Nơi rốn thảm họa miền trung: ai là của dân và ai thuộc về dân? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 6, 2016

Nơi rốn thảm họa miền trung: ai là của dân và ai thuộc về dân?

TNCG: Cùng trong một buổi sáng, gần 1000 người dân Đông Yên từ chối đến trụ sở chính quyền xã để nhận quà cứu trợ, nhưng vỡ òa niềm vui khi bất ngờ được Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ghé thăm.

Thảm họa môi trường biển miền Trung thật khủng khiếp. Hàng chục triệu con người đang phải trực tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thảm họa đó.

Nhiều tấm lòng trắc ẩn khắp nơi đã không thể ngồi yên nhìn những nạn nhân của thảm họa bị đẩy vào chỗ chết. Nhiều cuộc kêu gọi cứu trợ đã được phát động và những tấm lòng nhân ái của cộng đồng đã đến với miền Trung, nơi xảy ra thảm họa biển.

Nhưng chính quyền tại một số địa phương đã không trân trọng những tấm lòng nhân ái ấy. Trong số đó, có chính quyền xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Một cuộc cứu trợ bị buộc phải thông qua chính quyền


Sáng 16/6, đoàn từ thiện Quỹ Cầu Vồng từ Sài Gòn vượt hàng ngày cây số để đến trao quà cho bà con giáo dân Đông Yên (cũ) thuộc xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, đoàn Quỹ Cầu Vồng đã cho người ra Vũng Áng đi tiền trạm. Họ đã liên hệ với UBND xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), xin được trao quà thiện tâm tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi.

Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi trả lời rằng tại thị xã Kỳ Anh, đơn vị đặc trách công việc này là MTTQ Thị xã. Đại diện đoàn Quỹ Cầu Vồng đã phải lặn lội trở lại Trụ sở MTTQ Thị xã Kỳ Anh, gặp cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch MTTQ Thị xã để trực tiếp trao đổi về việc trao quà cứu trợ. Thời gian trao quà, số lượng quà, đối tượng nhận quà và địa điểm trao quà đều được trao đổi kỹ lưỡng và chi tiết. Trong đó, địa điểm trao quà sẽ là sân bóng thôn Đông Yên cũ.

Những tưởng việc đem chút quà biểu hiện tấm lòng của những ân nhân đến an ủi các nạn nhân nơi đây sẽ cứ thế mà tiến hành, vì đã bàn bạc, thống nhất với chính quyền thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và đã được chính quyền cho phép.

Thế nhưng mọi việc không đơn giản như người ta tưởng.

Khi đoàn mang quà đến, chính những người đại diện chính quyền tự xưng là “của dân, do dân và vì dân” đã tráo trở.

Vừa đến nơi, đoàn cứu trợ bị đích thân ông Lê Đình Trọng, Phó Chủ tịch MTTQ Thị xã Kỳ Anh, yêu cầu đến cơ quan chở ông cùng đi để “có sự chỉ đạo”.

Sau đó, thay vì đến địa điểm thôn Đông Yên như đã hẹn với người dân và như đoàn đã chuẩn bị theo sự thống nhất trước với chính quyền, thì vị “đại diện chính quyền sở tại” lại yêu cầu tài xế cho xe vào trụ sở UBND xã Kỳ Lợi và yêu cầu bà con đến nhận quà tại đó.

Gần 1000 người dân Đông Yên đã từ chối đến nhận quà cứu trợ tại trụ sở chính quyền xã Kỳ Lợi, mặc dù họ rất trân trọng và rất cảm động trước tấm lòng của đoàn từ thiện. Lý do của người dân thật đơn giản: từ lâu, chính quyền tự nhận là “của dân, do dân, vì dân” nơi đây đã tự chứng tỏ hoàn toàn không phải là của dân mà ngược lại.

Thực tế, chính quyền đã đẩy họ ra khỏi quê hương bản quán mà họ đã xây dựng và vun đắp bằng xương máu hàng trăm năm qua, cho dù hoàn toàn không có một căn cứ luật pháp nào, mà chỉ để thỏa mãn lợi ích của một phe nhóm nào đó muốn cướp quê hương của họ để kiếm ăn. Dù không có bất cứ cơ sở luật pháp nào, nhưng chính quyền đã sử dụng đầy đủ bạo lực công quyền để đàn áp họ, bằng những thiết bị và lực lượng được mua sắm và được nuôi sống nhờ chính những đồng thuế mà họ một nắng hai sương làm lụng để đóng góp. Độc ác hơn, để ép buộc người dân bỏ đất mà ra, bỏ nhà mà đi, chính quyền đã đập phá ngay cả trường học của trẻ, ép cha mẹ các cháu phải di dời đến nơi chính quyền muốn. Kết quả là 155 học sinh Đông Yên bị thất học hai năm nay chưa ai quan tâm giải quyết. Các em đã trở thành con tin của nhà cầm quyền.

Với những kinh nghiệm đó của mình, người dân Đông Yên đã cự tuyệt việc nhà cầm quyền cố tình buộc đoàn từ thiện đưa quà vào văn phòng Ủy ban Xã để buộc người dân đến nhận như một sự ra ơn của chính quyền đối với dân.

Và thế là đoàn từ thiện, đã vượt qua hàng ngàn cây số mang theo tấm lòng của muôn người phương xa, vẫn không thể trao quà cho người dân Đông Yên, dù chỉ còn cách Đông Yên có 300m.

Tất cả cơ sự chỉ vì chính quyền địa phương tráo trở.

Người dân Đông Yên chấp nhận lặn lòi ngoi nước kiếm ăn từng bữa trong hoạn nạn vì thảm họa. Người dân Đông Yên trân trọng tấm lòng của đồng bào phương xa. Nhưng khi những món quà biểu lộ những tấm lòng thành ấy chỉ cách họ có 300 mét thôi, họ đã phải buộc lòng từ chối đến nhận. Tại sao? Thưa: bởi vì ai cũng hiểu rằng 300 mét kia đã là nơi đang bị thế lực của sự dữ, sự bất chính và bất nhân chắn ngữ.

Và khoảng cách 300 mét kia chính là một cái hố mà nhà cầm quyền đã đào trong lòng người dân bao năm nay.

Một cuộc thăm viếng cảm động

Cũng trong sáng 16/6/2016, giáo dân Đông Yên bất ngờ nhận được những món quà vô giá từ Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt khả kính.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Linh mục, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã không tổ chức lễ lạt linh đình, nhưng dành tất cả những quà tặng và tiền bạc người ta tặng ngài để góp phần cứu trợ các nạn nhân của thảm họa môi trường Miền Trung.

Bất ngờ sáng nay, tại Đông Yên, ngài thực hiện chương trình mà ngài đã định đó.

Khi ngài vừa xuất hiện, nhiều người khóc thét lên, nhiều người già vặn tay khóc như trẻ con. Những tiếng khóc vỡ òa. Những dồn nén, oan ức mấy năm nay tự nhiên vỡ ra. Đoàn giáo dân Đông Yên hôm nay chẳng khác nào những đứa con cô đơn, đau khổ nay được gặp lại cha mẹ của mình. Quả thật, những giáo dân Đông Yên, những nạn nhân thảm họa liên tiếp của “nhân tai” nơi đây, nằm mơ cũng chưa bao giờ dám nghĩ có một ngày được đón Đức TGM Giuse đến thăm hỏi mình.

Đức Tổng đã cùng bà con vào nhà thờ. Ngài cùng giáo dân cầu nguyện, đọc kinh. Ngài ân cần hỏi thăm, động viên và chúc lành cho bà con giáo dân. Ngài căn dặn, trong đau khổ những người giáo dân phải can trường gìn giữ đức tin, làm chứng cho sự thật -công lý – hòa bình, sống yêu thương, tha thứ cho kẻ thù.

Ngài đã ân cần thăm hỏi động viên bà con nơi đây, chia sẻ và giúp đỡ cho họ, rồi chia tay. Mọi người lưu luyến xúc động chia tay ngài trong nước mắt.

Chỉ trong một buổi sáng 16/6/2016, 158 hộ dân Đông Yên gồm gần 1000 con người – những người đã không chấp nhận bỏ nhà cửa vô lý, quyết ở lại nơi quê hương mình dù phải đối diện với nhiều gian nan bởi “nhân tai” – đã trải qua hai thái cực hoàn toàn khác nhau với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ căm giận, nhẫn nhịn, kìm nén, thất vọng đến cảm xúc vỡ òa, sung sướng, tin tưởng, tín thác và tràn đầy hi vọng.

Ai của dân? Ai không phải của dân?


Thảm họa môi trường biển miền Trung đang gây ra những hậu quả khủng khiếp: môi trường biển bị hủy diệt, hàng chục triệu con người đối diện với hiện tại và tương lai khốn quẫn. Những hậu quả đó ảnh hưởng không chỉ một vùng miền và không chỉ một vài năm… Hơn ai hết, chính quyền phải đi đầu và chịu trách nhiệm chính yếu trong việc tìm ra nguyên nhân thực sự của thảm họa và tích cực giải quyết triệt để các hậu quả của thảm họa này, trước mắt cũng như lâu dài. Có thế, họ mới thực sự là chisng quyền “của dân, do dân và vì dân” như họ vẫn tự nhận.

Nhưng nhìn chọn lựa và cách hành xử của người dân Đông Yên trong buổi sáng 16/6, người ta hiểu ra: ai và cái gì thực là của dân; ai và cái gì không phải là của dân.

Thiết nghĩ, đây cũng là một cơ hội và là một bài học thêm cho những ai đang cầm quyền trong tay hiểu thêm rằng: Họ đang đứng chỗ nào trong lòng người dân.

Và họ cũng nên nhớ câu nói: Chèo thuyền là dân, nhưng lật thuyền cũng là dân.

Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh 16/6/2016.
JB Lê Trần
Nơi rốn thảm họa miền trung: ai là của dân và ai thuộc về dân? Reviewed by Phụng Thiên on 6/18/2016 Rating: 5 TNCG: Cùng trong một buổi sáng, gần 1000 người dân Đông Yên từ chối đến trụ sở chính quyền xã để nhận quà cứu trợ, nhưng vỡ òa niềm vui k...

Không có nhận xét nào: