Hoàng Sơn: Theo nghiên cứu của Keneth Janda trong công trình có tựa đề “Đảng chính trị trong khung cảnh lý thuyết và thực tiễn” [1] đã khái quát có 5 loại mô hình cho luật về đảng chính trị trên thế giới như sau: Mô hình cấm đoán; mô hình chấp thuận; mô hình phát triển; mô hình bảo vệ; và mô hình quy định.[2]
Mô hình cấm đoán
Hiện nay trên thế giới, mô hình cấm đoán đang tồn tại ở một số quốc gia, cho dù các từ ngữ “bất hợp pháp” hoặc “ngoài vòng pháp luật” không hề xuất hiện trong hệ thống luật pháp về đảng của các quốc gia này. Nếu các nhà nước muốn “đặt một đảng chính trị nào đó ra ngoài vòng pháp luật”, các nhà nước này có xu hướng từ chối hoặc không thừa nhận địa vị pháp lý của đảng đó. Một cách thường gặp là các quốc gia không quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp của họ. Tuy nhiên, nếu chỉ không nhắc tới đảng chính trị trong hiến pháp chưa đủ để nhận xét đó là mô hình theo dạng này.
Theo một thống kê của tổ chức Freedom House năm 2004[3] thì Hiến pháp của các quốc gia bao gồm: Grenada, Ireland, Jamaica, Japan và Hoa Kỳ tuy không có các quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp nhưng được xếp vào loại các hệ thống pháp luật tự do đối với các đảng chính trị.
Còn đối với Hiến pháp của các quốc gia Oman, Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cũng không có các quy định về đảng chính trị nhưng lại được tổ chức này xếp vào loại “không tự do cho các đảng chính trị”. Thậm chí dù có quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp, điều đó cũng không đủ để khẳng định là có tự do cho các đảng chính trị khác hoạt động. Như trong điều 28 Hiến pháp của Turmenikistan quy định: “ Mọi công dân đều có quyền thành lập đảng chính trị và các tổ chức công cộng khác trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật..”. Tuy nhiên, Freedom House lại xếp mức độ tự do hoạt động của các đảng chính trị tại quốc gia này ở dưới các nước Trung đông như Qatar, Tunisia và Ả rập Saudi.
Một số Hiến pháp của các nền dân chủ cho dù không nhắc gì tới việc tự do hoạt động cho các đảng chính trị, nhưng như vậy không có nghĩa là không thực hiện sự tự do ấy trong thực tế.
Ta có thể so sánh giữa Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa kỳ và điều 39 của Hiến pháp Ả rập Saudi. Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ nêu: “Nghị viện không làm luật để tôn xưng sự khai lập một tôn giáo, hoặc ngăn cấm sự tự do hành đạo, hoặc hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí, hoặc quyền của người dân được hội họp trong hòa bình và quyền yêu sách chính phủ về việc sửa sai những bất công”[4]. Còn điều 39 Hiến pháp Ả rập Saudi nêu: “ Thông tin, công bố và tất cả các phương tiện thông tin đại chúng khác phải sử dụng những ngôn từ chuẩn mực và trong quy định của pháp luật, và phải góp phần giáo dục mọi người và thúc đẩy sự thống nhất. Tất cả những hành vi nào giúp đỡ, khuyến khích cho việc nổi loạn, chia cách hoặc gây tổn hại đến an ninh quốc gia cũng như các mối quan hệ công cộng hay là xúc phạm đến các quyền và nhân phẩm của người khác sẽ bị nghiêm trị. Các đạo luật của nhà nước sẽ quy định cụ thể về vấn đề này”[5].
Trong cả hai văn bản này, ta thấy, đều không nhắc tới các đảng chính trị, tuy nhiên, các đảng chính trị sẽ được bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và tự do cạnh tranh theo quy định tại Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ. Còn tại điều 39 Hiến pháp Ả rập Saudi thì không chấp nhận các hành vi khuyến khích việc gây mất đoàn kết và ảnh hưởng đến việc thống nhất trong đất nước. Mà rất có thể, đảng cầm quyền sẽ sử dụng bộ máy nhà nước để ngăn cản và cáo buộc các chỉ trích từ các đảng chính trị đối lập là vi phạm quy định này.
Thêm nữa, một số quốc gia đặt ngoài vòng pháp luật với một số loại hình đảng chính trị, ví dụ như luật pháp về đảng chính trị của 6 quốc gia, bao gồm Angeri, Ba Lan, Bờ Biển Ngà, Hà Lan, Senegal và Ý cấm một số loại hình đảng chính trị tồn tại và hoạt động. Đó là các đảng chính trị liên quan đến các hành vi làm lệch lạc xã hội, bị nước ngoài thao túng và sử dụng bạo lực.[6] Điều 12 Hiến pháp Ý quy định: “cấm tái lập các đảng phát xít, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào”. Luật về đảng theo mô hình này thường chỉ hạn chế một số loại hình đảng chính trị nào đó cũng như một số hoạt động nào đó của đảng chính trị chứ không hạn chế tất cả các đảng hoặc tất cả các hoạt động của các đảng chính trị.
Mô hình chấp thuận
Là mô hình luật về đảng chính trị mà cho phép các đảng chính trị tồn tại và hoạt động mà không cần có các quy định cụ thể về tư cách thành viên của các đảng đó, cũng như đảng chính trị đó được tổ chức như thế nào, việc lựa chọn các ứng viên trong đảng được thực hiện ra sao, các vấn đề tài chính của đảng được thực thi như thế nào.
Mô hình này còn được gọi là mô hình lassez faire tức là để mặc cho tự hoạt động. Tuy nhiên, tự hoạt động phải được hiểu là trong khuôn khổ nhất định của pháp luật. Một ví dụ cụ thể của mô hình này là Hiến pháp của Andorra – một quốc gia nhỏ ở Tây Nam châu Âu. Trong điều 26 của Hiến pháp Andorra quy định: “Tất cả các công dân Andorra đều có quyền tự do thành lập các đảng phái chính trị. Các tính năng và việc tổ chức các đảng phái chính trị này phải tuân thủ nguyên tắc dân chủ. Các hoạt động của các đảng phái chính trị này phải tuân thủ luật pháp. Các hành vi ngăn cản hoạt động của các đảng phái chính trị sẽ phải chịu trách nhiệm trước tòa án”[7].
Nhiều quốc gia theo mô hình luật về đảng chính trị kiểu này đã thiết lập các quy định để ngăn ngừa các nhóm hoạt động vũ trang, ví dụ như trong Hiến pháp của Estonia, mặc dù chỉ có duy nhất một điều khoản quy định liên quan đến đảng chính trị, ở điều 48, quy định về “quyền tham gia” , nhưng lại có các quy định kèm theo để nhằm hạn chế một số vấn đề mà họ cho là cần thiết:
- “Tất cả người dân Estonia đều có quyền thành lập các tổ chức và các liên minh (chính trị) phi lợi nhuận. Và chỉ các công dân Estonia mới có thể trở thành thành viên của các tổ chức này.
- Việc thành lập các tổ chức hoặc các liên minh có sở hữu vũ khí hoặc được trang bị quân sự hoặc tiến hành các hoạt động quân sự cần phải đáp ứng những quy định đặc biệt, việc đồng ý các yêu cầu đặc biệt này phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Các tổ chức, liên minh hoặc các đảng phái chính trị giúp đỡ hoặc có hành động trực tiếp liên quan đến bạo lực nhằm thay đổi hệ thống thể chế của Estonia hoặc vi phạm tới luật hình sự Estonia sẽ bị nghiêm trị.
- Việc giải tán hoặc ngăn chặn hoạt động của một tổ chức, liên minh hoặc một đảng phái chính trị nào đó, và các hành vi hình sự hóa, trong trường hợp vi phạm pháp luật sẽ được giải quyết thông qua các phán quyết của tòa án”[8].
Thậm chí, các quốc gia xây dựng luật theo mô hình này có thể ban hành nhiều quy định chi tiết về đảng chính trị ngay trong hiến pháp của họ, mà Andorra, Estonia và Úc là những ví dụ cụ thể.
Mô hình phát triển
Mô hình này có sự khuyến khích đối với các hoạt động của các đảng chính trị.
Các nhà nước sử dụng mô hình này nhiều khi ban hành các quy định của luật pháp không những khuyến khích các hoạt động của các đảng chính trị mà còn khuyến khích cả các sáng kiến của họ. Một số học giả cho rằng, ở mô hình này, các quốc gia khuyến khích hoạt động của các đảng chính trị thông qua các quy định trong bầu cử và ứng cử các đại diện của các đảng phái trong nghị viện.[9] Tiêu biểu cho ý kiến này là quan điểm của Richard Katz và Peter Mair.[10]
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng các quy định này không có ý nghĩa bao nhiêu trong việc khuyến khích các hoạt động của các đảng phái chính trị khác nhau trong một thể chế đa đảng, bởi vì tự thân các đảng phái chính trị đó, sau khi họ đã chiếm một số lượng ghế nhất định trong nghị viện, họ sẽ phải tìm cách đảm bảo các vị trí của họ.
Ví dụ trong hiến pháp của Na Uy và Hoa Kỳ: Hiến pháp Na Uy được thông qua năm 1814, chỉ 25 năm sau khi Hiến pháp Hoa Kỳ ra đời. Cho đến nay, cả hai bản Hiến pháp này đều đã được tu chính. Trong cả hai bản Hiến pháp này, đều không nhắc tới các đảng chính trị, tuy nhiên, trong bản tu chính của Hiến pháp Na Uy năm 1995, đã quy định chi tiết về hoạt động bầu cử ứng viên đại diện, trong đó, quy định chi tiết về số lượng ứng viên cụ thể trong mỗi đảng chính trị tham gia ứng cử vào nghị viện. Chính sự quy định chi tiết này đã giúp cho hoạt động của các đảng chính trị tham gia hoạt động tranh cử rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh hoạt động của nhiều đảng chính trị khác nhau. Trong mô hình này là phía lập pháp đã có những quy định cụ thể, công khai, được áp dụng thực tế tạo thành một khung khổ pháp lý minh bạch, công bằng cho tất cả các đảng chính trị trong cuộc tranh đua giành quyền lực chính trị.
Mô hình bảo vệ
Mô hình này thường là của những nước chỉ có một đảng duy nhất trong hệ thống chính trị, theo đó, các quốc gia này luôn tuyên bố chỉ có một đảng duy nhất đang cầm quyền là hợp pháp, ví dụ như trường hợp đảng Ba’th của Syria. Một biểu hiện dễ thấy của mô hình này là đảng sẽ kiểm soát toàn bộ các ứng viên tranh cử cũng như quá trình bầu cử.
Mô hình quy định
Trong mô hình này, các quốc gia duy trì một hệ thống chính trị đa đảng, nhưng họ sẽ kiểm soát rất chặt tổ chức và hoạt động của các đảng chính trị bằng cách sẽ ban hành các quy định cụ thể cho việc hoạt động của các đảng phái chính trị, các quy định này bao gồm những gì các đảng chính trị được làm, những gì không được làm, nhằm kiểm soát việc tổ chức và hoạt động của các đảng chính trị.
Một khảo sát cho thấy có 42 quốc gia trên thế giới đang sử dụng luật về đảng theo mô hình này.[11] Trong 42 quốc gia đó, có 3 quốc gia của Tây Âu là Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, hệ thống luật về đảng của Đức và Tây ban nha yêu cầu tổ chức và hoạt động của các đảng chính trị phải tuân thủ nguyên tắc “dân chủ”[12]. Còn Hiến pháp Bồ Đào Nha không những quy định chi tiết về cách thức tổ chức trong đảng chính trị phải “tổ chức và quản trị theo nguyên tắc dân chủ” mà còn đưa ra những quy định cụ thể về cách đặt tên đảng phái đó, cũng như các quy định các biểu tượng của đảng phái đó phải được thực hiện như thế nào.[13]
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, có 11 quốc gia Mỹ La-tinh đã thiết lập hệ thống luật về đảng của mình giống Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.[14] Các quốc gia như Nepal, Liberia và Nigeria thì lại dùng Hiến pháp để quy định về những điều chi tiết cho hoạt động và tổ chức của các đảng chính trị.
Trong Hiến pháp năm 1990 của Nepal quy định cụ thể về việc đăng ký hoạt động của đảng chính trị, bao gồm cả việc đặt tên đảng, bầu chọn lãnh đạo đảng, yêu cầu bắt buộc đối với việc bầu chọn các thành phần trong đảng với thời gian 5 năm một lần, và các hạn chế trong việc lựa chọn biểu tượng của đảng chính trị.[15] Hai điều trong Hiến pháp của Liberia năm 1984 còn quy định cụ thể về việc đảng chính trị phải đăng ký như thế nào, đặt tên như thế nào, đặt trụ sở ở đâu và lựa chọn ứng viên như thế nào.[16]
Hiến pháp Nigeria thì quy định chặt chẽ cho đảng chính trị ở nhiều điều khoản khác nhau, ví dụ như quy định tên và địa chỉ hoạt động của đảng chính trị đó phải được đăng ký với ủy ban bầu cử quốc gia. Nếu có bất kỳ điều gì thay đổi trong điều lệ của đảng đó thì phải báo cáo với ủy ban bầu cử quốc gia trong thời hạn 30 ngày. Trụ sở chính của đảng đó phải đặt trong phạm vi thủ đô Nigeria. Các quy định này cũng cấm các đảng chính trị đặt tên hoặc sử dụng biểu tượng liên quan đến bất kỳ tộc người, tôn giáo hay nhóm địa phương nào. Điều khoản khác thì quy định về chu kỳ bầu cử (không được quá 4 năm ) và tại các địa phương không được ít hơn 2/3 số bang trong toàn liên bang.
Kỳ tới: Luật về đảng chính trị quy định những gì?
Tài liệu tham khảo:
[2] Kenneth Janda, tlđd, trang 8.
[3] Xem tại www.freedomhouse.org.
[4] http://www.law.cornell.edu/constitution/first_amendment
[6] Article 42 of the Algerian Constitution
[9] Kenneth Janda, tlđd, trang 11.
[10] Richard S. Katz and Peter Mair, “Changing Models of Party Organization and Party Democracy: The Emergence of the Cartel Party,” Party Politics 1 (January 1995), trang 16.
[11] Kenneth Janda, tlđd, trang 14.
[12] Germany’s Constitution, điều 21; Spain’s Constitution, điều 6 [Political Parties]
[13] Portugal’s Constitution, điều 51. Political Associations and Parties
[14] Kenneth Janda, tlđd, trang 14.
[15] Nepal’s Constitution, điều 113.
[16] Liberia’s Constitution, điều 79
Không có nhận xét nào: