tố về hành vi “duyệt đăng các bài báo” – là công việc thuộc quyền hạn của mình – làm tôi cảm thấy thực sự đáng lo ngại. Phải chăng người ta đã hình sự hóa một vấn đề mang tính dân sự, nghiệp vụ?

Tôi tự hỏi tại sao trong vụ việc này, các “nạn nhân” hay “người bị hại” – của 23 bài báo đó – nếu có – không khởi kiện, yêu cầu báo Người Cao Tuổi đính chính, xin lỗi và thậm chí bồi thường thiệt hại? Nếu có kiện hay khiếu nại, thì tại sao không thấy kết quả giải quyết – về mặt hành chính, dân sự?

Thiết nghĩ, trong công việc, nghề nghiệp của mình – nhất là khi đó lại là hoạt động nghề nghiệp hợp pháp – mỗi người đều có quyền nêu quan điểm, chính kiến của mình. Quan điểm, chính kiến ấy có thể là không trùng khớp, có độ lệch, hay thậm chí trái ngược với quan điểm của Nhà nước, thì thiết nghĩ đó cũng là điều hết sức bình thường, pháp luật cho phép và bảo hộ. (Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí – quy định trong Hiến Pháp).

Chẳng hạn như ngay chính trường hợp ông Kim Quốc Hoa, giả sử tại phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa cho ông Hoa có thể nói rằng hành vi của ông Hoa là “không phạm tội”. Quan điểm này rõ ràng trái ngược, chống lại quan điểm của Viện kiểm sát. Chẳng lẽ như vậy lại kết tội luật sư là đã “lợi dung quyền tự do dân chủ”? Thế thì nghề luật sư có còn cần thiết hay không? Có ý nghĩa gì không? Và liệu có ai dám làm nghề luật sư?

Cũng qua vụ này, thấy nghề báo có vẻ nhiều rủi ro quá. Nhất là khi viết hay đăng những bài có nội dung “tế nhị”, “nhạy cảm”!
Kết Luận Điều Tra Đề Nghị Truy Tố Ông Kim Quốc Hoa Điều 258 Reviewed by Unknown on 11/25/2015 Rating: 5 Lời dẫn của Ba Sàm : Chúng tôi nhận được bản kết luận điều tra từ ông Nguyễn Quốc Dũng, con trai ông Kim Quốc Hoa, TBT báo Người Cao Tuổi...

Không có nhận xét nào: