Nhà cầm quyền Tp.HCM ‘bảo kê’ dự án kinh doanh? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 12, 2015

Nhà cầm quyền Tp.HCM ‘bảo kê’ dự án kinh doanh?

GNsP: Trả lời phỏng vấn, một quan chức chính phủ nói rõ: “Nếu doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận, vì mục đích kinh tế, thì dứt khoát phải thỏa thuận giá với người có quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự. Giao dịch dân sự tức là hai bên thỏa thuận, nếu doanh nghiệp và người dân thỏa thuận được về giá thì thực hiện giao dịch chuyển nhượng QSDĐ, không thì thôi, Nhà nước không can thiệp. Vì vậy, trước khi định đầu tư vào đâu, doanh nghiệp phải lường trước, tính toán hiệu quả đầu tư…”.  Ông này còn khẳng định: “tất cả dự án, ngoài dự án được xác định là vì lợi ích kinh tế – xã hội, vì mục đích công cộng, phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận với tất cả người dân có đất bị thu hồi, Nhà nước dứt khoát không can thiệp bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Doanh nghiệp thỏa thuận được với tất cả người dân có đất bị thu hồi thì đầu tư, không thì thôi, không lẫn lộn cơ chế thu hồi và cơ chế thỏa thuận…”

Ai, đã đẩy người dân vào đường bần cùng?
“Họ lấy nhà của tôi, tôi muốn tự vẫn luôn. Nói thiệt chúng tôi sống ở đây gần 40 năm, đột nhiên nhà nước vô lấy nhà của tôi, bây giờ tôi chỉ muốn chết luôn đó. Cả cuộc đời chúng tôi mới dựng lên một gia đình mà bây giờ họ lấy nhà làm con cháu chúng tôi tứ tán các nơi. Tôi mong muốn nhà đầu tư ở đây bồi thường thỏa đáng cho người dân để chúng tôi đi nơi khác có cái nhà để ở, bây giờ chúng tôi đang ở ngoài đường đó.” Đó là nỗi đau của cụ Trần Công Hoàng, 78 tuổi, bị nhà cầm quyền phường 22, quận Bình Thạnh, Tp.HCM cưỡng chế nhà vào ngày 15.12.2015.
Ông cụ xót xa khi chứng kiến cảnh nhà cửa của cụ bị đập phá tan hoang, con cháu không nhà, không cửa, mất công ăn việc làm, chạy vạy khắp nơi để tìm chỗ ở nhờ qua đêm. Cụ Hoàng, cả một cuộc đời vất vả cơm áo gạo tiền nhưng về già cũng không được thảnh thơi mà phải lo âu nghĩ không biết khi nhắm mắt lìa trần cụ sẽ được mai táng ở đâu.
Con gái ông cụ cũng cho biết, khi đoàn cưỡng chế vào nhà toan tính lấy đồ và tháo dỡ nhà cửa, ông cụ đã lấy dây xích choàng vào cổ và hét lên rằng, “ai mà đụng vào nhà tôi, tôi sẽ xiết cổ để chết tại đây”. Đoàn cưỡng chế không dám làm gì, họ đi qua nhà khác cưỡng chế. Sau đó, họ lại qua nhà ông, đưa ông cụ ra ngoài và cưỡng chế ngôi nhà của ông -suốt gần 40 năm gia đình ông sinh sống.
Ông Trần Công Hoàng, 78 tuổi, choàng xây xích vào cổ, tự vẫn khi đoàn cưỡng chế xông vào nhà.
Ông Trần Công Hoàng, 78 tuổi, choàng xây xích vào cổ, đòi tự vẫn khi đoàn cưỡng chế xông vào nhà.
Một bà cụ đã hơn 80 tuổi tên là Nguyễn Thị Cứng, mẹ của ông Nguyễn Văn Khá, có căn hộ gần ngay nhà ông cụ, tuy sức khỏe bà kém nhưng bà nhất quyết không chịu rời khỏi căn nhà khi đoàn cưỡng chế vào nhà uy hiếp và đuổi hết con cháu bà ra ngoài. Nhưng cuối cùng, đoàn cưỡng chế cũng tháo dỡ đồ đạc trong nhà và đập phá tan tành ngôi nhà của bà.
Hiện nay, những người lớn tuổi, các em nhỏ và người dân nơi đây phải đi sống nhờ người quen mai đây mai đó, bởi vì họ cũng không đủ khả năng thuê một căn nhà nhỏ hay một phòng trọ với mức giá trên 5 triệu cho cả một đại gia đình từ 5 người trở lên sinh sống, khi công việc chính của các hộ dân này là chạy xe ôm, bán quán nước, bán tạp hóa…
Đau đớn hơn cho những bà mẹ có con đang thời gian thi học kỳ, không có nơi ở, không có chỗ học, phải chạy qua nhà bạn bè tá túc ôn thi. Bà Mai khóc nức nở: “Con của tôi hiện nay đang sống nhờ nhà bạn của nó, ngày kia lại chuyển qua nhà mợ nó ở. Một tuần lễ nữa nó thi rồi, làm sao mà nó yên chí học bài đây. Mẹ con chỉ được gặp nhau qua điện thoại thôi.”
hình 2
Những căn hộ bị đập phá khi nhà cầm quyền bồi thường không thỏa đáng cho 60 hộ dân thuộc Hẻm 132, khu phố 5, phường 22, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM.
hinh 3
hinh 4
hinh 5
Ông Hoàng, 78 tuổi, và bà Cứng, ngoài 80 tuổi, đau xót khi nhà cầm quyền đập phá ngôi nhà của ông bà đã gầy dựng gần 40 năm qua. Mai đây, khi nằm xuống, các cụ sẽ được mai táng ở đâu? Đó là nỗi trăn trở của hai ông bà.
hinh 6
Nhà bà Mai bị đập phá, vợ chồng bà đi ở nhờ nhà người quen, con trai lớn của bà qua nhà bạn tá túc ôn thi học kỳ, đứa con trai nhỏ theo cha mẹ ở mai đây mai đó.
Dự án có mục đích kinh tế kinh doanh ‘núp bóng’ nhà cầm quyền ?
30 căn hộ thuộc dãy nhà A đang bị đập phá được nhà cầm quyền rào chắn bởi lưới và sắt B40 xung quanh, cấm người dân ra vào khu vực này. 30 căn hộ còn lại thuộc dãy nhà B sẽ bị đập phá trong nay mai, trong khi chủ các căn hộ này đã cho các gia đình thuộc dãy A ở nhờ suốt mấy ngày vừa qua. Mai đây 30 căn hộ còn lại sẽ bị đập phá hết, người dân sẽ đi về đâu? Cuộc sống của họ sẽ ra sao? Vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ cho nhà cầm quyền quận Bình Thạnh Tp.HCM.
Những căn hộ bị đập phá được bồi thường một cách rẻ mạt từ khoảng 800 triệu – 1 tỷ VNĐ, không đủ mua một căn hộ chung cư xuống cấp, tồi tàn. 60 căn hộ bị giải tỏa này nằm ngay bên cạnh căn hộ cao cấp sang trọng đắt tiền Saigon Pearl dành cho những người giàu có. Ông Khá, một hộ dân bị cưỡng chế đất, cho biết: “Họ bán 1m2 đất trên 2000 USD, một căn biệt thực trên 20 tỷ VNĐ”.
Cách khu dân cư này khoảng 100m, dự án ‘khu căn hộ chung cư và biệt thự cao cấp Vinhomes Tân Cảng’ đang được xây dựng với quy mô hơn 43ha, tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng. Liệu, nhà đầu tư nào đó đã ‘mua chuộc’, ‘núp bóng’ nhà cầm quyền để ‘bảo kê’ cho dự án của họ được thực hiện trên những khu đất bị cưỡng chế một cách bất công và oan khiên, và những khoản tiền bồi thường mà người dân bị thiệt hại sẽ ‘chạy’ về túi quan?
Nếu như nhà cầm quyền không quan tâm hay giải quyết một cách thấu tình đạt lý bằng cách bồi thường công bằng cho chính người dân, thì đây chính là con đường ngắn nhất và nhanh nhất đẩy người dân vào các vấn nạn xã hội, khi cả gia đình họ không có nhà ở và thất nghiệp.
hinh 7
30 căn hộ thuộc dãy nhà A đang bị đập phá được nhà cầm quyền rào chắn bởi lưới và sắt B40 xung quanh. 30 căn hộ còn lại thuộc dãy nhà B sẽ bị đập phá trong nay mai.
hinh 8
Các cư dân Hẻm 132, khu phố 5, phường 22, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh sống lây lất bên ngoài đường phố và tá túc nhà người quen.

Dự án có mục đích kinh tế ‘nhập nhèm’ dự án vì công cộng
Xin được phép nhắc lại, đất của các hộ dân nơi đây có từ năm 1978 và có giấy tờ hợp pháp.. Vào năm 1992, Ban lãnh đạo thành phố bắt đầu cho triển khai các dự án nhà cao tầng… Đây là dự án mà từ nhiều năm qua, chính truyền thông của nhà cầm quyền cũng phải lên tiếng cho rằng “nhập nhèm” giữa các quyết định cấp thủ tướng, UB thành phố. Theo đó, ban đầu dự án được thủ tướng duyệt toàn bộ 29.827m2 đất đều sử dụng để “tái định cư”. Nhưng UB TP lại “nhập nhèm” lẫn lộn quyết định “xây dựng khu nhà ở tái định cư” với “khu nhà ở cao tầng” (kinh doanh). Kinh doanh, nhưng UB lại đứng ra thu hồi đất, bồi thường theo giá “nhà nước” phục vụ công ích (tái định cư) thay cho “chủ đầu tư”. Kết quả, dự án từ khi được duyệt năm 2001 đến nay, kéo dài hơn 10 năm, vẫn chưa thực hiện được, người dân thì thua thiệt, khổ sở… nhà nước thì bị mất niềm tin, không nghiêm. Thua thiệt cả đơn lẫn kép như vậy, cũng vì “tham lam”, ngu dốt mà ra. Nhà cầm quyền chỉ có thể sửa sai “vì dân”, trước mắt dừng cưỡng chế, nhanh chóng kiểm tra, cho thỏa thuận giá đền bù giữa dân và chủ đầu tư, tạo nơi ăn chốn ở mới cho người dân “có điều kiện tốt hơn chỗ ở cũ” đúng theo qui định.
Huyền Trang, GNsP
Nhà cầm quyền Tp.HCM ‘bảo kê’ dự án kinh doanh? Reviewed by Phụng Thiên on 12/22/2015 Rating: 5 GNsP: Trả lời phỏng vấn, một quan chức chính phủ nói rõ: “Nếu doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận, vì mụ...

Không có nhận xét nào: