TNCG: Vẫn chưa có một câu trả lời chính thức về nguyên nhân cá chết. Sự im lặng và những cách nói lập lờ từ phía những người có trách nhiệm không những đã không giải quyết được gì, mà còn khiến nhiều người thêm bức xúc. Vừa lo lắng cho môi trường sống vừa lo lắng cho vận mệnh của tương lai, nhiều người đã dương cao tấm biểu ngữ: “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”. Khi thông tin không minh bạch, thì đương nhiên sẽ phát sinh nhiều lời đồn đoán.
Bài viết này không muốn thêm vào một lời đồn hay một giả đoán. Từ góc độ tôn giáo, bài viết muốn góp một chút suy tư về những nguyên nhân sâu xa gây nên thảm trạng cá chết hàng loạt dọc bờ biển Miền Trung, dưới sự hướng dẫn của thông điệp “Laudato Si” (LS). Thông điệp này được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô ban hành tại Roma ngày 24.05.2015, được diễn đạt không chỉ bằng ngôn ngữ tôn giáo và thích hợp không chỉ cho những người thuộc công giáo.
Tại sao phải nhất quyết đi tìm nguyên nhân?
Vì không thể không đi tìm. Là người có tâm thì không ai có thể dửng dưng trước thảm hoạ đang diễn ra trong ‘căn nhà chung’ mà mình đang sống, nhất là ngay chính trên quê hương xứ sở của mình.
Trong thời gian cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót, hẳn chúng ta còn nghe vọng vang lời nhắn nhủ tha thiết từ vị Cha chung của chúng ta: “Chúng ta đừng để mình ngập ngừng trong thái độ dửng dưng đáng xấu hổ… Ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ”.[1] Theo đó, sự dửng dưng bị gọi là thái độ đáng xấu hổ. Sự dửng dưng lãnh đạm được ví như chiếc mặt nạ, được dùng để che phủ thói giả hình và tính ích kỷ. Vượt ra khỏi thái độ dửng dưng lãnh đạm là một cách cụ thể sống Lòng Thương Xót của người công giáo trong Năm Thánh này.
Hay như gần hơn, chúng ta tìm thấy một lối nói thấu tình đạt lý trong thư chung của ĐGM Giáo Phận Vinh viết về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển: “Rất có thể con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: ‘Vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con?’”. Không có gì ngạc nhiên khi câu hỏi nhắm vào việc chúng ta đã “làm gì”. Thực tế, “chung tay phá đổ những rào cản” hay “làm gì” là những cách nói khởi đi từ nguồn cảm hứng của Kinh Thánh. Hẳn chúng ta biết rằng, đời sống đạo đức của một người Ki-tô hữu không được phép chỉ gói gọn trong việc “không làm chuyện xấu”, nhưng còn là “phải làm điều tốt”. Chung cục, Thiên Chúa sẽ chất vấn chúng ta về những điều tốt chúng ta đã không làm (Cf. Mt 25,31-46). Cũng vậy, thánh Gia-cô-bê khẳng định: “kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 5,13).
Như vậy, có thể nói rằng việc đi tìm nguyên nhân là một cách xét mình. Chúng ta không đi tìm nguyên nhân theo kiểu phải lần cho ra kẻ chịu trách nhiệm chính của thảm hoạ để ném đá và kết án. Chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại xã hội mình đang sống, nhìn lại trách nhiệm mà chúng ta phải có với thế hệ tương lai. Bởi lẽ, “chỉ nói rằng chúng ta phải bận lòng về thế hệ tương lai thì không đủ! Chính chúng ta, chứ không ai khác, phải là những người đầu tiên có trách nhiệm để lại cho thế hệ con cháu một hành tinh có thể ở được” (LS 160). Trong bối cảnh của đất nước chúng ta, vừa không ngừng tuyên bố muốn xây dựng một đất nước vững mạnh, vừa chỉ lo chú tâm khai thác những nguồn lợi của hiện tại theo cách bất chấp hậu quả cho tương lai, thì không khác gì đang tự vả vào miệng mình. Không thể có một đất nước vững mạnh nếu cái mà thế hệ tương lai được kế thừa chỉ là gánh nặng và những nợ nần để lại từ thế hệ cha ông.
Nguyên nhân đến từ con người
Thiên nhiên có khả năng thích ứng với thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên khó thích ứng với những can thiệp thô bạo từ con người, nhất là những can thiệp đến từ ý định chỉ muốn trục lợi kinh tế và chấp chấp hậu quả. Thế nên những lời đổ lỗi cho thiên nhiên, như triều cường đỏ, tảo đỏ, ô nhiễm tiếng ồn… đều là những kiểu nói lấp liếm và không thuyết phục. Chúng ta biết rằng nguyên do gốc rễ của việc cá chết hàng loạt đến từ con người chứ không phải từ thiên nhiên.
“Sẽ là vô ích nếu chỉ mô tả các triệu chứng chứ không nhận biết những nguyên do nhân loại gây ra cuộc khủng hoảng sinh thái” (LS 101), đó là câu khởi đầu chương III của thông điệp Laudato Sì, “những nguyên do nhân loại của cuộc khủng hoảng sinh thái”. Theo đó, con người chính là nguyên do. Đằng sau cuộc khủng hoảng sinh thái là cuộc khủng hoảng về con người và về xã hội. “Chúng ta đang phải đối diện không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một cuộc khủng hoảng môi trường và một cuộc khủng hoảng xã hội, nhưng đúng hơn là với một cuộc khủng hoảng phức tạp cả về môi trường lẫn xã hội” (LS 141). Bởi lẽ, “thoái hoá môi trường sống và thoái hoá môi trường nhân loại đi liền với nhau. Sẽ là không thích đáng nếu chỉ nói về thoái hoá môi trường sống, mà không để ý đến những căn nguyên làm thoái hoá con người và xã hội” (LS 48).
Như vậy, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng sinh thái, theo Laudato Sì, có thể quy về một mối: “nền sinh thái con người” đang bị biến chất[2]. Nếu nguyên nhân đến từ con người, việc “chỉ tìm kiếm một giải pháp kỹ thuật cho vấn đề sinh thái có nghĩa là cô lập và che giấu chuyện trong thực tế móc nối với rất nhiều những vấn đề sâu xa khác”. (LS 111). Đâu là những vấn đề sâu xa khác mà chúng ta có thể nghĩ đến?
Đọc xuyên suốt thông điệp, có thể tóm lại rằng: vấn đề sâu xa nằm trong não trạng thống trị của con người, được cụ thể hoá trong cách con người sử dụng quyền lực. Trong bối cảnh của thông điệp, phạm vi “quyền lực” được nhắc đến nhiều nhất là trong lãnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Trong bối cảnh của chúng ta, chúng ta có thể nới rộng những điều được phân tích đến cả phạm vi chính trị và xã hội.
“Chưa bao giờ con người ngày nay lại có nhiều quyền lực đến như vậy, lại chẳng có gì đảm bảo rằng con người sẽ sử dụng tốt quyền lực ấy” (LS 104). Nhưng một cách cụ thể “con người” là ai? Trong bối cảnh chung cho toàn cầu, thông điệp phải dùng một ngôn ngữ chung. Nhưng trong bối cảnh cụ thể của mỗi xã hội, thông điệp gởi đến những lời chất vấn cụ thể: “Những quyền lực ấy đang nằm ở đâu? Trong tay ai? Là nguy hiểm khủng khiếp khi quyền lực nằm trong tay của một nhóm nhỏ” (LS 104). Thí dụ minh nhiên được nhắc đến để minh hoạ cho mối nguy hiểm khủng khiếp là trường hợp của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, và những chế độ độc tài toàn trị (Cf. LS 104).
Như thế, có thể nói rằng khái niệm sinh thái theo tinh thần của thông điệp Laudato Sì là một nền sinh thái toàn diện. Những hệ quả lưu lại trên nền sinh thái tự nhiên là dấu chỉ hữu hình phản ánh chính nền sinh thái xã hội. Nhưng để có được một nền sinh thái xã hội lành mạnh, cần có những tổ chức xã hội lành mạnh. Khi sự không lành mạnh nằm trong chính những tổ chức xã hội có trách nhiệm quan trọng và có quyền quyết định vận mệnh của xã hội, thì một nền sinh thái xã hội lành mạnh là chuyện bất khả thi, và một nền sinh thái tự nhiên trong sạch là chuyện vô cùng khó khăn. Vì thế, để thăng tiến môi trường sinh thái, thông điệp khích lệ việc dấn thân của mọi công dân trong các lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, để tạo ra “một sức ép chính đáng và cần thiết đối với những người nắm quyền về chính trị, xã hội và kinh tế” (LS 206). Khi người công dân không kiểm soát được việc thực thi quyền lực chính trị, thì việc kiểm soát những huỷ hoại môi trường là bất khả thi (LS 179).
Cá chết, và những cái chết khác
Nhìn trong viễn tượng của một nền sinh thái toàn diện, có thể nói rằng câu chuyện không dừng lại ở việc cá chết. Cá chết là cái hậu quả hữu hình. Nhưng chắc chắn đó chưa phải là hậu quả duy nhất và nghiêm trọng nhất. Cái chết của cá nói về nhiều cái chết khác, vô hình nhưng nguy hại hơn rất nhiều.
Cá chết vì nước bị nhiễm bẩn. Nếu cái chết ấy bị thả rơi vào trong im lặng, kéo theo sẽ là những cái chết khác của biển và của cả một hệ sinh thái vùng duyên hải miền Trung. Xét từ một mặt, cái chết hàng loạt của cá kéo theo nhiều cái chết khác. Cái chết của sự tín nhiệm dành cho những người có trách nhiệm. Cái chết của niềm tự hào vô lối rằng “đất nước ta rừng vàng biển bạc”. Cái chết của xác tín duy vật và đầy tính thống trị đối với thiên nhiên “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Xét từ một mặt khác, vẫn ước mong rằng cái chết của cá nên là một hồi chuông gióng lên để cáo chung cho nhiều cái chết khác, có giá trị tính cực và xây dựng hơn. Cái chết của sự vô tâm và vô cảm, để chúng ta không còn ngoảnh mặt làm thinh trước những tàn hại gây ra do một cơ chế quản lý đầy vấn đề. Cái chết của sự sợ hãi, để chúng ta không còn thu mình lại và tách mình xa khỏi những vấn đề xã hội chính trị. Cái chết của lối sống cục bộ và ích kỷ, để sự liên đới và tình người được lớn lên giữa lòng dân tộc.
Tạm Kết
“Người Ki-tô hữu tốt cũng là người công dân tốt”. Đây có thể là một cách diễn đạt của lời dạy từ công đồng Vatican II: “mọi Ki-tô hữu đều phải ý thức về ơn gọi đặc biệt của mình trong cộng đoàn chính trị”[3]. Những biến cố nghiêm trọng của cộng đồng xã hội vừa là thách đố nhưng cũng vừa là cơ hội để cộng đoàn Ki-tô hữu sống và bộc lộ căn tính của mình. Như muối cho đời và men trong bột, ơn gọi của Giáo Hội là tan ra giữa lòng thế giới để cho đi sự sống của riêng mình. Bằng không, muối hay men cũng đều trở thành vô dụng.
Hành trình hội nhập và dấn thân tích cực trong hoàn cảnh cụ thể của một xã hội là trách nhiệm không thể miễn trừ của Giáo Hội của Đức Ki-tô. Trong trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội Việt Nam, lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là vô cùng ý nghĩa và đặc biệt hữu ích: “Tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích, bị nhiễm bẩn vì đã ở trên đường, hơn là một Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bấu víu vào sự an toàn của riêng mình… Thay vì sợ mắc sai lầm, chúng ta hãy sợ việc đóng kín mình trong những cơ cấu chỉ mang đến cho chúng ta một sự an toàn giả tạo, trong những luật lệ biến chúng ta thành những vị quan toà không biết chạnh lòng, hay trong những thói quen sống an toàn trong khi bên ngoài còn bao nhiêu người đói khát. Và lời của Đức Giê-su vẫn lặp lại không ngừng với chúng ta: “Chính anh em hãy cho họ ăn!’”.[4]
Cao Gia An, SJ
[1] Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Tông Thư “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 15.
[2] Trong một thư chung nổi tiếng lên án tệ nạn tham nhũng, viết năm 1991 tại Plática, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergolio nói: “Ngày nay người ta nói nhiều về tham nhũng và lũng đoạn, nhất là trong lãnh vực chính trị… Mọi lũng đoạn của xã hội đều bắt nguồn từ sự lũng đoạn của từng cá nhân, sự lũng đoạn trong trái tim con người” (Jorge Mario Bergolio, Corrupción y Pecado, Claretiana – Buenos Aires, 2013, nn.1-2).
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, số 75.
[4] Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, số 49.
Nguồn: http://dongten.net/noidung/60549
Không có nhận xét nào: