Bài giảng đầy nhức nhối của linh mục Đặng Hữu Nam trước 6000 người - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 3, 2017

Bài giảng đầy nhức nhối của linh mục Đặng Hữu Nam trước 6000 người

(TNCG) 19-032-17 - Vào sáng ngày 19.03.2017, tại Giáo phận Vinh, hơn 6000 bà con giáo dân đến từ các giáo xứ: Phú Yên, Mành Sơn, Cẩm Trường đến giáo xứ Song Ngọc hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho các nạn nhân chịu thảm họa hủy diệt môi trường do Formosa xả thải.

Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình bắt đầu vào lúc 8 giờ cùng ngày tại giáo xứ Song Ngọc do cha Fx. Phan Đình Giáo, Quản xứ giáo xứ Cẩm Trường chủ tế, cha Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ giáo xứ Phú Yên giảng thuyết và cùng đồng tế có cha JB Nguyễn Đình Thục, Quản xứ giáo xứ Song Ngọc.

Bài chia sẻ Lời Chúa của cha Antôn Đặng Hữu Nam được soi sáng bởi bài Tin Mừng (Ga 4, 5-42). “Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.


Xin mời quý vị dõi theo toàn bộ bài giảng dưới đây:



….oo0oo…..

Kính thưa quý ông bà và anh chị em. André Frossard là nhà báo Pháp nổi tiếng với cuộc phỏng vấn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chính ông đã từng là một người cộng sản đầy xác tín. Ngày nọ, ông tiễn người bạn đến tu viện. Trong lúc chờ đợi, ông tò mò bước vào nhà nguyện. Trong phút chốc, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện tức tốc chạy đến người bạn và hô lớn: “Thiên Chúa hiện hữu. Đó là một chân lý”. Ông đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong quyển sách: “Thiên Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài”. Quyển sách đã trở thành những tác phẩm bán chạy nhất.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em. Dù cho chúng ta có chối bỏ Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn luôn chờ đợi chúng ta. Trên mọi nẻo đường, trước một ánh nến, trong một biến cố, qua những thời khắc, khung cảnh và sự kiện… Ngài đang chờ đợi chúng ta. Thiên Chúa như một người tình chung thủy lúc nào cũng chờ đợi chúng ta. Bao lâu chúng ta còn tìm kiếm, bao lâu chúng ta còn phấn đấu, bao lâu chúng ta còn hy vọng, thì bấy lâu Thiên Chúa vẫn chờ đợi chúng ta.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng chờ đợi người thiếu phụ Samari bên bờ giếng Giacob. Từ việc xin nước uống, Chúa Giêsu đã đưa người thiếu phụ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: từ một người lữ hành, sang một người Do Thái kỳ lạ, đến chỗ một tổ phụ, một tiên tri và cuối cùng nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Chị liền vội vàng chạy đi thông báo cho dân thành đến với Ngài. Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta “Nước hằng sống”.

Cuộc hẹn bất ngờ đã làm đảo ngược tình huống: Bây giờ người đói khát không phải là Chúa Giêsu nữa mà chính là người thiếu phụ Samari. Chính chị là người phải xin Chúa ban cho thứ nước ban sự sống đời đời.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em. Con người sinh ra trong giới hạn, nhưng lại mang khát vọng vô biên. Để thỏa mãn cơn khát đó, kẻ thì đánh lừa mình bằng cách tạo ra những thần tượng để đời đời sống mãi mà tôn thờ, kẻ thì lấp đầy khao khát đó bằng cách lăn xả vào những khoái lạc vật chất, thậm chí bằng mọi thủ đoạn, bất chấp luân thường đạo lý và cướp bóc bất công. Trong cõi nhân sinh này, con người không chỉ đói khát về cơm bánh mà còn phải chịu cảnh đói khát về tinh thần: đói khát yêu thương, đói khát công bình, đói khát chân lý, đói khát tha thứ, đói khát cảm thông và nhìn nhận.

Là con người, ai cũng có khát vọng được nhìn nhận: Tôi là một con người. Đó là chân lý hiển nhiên. Thế mà rất nhiều người chưa được nhìn nhận như là một con người. Người phụ nữ bên bờ giếng Giacob trong Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Dù đã năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, thế mà chị chưa được nhìn nhận là một người vợ? Phải chăng chị vẫn còn bị xem như một thứ “sở hữu” của người khác?

Người ta không chỉ khát khao được nhìn nhận như một con người mà con mong được nhìn nhận như là một người khác. Điều này nói lên sự độc lập, khác biệt của tha nhân đối với chúng ta. Ngay cả trong đời sống hôn nhân, dù nỗ lực làm cho “mình với ta tuy hai mà một” nhưng họ vẫn phải luôn ý thức để tôn trọng sự thật “ta với mình tuy một mà hai”. Bởi người ta sẽ chẳng còn là chính mình khi bị đồng hóa.

Là con người, ai cũng khát mong được chấp nhận và được đón nhận. Một trong những lẽ sống của con người là thấy mình còn có giá trị, còn hữu ích, được tôn trọng và đối xử công bằng. Có nhiều người đã phải tìm đến cái chết vì bị khước từ, hàm oan và bất công.

Nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta thấy: Một xã hội thiếu vắng tình người, sự ích kỷ, hẹp hòi, hận thù, ghen ghét đang hoành hành. Một xã hội được lãnh đạo bởi cảnh sát, nhà tù, dùi cui, chó nghiệp vụ và bọn côn đồ. Một xã hội được định hướng để sẵn sàng chà đạp lên công lý và sự thật, nhân phẩm và nhân quyền. Một xã hội được đặt trong tay những kẻ sẵn sàng khấu đầu thờ giặc, rước voi về giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà, đánh đổi cả công lao xương máu của tiền nhân để đổi lấy tiền, quyền và gái đẹp. Một xã hội đang bị nhiễm độc bởi chủ thuyết vô thần, con người chạy theo trào lưu tự do hưởng thụ, sống không có đời sau, chỉ tìm chiếm đoạt. Một xã hội đầy anh hùng nhưng thiếu vắng tình yêu. Một xã hội mà cái đẹp và chân lý chỉ nằm trên giấy tờ, băng rôn và khẩu hiệu. Một xã hội chuyên tuyên truyền, lọc lừa, gian dối, nói một đàng, làm một nẻo, mà lại toàn làm bậy. Một xã hội quái thai nên sinh ra những đứa con quái thú. Ngoại trừ các quan chức, tất cả đều là nạn nhân và là kẻ vô thừa nhận, bị loại ra bên lề cuộc sống. Tại Hà Nội, một nữ sinh trường cấp 3 Phan Đình Phùng bị bỏng nặng, bị tước đoạt sức khỏe, hình hài, mơ ước và tương lai. Trong khi nạn nhân phải từng phút chịu đau đớn và cố gắng giành giật sự sống thì nhà trường và những kẻ phải chịu trách nhiệm lại bỏ mặc. Một học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên bị xe ô tô cô hiệu trưởng đâm gãy chân trong sân trường thì được báo cáo là do chạy ngã. Cô hiệu trưởng đã tổ chức phát phiếu khảo sát với kết quả 100% giáo viên và học sinh làm chứng: “không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ô tô nào”. Chính cô hiệu trưởng còn chứng minh: “nhà trường có 3 ô tô nhưng chẳng có chiếc nào có màu như cháu Kiên nói”. Sau một thời gian dài đổ lỗi, lấp liếm, khi truyền thông vào cuộc, các thầy cô hiệu trưởng mới nhận lỗi, được điều chuyển công tác và huề cả làng!

Ở Hoàng Mai, Hà Nội, bé gái 8 tuổi bị nhân viên ngân hàng 34 tuổi xâm hại nhiều lần. Gia đình đã tố cáo, nhưng sau hơn 2 tháng “chờ giải quyết” công an mới làm việc nhưng cũng bằng không. Người này còn tuyên bố không ai “làm gì được” vì anh ta “có nhiều mối quan hệ”. Ở trường tiểu học Lương Thế Vinh, Thủ Đức, Sài gòn, một bé gái lớp 1 bị xâm hại tại lớp học đã phải kêu cứu đến báo chí. Sau 1 tháng vẫn chưa có kết quả điều tra. Lạ lùng thay các cô giáo và học sinh đều có câu trả lời như nhau: “không thấy ai” và càng lạ lùng hơn khi duy nhất camera ghi lại hiện trường lại mất dữ liệu vào đúng thời điểm một cách bí ẩn. Tại Vũng Tàu, một người 77 tuổi xâm hại 9 cháu bé nhiều lần được gia hạn điều tra thêm 2 tháng dẫu vụ việc được tố cáo đã gần một năm qua. Điều kỳ lạ là các xét nghiệm pháp y và đơn tố cáo của gia đình đã vô tình thất lạc! Dịp tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng kẻ phạm tội không bị xử lý. Những vụ kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 5.000 vụ được báo cáo chính thức trong 5 năm qua. Điểm chung của những vụ xâm hại này là các yêu râu xanh đều là “nhân tố thời đại heo chó mèo”, cực kỳ giàu có, tuổi trẻ, tài cao, nhà mặt phố, bố làm quan!

Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày có 3-4 trẻ em bị xâm hại. Hay nói cách khác, cứ 8 giờ trôi qua lại có ít nhất một trẻ em trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh”. Trong số các nạn nhân, có những cháu bị giết để bịt đầu mối, nhiều cháu bị đe doạ để không dám tố cáo. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), nhận xét: “Con số nó tăng lên theo báo cáo. Còn con số mà không được báo cáo thì không biết là bao nhiêu nữa”.

Cũng mới ngày 14/3 vừa qua, trong khi người dân thắp hương tưởng niệm các tử sỹ ngã xuống dưới họng súng của quân Trung cộng trong cuộc cướp đảo Gạc Ma thì bị nhà cầm quyền ngăn cản, sách nhiễu và đàn áp đẫm máu. Khắp dải đất hình chữ S này đâu đâu cũng có tượng đài ngàn tỉ, nhưng mạng người thì không bằng cái móng tay. Người dân khởi kiện Formosa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bảo vệ sự sống và tương lai con cháu giống nòi, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thì nhà cầm quyền cho là phản động, thẳng tay đàn áp. Thậm chí còn đe dọa, khủng bố, đòi khởi tố. Con rồng cháu tiên nay chỉ là những hình nhân. Trong khi đó ngày 15/3 vừa qua tại Đài Loan, người dân Đài Loan biểu tình, yêu cầu Formosa phải đền bù thỏa đáng cho người Việt và phải giải quyết triệt để thảm họa môi trường thì được nhà cầm quyền và cảnh sát Đài Loan bảo vệ. Người Việt chúng ta của cải bị cướp, nhân phẩm bị chà đạp, nhân quyền bị tước đoạt, tự do bị loại bỏ. Một đất nước có hơn 3000 km bờ biển lại phải nhập khẩu muối, một đất nước với hơn 90 triệu người, trong đó có đến 80% nông nghiệp lại phải đi nhập trứng gà. Trong khi đó người dân không chỉ lưu vong trên chính quê hương của mình mà còn phải đi làm tôi, làm điếm, làm ác một cách ồ ạt ở xứ người.

Những loại đói khát này không ai cứu nổi, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói với người thiếu phụ Samari: “Ai uống nước giếng nầy, sẽ vẫn còn khát…”, thứ nước này không giải khát hoàn toàn, nó vừa xoa dịu cơn khát, vừa duy trì và kích thích cơn khát: càng khát lại càng uống, càng uống lại càng khát…

Chỉ có Chúa Kitô, xuất phát từ Thiên Chúa vô biên có thể dạy chúng ta ý nghĩa khao khát đó. Ngài dạy chúng ta sống với vô biên, khát cái phải khát, và chỉ có Ngài mới có thể lấp đầy khát vọng vô biên của con người. Chính Đấng Vô Biên đã tạo ra trong lòng chúng ta cái khát vọng vô biên, không sao thỏa mãn, không sao lấp đầy đó. Chỉ khi nào gặp được Đấng Vô Biên trong Đức Kitô, lòng chúng ta mới được thỏa mãn mà thôi.

Thánh Augustinô, sau một khoảng đời đi tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền tài, tình yêu, hạnh phúc, cuối cùng đã chán ngán, ăn năn sám hối trở lại với Chúa và Ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, thế mà bấy lâu nay con chỉ mải mê tìm kiếm cái gì khác ở ngoài Chúa. Vì vậy lòng con luôn băn khoăn thao thức mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

Người thiếu phụ Samari khi gặp Đức Giêsu đã phải thốt lên với mọi người: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Phải chăng ông ấy là Đấng Kitô”. Khi dân thành Samari kéo đến gặp Chúa Giêsu và xin Ngài ở lại, họ đã hân hoan tuyên xưng rằng: “Không phải vì lời chị kể lại mà chúng tôi tin. Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng Cứu Thế”. Và cũng như André Frossard, một đảng viên cộng sản đầy xác tín đã phải thốt lên: “Thiên Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài”, không phải chỉ thốt lên bằng một lời nói mà bằng cả cuộc đời qua tác phẩm ghi lại kinh nghiệm gặp gỡ thiêng liêng ấy, một tác phẩm thuộc loại sách bán chạy nhất.

Chúa Giêsu là niềm khát vọng thầm kín, sâu xa của mọi người chúng ta. Ngài luôn chờ đợi và tìm đến gặp gỡ chúng ta trong khát vọng cơm nước tầm thường hằng ngày của chúng ta, để rồi chúng ta cảm thấy không phải chỉ cần có thứ cơm nước đó mới sống được, không phải chỉ có những thực tại vật chất ấy là đáng kể trong đời sống mà còn có những khát vọng tình yêu và hạnh phúc, độc lập và tự do, công lý và hòa bình…, và lắng sâu trong tâm hồn còn có khát vọng sự sống vĩnh cữu: Nước hằng sống.

Chúng ta phải làm sao để cảm thấy Chúa cần thiết cho cuộc sống của chúng ta, gắn liền với cuộc sống chúng ta như ánh nắng, như khí thở, như cơm ăn, như nước uống hằng ngày: “Ai uống nước Tôi ban cho sẽ không bao giờ khát nữa… và sẽ được sống muôn đời”. Ước gì mỗi người chúng ta hôm nay là Kitô hữu, là con cái và là môn đệ của Ngài, chúng ta góp phần giải khát cho tha nhân khi nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau và đón nhận nhau ngay trong hiện trạng của nhau. Cũng như góp phần làm thỏa mãn cơn khát của nhân loại qua công cuộc dấn thân cho công lý và sự thật để mọi người nhận ra được sự thật, nhận ra được chân lý mà chạy đến với tình yêu của Thiên Chúa. Và ước gì chúng ta biết dùng đời sống bác ái yêu thương của mình để minh chứng cho niềm tin của chúng ta và diễn tả cho tình yêu của Thiên Chúa. Amen.

Pv.GNsP
Bài giảng đầy nhức nhối của linh mục Đặng Hữu Nam trước 6000 người Reviewed by Thành Vinh on 3/20/2017 Rating: 5 ( TNCG ) 19-032-17 - Vào sáng ngày 19.03.2017, tại Giáo phận Vinh, hơn 6000 bà con giáo dân đến từ các giáo xứ: Phú Yên, Mành Sơn, Cẩm Tr...

Không có nhận xét nào: