#TNCG: Trung tuần xuân 2012, tôi bị chuyển từ trại B34 (Sài Gòn) ra trại B14 (Hà Nội) ở cùng dãy một cô tương tối đứng tuổi.
Nghe biết tin tôi là người Công Giáo lại, bị bắt với tội danh chính trị. Bắt sóng nói chuyện lúc, cô hỏi tôi:
- con có biết Oai không?
- Oai nào ạ?, tôi hỏi
- Oai, người Nghệ An bị bắt theo điều 79 đó con.
Tôi lờ đi như kiểu không biết vì chưa rõ người đang nói chuyện có phải là Ăng-ten cộng sản hay không. Cô nói về một vài điều về Oai mà cô biết. Tôi biết nghiệp vụ cộng sản thường cài người vào để điều tra tin tức, nhưng cũng thành thật nói:
- Lúc chưa bị bắt con có đọc được tin về việc anh Oai bị bắt trên báo chí.
Trao đổi một hồi cô hào hứng nói:
- Cô mới bị chuyển từ trên tầng xuống, cô ở gần phòng Oai. Oai hát hay và vui tính lắm.
- Ủa? hát hả cô? Tôi tò mò
- Ừ, cứ chiều chiều, và tối Oai hay hát lắm. Kể chuyện cười thì không nhịn được. Cô kể cách thích thú. “Cô và Oai hay nói chuyện, cũng hay bị bộ (cán bộ) nhắc nhở. Nhưng ở lâu mình cũng có nhiều cách xoay.”
Câu chuyện về Oai và một vài anh em trong trại thì nhiều, nhưng với Oai thì tôi cũng có ấn tượng hơn bởi vì trong ngày đầu tiên tôi ra trại B14 thì tôi nghe tiếng hát đâu đó trên tầng. Tôi còn nhớ đó là một bài về Hà Nội, nếu không lầm thì đó là “tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ…” và những giai điệu huýt sáo xen lẫn. Và cái cách liên hệ thú vị với người “hàng xóm” cùng dãy với tôi.
Thật ra tôi sẽ không nhớ câu chuyện trên nếu không bị cái cách liên hệ của anh với người khác. Chỉ huýt sáo chúc thôi, không nói câu nào. Hỏi thăm sức khỏe hay ăn uống cũng chỉ dùng huýt sáo. Bên hỏi bên huýt gió để trả lời.
Cái giai điệu “ … Từ độ người đi thương nhớ âm thầm. Có phải em là mùa thu Hà Nội…” trong chiều xuân nghe có vẻ hơi trái tự nhiên nhưng lại hợp tâm trạng tù nhân. Ai chẳng thương nhớ một ai đó trong chốn lao tù, nỗi nhớ của xa cách làm người ta chẳng màng đến mùa xuân.
Chẳng mấy người dám hát và hát hay. Anh Nguyễn Văn Oai vừa hát hay lại cũng khá hay hát. Hát lên cái tâm trạng của tù nhân và những câu chuyện cười cũng khiến vơi bớt nỗi nhớ, những nỗi nhớ vừa muốn quên mà lại thêm nhớ.
Khi ra khỏi tù tôi được anh vào thăm tận nơi. Anh em ôm chặt lấy nhau và nói về những kỉ niệm lao tù. Anh vẫn hay cười và cách ăn nói sang sảng thẳng thắn.
Khi ra miền Trung giúp các ngư dân, đêm anh nằm một giường tôi nằm một giường khác. Mấy anh em nằm nói chuyện, mà không nhịn được cười. Anh kể chuyện thời sinh viên và hơn hết là cái cách và giọng điệu anh thuật lại làm mấy anh em cười muốn rung cả giường.
Chẳng trách trong chốn lao tù có người nhớ tới anh vì cái giọng sang sảng và những câu chuyện tiếu lâm của anh.
Khi tôi bị chuyển lên dãy khác, cô ấy có hát cho tôi bài đã hát tặng anh Nguyễn Văn Oai trước khi chuyển phòng.
Những câu hát đó đến nay tôi vẫn còn ghi nhớ và cũng như một lời nhắn nhủ của bao người tới anh:
“Ðừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Ðừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng.
Em là tôi và tôi cũng là em.
…
Ðừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
Ðừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
…
Anh yên tâm, rồi sẽ đến một ngày kia!
Người em cùng khổ:
Paul Trần Minh Nhật
Không có nhận xét nào: