Thất nghiệp vì đại học - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 8, 2017

Thất nghiệp vì đại học

TNCG - Vài bữa trước, Bloomberg có bài "Ở Việt Nam, giáo dục tốt nhất có thể dẫn tới triển vọng nghề nghiệp tệ nhất" với lý giải là sinh viên Việt Nam dành khoảng 2 năm đầu tiên ở trường đại học để học Marx - Lenin nên sinh ra trường hợp học đại học xong không thể làm gì bèn đi chạy Grab Bike kiếm 250 uSD/tháng. Sự thất vọng của bằng cấp có vẻ đã được đẩy lên đỉnh cao so với kỳ vọng của những người đã chọn đại học làm mục tiêu cuộc đời (trong 4 năm).

Nhưng nếu bạn đọc báo cáo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho biết một sinh viên đại học Việt Nam cần trung bình 7,3 tháng để hoàn thành quá trình chuyển từ trường đại học ra một công việc làm đầu tiên ổn định, thì con số này có vẻ đáng suy nghĩ hơn nhiều. (1)

Một nhà tuyển dụng khi tìm người, sẽ dành cho nhân viên mới từ 2 -3 tháng để thử việc, trước khi quyết định nhận hay không nhận nhân viên đó. Nếu cần 7,3 tháng để thực sự chuyển mình từ lúc tốt nghiệp đến việc đầu tiên, nghĩa là rất nhiều người trẻ đã mất việc ngay từ vòng gửi xe đầu đời. Họ không thể vượt qua vòng thử việc với công việc đầu tiên, hoặc mất gấp đôi thời gian để thích nghi với công việc - trong khi thời gian trung bình cho phép của thị trường là 2 -3 tháng.

Tệ hơn, với 7,3 tháng trung bình để người trẻ thực sự có được việc làm đầu tiên ổn định, nếu so với một số hợp đồng lao động cho nhân viên mới thường bắt đầu ký chỉ 1 năm - 2 năm, thì 7,3 tháng có nghĩa là 3/4 thời gian hợp đồng (nếu là 1 năm) hoặc 1/2 thời gian (nếu là 2 năm). Chuyện kinh dị này có phần tiếp dành cho nhà tuyển dụng: sau khi dạy cho 1 nhân viên nên người với thời gian chịu đựng siêu dài 7,3 tháng - nhân viên sẽ nghỉ việc và tiếp tục lết qua công ty mới, coi như bao nhiêu công đào tạo ngày dài tháng rộng đi tong. Mà thôi, cái này bỏ qua một bên không nói, chỉ nói đến việc kiếm ít tiền và tốn thời gian thích nghi quá dài của người học thôi.

Bạn nào đi học cấp ba, hẳn đã từng có cái kiểu đi thi đại học/tốt nghiệp xong, bỗng nhiên nhận được giấy trúng tuyển tấp nập gửi tới nhà, dù có khi chẳng đăng ký nguyện vọng gì cái trường đó. Hồi nào tôi có quen một em thi được có 7 điểm mấy môn, cũng nhận được giấy báo trúng tuyển, em ấy vô cùng khấp khởi (vì nghĩ rằng điểm quá tệ thì toi chắc rồi), nay có “trường đại học” vẫn nhận mình nên khăn gói đi học. Ở đây thì rõ là chuẩn đại học bị hạ xuống, biến tướng, thoái hóa, thành ra đứa nào cũng có thể vô đại học. Đứa nào cũng tốt nghiệp đại học. Xã hội nghi nhận số con người có bằng đại học rất đông. Nhưng quy đổi thành việc làm thì các công ty không bao giờ nhầm. Nên đứa nào cố đấm ăn xôi nhảy vô mấy trường có mác đại học, chẳng học hành gì, nhắm mắt tin tưởng có bằng sẽ sống sót trong cuộc đời bất lực này thì nhầm to. Diễn giải vậy để hiểu, ok fine, số đứa có bằng tăng lên, nhưng xã hội chỉ cần đứa biết làm việc, nên cuối cùng có một đống đứa đi học nghề ngắn hạn mà học đàng hoàng vẫn có thể tìm được việc như ai.

Thứ hai, em nào giàu trí tưởng bở ba má em xài tiền dát đủ từ cổng trường tới sân khấu tốt nghiệp thì an tâm ra trường có lương ngàn đô thì hãy vui lòng tỉnh giấc. Tiền ba má em rải ở cổng trường là TIỀN HỌC. Tiền em có thể kiếm được là TIỀN LAO ĐỘNG. Hai đơn vị tiền tệ này, tuy cùng là tiền, nhưng không hề bỏ lên bàn cân cho ngang bằng nhau được. Đừng bao giờ nghĩ ủa tại sao tôi học trường hot ra mà anh chị dám đề xuất lương tôi dưới một ngàn (đô). Thứ khiến mí em kiếm được ngàn đô là khả năng của mí em, không phải tiền học ba má em bao show em.

Thứ ba, trường đại học ở Việt Nam thường gánh luôn trọng trách dạy nghề, hoặc kỳ vọng đáp ứng nghề nghiệp. Như bài trên Bloomberg thì cũng rõ vài điểm của quan niệm này, đó là cho rằng hai năm đầu học Marx - Lenin hoàn toàn vô ích. Nhưng nếu đi đuổi cùng giết tận cái vai trò của đại học, thì trường đại học mang trách nhiệm học thuật lớn hơn dạy nghề, nghĩa là có rất nhiều phần đào tạo của nó phải vì nghiên cứu khoa học. Nếu đem nó ra cân để 100% có nghề, thì hãy đi học nghề. Có rất nhiều cách học nghề thật sự giá trị, học nghề tại công ty, tại xưởng, tại trường nghề. Còn nói rằng tốt nghiệp tận đại học ra mà không thể làm cái gì ra hồn hay xin được việc làm thì cũng tội trường đại học - bởi khả năng chen lấn, húc đẩy và chiến đấu khi đi xin việc, trường đại học khó có thể tạo ra. Ngoài ra, nếu lái trường đại học vào mục đích dạy nghề thuần túy, ta sẽ hạ thấp vai trò học thuật quan trọng của trường đại học, nơi nghiên cứu phụng sự cho rất nhiều ngành nghề và xã hội. Cố nhiên Marx - Lenin hay Hồ Chí Minh dạy như cái quần què bậy bạ hết chỗ nói mà tốn hai năm thì hoàn toàn không phải khoa học, xin nói ngay cho vuông là vậy.

Thứ tư, là sự tự chủ của người học. Trong xã hội Việt Nam,sự tự chủ của người học giờ đây đã xuất hiện. Tôi đã gặp rất nhiều người thiệt giỏi và còn rất trẻ sớm tìm kiếm con đường mình muốn theo đuổi, cũng vì lựa chọn và tiếp cận đa dạng hơn, khi họ có thể làm các việc đặc thù yêu thích, hoặc đi làm ở các công nước ngoài qua internet trước cả khi tốt nghiệp (hoặc cấp ba).

Nhưng vẫn rất nhiều người trẻ có lẽ được ba má cho hết xừ mọi thứ rồi, khỏi lo gì hết, nên cũng khỏi động não suy nghĩ luôn đời mình cần gì và phải làm gì. Đáng kinh ngạc là bộ phận này ở nông thôn rất đông =))), cứ đọc các bài được học bổng nhà nghèo sẽ thấy, em sẽ học giỏi xứng đáng với công sức cha mẹ bỏ ra. Xong các em cũng ngừng luôn suy nghĩ là ngoài học giỏi các em còn cần phải động não xem thị trường cần mua gì ở em, cần gì ở sức lao động của em, cần gì để đón nhận em. Học trò nông thôn vẫn cứ nghĩ là tốt nghiệp xong xã hội phải có trách nhiệm đón nhận mình. Các em học giỏi ở nông thôn cũng rất nặng suy nghĩ này, các em nghĩ học giỏi xong là xã hội phải trải thảm hoa rải nước bông đón các em. Cái này là lầm lạc do cả nhà trường, báo chí, thầy cô tạo ra, vì cách dạy dỗ: cứ học giỏi sẽ thoát nghèo.

Học giỏi không thoát nghèo ngay được, cần làm việc nữa. Tốn tiền học nhiều cũng không có việc làm nhanh được, cần học cách làm việc đúng cách nữa.

Cuối cùng, tốn 7,3 tháng để chuyển từ đại học ra việc làm đầu tiên là một chuyến đi dài và vất vả - nhưng đừng đổ lỗi cho Grab Bike hay đại học. Mấy bạn cần phải xem mình đã xài thời gian trong khi học đại học đó để làm gì nữa cơ!

Khải Đơn
=========
Chú thích:
(1) http://www.ilo.org/…/…/documents/publication/wcms_537762.pdf
(2) bài trên Bloomberg: https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-08-20/in-vietnam-the-best-education-can-lead-to-worse-job-prospects

Thất nghiệp vì đại học Reviewed by Thành Vinh on 8/26/2017 Rating: 5 TNCG - Vài bữa trước, Bloomberg có bài "Ở Việt Nam, giáo dục tốt nhất có thể dẫn tới triển vọng nghề nghiệp tệ nhất" với lý giả...

Không có nhận xét nào: