Vạch mặt 20 kiểu ngụy biện phổ biến của người Việt - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 1, 2016

Vạch mặt 20 kiểu ngụy biện phổ biến của người Việt


Ohay.tv: Trong bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt xem xét những kiểu ngụy biện phổ biến nhất thường gặp trong tranh luận, kèm theo những ví dụ minh họa rất sinh động và hài hước. Tôi sẽ cố gắng trình bày một cách đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu nhất. Nếu một hôm nào đó, bạn tranh luận với một người và phát hiện ra người đó sử dụng một trong những ngụy biện này thì hãy dẫn link bài viết này cho họ đọc.


1. Ngụy biện tấn công cá nhân
Đây là kiểu ngụy biện tấn công vào đối thủ tranh luận thay vì tập trung vào vấn đề đang tranh luận, trong khi người tranh luận và vấn đề vốn dĩ không liên quan gì tới nhau.
Ví dụ 1:
Rõ ràng trong ví dụ này, B đang sử dụng ngụy biện tấn công cá nhân. Thay vì lập luận để phân tích ra A giải sai bài toán ở chỗ nào thì B chỉ đơn thuần công kích cá nhân A. Lập luận như vậy hoàn toàn không có bất kỳ giá trị nào.



Ngụy biện tấn công cá nhân này có rất nhiều biến thể. Sau đây chúng ta sẽ xét một vài biến thể của nó.

1.1. Biến thể Ngụy biện “Bạn cũng thế”
A tuyên bố một điều. B ngụy biện rằng A hành động trái ngược với tuyên bố của chính mình cho nên tuyên bố của A là sai. Sự thật thì dù A hành động như thế nào cũng chẳng ảnh hưởng đến đúng sai của tuyên bố.
Ví dụ 1.1:
Cha (A): “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Con không nên tập hút thuốc.”
Con (B): “Vậy tại sao cha hút thuốc? Cha hút được thì con cũng hút được.”
Rõ ràng trong ví dụ này, đứa con (B) đã sử dụng ngụy biên Tu quoque. Đứa con cho rằng vì cha hút thuốc nên điều cha nói về việc hút thuốc có hại cho sức khỏe là sai. Trong thực tế, hành động hút thuốc của người cha không liên quan gì tới tính đúng sai của mệnh đề mà người cha phát biểu.

1.2. Biến thể Ngụy biện “Cáo buộc thiên vị”:
Ngụy biện này cho rằng vì một người thuộc một tổ chức, phe phái nào đó nên chắc chắn những lập luận của người đó sẽ không có giá trị vì người đó sẽ thiên vị cho tổ chức, phe phái của mình.
Ví dụ 1.2:
A; “Quan điểm của tôi về vấn đề này là…”
B: “Cha anh A là Đảng viên đảng X nên chắc chắn anh A sẽ thiên vị cho Đảng X, quan điểm của anh A không có giá trị.”
Như vậy trong ví dụ này B đã ngụy biện bằng cách cáo buộc A thiên vị cho Đảng X mặc dù không hề có bằng chứng về việc đó.

1.3. Biến thể Ngụy biện “Bạn không đủ thầm quyền”:
Ngụy biện này mặc định rằng chỉ vì một người không đủ thẩm quyền hoặc trình độ trong một lĩnh vực nào đó thì chứng tỏ tất cả mọi phát biểu của anh ta về vấn đề đó đều sai.
Ví dụ 1.3:
Thực khách (A): “Món ăn này dở quá, tôi không nuốt nổi!”
Người phục vụ (B): “Anh không phải là đầu bếp nên anh không đủ trình độ để nhận xét về món ăn này!”
Rõ ràng B đã sử dụng ngụy biện. A không cần phải là một đầu bếp mà chỉ cần có vị giác bình thường là đủ để biết được món ăn ngon hay dở.

1.4. Biến thể ngụy biện “Văng tục chửi thề”:
Đây là biến thể thấp hèn nhất trong số các biến thể của ad hominem. Người sử dụng ngụy biện này đơn giản chẳng cần phải lý luận gì cả, chỉ cần văng tục chửi thề vào mỗi lập luận của đối thủ.
Ví dụ 1.4:
A: “Lập luận của tôi là…Bởi vì…cho nên…Như vậy…bla…bla…”
B: “Đờ mờ! Mày đi chết đi!”

2. Ngụy biện đảo ngược nhân quả:
Ngụy biện này còn có tên khác là “Ngụy biện khẳng định hậu thức” hay “Ngụy biện giả định nguyên nhân”. Những người sử dụng ngụy biện này rất thích suy luận ngược từ hậu quả ra nguyên nhân.
Ví dụ 2:
A: “Mèo bị chó cắn thì sẽ chết. Con mèo này chết, chứng tỏ nó bị chó cắn.”Thực ra có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến một con mèo chết: bị điện giật chết, bị ngộ độc thức ăn chết, bị xe cán chết, đi ăn vụng bị người ta đập chết, bị bệnh chết… Nhưng anh A chỉ chăm chăm vào một nguyên nhân là bị chó cắn chết. Tất nhiên chúng ta cũng không loại trừ khả năng con mèo này bị chó cắn chết, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều khả năng có thể xảy ra. Khẳng định chắc chắn nguyên nhân như vậy khi chưa thu thập thêm thông tin cần thiết rõ ràng là một sự ngụy biện.

3. Ngụy biện giả định thông tin không có thực (Ngụy biện tiên nghiệm):
Người sử dụng loại ngụy biện này sẽ đưa ra một thông tin để hỗ trợ cho lập luận của mình mặc dù không nêu ra được bất cứ bằng chứng nào về tính đúng đắn của thông tin đó.
Ví dụ 3a:
A: “Thằng hàng xóm hôm nay cư xử hơi lạ, chắc hẳn nó là kẻ tối hôm qua đột nhập vào ăn cắp con gà nhà mình rồi!”
Thực ra chẳng có bằng chứng nào để chứng minh thằng hàng xóm ăn cắp con gà, ngoài việc nó “cư xử hơi lạ” theo con mắt cảm tính của anh A.

Ví dụ 3b:
Sếp (B) nói với nhân viên (C): “Chẳng cần kiểm tra tôi cũng biết anh lén chơi game trong giờ làm việc!”
Ủa, không kiểm tra làm sao ông biết được hắn chơi game trong giờ làm việc?

4. Ngụy biện quyền lực (ad verecundiam):

Ngụy biện này có 2 biến thể:

Biến thể 4.1. Loại ngụy biện này cho rằng vì một người nổi tiếng trong lĩnh vực X cũng đồng nghĩa với việc người đó hiểu biết trong những lĩnh vực khác như Y, Z…
Ví dụ 4.1a:
A: “Ý kiến của tôi về việc tăng thuế đã được nhiều nhà học giả nổi tiếng trong lĩnh vực thú y, sản khoa và nghệ thuật tự do ủng hộ.” (Vâng, nhưng không có bất kỳ nhà kinh tế học nào ủng hộ anh ta)
Ví dụ 4.1b:
B: “Bởi cô ấy là một diễn viên ca sĩ nổi tiếng nên tôi nghĩ rằng ý kiến của cô về chính sách đối ngoại và xuất nhập khẩu là hoàn toàn đúng đắn.”

Biến thể 4.2. Loại ngụy biện này cho rằng vì một người nổi tiếng trong lĩnh vực X nên tất cả những gì người đó nói về lĩnh vực X đều đúng.
Ví dụ 4.2: A: “Anh B là một người tốt nghiệp Đại học kinh tế nên chắc chắn anh ta không bao giờ có thể phát biểu sai khi nói về kinh tế được.”

5. Ngụy biện nặc danh (Ngụy biện không thể kiểm chứng):
Cũng là một loại ngụy biện viện dẫn thẩm quyền tuy nhiên người được viện dẫn lại không được nêu tên cụ thể, từ đó đối thủ không thể kiểm chứng được tính đúng sai.
Ví dụ 5:
A: “Các nhà khoa học đã chứng minh rằng uống nước ngọt có lẫn côn trùng như ruồi, gián, kiến… sẽ làm gia tăng tuổi thọ.”
Vấn đề là “các nhà khoa học” đó là những ai? Tên gì? Làm việc ở viện nghiên cứu hay trường Đại học nào? Nghiên cứu đó được xuất bản khi nào, trên tạp chí nào? Tất nhiên sẽ chẳng ai biết được liệu A có bịa ra các nhà khoa học đó hay không.

6. Ngụy biện ngoại suy (Ngụy biện tương đồng hóa những đối tượng không tương đồng):
Ngụy biện này cho rằng vì 2 đối tượng A và B có một số nét giống nhau nên tất cả các khía cạnh khác của A cũng phải giống hệt B. Vì mèo cũng có 4 chân như chó nên mèo cũng phải sủa “gâu gâu” như chó.
Ví dụ 6:
A: “Xã hội loài người cũng tương tự như cơ thể con người, làm việc hiệu quả nhất khi được điều khiển bởi một bộ não thống nhất. Do đó một chế độ độc tài luôn làm việc hiệu quả hơn một chế độ dân chủ.”
Ngụy biện này dựa trên việc xã hội và cơ thể có một chút tương đồng nên cho rằng 2 đối tượng đó giống hệt nhau về mọi khía cạnh.

7. Ngụy biện lấy trường hợp cá biệt để đại diện cho toàn thể:
Các xu hướng, quy luật thường có một số ít những trường hợp ngoại lệ. Người sử dụng ngụy biện này thường lấy những trường hợp ngoại lệ cá biệt đó để phủ nhận xu hướng chung.
Ví dụ 7:
A: “Theo các nghiên cứu của tác giả Tom Corley, có một mối tương quan có ý nghĩa thống kê giữa khả năng tự học của một người và thành công tài chính của người đó.”
B: “Ông sếp của tôi rất lười học hỏi mà ông ta vẫn giàu đấy thôi!”
Việc B viện dẫn ra một trường hợp cá biệt cũng chẳng thể phủ nhận mối tương quan về mặt thống kê mà A nhắc tới.

8. Ngụy biện rẽ đôi (Ngụy biện giới hạn 2 lựa chọn):
Là loại ngụy biện giới hạn câu trả lời xuống còn 2 lựa chọn, không trắng thì phải đen, nếu anh không phải là đồng minh của chúng tôi thì anh chắc chắn là kẻ thù (không có trung lập).
Ví dụ 8:
Người mẹ nói với đứa con: “Con muốn dọn đồ chơi lên trên tủ hay dọn vào thùng giấy?”
Rõ ràng ở đây người mẹ đã sử dụng ngụy biện rẽ đôi (kết hợp với ngụy biện câu hỏi phức-xem ở mục 11) để loại bỏ các lựa chọn khác (ví dụ lựa chọn không dọn đồ chơi) và chỉ để lại 2 lựa chọn. Tuy nhiên hãy cẩn thận, gieo gió có thể sẽ gặp bão. Mười năm sau đứa con nói với mẹ: “Mai là sinh nhật con! Mẹ muốn mua cho con một cái laptop mới hay một chiếc xe máy?” Lại là một ngụy biện rẽ đôi khác nhưng lần này là từ đứa con.

9. Ngụy biện lối mòn:
Là loại ngụy biện cho rằng cái gì đã tồn tại lâu đời hoặc đã được quen thuộc thì đều tốt. Người sử dụng ngụy biện này tin rằng cái gì đã từng hoạt động hiệu quả trong quá khứ thì sẽ luôn hoạt động hiệu quả trong hiện tại và tương lai, cho dù hoàn cảnh và môi trường có thay đổi như thế nào.
Ví dụ 9:
Ông chủ (A) nói với nhân viên: “Công ty chúng ta trước giờ vẫn sản xuất thủ công như vậy có làm sao đâu? Chẳng cần phải đổi mới công nghệ làm gì!”

10. Ngụy biện vòng vo (Điệp nguyên luận – petition principia):
Là loại ngụy biện dùng chính nó để chứng minh nó thông qua một chuỗi lý luận vòng vo.
Ví dụ 10:
A: Anh phải tin tôi! Cậu bé đánh giày có thể làm chứng cho tôi!
B: Sao tôi phải tin cậu ta?
A: Vì cậu ta làm một người trung thực, thưa ngài! Tôi có thể làm chứng cho sự trung thực của cậu ta!
Trong ví dụ này, A đã sử dụng ngụy biện vòng vo.

11.Ngụy biện câu hỏi phức:
Là loại ngụy biện mà trong đó một câu hỏi dạng có/không được tạo thành từ 2 hay nhiều câu hỏi khác nhau. Bằng cách đó thông tin sai sẽ được đưa vào câu hỏi và được mặc nhiên thừa nhận là đúng.
Ví dụ 11:
A: “Ngoài phân bò ra, bạn có ăn gì khác không?”
Rõ ràng với câu hỏi này, người trả lời cho dù trả lời “có” hay “không” thì cũng đều thừa nhận là mình ăn phân bò.



12. Ngụy biện khái quát hóa vội vã (secundum quid)

Là ngụy biện bằng cách khái quát hóa từ vài ví dụ lặt vặt và có thể không mang tính đại diện.
Ví dụ 12:
A: “Mấy con mèo nhà tôi đều có lông màu tam thể, chứng tỏ tất cả mèo trên thế giới đều có lông màu tam thể.”
Nếu một ngày nào đó bắt gặp một con mèo đen, không biết anh A này sẽ ngạc nhiên như thế nào?

13.Ngụy biện tổng thể:
Đây là loại ngụy biện cho rằng cái gì đúng với bộ phận thì sẽ đúng với tổng thể.
Ví dụ 13:
A: “Những nhân viên này mỗi người đều làm việc rất giỏi. Chắc chắn khi tập hợp lại họ sẽ tạo thành đội nhóm tuyệt vời.”
Vấn đề là nếu một vài thành viên trong nhóm có mâu thuẫn với nhau thì sao? Hoặc họ không thể phối hợp một cách nhịp nhàng với nhau? Hoặc họ không biết cách làm việc theo nhóm? Cho dù mỗi bộ phận đều tốt nhưng khi kết hợp lại chưa chắc tổng thể sẽ tốt.

14. Ngụy biện thiếu nhất quán (Kết luận chối bỏ tiên đề):

Kết luận chối bỏ tiên đề là một loại ngụy biện “Ôi trời, tôi quên mất tôi đã nói gì lúc đầu rồi!” Ngụy biện này bắt đầu với một số điều chắc chắn đúng rồi sau đó kết luận lại mâu thuẫn thẳng thừng với những khẳng định ban đầu. Nó tạo ra mâu thuẫn logic.
Ví dụ 14:
A: “Con trai, vì trên thế gian này không có gì chắc chắn, chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm bản thân!”
B: “Cha chắc không?”
A: “Có chứ con trai. Ta chắc chắn!”

15. Ngụy biện tiên đề mâu thuẫn:
Là loại ngụy biện mà tiên đề tự mâu thuẫn với chính nó.
Ví dụ 15:
Chuyện ngày xưa kể rằng có một người chuyên đi bán mâu (giống cây giáo) và thuẫn (tấm khiên), để bán được hàng anh ta không tiếc lời khen về sản phẩm của mình. Một lần, tại một ngôi làng nọ, anh ta cầm chiếc thuẫn lên và lớn tiếng rao: “Các vị hãy đến đây mà xem, đây là chiếc thuẫn nổi tiếng thế giới, kiên cố không gì so sánh được, không chiếc mâu nào có thể đâm thủng được nó.”
Nghe vậy, mọi người xúm lại xem hàng của anh ta rất đông, và không ngớt bình phẩm. Người này thấy lời rao của mình có hiệu quả thì vô cùng đắc ý, anh ta lại nhấc chiếc mâu lên tán dương: “Các vị lại mà xem chiếc mâu của tôi, được đúc thuần bằng sắt thép nên sắc bén vô cùng, không chiếc thuẫn nào có thể cản được nó.” Mọi người xung quanh nghe thấy vậy đều cười ầm lên. Lúc đó, có một người đến trước mặt người lái buôn và nói: “Theo như anh nói, thì chiếc mâu của anh sắc bén có thể đâm thủng chiếc thuẫn kiên cố nhất, còn chiếc thuẫn của anh thì lại cứng chắc nhất thế giới, bất kì chiếc mâu sắc bén nào cũng không thể đỡ được. Vậy trước mặt mọi người, anh hãy thử dùng chiếc mâu đâm vào chiếc thuẫn xem kết quả như thế nào.”
Người bán buôn này nghe nói vậy cứng miệng, không nói được câu nào, vội vàng nhặt mâu và thuẫn của mình, biến mất trong tiếng cười của đám đông.

16. Ngụy biện hài hước:

Là ngụy biện sử dụng sự hài hước hoặc những câu nói gây cười để đánh lạc hướng người nghe ra khỏi luận điểm tranh luận, đòng thời khéo léo bôi nhọ đối thủ.
Ví dụ 16:
A: “Luận điểm của đối phương làm tôi nhớ đến một câu chuyện buồn cười như sau…”

17. Ngụy biện cứng đầu (Lapidem, argumentum ad):
Là loại ngụy biện mặc kệ và bỏ ngoài tai tất cả mọi lý luận của đối phương, chỉ khăng khăng giữ ý kiến của mình dù ý kiến đó có bị chứng minh là sai đi nữa.
Ví dụ 17:
“Anh ấy là bạn của tôi, tôi sẽ không nghe bất kỳ lời nói xấu nào về anh ta.”

18. Ngụy biện lối nói lập lờ:

Là ngụy biện bằng cách sử dụng những từ ngữ đa nghĩa, tối nghĩa để chuyển một khái niệm này sang một khái niệm khác có cùng tên gọi. Lối ngụy biện này rất được các chính trị gia ưa thích.
Ví dụ 18:
Nửa ổ bánh mỳ thì hơn là không có gì.
Không có gì quan trọng hơn sức khỏe.
Do đó nửa ổ bánh mỳ quan trọng hơn sức khỏe.4

19. Ngụy biện bù nhìn rơm:
Là ngụy biện bẻ cong, xuyên tạc lập luận của đối thủ khiến nó có ý nghĩa khác đi, rồi sau đó mới tấn công.
Ví dụ 19:
A: “Giới hạn tốc độ trên đường cao tốc này là không cần thiết.”
B: “Nếu tất cả mọi người có thể đi với bất cứ tốc độ nà họ muốn ở bất cứ nơi đâu, rất nhiều tai nạn giao thông sẽ xảy ra.”
Trong ví dụ trên, B đã dùng ngụy biện bù nhìn rơm để xuyên tác ý kiến của A.

20. Ngụy biện bằng cách tác động vào cảm xúc:

Kẻ ngụy biện khai thác và lợi dụng cảm xúc của người nghe như lòng trắc ẩn, nỗi sợ hãi, sự ganh ghét, tính sĩ diện…
Ví dụ 20:
A: “Tôi phản đối việc bỏ tù kẻ giết người hàng loạt này! Các bạn hãy đặt mình vào vị trí của anh ta xem sao, bị vây trong 4 bức tường lạnh lẽo, cách ly khỏi xã hội suốt nhiều năm, bị cộng đồng quay lưng. Các bạn không thấy anh ta quá tội nghiệp hay sao?”

Thật là cảm động!
Vạch mặt 20 kiểu ngụy biện phổ biến của người Việt Reviewed by Phụng Thiên on 1/11/2016 Rating: 5 Ohay.tv: Trong bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt xem xét những kiểu ngụy biện phổ biến nhất thường gặp trong tranh luận, kèm theo những v...

Không có nhận xét nào: