Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tại nhà tù Rebibbia - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 12, 2011

Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tại nhà tù Rebibbia

Chỉ có Hài Nhi Bêlem mới giải phóng khỏi nhà tù nội tâm

RÔMA, ngày 18/12/2011 (ZENI.org) - Chỉ có Hài Nhi Bêlem mới giải thoát khỏi nhà tù nội tâm, ĐGH Biển Đức XVI nhấn mạnh khi ngài viếng thăm các phạm nhân tại nhà tù Rebibbia ở Rôma hôm Chúa Nhật 18/12/2011. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong Nhà Thờ tấn hiên cho Cha trên Trời. Đức Thánh cha đã lên tiếng kêu gọi chống nạn nhân mãn trong các nhà tù, và cổ võ các hình thức trừng phạt khác với sự cầm tù, giam giữ. Ngài đã nói với tất cả rằng ngài rất gần gũi với họ.

Hiện ở nước Ý có 206 nhà tù. Số chỗ giam giữ là 40.000, nhưng con số tù nhân đăng xoay quanh 68.000 người.

Sau đây là bản dịch bài diễn văn tiếng Ý của ĐGH Biển Đức XVI. Sau đó ngài đã ưu ái trả lới các câu hỏi của nhiều phạm nhân.

Thưa Quý Anh Chị Em


Với niềm vui lớn và lòng xúc động mạnh mẽ, tôi đến viếng thăm anh chị em sáng nay ngay tại nơi chốn này, trước lễ Chúa Giáng Sinh ít ngày. Tôi xin gửi đến tất cả lời chào mừng nồng nhiệt, đặc biệt đến bà Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, Paola Severino, đến các vị tuyên úy, và chân thành cảm ơn những lời tốt đẹp quý vị đã đón mừng tôi nhân danh anh chị em. Tôi xin chào ông Carmelo Cantone, giám đốc trại giam và các cộng sự viên, quý vị cảnh sát trại giam và những thiện nguyện viên đã đóng góp vào những sinh hoạt của trại giam này. Và tôi cũng đặc biệt thân chào tất cả, những tù nhân với tất cả sự gần gũi của tôi.

"Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han" (Mt 25, 36). Những lời phán trong ngày xét xử cuối cùng, Thánh Sử Gia Mathêu ghi lại, đã nói lên đầy đủ ý nghĩa cuộc viếng thăm của tôi hôm nay giữa anh chị em. Ở khắp mọi nơi có người đói khổ, có người khách lạ, có người bệnh tật, có người tù đày, ở đó có chính Đức Kitô đang đợi chờ chúng ta tới thăm viếng, giúp đỡ. Đó là lý do chính khiến tôi có hân hạnh hiện diện ở đây để cầu nguyện, đối thoại và lắng nghe. Giáo Hội luôn công nhận viếng thăm tù nhân là một trong những việc chứng tỏ lòng thương xót thể xác (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2447). Và việc thiện này đòi hỏi sẵn sàng đón nhận tù nhân, "bằng cách dành chỗ cho họ trong thời giờ, trong nhà riêng, trong tình bạn, trong luật pháp, trong thành phố của chúng ta" (x. CEI, Phúc âm hóa và làm chứng cho Đức Ái, 39). Tôi muốn được nghe tâm sự riêng tư của mỗi người trong anh chị em ; tiếc rằng chuyện này không thể thực hiện được ; nhưng tôi vẫn đến đây để nói với anh chị em rằng Thiên Chúa yêu thương anh chị em với tình thương vô tận. Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu, đã trải nghiệm tù đày, đã bị đưa ra xét xử tại một tòa án, và đã bị tuyên một bản án hung dữ, tử hình.

Nhân chuyến tông du của tôi tới quốc gia Bênin hồi tháng 11 vừa qua, tôi đã ký một tông thư hậu công nghị, trong đó tôi đã nhắc lại sự quan tâm của Giáo Hội đối với nền công lý trong các quốc gia rằng : "Cần cấp bách thực hiện hệ thống công lý và hệ thống trại giam độc lập nhằm tái lập công lý và cải tạo phạm nhân. Phải loại ngay những bản án oan sai và những hành động ngược đãi phạm nhân, rất nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền không áp dụng luật pháp và dẫn đến hiện tượng thủ phạm chỉ bị bắt giam sau thời gian dài ngoài vòng pháp luật hoặc không bị đưa ra tòa án xét xử. Giáo Hội công nhận sứ mạng ngôn sứ của mình đối với tất cả những ai dính líu tới tội phạm và nhu cầu hòa giải cũng như công lý và bình an của họ. Tù nhân là những con người, mặc dù tội lỗi của họ, vẫn xứng đáng được đối xử với sự tôn trọng. Họ cần sự ưu ái của chúng ta". (số 83)

Anh chị em thân mến, công lý loài người rất khác với công lý Thiên Chúa. Đúng là con người không có khả năng thực hiện công lý Thiên Chúa, nhưng ít ra con người phải chiêm ngưỡng, phải tìm cách đón nhận tinh thần của công lý Thiên Chúa, hầu công lý con người cũng được công lý Thiên Chúa soi sáng để tránh tình trạng thường xảy ra là tù nhân bị ruồng bỏ. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng mãnh lệt công bố công lý, nhưng đồng thời cũng là Đấng băng bó các vết thương với liều thuốc thương xót.

Dụ ngôn trong Tin Mừng Thánh Mathêu (20, 1-116) về những người thợ được gọi đến trong ngày để làm việc ở vườn nho, đã khiến chúng ta hiểu được sự khác biệt thế nào giữa công lý con người và công lý Thiên Chúa, bởi vì dụ ngôn này cho ta thấy rõ quan hệ tế nhị giữa công lý và lòng thương xót. Dụ ngôn kể một nông gia thuê thợ làm việc trong vườn nho của ông. Nhưng ông mướn họ vào giờ giấc khác nhau trong ngày, vì vậy nên có người làm suốt ngày và có người chỉ làm có một giờ. Đến lúc trả tiền công, ông chủ đã gây sửng sốt và làm nẩy sinh một cuộc tranh cãi giữa các công nhân. Vấn đề là lòng rộng lượng -bị coi như một sự bất công- của ông chủ vườn nho đã quyết định trả công đồng đều cho những người lao động từ giờ đầu đến những người tới làm giờ cuối vào buổi chiều. Dưới con mắt con người, quyết định này đúng là một sự bất công, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, đây là một hành động nhân lành, bởi vì công lý Thiên Chúa ban cho mỗi người cái đáng hưởng và bao hàm ngoài tiền công còn có cả lòng thương xót và sự thứ tha.

Công lý và lòng thương xót, cột trụ của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, là 2 thực tế khác nhau mà đối với loài người chúng ta chỉ phân biệt được một hành động công bình và một hành động tình yêu. Đối với chúng ta, là "công bình" có nghĩa "những gì phải trả cho kẻ khác", trong lúc "đầy lòng thương xót" có nghĩa là "những gì được ban cho vì lòng nhân từ". Nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải vậy : trong Ngài, công bình và bác ái là một ; không thể có hành động công bình mà không có lòng thương xót và sự tha thứ, và đồng thời, không có hành động thương xót mà tuyệt đối không có công bình.

Lôgic của Chúa khác xa với logic của chúng ta nhường bao ! Phương cách hành động của Thiên Chúa khác với phương thức của chúng ta nhường bao ! Chúa mời gọi chúng ta hãy nắm bắt và tôn trọng tinh thần luật pháp đích thực, để cho nó sự thể hiện đầy đủ trong tình yêu, đối với ai đang cần. "Yêu thương là chu toàn Lề Luật" (Rm 13, 10) : công lý của chúng ta sẽ càng toàn hảo nếu nó được thúc đẩy bởi Tình Yêu Thiên Chúa và anh em.

Các bạn thân mến, hệ thống giam giữ xoay quanh 2 nền tảng, cả hai đều quan trọng : một mặt là để bảo vệ xã hội trước những đe dọa tiềm ẩn, mặt khác, để tái hội nhập kẻ đã mắc sai lầm mà không chà đạp lên nhân phẩm của người đó, không loại trừ người này ra khỏi đời sống xã hội. Hai mặt này đều quan trọng và nhắm vào việc không tạo nên "hố sâu" giữa thực tế nhà tù cụ thể và nhà tù mà pháp luật hình dung, nhà tù dự trù như là một yếu tố căn bản của chức năng cải tạo tội hình và sự tôn trọng các quyền và phẩm giá con người. Mạng sống con người thuộc về một mình Thiên Chúa, chính Ngài đã ban cho chúng ta, và mạng sống này không thuộc quyền của bất cứ ai, kể cả thiện ý chủa chúng ta Chúng ta được mời gọi canh chừng viên ngọc quý của đời sống chúng ta và của tha nhân.

Tôi hiểu rằng nạn nhân mãn và tình trạng xuống cấp của các trại tù có thể khiến thời gian thọ hình thêm cay đắng : tôi đã nhận được nhiều thư từ của phạm nhân nói lên điều này. Quan trọng là các cơ chế phải xúc tiến việc phân tích tình hình các nhà tù ngày nay, kiểm soát các cấu trúc, các phương tiện, vấn đề nhân sự để cho phạm nhân không bị chịu hình phạt "kép" ; và cũng quan trọng là phải xúc tiến phát triển hệ thống nhà tù để, tuy vẫn tôn trọng công lý, vẫn luôn thích hợp với những đòi hỏi của phẩm giá con người, với sự khai thác những hình thức trừng phạt không phải là cầm tù, hay những hình thức giam giữ khác.

Các bạn thân mến, hôm nay là Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng. Chớ gì lể Chúa Giáng Sinh đã gần kề, sẽ đốt lên trong thâm tâm các bạn ngọn lửa hy vọng và tình yêu. Ngày Chúa Giêsu giáng sinh mà chúng ta mừng đón trong ít ngày nữa, nhắc nhở chúng ta sứ mạng là mang ơn cứu độ tới cho mọi người , không loại trừ ai cả. Ơn Cứu Độ không áp đặt, nhưng ơn cứu độ đến với chúng ta qua hành động yêu thương, và tha thứ mà chúng ta tự mình có thể chu tất. Hài Nhi Bêlem sẽ hạnh phúc khi tất cả mọi người đều hướng về Thiên Chúa với một tâm hồn mới. Chúng ta hãy nài xin Ngài trong sự im lặng và trong lời nguyện cầu cho được thoát khỏi nhà tù tội lỗi để được thật sự thoát khỏi sự xấu, những âu lo và cái chết ; chỉ có Hài Nhi này nằm trong máng cỏ là có quyền phép ban cho tất cả chúng ta ơn giải thoát trọn vẹn !

Tôi muốn kết thúc bằng lời nhắn gửi các anh chị em rằng Giáo Hội hỗ trợ và khuyến khích mọi nỗ lực nhằm bảo đảm cho tất cả một cuộc sống xứng đáng. Xin anh chị em hay tin chắc rằng tôi thân cận với mỗi người trong các anh chị em, với đình các anh chị em, với con cái các anh chị em, người trẻ, người già, và tôi cưu mang tất cả anh chị em trong lòng tôi trước mặt Chúa. Xin Chúa ban phép lành cho tất cả anh chị em và cho tương lai của mọi người.

Nguyên văn tiếng Ý : Liberia Editrice Vaticana - Bản dịch tiếng Pháp của Zenit (Anita S. Bourdin)

Mai Khôi phỏng dịch. 
 
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tại nhà tù Rebibbia Reviewed by Admin on 12/25/2011 Rating: 5 Chỉ có Hài Nhi Bêlem mới giải phóng khỏi nhà tù nội tâm RÔMA , ngày 18/12/2011 (ZENI.org) - Chỉ có Hài Nhi Bêlem mới giải thoát khỏi nhà ...

Không có nhận xét nào: