TNCG: Trong suốt chiểu dài lịch sử giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc tội lỗi và đi đến sự tự do đích thực, chúng ta thấy không thiếu những gương hi sinh hết sức lớn lao của từng cá nhân và từng dân tộc.
Không ai có thể đứng ngoài cuộc và dửng dưng với các thực tại xã hội đang hiện hữu, mỗi người có quyền và trách nhiệm liên đới để xây dựng và biến đổi cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Dù là người dân bình thường, lão phụ, trung niên, nam nữ hay các bậc chân tu.
Các cuộc biểu tình diễn ra gần đây phản đối công ty Formosa Vũng Áng tại Hà Tĩnh xả thải chất độc ra biển gây nên thảm họa cá chết và khiến cho môi sinh môi trường sống của người dân trở nên tồi tệ. Nhiều thành phần dân chúng đã xuống đường bày tỏ chính kiến của mình, trong đó có các bậc chân tu. Điều này là một điều đáng hoan nghênh chứ chưa nói đến là bình thường.
Nhiều Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và các Linh mục Giáo phận Vinh đã thực hiện quyền công dân của mình và làm chứng cho tình yêu Chúa đối với tha nhân và thực tại trần thế trong hành động quả quyết đồng hành cùng với nhân dân xuống đường đòi công lý phải được thực thi và tôn trọng.
Ngày nay người đời cần chứng nhân hơn thầy dạy. Xưa Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Như Phaolô đã viết: “Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, họan nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Paul Lộc, Giuse Nguyễn Văn Toản thuộc DCCT và các Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và cha Trần Đình Tề tại Giáo phận Vinh đã xuống đường cùng nhân dân cả nước chính là đang dìm mình trong hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo cùng với tha nhân.
Trong bức thư chung của Tòa TGM Xã Đoài về Thảm họa ô nhiễm Môi Trường Biển tại Miền Trung kêu gọi tín hữu “thực hiện quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế quy định, thể hiện cách ôn hòa quyền đòi hỏi minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ gây ra phải bị xét xử đúng với công lý.”
Thật vậy, như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Chỉ các hành động yêu thương kèm theo lời giảng mới có sức thuyết phục con người thời nay tin theo Đức Giêsu.
Giá trị thực sự nằm ở chỗ các Linh mục không chỉ đứng trên bục giảng diễn thuyết Lời Chúa, và Lời Chúa cũng không chỉ dừng lại trên các cuốn Thánh Kinh, mà Lời Chúa phải được diễn đạt bằng những hành động cụ thể thiết thực trong đời sống thực tại trần thế.
Giáo hội Công Giáo không mưu ích quyền bính chính trị thế quyền nhưng có trách nhiệm trước các vấn đề của xã hội về cả ba mặt; đối tượng, mục đích và nội dung.
“Hành động của Giáo Hội nhằm xây dựng công lý và tham gia vào việc biến đổi thế giới nên tốt hơn là một chiều kích cấu thành (a constitutive dimension) trong sứ mạng của Gíáo Hội nhằm cứu rỗi nhân loại và giải thoát họ khỏi mọi tình trạng áp bức”. Thực ra, đây không phải là điều gì mới mẻ nhưng là đòi hỏi cắm rễ sâu trong truyền thống lâu đời của Kitô giáo.
Giáo dân hay người ngoại đạo không chỉ lắng nghe Lời Chúa trên môi trên miệng mà cần được thể hiện sống động giữa cuộc đời trần thế. Ai cũng muốn được vác Thánh Giá theo chân Chúa, nhưng mà đến phút cuối bị đóng đinh trên thập tự thì lại sợ sệt. Ai cũng muốn lên tiếng về sự thật nhưng giá phải đổi là nhà tù thì mấy ai chấp nhận đây?
Paulus Lê Sơn, GNsP
Không có nhận xét nào: