GNsP: Nhà cầm quyền tỉnh Kotum ngang nhiên ngăn cản các linh mục dâng đại lễ Giáng sinh tại các giáo điểm vùng sâu vùng xa thuộc giáo phận Kotum.
Thông tin trên được cha Đaminh Trần Văn Vũ, chính xứ Đăk Jâk, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kontum, cho GNsP biết vào sáng ngày 24.12.2015.
Cha Vũ cho hay: “Đây là một sự vi phạm tôn giáo, vì sự bổ nhiệm, phân bổ các anh em linh mục chúng tôi là do Giám mục giáo phận chứ không phải của chính quyền. Đối với chính quyền chúng tôi không có tư cách pháp nhân. Do đó, tất cả mọi công việc của giáo họ đều thông qua Giám mục, vì thế tối nay chính Đức cha sẽ dâng lễ cho bà con giáo dân ở đây.”
Cho đến nay, giáo xứ Đăk Jâk đã có hơn 5000 giáo dân gồm người Kinh, Sêđăng, Hơlăng và Jeh.
Một giáo điểm khác cho bà con dân tộc Xê Đăng thuộc làng Kon Pia, xã Đắk Hà, huyện Tumơrông, do cha Tuấn phụ trách cũng bị nhà cầm quyền gây khó khăn, không cho dâng thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh. Giáo điểm có hơn 3000 bà con giáo dân.
‘Ngăn cản’ các linh mục dâng lễ là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Luật pháp hiện hành
Chưa bàn đến quyền tự do Tôn giáo qui định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà nhà cầm quyền Việt Nam tham gia, ngay cả luật pháp do nhà cầm quyền đề ra, căn bản của Hiến pháp và pháp luật là nhắm đến “tôn trọng, bảo đảm quyền tự do Tôn Giáo” được quy định tại Điều 24 Hiến pháp; tại Điều 1 Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo; tại Điều 2 Nghị định 92/2012/NĐ-CP. Do vậy, Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo quy định tại khoản 1 Điều 9: “Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.”. Và khoản 1 Điều 11 cũng quy định “Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.”. Như vậy tín đồ không bị ràng buộc việc thực hiện các hoạt động Tôn giáo ở cơ sở Tôn giáo, nghĩa là việc thực hành các lễ nghi, cầu nguyện… là bất kỳ ở đâu. Còn các nhà chức sắc, nhà tu hành bị ràng buộc “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” trong phạm vi phụ trách và “giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo”. Ví dụ, Đức Giám Mục có quyền thực hiện lễ nghi Tôn giáo ở bất kỳ nơi nào trong giáo phận của Ngài phụ trách, còn việc ‘giảng đạo, truyền đạo” thì Ngài phải giảng dạy tại các cơ sơ Tôn giáo. Chính vì lẽ đó mà tại Quyết định số 1119/QĐ-BNV ngày 10/10/2013 của Bộ Nội vụ về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tín ngưỡng Tôn giáo (“Quyết định số 1119/QĐ-BNV”) chỉ có thủ tục “chấp thuận việc giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo”.
Xin nhấn mạnh, khoản 4 Điều 5 Luật đất đai 2013 qui định, cơ sở Tôn giáo “gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”. Cha Vũ hoặc cha Tuấn được Đức Giám mục -trong phạm vi phụ trách Giáo phận- bổ nhiệm phụ trách khu vực Giáo xứ Đăk Jâk. Do đó, nhà cầm quyền xã Đăk Môn ngăn cấm không cho cha Đa Minh Trần Văn Vũ “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” trong phạm vi phụ trách và “giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo” là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Luật pháp hiện hành.
‘Cấm’ các em học sinh-sinh viên tham gia ngày lễ Giáng sinh
Một điểm đáng nói khác là cách đây không lâu, Đức Cha Micae Giáo phận Kon Tum đã từng có Thư chung, chỉ rõ Lễ Giáng Sinh đã là ngày Lễ quốc tế, chỉ còn vài ba nước- trong đó có Việt Nam là còn chưa xem đây là ngày Lễ chính thức, thậm chí, thực hiện chính sách ‘hạn chế Tôn Giáo’, nhà cầm quyền này đã cố tình -thông qua các thầy, cô giáo- buộc học sinh đi học, thi học kỳ vào chính ngày Lễ Giáng sinh.
Một em học sinh một trường trung học phổ thông ở Sài Gòn đã viết ‘tâm tư’ của mình trên diễn đàn của nhà trường: ‘Chỉ còn vài ngày nữa là sang năm mới rồi… nhưng những vất vả của năm cũ vẫn còn vấn vương. Sau một kì thi căng thẳng, tưởng rằng tụi em sẽ được có những ngày giải lao giữa kì, nhưng thực tế thì………. Noel là ngày vui của học sinh, ấy thế mà phải ngậm ngùi đeo balo vào trường…trong khi ấy các trường THPT của các bạn cùng trang lứa lại được nghỉ …thiết nghĩ Trần Đại Nghĩa là trường chuyên mà còn được nghỉ ngày 25/12 nhưng sao trường ta vẫn thinh lặng. Không biết ban giám hiệu và quý thầy cô có kế hoạch ra sao. Nhưng mong rằng thầy cô cũng thông cảm và hiểu tâm lí của học sinh, trong không khí vừa kết thúc học kì một, vừa Noel, lễ tết mà không được nghỉ vài ngày thì cũng rất buồn và ức chế. Dù trường có tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời, nhưng có lẽ 2-3 ngày được vui chơi và nghỉ ngơi sau một học kì vất vả thì điều đó sẽ vui hơn và thoải mái hơn nhiều. Vậy có khó quá chăng ?? Mong thầy cô thu nhận ý kiến và có kế hoạch phù hợp để giúp học sinh có thể thoải mái và vui vẻ trước khi bước vào một học kì đầy cam go mới. Em xin cám ơn”
Cũng cần biết, ở Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Hongkong, Đài Loan, Ấn Độ đều dành một ngày nghỉ để toàn dân tổ chức mừng Giáng sinh. Riêng Philippin, thời gian nghỉ Lễ Giáng sinh là một tuần.
Pv.GNsP
Không có nhận xét nào: